Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

CHUYỆN CÁI GIÀN BẦU

Truyện ngắn của VQO

Mấy hôm nóng bức, người ta chỉ uống bia với đậu lướt ván hoặc mút kem thay cơm. Nhưng nhà em vẫn đủ 2 bữa ngọt lành bởi bữa nào cũng có một nồi canh bầu mát rượi.

Mà không phải chỉ có mấy ngày nắng nóng gần đây thôi đâu nhá, cái chiến dịch canh bầu này đã có hơn tháng rồi, hết nấu với tôm, lại luộc lại xào... Hôm qua em mới hỏi con mụ vợ em rằng:
-          Sao ngày nào bà cũng mua bầu vậy, tuy rằng nó ngọt lành mát bổ đấy, nhưng ăn mãi cũng phải chán chứ ?
 Mụ vợ em mới nói rằng:
-          Tôi có mua đâu, bầu nhà bác Trung đấy, bên bác ấy có cái giàn bầu sai quả lắm, bác ấy làm giàn kín sân, vừa mát sân lại thoải mái quả ăn, ngày nào bác ấy cũng cắt cho nhà mình 3, 4 quả, bác ấy thế mà thảo lảo quá, nhà mình thì..
 Tôi hơi tẽn tò vì trách nhầm mụ vợ, lại còn bị mụ vợ bóng gió trách lại rằng "nhà mình nhiều đất thế,  không trồng được mà ăn..."

Buổi chiều tắm rửa xong tôi ra vườn thẩn thơ cho mát, ngó sang bên sân nhà bác Trung thì quả nhiên có một giàn bầu xanh mướt, hàng trăm quả lớn nhỏ treo lủng lẳng, hoa nở trắng, ong bướm dập dìu. Tôi cứ ngắm mãi cái khoảng sân mát rượi xanh mướt ấy mà thèm, mà trách mình lười nhác, thôi thì giời để sống sang năm vậy, tôi sẽ trồng một giàn bầu thật lớn cho mụ vợ biết tay. Ờ mà các cụ nói "muốn ăn bầu trồng đầu tháng 9" bây giờ là tháng 5 có lẽ cũng sắp chuẩn bị hạt giống, tre nứa là vừa. Tôi đi đến bên chặng rào mà ngắm ngía, thầm nghĩ ngày này sang năm nhà mình cũng có một cái giàn bầu xanh mướt như thế.

Ừ sao mà... sân nhà bác ấy lát gạch hết, trồng vào đâu bác ấy đào gạch lên à ? hay trồng vào bồn vào chậu?  

Tôi tò mò đi đến sát chặng rào tăm tia sang, tôi cố tìm cho ra các dây bầu, lần theo tìm cái gốc, theo cái gốc bò lan man dưới nền gạch, rồi lần hồi thì... tôi tá hỏa tam tinh. Bà con làng nước ơi, có ai đời cái gốc bầu nó lại cắm ở bên này chặng rào, trên đất nhà tôi. 
  Cái cảm giác mơ màng ban nãy biến mất, cả cái tình hàng xóm ơn nghĩa ngọt lành như bát canh bầu cũng biến mất. Máu trong người tôi sôi lên, tôi cố rướn người há giọng gọi như hét:
-         Bác Trung đâu, bác Trung đâu, ra đây, ra đây.
Từ trong nhà nghe tiếng rít thuốc lào, tôi biết bác ấy đang có nhà nên tôi không gọi nữa mà đứng đợi. Lát sau có tiếng guốc lộc cộc trên nền gạch, rồi bác ấy xuất hiện dưới dàn bầu, bác ấy ngó sang chỗ tôi  nói :
-         Chú Việt hả, có chuyện gì đấy, sang đây ngồi uống nước cho mát.
Tôi vội đáp ngay:
-         Vô phép bác, nước nôi gì, bác ra đây em bảo.
Bác Trung chậm rãi đi ra, vừa đi vừa hỏi;
-         Có chuyện gì thế ? 
Bác ấy vừa tới chỗ chặng rào thì tôi đã dẫm chân bình bịch vào cái ụ đất đắp lên gốc bầu mà hỏi lớn:
-         Thế  ... này là thế nào? sao bác lại trồng lên đất nhà em?
Bác Trung lại chậm rãi hơn:
-         Ôi dào, tưởng chuyện gì, có thế mà chú làm ầm lên.
Tôi vội quát;
-         Thế thế là thế nào, bác trồng trên đất nhà em còn thế nào.
Bác ấy vẫn cứ thủng thẳng:
-         Chú bình tĩnh để tôi nói. Chú thấy bên nhà tôi đấy, các cháu thì đông, đất lại ít, chúng nó làm nhà làm cửa hết cả rồi, sân sướng lát gạch không chừa ra tí nào, tôi muốn dựng cái dàn bầu giữa sân làm bóng mát, lại có quả ăn, nhưng không lẽ đi đào gạch lên. Bên chú đất rộng như thế, tôi chỉ có cắm cái gốc sang bên đó, dàn bên sân nhà tôi, chú có ảnh hưởng gì đâu. Tôi có ăn mình đâu, hàng ngày tôi vẫn sai các cháu mang sang biếu chú thím đấy chứ.
 À thì ra là thế, tức đến tận cổ cái con mụ vợ tôi, mà cái lão Trung này cũng khinh  người quá đáng, vườn nhà người ta, ai cho ông cái quyền tính toán thiệt hơn lợi lộc trên đất người ta như vậy. Tôi mới sửng cổ lên:
-         Bác nói thế mà nghe được à, vườn nhà em; bác tự tiện trồng cây lên, hút hết cả thổ nhưỡng màu mỡ sang bên nhà bác. Nhà bác thì được bóng mát và canh bầu cải thiện hàng ngày, nhà em thì mai đây đất bạc màu không trồng gì được nữa. Dù sao láng giềng với nhau, bác cũng phải hỏi em một tiếng xem em có đồng ý không đã chứ... em nói cho nhanh, em mà cắt phựt 1 cái là bên nhà bác quả non quả già, dây lớn dây bé héo bằng hết, 1, 2 ngày là bác dỡ vội chứ còn đâu mà mát mới chả bổ.
Bác Trung vội xua tay:
-         Ấy chớ, chú đừng có nóng, chú nghĩ mà xem, vườn nhà chú có ảnh hưởng gì đâu, bao năm bỏ hoang cũng vậy thôi, giờ tôi ké cái gốc bầu sang bên đó cũng là làm tươi cho đất, ngày nào tôi cũng tưới tắm ẩm đất, giun dế mới kéo đến kêu vui tai ra phết.
Tôi nghe bác Trung phân tích thiệt hơn 1 hồi cũng cảm thấy vui tai thật, tôi ậm ừ thêm mấy câu để ra vẻ không bị á khẩu rồi đi vào. Bác Trung nói theo:
-         Chú không sang uống nước thì thôi, lát tôi bảo các cháu cắt mấy quả thật to mang sang biếu chú thím.
Cả buổi chiều tôi cứ nghĩ ngợi thiệt hơn, dù sao cũng tưng tức trong họng, nhưng nghe lão Trung nói thấy cũng xuôi tai. Bữa cơm tối chan chứa nào là bầu xào , bầu luộc, bầu nấu tôm khô. Nhưng tôi thấy nghẹn trong cổ không nuốt nổi, cố lùa lưng bát cơm vào họng tôi vội đứng lên sang nhà cụ Ấn. Cụ Ấn là người đức độ, hiểu sự đời và rất công bằng, trong xóm tôi hễ ai có chuyện khúc mắc hoặc gia đình nào vướng hung sự gì cũng đến vấn ý cụ. 

Tôi trình bày hết nhẽ sự việc, cả những suy nghĩ hơn thiệt của tôi về cái giàn bầu ấy, cụ Ấn thong thả giảng giải cho tôi cái lý và cái lẽ ở đời. Có một điều cụ dặn tôi trước khi ra về rằng :
-         Lão Trung đã trồng được cây bầu qua bên chặng rào, thì tới đây mùa nào thứ ấy, lão ta sẽ trồng tiếp mướp, bí, dưa, gấc rồi đến thiên lý là thứ quanh năm, vậy cứ nể nang, cứ chờ đợi mùa này sang mùa khác, biết khi nào lão ấy mới nhổ đi. Năm này sang năm khác, lâu dần con cháu lão ấy lại tưởng đó là đất nhà bên ấy, rồi có khi là tranh chấp, rồi có khi đổ máu...
Tôi về suốt đêm cứ mông lung nghĩ ngợi, không biết tính sao, cắt phựt 1 cái là xong mọi chuyện, cắt luôn cả tình làng nghĩa xóm.  Nếu cứ để đó thì hiện tại cũng chẳng sao , lại có bầu ăn hàng ngày, mà giả sử mấy hôm nữa lão ta có trồng mướp thì nhà mình cũng có mướp ăn, trồng dưa lại có dưa ăn.
Thế nhưng “để lâu c.. trâu hóa bùn” có khi mất đất cũng nên  .....???

Ai có lời khuyên nào cho cái thằng dân ngu ...u đen như tôi để rạng cái đầu ra, để cử xử với bác hàng xóm cho phải nhẽ. Tôi cám ơn lắm lắm





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: