Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Chắc các vị ấy còn bận lo việc nhớn:

LỄ TANG GS NGUYỄN QUANG MỸ KHÔNG THẤY MẶT LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG BÌNH



Sáng nay, 4/3/2014, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội và gia đình đã tổ chức tang lễ Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang Mỹ - nguyên Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Khoa, Bí thư Chi bộ Khoa Địa lý – Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Hang động Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa, Bí thư Chi bộ Khoa Địa lý, chủ nhiệm bộ môn Địa mạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Dòng chữ bên linh cữu ông, chỉ giản dị ghi mỗi danh hiệu Nhà Giáo Nhân Dân. Sự giản dị, khiêm nhường ấy khiến tôi đã lặng đi, khi đi qua linh cữu của Ông.

Điếu văn do Giáo sư Tiến sĩ Phan Tấn Nghĩa, Hiệu phó trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội đọc tại lễ truy điệu GS. TS Nguyễn Quang Mỹ đã điểm lại những đóng góp và thành tựu khoa học lớn lao, bản lĩnh và nhân cách sáng ngời, tác phong giản dị khiêm nhường và nhân hậu của Nhà giáo Nhân dân, GS. TS Nguyễn Quang Mỹ. 

Ông là chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam. Với quê hương Quảng Bình, sự hiến dâng lặng lẽ âm thầm của cả cuộc đời học thuật của GS. Nguyễn Quang Mỹ đã đơm hoa kết quả: 

"Tên tuổi của GS.TSKH Nguyễn Quang Mỹ được người ta biết đến nhiều bắt đầu từ năm 1997, tại Đồng Hới, Quảng Bình, trong một hội thảo khoa học, ông đứng ra tuyên bố những số liệu chấn động giới khoa học về danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng. Với những cái nhất mà ông chỉ ra: vùng đá vôi có tuổi địa chất già nhất (300 - 400 triệu năm), rừng nguyên sinh rộng nhất hơn 20 vạn ha, cửa hang cao và rộng nhất, dòng sông ngầm xuyên núi dài nhất, Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2003. Đây là một tin vui tuyệt vời đối với các nhà nghiên cứu hang động như GS. Nguyễn Quang Mỹ và với nhân dân Việt Nam. 

Chính nhờ những chuyến khảo sát ấy, rồi sự công nhận của UNESCO, hàng chục bài báo được công bố trên thế giới, cuốn hút nhiều du khách và nhà nghiên cứu tới Phong Nha - Kẻ Bàng. 

Theo Ban quản lý di tích động Phong Nha, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan. Phong Nha - Kẻ Bàng được bạn bè nhiều nước trên thế giới biết đến, Việt Nam có thêm một danh lam thắng cảnh, một khu du lịch nổi tiếng, đó là nhờ một phần đóng góp tích cực của GS. Nguyễn Quang Mỹ - chuyên gia về hang động học, người đã dành nhiều công sức, tâm huyết cho ngành khoa học này....".

Vậy mà sáng nay, trời Hà Nội như nặng trĩu buồn thương tiễn ông về cõi vĩnh hằng lại không thấy mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Quảng Bình, Ban Quản lý Khu di sản UNESCO Phong Nha - Kẻ Bàng. Chẳng lẽ họ lại là những kẻ vô ơn??? .....
Đọc thêm:  

Vài hình ảnh về tang lễ Nhà giáo Nhân Dân Nguyễn Quang Mỹ:
Ảnh: Nguyễn Xuân Liên.
.







Lời cảm ơn của Nhà văn Nguyễn Quang Lập 
(chủ trang Quê Choa):

Sáng nay, 4/3/2014, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội và gia đình đã tổ chức tang lễ đưa anh cả về trời. Anh cả tôi là niềm tự hào to lớn của gia đình và dòng tộc, là tấm gương cho bảy đứa em noi theo. Không dám khoe anh cả đã làm được những gì cho đời, xin bà con đọc điếu văn của nhà trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội thì sẽ rõ.

Nhân đây xin cảm ơn các thầy cô, sinh viên nhiều thế hệ, các cục vụ viện, các trường đại học thuộc Bộ GD& ĐT và nhiều cơ quan đoàn thể tại Hà Nội đã tới viếng anh tôi.

Đặc biệt xin cảm ơn Hội nhà văn Việt Nam, Hội điện ảnh Việt Nam, Hội sân khấu Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Báo Lao động xã hội, báo Nhi đồng, Đoàn kịch quân đội... cùng các nghệ sĩ Lê Chức, Nguyễn Thanh Vân và các nhà văn là bạn bè thân hữu: Nguyễn Quang Thiều, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thành Phong, Bảo Ninh, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Quang Đạo, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Xuân Diện, Trần Đình Nam, Lê Phương Liên, Ngô Thảo, Lê Quang Sinh, Hà Đức Hạnh...

Chỉ biết cảm ơn, không biết nói gì hơn. 
N.Q.L 

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Cu Vinh) 
cho biết thêm về lễ an táng: 
Hôm nay đã đưa anh Cả về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Yên Kỳ, Ba Vì, Hà Nội. Anh chị em trong gia đình mang cát trắng Quảng Bình ra ủ ấm cho mộ của anh, cát lấy từ lăng mộ của ba mạ mình tại quê hương.




 Mộ ông không ghi học hàm, học vị, chức danh, chức tước. Chú thích của NXD.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: