Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Lan man về bệnh háo danh



Đào Dục Tú

Nhận diện sinh hoạt học thuật nước nhà nhiều năm trở lại đây -sinh hoạt học thuật, hiểu theo nghĩa dưới mức tương đối,người ta dễ thấy quá nhiều vụ đạo văn đạo thơ, đạo luận án ,đạo công trình khoa học cấp độ cao thấp khác nhau, biến hình biến dang . . . phong phú . Nhưng tất cả đều chung một điểm : theo kiểu “đủ trò đạo Chích” vừa hạ tiện vừa hài hước;kể ra cho hết thì là chuyện đánh đố nhau như “đố ai quét sạch lá rừng” ,toàn lá ứa ,lá sâu , dị hình dị dạng không thể làm nên sinh cảnh văn hóa dưới mức trung bình chứ đừng nói đến văn minh lành mạnh.
Chả lẽ đến năm thứ 14 thế kỷ 21 mà còn có người “bần hàn”, bần bách đến mức “thuổng” thơ của ai đó rồi nhìn trước ngó sau ,đem gửi cho một tờ báo ngành, tờ báo địa phương khác, xa cách địa chỉ đã đăng bài, chỉ vì một động cơ duy nhất là kiếm mấy đồng lẻ nhuận bút kèm thêm chút danh hão khoe mẽ với gia đình ,bè bạn ?. Chả lẽ những người đã từng giữ cương vị trong guồng máy kinh tế hay công quyền, có người đã thuộc hàng “vua biết mặt chúa biết tên” vẫn thấy chưa thỏa nguyện ,muốn cái danh của mình hoành tráng và thâm hậu hơn nên cần công trình tầm cỡ mang tên mình trong khi mình không phải là “chuyên gia chuyên vào ” khoa học công nghệ và khoa học xã hội nhân văn ? Chả lẽ các vị “cuối trào tại chức” muốn kéo dài chế độ bao cấp thực tế-bao cấp lý thuyết đã bãi bỏ từ lâu, cần kiếm thêm học vị cao hơn, biết đâu thời trọng văn bằng học. . . giả lại giúp cho cái “học hàm” của mình cao hơn ,sang hơn; những mong cả danh lẫn thực đều vị lợi cả !. Quá nhiều cái chả lẽ. . .Sự đời tưởng thật như đùa. Có ông khoe đến bốn mươi năm tròn nghiên cứu quảng bá thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Té ra ông ta “thuổng” công trình của một giáo sư Trung Quốc đã được dịch và Nhà xuất bản quan trọng hàng đầu –Chính Trị Quốc Gia, ấn hành .Mà ông ta “tiếp thu có sáng tạo” kiểu này mới chết con người ta chứ ! Ví như “nhất thiết phải” . . . sáng tạo thành ” không thể không”; ví như “hợp nhất hai huyện Bình Trị và Quả Đức” . . .sáng tạo thành ” Quả Đức hợp nhất với huyện Bình Trị” . . . Đại loại thế ! Lại có vị hình như chả dây mơ dễ má gì với một nhà thơ Sài Gòn cũ có tư chất lãng tử và thi nhân, tên là Vũ Hữu Định “thất lộc ” sớm sau giải phóng miền Nam , nhưng đã kịp để lại cho đời nhiều bài thơ ,nhiều câu thơ “dễ thương” ví như ” may mà có em đời còn dễ thương” . . . cũng “thuổng ” bài của tác giả hiện định cư bên Đức “tri âm” với người thơ họ Vũ. Thật chả ra làm sao những người không cần tiền thì lại cần danh ,hay cần cả hai thì không biết nữa ! Chỉ biết rõ một điều ,không ít vị đạo văn đã từng giữ cương vị xếp sòng to nhỏ cao thấp khác nhau. Có lẽ các vị muốn danh thơm hơn chắc, nhất là ở tuổi xế chiều hoàng hôn đổ dốc ? Ấy là người viết suy nghĩ lan man thế.
Chợt nhớ câu thơ tài danh của cụ Nguyễn Công Trứ tài danh vào hàng lỗi lạc thời phong kiến . . . ngày xưa . : ” Làm trai đứng ở trong trời đất –Phải có danh gì với núi sông”. Tôi chỉ mong mọi sự suy đoán “chả lẽ’ của mình “trật đường rầy” hết . Ừ người ta háo danh-tôi “liều’ đoán “háo” thuần Việt là biến âm của “hiếu” gốc Hán Việt-nghĩa là ham, cũng là chuyện . . .”người ta thường tình” như Hoạn Thư nói về “sự ghen tuông” trong cảnh “một ông hai bà”, có gì đáng bàn . Điều đáng bàn là ở chỗ ham danh là ham danh đúng nghĩa của từ danh ,danh tiếng ,danh dự bằng tài sức ,công trạng của mình do người đương thời hay hậu thế đánh giá , phong tặng ,vinh danh chứ không phải ” thuổng” cả tâm lực ,tài lực,thành công của người khác nhằm “bôi tên” mình. Và danh là danh với núi sông ,non sông đất nước ,danh với quốc gia dân tộc như cụ Nguyễn Công Trứ dù có lúc từ hàng tướng rơi xuống binh nhì, còn bị. . . hình như đánh đòn phạt ! Cụ vang danh dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tới mức được dân các vùng Tiền Hải ,Kim Sơn duyên hải Thái Bình ,Nam Định lập sinh từ “thờ cụ” khi cụ còn tại thế ,nếu tôi nhớ không nhầm !
Chao ôi nghĩ giữa chữ hiếu danh mà cụ Trứ hiểu và cảm ,đồng thời thực thi tài kinh bang tế thế của mình với cái. . . háo danh của con cháu thời a-còng và những hành xử đạo chích “quái thai ngâm dấm” của họ ,thấy hiu hắt buồn buồn làm sao ! Hậu sinh khả úy thế ư hả giời ? ! . / .
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: