Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Giới thiệu kiểu đốt sách:

Tập truyện ngắn “Giọt máu Tây Nguyên” của tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ


Nguyễn Hoàng Đức
Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ có tướng mạo có thể nói là “mình mai vóc hạc”, coi như vóc dáng quí tướng bậc nhất. Tại Văn Miếu, là nơi được coi như trường đại học đầu tiên của Việt Nam có đầy các con rùa, là một trong tứ quí “long, ly, qui, phượng” phải đội tượng con hạc bên trên. Mình hạc nhẹ gầy mới bay lên không trung được. Và Tây Tạng được xem là quê hương của loài hạc đỏ, cũng là miền đất sống cao nhất của con người.
Người có tướng hạc, thiên về suy nghĩ mông lung, ảo tưởng, xa rời hiện thực để bay về chân trời lý tưởng xa xôi. Điều đó không biết có đúng với TS. Thọ không, khi anh trở thành tác giả của thuyết “Tâm vũ trụ”. Thuyết Tương đối của Einstein mới đầu chỉ có vài người hiểu. Còn thuyết “Tâm vũ trụ” của TS. Thọ cho đến nay cũng không ai hiểu được. Bởi vì nó là sản phẩm “đa năng” độc nhất vô nhị, hơi giống mô hình tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo ở Việt Nam. Nếu là khoa học thì nhất khoát phải chứng minh bằng Thực chứng! Bằng toán học phải giải quyết được những tiên đề! Là vật lý thì phải chứng minh bằng qui luật của vật chất! Là tâm linh thì không cần chứng minh mà chỉ cần Đức tin! Hoặc làm chứng bằng cách kể lại không thể kiểm chứng! Rút cục tin hay không vẫn là Đức tin!
Thuyết “tâm vũ trụ” mà tác giả say sưa bấy lâu nay chưa lần nào bước qua thực chứng cả, nó cũng không hẳn là tâm linh mặc dù yếu tố tâm linh rất nặng, bởi vì tác giả có tham vọng chứng minh sức mạnh tâm linh bằng “toán học”…
Giờ thêm một cách chứng minh mới, đó chính là chứng minh bằng văn học. Tuyển tập truyện ngắn “Giọt máu Tây Nguyên” chính là những truyện xuyên suốt muốn “chứng minh” thuyết “tâm vũ trụ” với sức mạnh của Bộ lọc sóng ý thức (blSYT). Nghiêm túc, về mặt văn học thì đây cũng không hẳn truyện ngắn, bởi vì cái tiên quyết của văn học là Nhân vật và Biểu tượng. Cả hai đều thiếu trong truyện của tác giả. Tiến sĩ Thọ là tác giả, lấy thẳng tên mình làm nhân vật, với hàng loạt các tên tuổi lãnh tụ dù sống hay đã chết làm nhân vật. Như vậy sẽ biến văn học thành báo hay ký sự. Nhưng đấy cũng không phải báo và ký sự mà có rất nhiều hư cấu, hư cấu đến phi phàm và phi lý như trong truyện đầu tiên “Giấy chứng nhận có tim”, tác giả- cũng là nhân vật đấm một quả mà đục một lỗ thủng như hố đen trên ngực của tên cán bộ quan liêu…
Trong truyện “Tâm vũ trụ và đề”, tác giả đã lý giải phần nào nhân lõi lý thuyết của mình:
Tại tâm vũ trụ chỉ có chân lý tuyệt đối. Ở đây không có khái niệm ngẫu nhiên hay sác xuất”… tất cả đều chính xác tuyệt đối”
Ở đây tiến sĩ Thọ đã trộn lẫn ít nhất ba khái niệm:
1-     Chân lý, theo tiếng Latin hay tiếng Anh là “truth” – chỉ có nghĩa là sự thật. Sự thật, cũng như sự thật tuyệt đối có mặt ở khắp nơi, một phi cơ hiện diện có thực, đó là sự thật về nó, không chối nổi; một hạt bụi cũng hiện diện không chối nổi. Vì thế chân lý hay sự thật (kể cả tuyệt đối) hiện diện ở khắp nơi, không nhất thiết chỉ có ở tâm vũ trụ. Triết gia Descartes nói “Hữu thể còn có trước cả chân lý”. Vậy ở đâu có hữu thể là có chân lý. Tâm vũ trụ cũng chỉ là một hữu thể mang chân lý về nó như mọi hữu thể khác.
2-     “Ngẫu nhiên hay sác xuất” – là phạm trù toán học.
3-     “Chính xác tuyệt đối” – là kỹ thuật và toán học. Phép toán 2+2=4, không chính xác tuyệt đối ở chỗ nào?
Bằng sóng ý thức của mình, tiến sĩ Thọ đã có những cuộc phiêu lưu đánh những ván cờ với những đệ nhất cờ thắng cả chục tỉ đồng. Đặc biệt trong truyện “Giọt máu Tây Nguyên” là đỉnh cao của sóng ý thức. Tác giả kể mình chiến đâu trong Tây nguyên để lại một con rơi trong đó. Sau này cả nhà tác giả đón con bị giam trong cũi sắt của công viên Thủ Lệ, tiến sĩ đã đem về để bố con lập trình biến đổi cô gái Tây Nguyên bằng kỹ nghệ 3D trên máy tính:
Xong ngay, Út nói và chỉ bằng một thao tác trên chuột và bàn phím nó đã tạo ra một mỹ nữ vừa giống Đức mẹ Maria, vừa giống Quan Thế Âm Bồ Tát lại vừa giống tôi như hệt”…
“ –Bố muốn nó trình độ toán học thế nào?”
-         Giỏi toán gấp bốn lần giáo sư Ngô Bảo Châu.
-         Văn học?
-         Ngang Puskin.
-         Âm nhạc?
-         Ngang Bêt-tô-ven
-         Những ngôn ngữ ngữ gì?
-         Tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Nhật, và Ả -rập
-         Triết học?
-         Tâm vũ trụ, và tất cả các triết học trước đó trên trái đất…
Và rồi nàng Tây Nguyên bằng xương, bằng thịt đó đã được hấp thụ bộ lọc của sóng ý thức qua công nghệ 3D, trở thành người thật bước vào phòng, việc đầu tiên nàng tung người đá một cước rạn trần nhà, thứ hai nàng ngồi chơi đàn hay hơn Bet-tô-ven, rồi nàng làm toán nhất thế giới… rồi nàng trả lời “Tâm vũ trụ là gì?”
“Tâm vũ trụ là miền giao của mọi đối tượng, là Thượng Đế, là Chúa Trời, là Tạo hóa, là tự nhiên, là thuộc tính”
Chúng ta hãy đặt câu hỏi: không gian liệu có chứa những thứ trên không? Vậy thì phát hiện ra tâm vũ trụ có khác gì phát hiện sự bao chứa của không gian?!
Rồi cô được hỏi: “Thế một ngày kia… một vị thánh nào đó của loài người nghĩ ra một Thượng Đế còn linh thiêng hơn, anh minh hơn tâm vũ trụ của bố thì sao?”
Về điểm này, người phương Tây đã nghĩ ra một mệnh đề vui: “Nếu Thượng Đế toàn năng, thì liệu Ngài có nâng nổi một hòn đá nặng quá sức của Ngài?”
Mệnh đề này đánh lừa ở chỗ: Thượng Đế toàn năng thì làm sao có hòn đá nào nặng quá sức của Ngài?!
Trong Kinh Thánh và thần học cũng có câu: “Chiếc bình không hiểu bàn tay làm ra nó”.
Làm sao để ông thánh của loài người bé tí lại có thể tạo ra Đấng Thượng Đế linh thiêng hơn? Nói thế có khác gì bảo quặng sắt đã chế tạo ra lò nấu chảy gang thép và rồi chế tạo ra cả tên lửa vũ trụ…
Nói chung tuyển tập truyện ngắn của tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ là cách dùng kiểu mẫu văn học để viết về sức mạnh của mình bao hàm trong sóng ý thức. Nhưng giá trị của sóng ý thức đó đã chứng nghiệm bao xa với vài vụ đánh bạc và đánh cờ cả tỉ. Đỉnh cao là tạo ra nàng Tây Nguyên 3D đại siêu việt…
Văn học kiểu mẫu có sức sống thật mãnh liệt. Khi đọc những truyện ngắn là ước mơ về lý thuyết của anh “tâm vũ trụ” tưởng là di sơn đảo hải, thay đổi càn khôn, hay chí ít là “nắn dòng lịch sử”, thì tôi lại chỉ gặp mấy truyện nửa hư nửa thực về đánh bạc, chơi cờ, và một nàng đẹp như búp bê không thể nào bước ra đường phố của hiện thực. Tôi bỗng liên tưởng đến chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Sau cái quẫy đuôi của con cá vàng, bỗng thấy cái máng lợn sứt mẻ của hiện thực cuộc sống hiện ra.
Về bút pháp, ngoài sóng ý thức về “lý thuyết” ra. Bạn đọc sẽ được thưởng thức những áng văn nặng tư duy, nhiệt huyết canh tân sứ xở, chữ nghĩa, văn hóa trình độ cao siêu. Không hiểu “dao sắc có gọt được chuôi?” Với sóng ý thức siêu phàm của vũ trụ biết đâu tác giả chẳng mang sẵn nhiều cơ hội và tiềm năng mạnh như thần thánh để chinh phục nốt đỉnh cao văn học. Một đỉnh cao cho dù tác giả mới bắt đầu leo. Biết đâu đấy, với thể tạng ưa phiêu lưu lý tưởng lại có sóng ý thức của tâm vũ trụ, tác giả chẳng mấy khó khăn để chứng tỏ “người đi sau rốt lại trở nên đầu”. Hòn đá bị người thợ xây loại ra lại trở thành đá góc tường?!
Mời bạn hãy phiêu lưu vào tuyển tập truyện ngắn “Giọt máu Tây Nguyên”!
NHĐ  26/02/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: