Các trí thức mà cụ thể là các nhà khoa học xã hội Việt Nam cần phải thực hiện vai trò trọng yếu của mình. Họ không thể né tránh mãi các vấn đề mang nhãn "nhạy cảm" để bỏ mặc những ung nhọt tồn tại trong xã hội.
Lửa bắt nguồn từ đâu?
Khi lửa đã tắt, bụi đã lắng trong các nhà máy ở Bình Dương cũng là lúc chúng ta phải tự vấn mình tại sao điều đó lại xảy ra? Việc tự vấn này không chỉ giúp chúng ta tìm được sự thật trong hỗn độn thông tin, hỏa mù và các thuyết âm mưu được tung ra trên mạng Internet, mà quan trọng hơn để hiểu xã hội Việt Nam đang ở trong tình trạng gì, tại sao, và việc chấn hưng dân tộc cần bắt đầu từ đâu, theo hướng nào.
Những chuyện như trên có thể xảy ra trong bất cứ xã hội nào, ở phương Đông hay phương Tây, ở nước đã phát triển hay đang phát triển. Nhưng có một điều chung đó là nguyên nhân sâu xa của những sự kiện như vậy thường đã tồn tại âm ỉ trong xã hội, nó chỉ đợi một biến cố hay sự kiện để châm ngòi. Hiểu điều này để chính phủ có những điều chỉnh về chính sách và giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Câu hỏi nguyên nhân nào gây ra sự cố như ở Bình Dương vừa qua (259 đối tượng gây rối sắp đem ra xét xử) cũng cần các nhà khoa học xã hội Việt Nam trả lời.
Tại sao Công đoàn không phải là nơi người công nhân tìm đến để tổ chức bãi công, biểu tình hoặc không tham gia bãi công, biểu tình? Đâu là những khó khăn của Công đoàn trong việc hoàn thành sứ mệnh đại diện cho quyền lợi của công nhân, trong đó có quyền thể hiện ý chí tập thể? ? Tìm ra nguyên nhân gốc rễ để Việt Nam cải cách tổ chức công đoàn, và người công nhân có được niềm tin và lá chắn bảo vệ.
Liệu chủ nghĩa "băng nhóm" đang hình thành cũng là một câu hỏi quan trọng vì có nhiều giả thuyết cho rằng công nhân bị kích động bởi những nhóm "côn đồ" không rõ danh tính. Nếu thực sự như vậy, thì những hoạt động của các băng nhóm trong xã hội đô thị rất nguy hiểm, chính quyền địa phương và lực lượng an ninh phải vào cuộc.
Một nguyên nhân khác, đó là sự tức giận với hành vi sai trái của Trung Quốc mới là nguyên nhân chính dẫn đến bạo động.
Nếu như vậy, năng lượng người dân cần được hướng vào đâu để nó đóng góp tích cực trong việc phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền thay vì đập phá gây hại cho thế và lực của dân tộc? Yêu nước và bảo vệ chủ quyền khác với Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chúng ta cần làm rõ trong giáo dục, truyền thông để tránh những hậu quả đau lòng.
Công nhân phản ứng việc kích động bạo lực khiến công ty đóng cửa. Ảnh: Facebook Thiên Định
Các trí thức không thể né tránh
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra bạo động để chúng ta phòng ngừa là một điều quan trọng, nhưng nghiên cứu cách chúng ta phản ứng với bạo động cũng quan trọng không kém. Có lẽ, đây là một trong những "nghiên cứu trường hợp" để chính quyền, hệ thống chính trị và xã hội dân sự nhìn lại hiệu quả đối phó của mình.
Ngoài trách nhiệm đầu tiên và chính yếu thuộc về chính quyền cơ sở, thì câu hỏi lớn đặt ra về vai trò của mạng lưới chân rết các đoàn thể trong việc giải quyết các cuộc bạo động này như thế nào? Câu trả lời chắc chắn là có ích cho các nhà làm luật khi họ đang triển khai hiến pháp năm 2013, và xây dựng hoặc sửa đổi một loạt các Luật, trong đó có Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Một điều cảm động được nhiều người nhắc đến đó là có nhiều nhóm tình nguyện là thanh niên, là người dân địa phương đã tự tổ chức, tuyên truyền và thuyết phục những người công nhân đang "hăng máu" đập phá ngừng lại. Đây cũng là những hiện tượng cần nghiên cứu. Những người dân có một mục đích chung, tự hội tụ và hành động, tạo ra hiệu ứng lan tỏa và tích cực. Như vậy, các không gian dân sự tự nguyện này nên được phát triển như thế nào để xã hội có thể phản ứng nhanh, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng cũng cần được nghiên cứu.Nó sẽ giúp cho việc xây dựng Luật về hội mà Quốc hội đã cho vào kế hoạch trong năm 2015-2016.
Trong quá trình tự vấn này, các trí thức mà cụ thể là các nhà khoa học xã hội Việt Nam cần phải thực hiện vai trò trọng yếu của mình. Họ không thể né tránh mãi các vấn đề mang nhãn "nhạy cảm" để bỏ mặc những ung nhọt tồn tại trong xã hội, dễ dàng gật đầu với những "liều thuốc bổ cho những những căn bệnh cần phải mổ".
Họ cũng là một thành tố quan trọng trong các cuộc tranh luận xã hội, đưa ra các bằng chứng khách quan hơn là các ý kiến chủ quan, giúp xã hội trở nên thông thái và tỉnh táo hơn. Nếu không có họ xã hội sẽ hành xử cảm tính, a dua và lao theo đám đông làm những điều khi tỉnh táo họ sẽ ân hận.
Và hy vọng, các nhà khoa học xã hội sẽ không bỏ qua hiện tượng xã hội quan trọng này để khỏi phải ân hận vì đã không làm tròn sứ mệnh của những người trí thức của dân tộc.
Vừa qua, 54 tổ chức xã hội dân sự VN đã ra tuyên bố phản đối hành vi phá hoại hòa bình của Chính phủ Trung Quốc.
Tuyên bố nêu rõ: quyền sống trong hòa bình là một quyền cơ bản của con người, dù người đó là người dân tộc thiểu số, di cư, phụ nữ hay trẻ em, người đó sống ở Việt Nam, Singapore, Thái Lan hay Trung Quốc. Trách nhiệm của các chính phủ và các tổ chức quốc tế là đảm bảo hòa bình để nhân dân các nước mưu cầu hạnh phúc và thực hành quyền phát triển của mình. Đây chính là đòi hỏi của luật pháp quốc tế mà các Chính phủ có trách nhiệm phải tuân thủ. Đây cũng chính là tinh thần của Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước Luật Biển quốc tế (UNCLOS, 1982), trong đó xác nhận quyền vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý kể từ đường cơ sở của quốc gia.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua chính phủ Trung Quốc liên tục có những tuyên bố và hành động đi ngược lại tinh thần của luật pháp quốc tế ở biển Đông. Những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ, và hành vi xâm lấn mang tính áp đặt của Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Philippine, Malaysia và Brunei. Gần đây nhất, tháng 5 năm 2014 Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981, cùng nhiều lực lượng có vũ trang hoạt động tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, phá vỡ thỏa thuận "Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định" như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, 2002) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Bảo vệ hòa bình, duy trì an ninh và các quyền con người là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân Việt Nam, nhân dân ASEAN, và cộng đồng quốc tế.
Lời kêu gọi nêu rõ: "Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan và các phương tiện vũ trang ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và an toàn của người dân, đặc biệt là hàng triệu ngư dân Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc chấm dứt mọi hành vi vi phạm những quy tắc cơ bản của luật quốc tế, không có những hành động tương tự ở biển Đông gây phương hại đến hòa bình, ổn định và an toàn hàng hải ở khu vực và quốc tế".
Đồng thời, đại diện các tổ chức nói trên cũng đề nghị Chính phủ cập nhật thông tin thường xuyên về biển Đông cho nhân dân...Nhân dân Việt Nam, nhân dân ASEAN, nhân dân Trung Quốc và nhân dân các nước lên tiếng kêu gọi Chính quyền Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền sống trong hòa bình và thực hành sinh kế của nhân dân, đặc biệt là ngư dân Đông Nam Á.
|
Lê Quang Bình
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét