Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Đi Trường Sa bắt cá chuồn


(BBT) - Những con cá chuồn bay vèo vèo trên mặt nước như những con chim chao cánh đùa với sóng biển.Lúc cá chuồn “vượt nước” là chúng tôi vớt bỏ vào xô. 2 - 3 giờ bắt là có thể được 4 - 5 kg.
Cá chuồn không chỉ bắt để làm mồi câu các loại cá lớn khác mà đem nấu chua để cải thiện chất tươi khi đi dài ngày trên biển… Và xung quanh nồi lẩu cá chuồn, những câu chuyện đời, chuyện nghề của phóng viên, của các cán bộ chiến sĩ làm chúng tôi xích lại gần hơn để Trường Sa như chưa bao giờ xa…

Trong chuyến đi Trường Sa kéo dài hơn 1 tháng vừa qua, do gấp gáp nên tôi chẳng chuẩn bị gì nhiều. Đi tàu Hải quân HQ 571 dù tương đối tiện nghi nhưng do đi dài ngày nên rau xanh và cá tươi hầu như “vắng bóng”.
Trong cái “khó ló cái khôn”. Rất may là đoàn Bình Thuận có anh Nguyễn Hữu Quý - thành viên Ban chỉ đạo tuyên truyền và phát triển biển - đảo của tỉnh có mang theo lưỡi câu, cước và cần câu nên Phòng C11 ở tàu HQ 571 của đoàn Bình Thuận, Báo Tiền Phong và Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã câu được ít cá để “ăn giặm”.

Do ở trên tàu cả tháng nên ban ngày ngoài chuyện viết lách, tán gẫu… thời gian còn lại vào buổi tối khá rảnh. Vì vậy, sau buổi cơm tối hầu hết cán bộ, chiến sĩ và phóng viên tập trung ở 2 bên mạn tàu hóng gió. Lúc này cũng là thời điểm vớt cá chuồn để làm mồi câu cá đêm.
Để vớt được cá chuồn cần phải thắp bóng đèn điện cao áp, có độ sáng cao và rộng sẽ “hút” cá chuồn đến càng lớn. Sau khi bật đèn chừng 10 phút, cá chuồn thấy ánh sáng sẽ kéo đến. Một chiếc vợt lưới hình tròn rộng chừng 40 cm, sâu khoảng 60 cm buộc chặt với cây tre dài khoảng 4,5 m. Đứng ở boong tàu khá đông người, ai cũng mong bắt được nhiều cá, nhưng… chỉ có 2 người cầm vợt sẵn sàng chờ những con cá chuồn bay vèo vèo trên mặt nước là… vớt.
Tuy nhiên vớt cá chuồn trên không khó hơn lúc cá chuồn vừa ngoi đầu lên mặt nước lấy tư thế để bay, lúc này vớt cá dễ hơn. Đèn sáng, cá kéo vào từng bầy, 2 cái vợt cứ vậy thi nhau bắt cá. Vui nhất là lúc thấy có con cá  to bơi từ xa vào dưới ánh đèn, mọi người xúm lại chỉ trỏ, chờ vớt nhưng bắt bị… trật. Đã vậy, những con cá vớt không được như say bóng đèn cứ lượn lờ trước mặt cả trăm người khiến không khí sôi động thêm khi nhiều người cay cú “bắt con cá hồi nãy kìa, nó cứ trêu ngươi mà vớt không được là…dở”.

Cá chuồn vớt được khá nhiều kích cỡ, con bằng 2 ngón tay thì làm mồi câu cá nhỏ, con cỡ 3 ngón tay trở lên thì dùng câu cá lớn. Vùng biển Trường Sa cá lớn rất nhiều, lại toàn loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá mú, thu bè, cá hồng, cá sơn, cá ngừ… Những loại cá này rất “hảo” mồi cá chuồn nên cán bộ sĩ quan trên tàu hàng  đêm có khi câu được 20 con cá ngừ, mỗi  con nặng từ 5 - 20 kg và có con nặng 50 kg.
Với dân đi câu chuyên nghiệp trên tàu đánh bắt xa bờ, ở Trường Sa cá ngừ đại dương hay cá mú câu được mỗi con nặng từ 100 - 300 kg là chuyện… thường. Phòng tôi có anh Quý hay ra mạn tàu câu đêm, có đêm câu tới sáng mới thôi. Còn tôi là người đi theo cổ vũ tinh thần cho các “chiến sĩ câu” và mượn cớ để bắt cá chuồn là chính.

Ngoài ra, do anh Quý có dụng cụ câu nên các phóng viên ở Báo Quân đội nhân dân, Phòng không Không quân, Nghệ An và một số sĩ quan trên tàu ra đảo công tác thường tới mượn “đồ nghề” để câu. Do vậy, khi câu được cá bự là cho lại phòng để… bồi bổ. Tuy nhiên, không phải đêm nào các “chiến sĩ câu” cũng câu được cá lớn. Đôi khi sóng to, gió lớn cả 3 đêm vẫn câu không được con nào. Vì vậy, vớt được cá chuồn để cải thiện chất tươi và…nhậu là phương án tối ưu nhất của nhóm nhà báo chúng tôi.
Cá chuồn vớt được vài kg đang “nhảy tưng tưng” đem bỏ vào nồi nước sôi, cho gia vị vào và thêm ít cải chua là thành…nồi lẩu “ngon nhứt thiên hạ”. Bởi độ tươi, ngọt và thịt dai của cá chuồn cộng thêm vị  của cải chua nên chỉ cần nấu sôi lên, mùi thơm tỏa ra là cả tàu HQ 571 đã nhốn nháo “Phòng C11 làm lẩu cá chuồn rồi đó”.

Nói không ngoa chứ từ lẩu cá chuồn mà hàng chục phóng viên từ Bắc tới Nam và một số cán bộ ở trên quần đảo Trường Sa tụ họp ở phòng tôi để giao lưu tình cảm. Người có rượu, bia, người có mì tôm…đem lại “xử” cùng lẩu cá chuồn. Những câu chuyện đời, chuyện nghề cứ thế làm chúng tôi xích lại gần hơn và Trường Sa như chưa bao giờ xa…

Theo Trần Thi (Bình Thuận Online)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: