Trường ca “Đợi… chuyến đò đã lỡ” của Nguyễn Hoàng Đức.
Lâm Thu Hiền cảm nghĩ
1. Nỗi đau mang tên Tình Yêu trong ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ
Với tôi, nỗi đau của ái tình luôn buồn nhưng đẹp. Tuy nhiên, đó phải là nỗi đau của xa cách, sai lầm, tan vỡ chứ đau đớn của bị phản bội, bị tổn thương, bị rẻ rúng…thì thà “cai yêu” còn hơn. Chúng ta đều thấy các mối tình tuyệt đẹp và bất hủ của nhân loại từ cổ như Romeo-Juliette, Kim Trọng-Thúy Kiều …chí kim như cha Ralph-Meggie (trong “Thorn Birds”), Scarlet-Red Buttler (trong “Gone with the wind”), Robert Kincaid- Francesca (trong “Bridges of Madison County)…đều chia ly đấy thôi. Đến như người Việt ta, từ nông thôn đến thành thị đều tán thành một cách thổn thức rằng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Nghe “nhạc vàng” quá!!!
Cho nên, ĐỢI…CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ là một khúc bi ca của tình yêu.
“…Ôi đau khổ
có nước mắt phân ly
giành cho ngày gặp mặt
có máu chảy đang đúc kèn đồng
để rúc lên khúc khải hoàn ca
có mồ hôi chẳng nhọc lòng
bởi thấy lúc mừng vui
ngày gặt hái
Đau khổ có hy vọng là đau khổ của sự sống…” (Chương I)
“…mọi hình ảnh và ký ức
của tình yêu chúng ta
gió hai bờ tê dại
tái hiện
khúc chia ly
giữa lòng ta đau đớn…” (Chương I)
Còn nhiều đoạn nữa nhưng dẫn ra đây thì dài lắm. Nhưng, YÊU, XA, TAN và ĐAU trong trường ca này ngập tràn, vây bọc bởi NHỚ, KHÁT, ĐỢI. Nỗi nhớ nhung, buồn đau trong đây sâu như vực, sánh như mật nhưng là nỗi đau đầy nhân tính và cao quý vì người đàn ông biết rằng “bởi khi trao chính là khi nhận lấy”.
2. Dục tính trong ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ
Tình dục là sự thăng hoa và đỉnh cao của tình yêu. Nó là ga cuối của con tàu ái tình. Thơ tình mà thiếu nó, với tôi, như một món ăn ngon lành, bổ dưỡng và đẹp mắt mà quên cho muối. Ai né tránh nó trong đời sống, hoặc cho là hoặc là kẻ đạo đức giả hoặc là người thiệt thòi. Trong thơ, văn, nhạc, họa…của nhân loại, tình dục được miêu tả quá đẹp đẽ và cao quý. Ở Việt Nam, chúng ta thấy trên trống đồng hay trong việc thờ cúng của người Chăm đấy thôi. Trong thơ Việt, tình dục được “vẽ” quá đẹp;
“Môi em hé mở, một vùng cỏ hoa” (Bùi Giáng)
hay “Thăm thẳm miền em, mườn mượt cỏ đồi
Anh áp mặt, tràn môi lăn lóc
Đất ứa nhựa ấm nhuần mưa móc
Mườn mượt cỏ đồi, thăm thẳm một em thôi” (Bùi Minh Quốc)
và, “Có một đêm em làm cây thánh giá” (em không nhớ tác giả)
Tôi thấy dục tính trong ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ như hai vị thuốc “đương quy” (cho phụ nữ), “hoàng tùy” (cho nam giới)- hai vị thuốc thuộc chủng…Viagra. Người đọc thẩm được chúng sẽ thấy thân nhiệt từ từ tăng và thậm chí…bốc cháy!!! Đây nhé:
“…cánh tay chưa ôm
sẽ nuôi mùa tưởng tượng
được hóa đê quai bé bỏng
chạy ôm hồ nước mênh mông
vỗ sóng si mê dào dạt
đôi môi chưa thỏa
sẽ khô cháy như hoang mạc ươm mùa hy vọng
về cuộc tái sinh toàn thể
ngay khoảnh khắc thần tiên
khi nụ hôn đầu giáng chớp si mê
đôi mắt chưa chìm trong mắt
sẽ bơi không biết mỏi
trên các tầng trời
lục bới từng đám mây vất vưởng
tìm khuôn mặt người yêu
hồn chưa thỏa
sẽ tra hạt si mê
nhân giống khát khao mỗi phút gieo trồng
đợi mùa thu hái
chân chưa thỏa
sẽ níu nhau từng bước
từng bước một giữa chốn xa xăm
dấu chân chầu quanh lời nhung nhớ
tiếng yêu thương vong một lối về
và tình chưa thỏa
kề ranh giới tội đỉnh si mê…” (Chương I)
“…Em!
Anh!
hai thân xác
lao về phía nhau
rẽ sóng
như hai chiến hạm
cháy vạn năng
sức mạnh của lòng khao khát
lâu ngày
neo dính mãi cô đơn…” (chương IV)
Dục tính trong ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ vừa giàu hình ảnh và dữ dội cỡ “nghiêng trời lệch đất”. Nỗi nhớ và khao khát của con tim và thân xác như những trận cuồng phong, động đất… Quá nóng và mạnh!
ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ của tác giả không khó đọc mà cũng chẳng kén độc giả. Những ai kiên nhẫn và tò mò (như tôi) là đọc được và thích. Còn những ai đã trải qua nỗi đau của “sinh ly tử biệt” , những ai đã và đang yêu đến rã rời thân xác và cạn kiệt con tim thì ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ sẽ chạm đến trái tim và châu thân họ.
Xét đến tận cùng, yêu, được yêu, đau rồi tan như người đàn ông và người đàn bà trong ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ cũng là một “hồng ân, thiên phúc” của một kiếp người. Bởi lẽ, lỡ kiếp sau ta không được đầu thai làm người thì có phải uổng phí con tim và thân xác của kiếp này không. Còn nữa, thà chia ly như họ để rồi tiếc, nhớ nhau còn hơn nhiều cặp cứ lay lắt, mỏi mòn, rệu rã, chắp vá…đi cạnh cuộc đời nhau chỉ cốt để “đủ đôi”. Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng trân trọng những đôi lứa thấm đẫm chất “tào khang” như trong những câu thơ;
“Mong em về trước cơn mưa” (Thu Bồn)
hay “…Biết rằng sắc sắc không không
Những mong em cố nán lòng chờ nhau
Tử sinh ai cũng một cầu
Em đi anh biết bạc đầu cùng ai?” (thầy Lương Ngọc Lợi – Viện KH & CN Nhiệt Lạnh – ĐHBK Hà Nội) và cũng rất xúc động khi nhìn những ông bà già tóc bạc phơ dắt nhau bước thấp bước cao trong công viên.
Với tư cách là một độc giả, tôi có vài cảm nhận về ĐỢI… CHUYẾN ĐÒ ĐÃ LỠ của anh. Tôi chúc anh “chân cứng đá mềm” đi trên con đường đầy chông gai của mình- một con đường mà số đông chẳng “dại” rẽ vào.
Đầu hạ 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét