Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Học nỏ hành thì học làm chi?



Đào Dục Tú
Nếu có ai hỏi tôi điểm yếu cốt tử nhất của giáo dục nước nhà trong nhiều thập niên vừa qua,tôi không ngần ngại trả lời là học không đi đôi với hành. Chứng minh lời bình nghị cá nhân này không khó.Ai cũng thấy nhãn tiền một kết quả đáng buồn lặp đi lặp lại nhiều năm, là hầu hết sinh viên các trường sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, nếu
4
không rơi vào hoàn cảnh không kiếm được nơi thực thi học thức chuyên môn thì cũng là đi làm tạm bợ trái nghề học, hoặc sui sẻo hơn, phải  bị động ngồi chờ trái sung may mắn rụng xuống thềm nhà . Đã thế hàng loạt trường  “đại học dân doanh” ở nhiều tỉnh ,ở nhiều ngành kinh tế mũi nhọn mũi tù ra đời không theo một lộ trình quy hoạch khoa học thực tiễn nào, ngành ngành mở đại học,tỉnh tỉnh mở đại học ,khiến tình trạng thừa người bằng cấp, thiếu người biết làm việc, càng gia tăng bội nhiễm.Đã có nhiều dịp hội chợ lao động được tổ chức ở những trung tâm kinh tế khoa học lớn,hàng đầu như thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp lắc đầu ngao ngán bởi lẽ mới qua khâu vấn đáp có tính sơ tuyển thôi mà cả đống hồ sơ không thấy mấy ai đủ chuẩn tuyển dụng.
Còn những tên tuổi tài năng toán học,khoa học chuyên ngành sau khi thi thố quốc tế và tu nghiệp thành danh ở quốc ngoại, thường không mấy  xuất hiện ở trong nước. . .
Chứng minh tình trạng học không đi đôi với hành không khó. Nhưng giải trình vấn nạn đó một cách thuyết phục,không dễ. Bởi đấy là hệ lụy của cả một quá trình vài mươi năm phát triển giáo dục bề rộng ,đại trà ,lấy con số  thành tích làm trọng tâm trọng điểm và phương pháp giáo dục nhồi nhét kiến thức ở loại phổ thông đại học tầm tầm,quá xa chuẩn mực giáo dục  đỉnh cao trước sau nhất thiết phải xuất hiện như các nước phát triển. Không phải ngẫu nhiên cách đây chưa lâu lắm, “nói không với bệnh thành tích” trở thành lời kêu gọi mang ngữ điệu thống thiết của thủ trưởng cao thấp toàn ngành độc tôn gánh cái thiên chức cao quý “vì lợi ích trăm năm trồng người”. Song tiếc thay, nói không quá lời,đấy quả là tiếng gọi đò sông Cái,gần như vô vọng. Bởi lẽ bệnh thành tích,bệnh con số đạt vượt song hành hòa điệu với phương pháp giáo dục cổ lỗ lạc hậu  cộng với cơ sở vật chất trường sở phần lớn nghèo thiếu, lệch pha vừa thiếu vừa thừa, như ung nhọt cắm sâu vào sinh thể giáo dục nước nhà. Tình trạng đó kéo theo hệ quả nhãn tiền là mấy nhà giáo đơn thương độc mã chống tiêu cực điển hình  cả nước nêu gương, gặp quá nhiều phiền não bất công,Đôi khi trên công luận nêu ra trường này trường nọ ở tỉnh này tỉnh kia  máy vi tính ưu tiên ưu dãi cho không  thâm niên đắp chiếu,,phòng thí nghiệm hiện đại nươc này nước nọ biếu không song không có người chuyên môn chuyên trách , đành phủ bạt dãi dầu ngoài trời vân vân. . . mới thấy giáo dục nước mình không những nhiều chuyện thầy nhầm bục giảng,trò ngồi nhầm lớp mà đến cả máy móc cũng nhầm địa chỉ tiếp nhận. . . .Đấy là chưa kể chuyện vùng sâu vùng xa,bao nhiêu năm rồi các trò nhỏ tuổi vẫn mơ “cơm có thịt” và hình ảnh các em đến lớp chân không áo cộc ,ngôi trường gọi là trường,lớp gọi là lớp te tua đồi cao góc núi mà. . .chẳng hiểu vì sao. . . .quê hương cách mạng một thời lẫy lừng. . .

Ai cũng biết phổ cập giáo dục cấp một rồi cấp hai cho toàn dân,đặc biệt cho lứa tuổi đến trường là điều kiện tiên quyết,bắt buộc cho một quốc gia thời đại a-còng hội nhập, muốn  tránh tình trạng tứ cố vô thân, trở thành  làng bản heo hút xa vời lộ trình hiện đại hóa cao tốc của nhân loại văn minh. Nhưng kiểu tư duy phổ cập,lấy nền ,lấy diện rộng “xã hội học tập” để tuyên truyền ưu việt;lấy số đông người học đại học bất kể trường có ra trường ,thầy có ra thầy,trò có ra trò hay không chẳng hạn,đã khiến cho việc học càng xa với hành. Chuyện thật như đùa ,có chàng sinh viên khoa cơ điện nói vanh vách mạch song song ,nối tiếp ,biết đủ loại điện một pha , ba pha ,xoay chiều nọ chiều kia nhưng về nhà chủ nhật ông bố giao cho ” hoàn thiện khâu điện” công trình phụ,cứ lờ lớ lơ,lý do lý trấu mãi. .  .  ,ông chép miệng “lại lý thuyết suông”, đành thuê thợ làng “đỡ rách việc” ! Học không hành còn thể hiện rất đặc trưng ở hiện trạng ngay từ “ngày đầu tiên tới lớp” phổ thông,có cháu bé như . . .cái kẹo mà cắp sách cháu đeo thì ôi thôi, hỏi phụ huynh nào chẳng lo. Cái hành hữu ích của lứa tuổi này là ở chỗ chơi mà học học mà chơi chứ dâu phải ngày hai buổi đeo chồng sách vở to tổ bố trên lưng . . .  . Cũng không thể không nói lướt nạn bằng giả,học giả (giả dối chứ không phải học  giả-người uyên bác). Đã có nhiều vị trí thức lão thành khả kính lên tiếng,nhiều nhà báo giáo dục công tâm và hiểu sâu rộng vấn đề lên tiếng cảnh báo trước tình trạng phong phát tràn lan học vị học hàm đầy đủ nhân sự ba bề bốn bên như công tác mặt trận toàn dân đoàn kết. Số lượng giáo sư  tiến sĩ  cao ” trên cả tuyệt vời” nhưng nhiều vị hỏi đến công trình khoa học lý thuyết và ứng dụng, hỏi đến cái chuẩn “trên tối thiểu” là công bố các bài báo khoa học trên các diễn đàn thông tin uy tín quốc tế , chỉ thấy một sự im lặng. . . như vàng . Có quá ít hoặc không có ,lấy gì mà khoe mẽ với thiên hạ. Đấy là chưa tính đếm đến tình trạng hệ thống trường dậy nghề đào tạo thợ quá nhiều năm lép vế,kém phát triển cả về chất lấn lượng. Những người lao động giỏi ,những bàn tay vàng bách nghệ vô cùng cần thiết đã thiếu lại càng thiếu. . .

Khoa học công nghệ, kể cả khoa học nhân văn trước tình cảnh kinh tế xã hội nước nhà đang gò lưng tôm đuối hơi đuổi theo các nước đi trước trong khu vực,đang cần biết bao một đội ngũ đông đảo các nhà chuyên môn giầu năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học; đang cần biết bao  những cái đầu  ”siêu quần bạt tụy’ xuất chúng, như kho báu quốc gia, nguyên khí quốc gia đóng góp cho quốc kế dân sinh những lời vàng ý ngọc (chứ không phải nhắc lại và diễn giảng văn kiện đã đăng trên nhật báo).Song mấy thập kỷ đã qua,câu “nhân tài như lá mùa thu,tuấn kiệt như sao buổi sáng”-lời cảm thán của cụ Nguyễn Trãi cách đây năm sáu trăm năm vẫn còn nguyên ,nóng ấm tính thời sự ! Buồn thay. Đành mượn lời người xưa dậy “ấu bất học lão hà vi” (bé không học già biết làm sao),xin tiểu kết bài tạp luận bằng một lời diễu nhại cho . . vui xuân con ngựa “Học nỏ hành thì học. . . mần chi ! ” . / .
Đ.D.T.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: