Những câu thơ (như) bụi đời
Đào Dục Tú
.
Cách đây tròn mười năm, cũng vào một ngày đầu tháng tư âm lịch như thế này, khi mà ánh bình minh đầu tiên vừa ló rạng phía núi Chè vùng Kinh Bắc xưa, tôi cùng một nhóm các ông trong khung tuổi 60- 70 bắt đầu đi bộ ra cánh đồng làng, vừa tập thể dục vừa giao lưu trò chuyện. Ông Tề cán bộ quân đội về hưu có vẻ khật khừ, không thấy linh hoạt như mọi bữa.
Tôi hỏi “ông anh sao thế ?” . Ông cười cười mà nét mặt rầu rầu “thời tiết giao mùa, người cứ mệt mỏi thế nào” . Tưởng chuyện vãn thế thôi. Một thoáng sau, ông đọc tiếp câu thơ như. . . “ca dao làng” tôi chưa từng nghe: “Tháng ba cau chửa ra buồng- Tháng tư cau đẻ người còn ngẩn ngơ”. Rồi ông . . . bâng quơ thêm “ngẩn ngơ, buồn buồn, bà ấy hỏi chả nuốn nói; cháu gọi cũng chả muốn chuyện…”
Một câu lục bát không “hoa lá cành”, với tôi, đáng nhớ không chỉ bởi “nói chuẩn” thời tiết giao mùa. Mùa xuân vừa qua nhưng . . . chưa qua hẳn, sáng tinh mơ vẫn thấy lành lạnh. Mùa hè đã sang nhưng . . . chưa sang hẳn. Đi mấy trăm bước người vẫn ráo hoảnh mồ hôi. Tiết trời này người cao tuổi sau một đêm thường ngủ chập chờn, thường nhiều mộng mị, sáng dậy ” tự cảm” thấy mệt mệt như người . . . muốn ốm dở. Người rơi vào trạng thái thẫn thờ “ngẩn ngơ”.
Câu ca “đèo” thêm “phương ngữ quê” , “chửa” vừa là “chửa đẻ” vừa là “chưa” biến âm. Cảm câu ca dao làng thế nào cũng được. Tháng ba cau “ôm buồng” dưới tán lá trên cao, cau chửa; hay tháng ba chưa thấy cau “chửa” mà tháng tư đột ngột thấy cau đẻ rồi, một buồng cau non treo lơ lửng hứng ánh bình minh.
Có thể người làng tôi còn quá vất vả cực nhọc với đồng đất mùa vụ, với đủ chuyện “hai nhà” nhà nông, nhà quê thời nào cũng nan giải “đau đầu”, mấy ai còn bụng dạ thảnh thơi mà ngắm buồng hoa cau sắc vàng tươi, tỏa hương thơm thanh khiết cả một khung trời. . . mộng mị !. Thêm lý do phụ, nhà tôi trước cửa cũng có hai cây cau cao đều nhau “như đôi đũa không lệch không cần so” chừng bẩy, tám mét. Bức tranh quê “hoa cau rụng trắng sân nhà. . .tôi’ cũng thân thuộc lắm, nên tôi thích câu ca dao làng vừa dẫn!
Thời còn ngồi trên ghế khoa văn đại học nơi sơ tán “đói ăn thường trực” mà vui đời vùng Đại Từ “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” (Tố Hữu). Nơi đây lúc bấy giờ tuy không còn là “lam sơn chướng khí” như thời xưa nhưng vẫn còn đấy những cảnh “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” hay “ve kêu rừng phách đổ vàng” như thơ Việt Bắc của Tố Hữu tả.
Ông thầy hướng dẫn khóa luận tôi tự đề xuất “Thiên nhiên trong truyện Kiều”, thời đó chúng tôi chỉ thân kính gọi là thầy, không ai gọi giáo sư. . .trịnh trọng như thời bây giờ, đã cho tôi một câu ca dao cũng tuyệt hay về ý nghĩa nhân sinh:”Sự đời nước mắt soi gương- Nghìn năm chỉ một mình thương lấy mình”. Thời bom đạn chiến tranh, một buổi trưa đạp xe ngược dốc Thị Cầu thị xã Bắc Ninh đổ nát, thầy giáo của tôi đã nghe được câu ca ấy qua tiếng ru ru con bên ven đường cái quan.
Hơn 40 năm qua rồi không gặp lại người thầy khả kính chuyên nghiên cứu và giảng dạy văn học cổ Việt Nam; nhưng câu ca dao ru trẻ nhỏ thời đạn bom xa xưa ấy thầy kể tôi nghe trong câu chuyện thầy trò, giản dị bên quầng sáng ngọn đèn dầu đêm sâu khu sơ tán, tôi vẫn nhớ như một ám ảnh. . . vượt thời gian! Cũng phải thôi thầy ơi, có ai “sống thay” được mình mà “thương mình” như . . .mình!
Tuổi trời càng cao, chả biết nên vui hay nên buồn đây, nghiệm thấy câu của các cụ nhà mình đúng quá đi mất “Cha sinh con giời sinh tính”. Cha mẹ cho ta xương cốt hình hài làm người; còn xương cốt tinh thần của ta là bởi “ông xanh” tạo dựng. Ngày xưa cụ Nguyễn Gia Thiều tài hoa bậc nhất gọi “ông xanh” là con tạo, hay cái quay định mệnh: ” Cái quay búng sẵn trên trời- Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung oán ngâm).
“Ông hoàng thơ tình” của Việt Nam- Xuân Diệu- thì khẳng định trong một câu thơ lãng mạn đệ nhất “ta là một, là riêng, là thứ nhất”. Từ bậc vĩ nhân đến người bình thường, mỗi người quả là một thế giới riêng không lắp lại, dù nhìn từ góc độ phổ quát khoa học duy lý phương Tây hay duy cảm tâm linh phương Đông. Chuyện đó xưa như trái đất.
Mọi bản sao. . . .kiểu nhân bản vô tính về mặt tinh thần trước sau đều dẫn tới thất bại, đổ vỡ, tàn lụi. Chuyện tưởng giản đơn thế mà có một thời kéo dài đến mấy thế kỷ, người ta cố tình hay vô ý, không ý thức được điều đó. Người ta đã tìm đủ mọi cách, dùng đủ mọi áp lực, mánh khóe, thủ đoạn những mong “trúng khẩu đồng từ” nặn người thành bi đất, muôn người như một, sống, nghĩ và nói giống hệt nhau, chỉ khác tên cha sinh mẹ đẻ đặt.
Người ta quên mất một điều quá tối giản, chỉ có thể mặc đồng phục cho thể xác, không cách nào mặc đồng phục cho tinh thần, dù cho có là đồng phục vua ban chúa cấp! Đã có lãnh tụ xem mình vĩ đại. . . như mặt trời, “đông phương hồng mặt trời lên”, xếp trí thức văn nghệ sĩ xuống hàng thứ chín, định danh mai mỉa là “chú chín thối” ,dưới cả gái mãi dâm tức… con đĩ!
Cuộc cách mạng mang tên Văn Hóa ở xứ sở cửa Khổng sân Trình biến thành hiểm họa phi nhân bản tầm . . . nhân loại như thế nào, là một hệ lụy kinh hoàng, vô tiền khoáng hậu, chôn sống chôn chết biết bao nhiêu trí thức văn nghệ sĩ tài năng xuất chúng!
Sự đời nước mắt soi gương- người Việt mình sau mấy thế kỷ chiến tranh vì “lịch sử chọn làm điểm tựa” buộc phải “gồng gánh lịch sử” trả giá đắt bằng núi xương sông máu, trả giá đắt cho thời hậu chiến bao cấp kinh tế, bao cấp tư tưởng quẩn quanh mấy chục năm “đi đường vòng thúng” phí công vô ích, đã mấy ai quên.
Chả cứ người Việt; “trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu” (thơ Tố Hữu) cho đến tận thế kỷ 21 vẫn là “sự đời nước mắt soi gương”. Còn “nghìn năm chỉ một mình thương lấy mình”, có gì đáng bình giải nữa ngoài chuyện “nghìn năm” chỉ là cách nói thậm xưng, một thủ pháp nghệ thuật nhấn mạnh, gây ấn tượng quen thuộc của một tộc người kéo cầy nền văn minh lúa nước “quen tư duy trực cảm, hình tượng”
Đến một giới được người đời gọi là hàn thử biểu tinh thần ,”cây đàn muôn điệu “(Thế Lữ) mà có thời vừa tự trói, vừa bị trói đến mức một tác giả tài danh lẫy lừng bậc nhất cũng chỉ còn biết thở than mình sống được là nhờ biết sợ; nói mà nước mắt rơi lã chã “chảy ngược vào trong”! Và người đứng đầu chính thể “thời cởi trói” phải kêu gọi họ tự cứu mình trước khi trời cứu!
Trước khi chấm hết bài tạp cảm phiếm đàm dài dòng văn tự, người viết xin được nói thêm: Hai câu ca dao dẫn ra trong bài này chẳng có gì liên đới liên tưởng với nhau. Một của làng tôi, một của làng người, một của người làng cho tôi, một của thầy giáo dạy văn đại học cho tôi, ngữ cảnh hoàn toàn khác biệt.
Tôi xem như hai câu thơ lục bát dân gian. Mượn cách nói của một nhà văn- nhà thơ tài hoa bậc nhất văn đàn Việt hiện đại ví von văn nghệ sĩ là hạt bụi mang ánh sáng tư tưởng, tôi ví hai câu đó nói riêng, ca dao nói chung như hạt bụi đời mang ánh dương quang mùa xuân- dù mùa xuân đã cạn ngày thật rồi! . / .
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét