Vào những ngày này cách đây 39 năm, chiến trường Miền Nam đang dầu sôi lửa bỏng, tiếng gầm rú của máy bay, xe tăng đạn pháo, mùi khói súng, cảnh đổ nát, tiếng la khóc lẫn tiếng hò reo… đang bao phủ khắp Miền Nam và rồi ngày cuối cùng của tháng tư cũng là ngày cuối cùng của cuộc chiến đẫm máu, vì thế nó là những kỷ niệm sâu sắc vui buồn đáng nhớ nhất của cả kẻ thắng người thua mỗi tháng tư về.
Với thiên nhiên, tháng tư thật là tuyệt vời, khí hậu trong lành mát mẻ, lác đác có những trận mưa rào, cây cối hoa màu đang đơm hoa, nảy lộc, mầu xanh đang hồi sinh trở lại với thiên nhiên hoa lá. Bổng tôi được nghe lại bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát khiến tôi xúc động, trong đó có đoạn:
“ Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên.
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống vì đất nước cần một trái tim”
Vậy là đã ngót 40 tháng tư trôi qua, nếu chúng ta ngồi thật yên để nhìn rõ quê hương đất nước này, chúng ta sẽ thấy chúng ta đã làm được gì, phát triển kinh tế ra sao, chính trị, quốc phòng thế nào và hơn kém bạn bè trong khu vực cái gì… ắt hẳn mỗi người chúng ta nhìn thấy quá rõ.
Sau chiến tranh đất nước vô cùng khó khăn, đó là tất yếu, nhiệm vụ lúc đó là tập trung vào hàn gắn chiến tranh, phát triển kinh tế xây dựng đất nước. Khốn nỗi thời đó đường lối lãnh đạo của Đảng là phải lấy tư tưởng Mác, Lê Nin làm kim chỉ nam là bất di bất dịch. Được biết có nhiều cán bộ có tư tưởng tiến bộ cởi mở, biết mười mươi đó là đường lối cứng nhắc nếu cứ đi con đường này thì kinh tế đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng không dám ho he là vì nói ra là đi ngược lại tư tưởng của Đảng, coi chừng lại vạ vào thân. Mãi đến năm 1988 Trung ương Đảng mới có cuộc cách mạng đột phá về nông nghiệp, nghị quyết 10 ra đời, người nông dân được giao đất, làm chủ ruộng đất, nhà nước thu sản lượng tức là khoán 10. Từ đây người nông dân được cởi trói, nền kinh tế thay đổi hẳn. Từ nền nông nghiệp lạc hậu lỗi thời, người nông dân làm ra hạt thóc mà không đủ ăn đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì Thế giới. Điều đáng nói ở đây là trước đó hơn 20 năm, một người đã mạnh dạn đề xuất thay đổi cơ cấu phát triển nông nghiệp theo kiểu khoán hộ, đó là một bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Kim Ngọc, nhưng lập tức ông đã bị trì chích và đích thân ông Trường Chinh ra chỉ thị, Kim Ngọc phải làm kiểm điểm và tự nhận "có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ". Nay thì cố bí thư tỉnh ủy Vinh Phúc lại được Đảng nhà nước ca ngợi hết lời, ghi nhận những đóng góp công lao, trí tuệ của ông cho sự nghiệp đổi mới của cách mạng Việt Nam, bởi ông là cha đẻ của khoán 10, nhờ có khoán 10 mà Việt Nam mới thay da đổi thịt. Ông đã cứu cả dân tộc này thoát khỏi đói nghèo, ông thật xứng đáng được tôn vinh. Ông được nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương HCM. Người ta đúc cả tượng đồng, dựng cả bộ phim dài nhiều tập ca ngợi về ông. Hóa ra cấp trên sai lầm nghiêm trọng chứ Kim Ngọc không sai. Ông đã đi trước Đảng cả vài chục năm và giá lúc đó Đảng nghe ông thì kinh tế Việt Nam đã thay đổi khá nhiều.
Gần đây trong một phóng sự về nông thôn mới trên truyền hình, người ta lại nhắc đến cái tên Phùng Gia Lộc. Ông là nhà văn nhà báo, ông sinh ra và lớn lên ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông không có những đề xuất đường lối đổi mới như Bí thư Kim Ngọc, nhưng ông lại là người dám mạnh dạn, thẳng thắn nhìn vào một sự thật, dám viết về những sự thật, đấu tranh với những cái trớ trêu gai mắt của xã hội, cái cùng cực của người nông dân với “ác bá cường hào” thời hiện đại vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Vào nửa đêm “Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực...” đoàn thu sản vào từng nhà còn thiếu nợ, xăm soi lùng sục, vét từng hạt thóc, không có thóc thì người ta tịch thu tất cả những gì có trị giá đồng tiền, từ đồ dùng ít tiền cho đến nhiều tiền, từ cái phích nước, bàn ghế tủ giường, cho tới lợn gà trâu bò, xe đạp… Tiếng khóc lóc van xin lẫn tiếng quát mắng, khiến người ta liên tưởng đến cảnh chị Dậu thời hiện đại. Khi bài bút ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” của ông được đăng trên báo văn nghệ cuối năm 1987 khiến không ít bạn trẻ không thể tin nổi vào thời hiện đại lại có cảnh như thế. Bài viết mô tả sự thật của những đêm dài tăm tối hồi ấy, với nhân vật thật, tên tuổi thật, đại đa số những người ấy đến nay vẫn còn đấy, khiến họ đã tự nhìn lại mình và cũng nhờ bài viết ấy mà cả xã hội đã bừng tỉnh, Ấy thế nhưng lúc đó ông đã phải chịu nhiều áp lực, người dân thì ca ngợi ông gọi ông là anh hùng thời đại, nhưng cũng có những người trì chích ông, khiến ông phải chịu nhiều hệ lụy.
Rất tiếc rằng khi người ta nhìn ra sự thật thì cả hai ông Kim Ngọc và Phùng Gia Lộc không còn nữa, nhưng giá trị về nhân cách, tính thẳng thắn và tinh thần đấu tranh tinh thần trách nhiệm với dân tộc với Tổ quốc thì vẫn còn đấy và bài học giá trị vẫn còn đấy. Trong thời mở cửa còn biết bao câu chuyện tương tự, như các dự án đầu tư xây dựng của nước ngoài, chuyện khai thác tài nguyên, biển đảo, an ninh quốc phòng, chuyện trong đảng, chuyện ngoài dân… Chắc chắn hôm nay có những người đang bị trì chích thì 5-10 năm sau họ lại được hết lời ca ngợi. Nhưng tiếc rằng có những cái sai lầm còn làm lại được nhưng cũng có những sai lầm vĩnh viễn không thể lấy lại được và thời gian sẽ làm chậm trễ sự phát triển kinh tế đất nước.
Xã hội ngày nay không còn là thời của ông Ngọc, ông Lộc, không còn những lớp sương mù bao phủ khiến người dân không nhìn rõ sự thật ù mờ giữa trắng đen, và càng quan chức thì nhìn càng rõ hơn ai hết nhưng liệu một bên là lợi ích dân tộc, một bên là lợi ích cá nhân làm sao thắng được cái lợi ích cá nhân mới là khó.
Nói như trong bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa “đừng tưởng người dân không biết gì. Nhầm đấy” người dân là người nhìn rõ nhất, cái gì mà người dân không biết, cái gì mà che được mắt người dân và ý dân là ý trời, có điều là quyền của người dân được đến đâu. Tôi rất thích bài viết gần đây của anh Khoa, cứ nói chống tham nhũng khó “Chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều mình có muốn làm thật hay không? Còn nếu muốn làm thật thì cứ giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay. Cán bộ ai thế nào, dân cũng biết hết. Đừng tưởng dân không hiểu gì. Nhầm đấy!”
Nếu cứ để dân làm chủ, thực hiện như cụ TBT Nguyễn Văn Linh nói “dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra” thì ngày nay làm gì có cả bầy sâu, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên biến chất.
Thiết nghĩ nếu như biết tôn trọng và biết lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân thì đất nước này đã khác xa.
Quả thật đất nước này đang cần, rất cần một trái tim.
Tre Làng SHARE
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét