Liệu Việt Nam có thể chống đỡ nếu bị Trung Quốc gây áp lực về kinh tế?
Câu trả lời từ Kinh tế gia Phạm Chi Lan, người từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, là 'có'.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, bà Lan cũng giải thích động cơ thực sự đằng sau việc sơ tán dân ra khỏi Việt Nam của Trung Quốc
Trong lúc Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang đối đầu vì vụ giàn khoan HD-981, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia đã cho rằng căng thẳng kéo dài sẽ là điều bất lợi cho kinh tế Việt Nam.
BBC đã có cuộc phỏng vấn với kinh tế gia Phạm Chi Lan ngày 20/5 về những sự lựa chọn mà Việt Nam có thể có nếu bị Trung Quốc gây áp lực về kinh tế vì tranh chấp hiện nay.
Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
BBC:Hiện Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc đến đâu về kinh tế, và liệu phía Việt Nam có thể phản ứng ra sao nếu Trung Quốc quyết định gây áp lực về kinh tế với Việt Nam do xung đột trên Biển Đông, thưa bà?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Trên thực tế thì chắc cũng nhiều người biết, về mặt kinh tế, Việt Nam có khá nhiều sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các mặt rõ rệt nhất, trước hết là về thương mại. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc một số sản phẩm, nhưng đồng thời nhập khẩu rất nhiều.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc khi nào cũng nghiêng về nhập siêu ở phía Việt Nam.
Trung Quốc cũng là nguồn cung ứng rất nhiều thiết bị, các sản phẩm trung gian cho các ngành khác nhau, kể cả ngành xuất khẩu.
Nếu quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không sớm được cải thiện mà Trung Quốc có thêm những hành động khác để gây khó cho kinh tế Việt Nam thì trước tiên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và do đó ảnh hưởng tới một số ngành kinh tế của Việt Nam đang sử dụng vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về mặt này, Việt Nam có thể khắc phục được bằng cách chuyển sang buôn bán hoặc hợp tác với một số nhà cung cấp của các nước khác.
Việt Nam cũng là một thành viên của ASEAN, có rất nhiều quan hệ hợp tác với các nước khác trong cộng đồng ASEAN cũng như các nước châu Á Thái Bình Dương khác. Việt Nam cũng có quan hệ với các nước châu Âu, Hoa Kỳ, những nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu hoặc làm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam thay cho Trung Quốc.
Tất nhiên tuy là có bù đắp nhưng cũng sẽ có khó khăn cho Việt nam vì việc này tốn thời gian và chi phí có thể cao hơn.
Việt Nam hiện có rất nhiều dự án do Trung Quốc làm thầu. Nếu Trung Quốc có những động thái gây khó cho Việt Nam bằng cách khiến các dự án đó không tiến hành được như bình thường thì điều đó sẽ làm cho Việt Nam khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển của mình. Các dự án đó cũng sẽ gây tốn kém vì bị trì trệ.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng Trung Quốc rút dân khỏi Việt Nam sau các vụ bạo động để làm các nhà đầu tư lo ngại
BBC:Bà có cho là xung đột hiện nay có thể gây một tâm lý bất định cho nhà đầu tư và từ đó khiến FDI chảy ra khỏi Việt Nam không?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Về vấn đề niềm tin thị trường thì trong mấy ngày vừa qua đã có thể thấy là thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng, người dân mua vàng, mua ngoại tệ nhiều, gây những biến động nhất định.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ là ảnh hưởng sẽ đến mức khiến các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Việt Nam.
Việt Nam hiện vẫn là một môi trường đầu tư tốt và Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn như chuẩn bị sửa đổi luật doanh nghiệp, luật đầu tư theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài.
Vả lại Việt Nam đang trong quá trình cùng các đối tác liên quan hoàn tất một loạt các hiệp định tự do thương mại quan trọng, từ đó tạo thuận lợi rất nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Tôi tin là với triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam, với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và với quá trình hội nhập quốc tế đang tiến hành mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ giúp thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Những việc xảy ra trong mấy ngày vừa qua ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh là những cái chính quyền Việt Nam chưa kiểm soát được ngay và điều đó có ảnh hưởng đến nhà đâu tư.
Tuy nhiên chính phủ cũng đã có phản ứng kịp thời bằng cách tập trung khắc phục những việc đó, một mặt bắt giữ những kẻ gây rối cũng như tìm ra những nguyên nhân gốc rễ để giải quyết triệt để hơn về lâu về dài. Phía Việt Nam cũng đã tuyên bố, cam kết sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư khắc phục hậu quả.
Nếu quan sát thực tế trên thị trường thì thấy các nhà đầu tư sau một thời gian ngần ngại đã tiếp tục đầu tư như bình thường.
Trong thế giới hiện nay thì khó có chuyện Trung Quốc kêu gọi các nước rút các dự án đầu tư ra khỏi Việt Nam cũng như ngăn cản việc buôn bán, làm ăn với Việt nam. Mặc dù Trung Quốc là một thị trường rất lớn, rất mạnh và hầu như các thị trường đều quan tâm, muốn làm ăn với Trung Quốc.
BBC: Theo như bà nói thì nhà đầu tư đang bắt đầu quay trở lại Việt Nam, vậy bà nghĩ gì về việc Trung Quốc cho sơ tán hàng nghìn người dân của họ ra khỏi Việt Nam trong thời gian qua?
Kinh tế gia Phạm Chi Lan: Trung Quốc muốn cố tình làm vậy để giúp cho công cụ tuyên truyền của họ gây khó cho Việt Nam.
Họ muốn tuyên truyền ầm ĩ lên rằng ở Việt Nam đang có loạn, khiến người Trung Quốc cũng phải chạy đi để tác động các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ rất tỉnh táo. Mặc dù hệ thống truyền thông của Việt Nam không mạnh bằng Trung Quốc, nhưng trong thế giới internet phát triển ngày nay thì không dễ gì đưa ra những lời lừa bịp.
Vả lại ở Việt Nam đâu chỉ có Trung Quốc mà còn hàng trăm nước khác. Người ta có mặt ở tất cả mọi nơi, tự người ta sẽ chứng kiến và đánh giá tình hình ở Việt Nam là như thế nào.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét