Nguyễn Hiếu
1.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Nếu tôi nhớ không lầm thì gia đình tôi dọn về Quỳnh Mai vào quãng 1982, 1983. Lắm khi nghĩ lại mới thấy.Việc nhà tôi có mặt tại Quỳnh Mai đúng là một cuộc thiên di mang đầy đặc sản của một thời bao cấp. Đang tá túc tại khu tập thể trường cấp 2 Xuân Đỉnh cùng gia đình nhạc sĩ Hoàng Lân và đại uý Phúc sau này làm chủ tịch UBND quận Đống Đa vợ tôi đựơc cử đi dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong nội thành. Nhờ quyết định đó nên ba người còn lại của gia đình được nhập vào sổ hộ khẩu độc thân của tôi trong nội thành. Thế là sau hàng loạt thay đổi và điều đình,trong đó phải kể đến tác động lớn của ông Nguyễn Trung Mai phó chủ tịch vị lãnh đạo thành phố có nhiều cảm tình với báo giới nên gia đình tôi mới đựoc chuyển từ phòng làm việc của đài TNVN về nửa căn hộ 416 ở nhà C6A Quỳnh Mai. Quỳnh Mai dạo đó là khu tập thể mới hình thành.Ví nó là ốc đảo cũng không ngoa lắm. Đường dọc sông Kim Ngưu còn là lối mòn lổn nhổn cát, đá vụn và đất bột. Có lần đi đong gạo tiêu chuẩn tháng tận trên Ngọc Hà do thiếu thận trọng, tôi đã đánh đổ bao tải gạo xuống cát khiến cả tháng ấy nhà tôi lao đao vì thiếu gạo. Vợ tôi sau khoá bồi dưỡng vẫn dậy trên Xuân Đỉnh. Thành ra sáng nào cũng dậy thật sớm đạp xe đạp qua con đường mòn mấp mô chạy giữa bờ hồ Thanh Nhàn mênh mông nước và khu tường lở để hở cả phần hậu nhà xí chung của khu tập thể Lâm Nghiệp. Sợ nhất hôm nào trời mưa. Muốn đi lên phố, phải nghi ngóp dắt, có chỗ phải vác xe đạp đi theo còn đường lát gạch nghiêng, men theo những hàng rào ruối, hay măng rô của những vườn trồng rau, trồng hoa của làng Quỳnh. Vào những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ 20 giữa nội thành mà làng Quỳnh vẫn từa tựa khung cảnh của làng quê cổ xưa.
Rồi đê Trần Khát Chân kề liền hồ Thanh Nhàn ngút ngát cỏ, châu chấu nhảy tanh tách và những bụi tre viền quanh những con đường gạch đã chớm lở…Dạo đó người đựơc phân căn hộ tập thể được xem là người đứng đắn và ít nhiều có địa vị trong xã hội. Cách nghĩ về căn hộ cũng khác nhiều bây giờ nếu không muốn nói là ngây thơ.Có mấy ngưòi muốn lấy căn hộ ở tầng trệt đâu. Lên tầng năm là tầng trên cùng thì cao quá. Giờ bơm nứơc gọi khan cổ chưa chắc các tầng dưới đã khoá để tầng 5 lấy. Lý tưởng nhất là đựơc phân tầng ba. Dạo đó ngưòi ta cũng chưa có khái niệm bung ra, tận dụng lấn chiếm phần đất quanh căn hộ. Vì thế nên gia đình tôi cũng tăng gia đựơc mấy vụ rau trên thẻo đất mà sau này căn hộ tầng một bít lại, xây thêm, lấn chiếm thêm vài chục mét được tính giá trị theo cây vàng. Có thể vì quan niệm và một phần qui định xã hội như vậy nên khu tập thể Quỳnh Mai tuy mới ra đời nên giới công chức, cán bộ trong đó có không ít dân cầm bút gồm cánh nhà báo, nhà văn mới tụ bạ về đây nhiều đến thế.
2.
Ngưòi đầu tiên ở ven dìa khu Quỳnh Mai phải kể đến là bậc đàn anh cả về tuổi tác, chức sắc và tay nghề. Nhà văn Vũ Bão, tác giả tiểu thuyết sắp cưới có chuyện “một thời”. Khi tôi in tác phẩm đầu tiên là tập truyện ngắn hài hứơc “chuyện cái vòi nứơc “thì tên tuổi Vũ Bão đã lừng lững trên văn đàn và trong suy nghĩ của tôi. Nhà văn đàn anh quê Thái Bình không biết lưu lạc, và cư ngụ ở những đâu đâu, chỉ biết khi tôi về Quỳnh Mai thì ông cùng gia đình ngụ sẵn ở căn nhà có nhiều ngăn, ánh sáng không nhiều lắm. Muốn vào đựơc nhà phải đi qua một cái ngõ có nhiều lối rẽ. Hồi đó nhà ở của Vũ Bão ở một hẻm hiền lành của ngõ Quỳnh, sau này thuộc phố Bùi Ngọc Dương địa liền khu đất dữ ma tuý Thanh Nhàn nổi tiếng mà ngành CA mất bao công sức mới triệt phá được. Năm 1988 tôi in tiểu thuyết đầu tiên ‘vết xoáy trứơc ngực làng” (cuốn 1 của bộ “dòng sông màu máu”) mà bìa sau in mục đón đọc ghi rõ ràng bốn cuốn đang in trong đó có ba tác phẩm của ba đàn anh là Vũ Bão cuốn “thời gian không đợi”, Đào Vũ cuốn “con voi dữ và chú nai con”, Nguyễn Quỳnh cuốn “ngưòi đi săn và con sói lửa”..Tôi rụt rè, le te mang sách vừa để khoe vừa để báo tin mới hay Vũ Bão hài hước cả ngòai đời và trong văn.Vũ Bão tíết lộ “nhờ bà chị chú mà anh có sức khoẻ và đựơc ở chốn này”. Tôi ngớ người ra mãi sau mới hay.Vợ Vũ Bão là bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn rất chu đáo với sức khoẻ của đức ông chồng có tạng xương, gầy. Sau ba ngày đọc xong “vệt xoáy …” Vũ Bão hì hục leo câu thang vào nửa căn hộ tầng bốn của tôi bảo “bút lực chú mày có khí lạ. Nó hệt như sự hút vừa lá vừa lào. Sự bút, vừa bi vừa mực. Ấy là sự trộn giữa hài, trữ tình và huyền thoại. Nếu xem là đặc sản thì phải giữ”. Anh em giao du không nhiều nhưng hễ gặp dù chuyện to, chuyện nhỏ đều thông báo qua sự hỉ hả, tếu táo. Lần gặp Vũ Bão cuối cùng trên mặt cầu Bãi Cháy ngày khánh thành.Ông anh khoe “tao già mõ thế này vẫn đựơc mời. Oách chưa? Tí nữa có về cùng xe với anh thì bảo”. Không dè sau đó mấy tiếng,Vũ Bão đi vào thiên cổ. Về nhà lẩn mẩn nhìn mấy thẻo giấy ông anh viết nhắn sang lấy sách, báo tin về hội Hà Nội, hội VN thấy bùi ngùi nhớ một người anh đôn hậu, tài hoa, chu đáo.
3.
Nhà thơ Lữ Giang
Đàn anh thứ hai cùng bang là Lữ Giang, tác giả “tiếng đàn bầu”lừng danh. Biết đàn anh từ hồi cộng tác với báo Độc lập với nhóm Ngô Quân Miện, lại mừng hơn khi hay tin Lữ Giang ở cùng phố. Nấn ná mấy lần định đến thăm ông anh nhưng ngặt nỗi Lữ Giang thì lớn tuổi, lại đằm tính không bô lô, ba la như mình nên cũng ngài ngại.Chỉ chăm chắm nhớ hình như nhà thơ ở cuối con phố mới được đặt là phố 8-3 để ghi dấu khu tập thể của nhà máy dệt nổi tiếng của thời bao cấp. Thỉnh thoảng gặp ông anh lững thừng đi bộ dọc đường. Gặp tôi đôi mắt lim dim như chói nắng của Lữ Giang bừng lên trong nụ cười đôn hậu. Ông rủ rỉ bảo tôi “chú mày viết khoẻ thế thì mệt nhỉ. Thôi cố. Nghiệp anh em mình là thế. Ngoài ngòi bút biết sống bằng gì. Tránh không được. Chú còn sức thì gắng một chút cho vợ con đỡ vất”.
4.
Đàn anh thứ ba là Xuân Cang. Nhà văn công nhân này thành danh từ khu gang thép Thái
Nhà văn Xuân Cang
Nguyên .Khi chuyển về Quỳnh Mai, anh đựơc phân căn hộ tầng 5 nhà C 9 dành cho cán bộ Tổng Liên đoàn. Tầng một còn có Nguyễn Thái Vận nhà thơ đẹp trai, hiền lành nhưng mệnh yểu, nhà báo lãnh đạo đài TNVN Nguyễn Kim Cúc. Cũng là do công việc viết lách nên anh em tôi có thời gian khá gắn bó với nhau.Duyên do bắt đầu từ khi Xuân Cang lên chức TBT báo Lao Động vào những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ 20, thời gian manh nha sự đổi mới. Báo Lao Động nhàn nhạt một thời bỗng tạo ra hấp dẫn với bạn đọc bằng các tác phẩm báo chí, văn chương nhìn thẳng, sôi động. Dạo ấy tôi in khá nhiều trên báo Lao động. Nhưng đến giờ tôi nhớ nhất hai tác phẩm là truyện ngắn “cái chết của ngưòi quản tượng” và bài thơ “đồng chí bí thư lên thăm huyện Rằng”. Sau hơn một tuần bài thơ đựơc đăng thì TBT Xuân Cang sang nhà tôi. Ông bảo “thư kí của bí thư Hoàng Minh Thắng có điện cho anh về bài thơ của chú. Bài thơ hơi dữ nhất là câu “cái xóc nhỏ đứt ngang suy nghĩ lớn” nhưng anh bảo anh Thắng đọc kĩ để thấy thiện tâm của tác giả. Bây giờ ổn rồ. Từ sau viết lách phải cẩn thận”. Sự kiện thứ hai là vào năm 1992 tôi (với tiểu thuyết “tôi bán mình“) và anh Xuân Cang cùng nhà văn trẻ Uông Văn Trí nhận đồng giải cuộc thi tiểu thuyết do báo Công an và Hội Nhà Văn TPHCM tổ chức. Mỗi giải 5 triệu, riêng tôi và Xuân Cang tác giả miền Bắc đựơc nhận thêm mỗi ngưòi một triệu tiền vé máy bay vào lĩnh giải.
5.
Nhà thơ Lê Quang Trang
Ngoài mấy đàn anh vừa kể thì cánh cầm bút xêm xêm tuổi tôi ở Quỳnh Mai bang khá đông. Đầu tiên phải kể đến cặp vợ chồng nhà phê bình Lê Quang Trang và nhà thơ không vần Trần Thị Thắng. Vợ chồng nhà này có thể xem là bạn thân thiết của gia đình tôi. Một phần do tôi là đồng môn với Trang, sau ra đời lại dính viết lách. Vợ chồng Trang, Thắng dạo đó làm ở báo Văn Nghệ, tôi là cộng tác viên. Phần nữa thủa ấy hàn vi, nên chỗ nào có nguồn làm hộp giấy kiếm thêm hai bà vợ đều thông tin cho nhau. Có vài tết hai nhà lại còn luộc chung bánh chưng. Mấy đứa trẻ của hai gia đình cùng lứa trứng gà, trứng vịt. Nhà Trang -Thắng với hoạ sĩ Thành Chương đựơc báo Văn nghệ phân chung căn hộ 508 ở C7. Sau điều đình Thành Chương nhượng nốt gian bên cạnh nên nhà Trang – Thắng ở trọn căn hộ đầu hồi 28 mét vuông. Một diện tích lý tưởng thủa ấy. Những năm cuối 80 đầu 90 đó tôi đang sung sức. Nhìn cái gì ,từ chậu nhài dưới cửa sổ đến chuyện phố, chuyện tiểu khu (nay gọi là phường) cũng cố nặn thành văn, thơ để bán lấy tiền. Vì thế kế sinh nhai của gia đình nhờ vào nhuận bút cũng ít nhiều đỡ vất. Trong 5 năm, ngòai hơn chục tiểu thuyết, phim truyền hình, và tập truyện ngắn, năm, sáu giải thưởng tôi viết như trâu cày cho các báo Văn Nghệ, Tiền Phong, ANTĐ, Nhân Dân,Văn Nghệ TPHCM… Hồi đó Thắng thuộc ban biên tập văn nghệ thiếu nhi Báo Văn Nghệ nên tôi cứ đều đều in hết truyện “cái chổi cho chim sâu”, lại đến thơ “toà án mùa xuân”. Có lần Thắng từ toà soạn về đưa cho tôi mẩu giấy của Phạm Tiến Duật ghi “chuyện quan trọng của bà Cả Đào rất đựơc. Sẽ xếp in số này nhưng vì khuôn khổ tờ báo mình cắt mấy dòng. Khi nào in sách Hiếu nhớ lấy lại. Đỡ phí”. Mấy dòng cắt đó là “ngày xưa trong làng có một lý trưởng, bây giờ bao nhiều thường vụ là từng nấy lý trưởng”. Khi Trang sang làm văn nghệ báo Nhân Dân thì tôi cũng in dàn dạt hết thơ “những phiến đá trên Quảng trường Đỏ”, ”hành hương tìm lại nụ cười” (viết về cuộc nổi dậy của nhân dân Căm pu chia chống bọn diệt chủng) lại đến tạp văn “cà cuống cà cuống, bây giờ em ở đâu?”. Dạo đó gia đình nào làm ăn tạm đựơc phải có ti vi đen trắng chân tiện cửa lùa, tủ lạnh Xa ra tốp, xa lông nan, máy khâu con bướm…Tất cả đều bầy ra phòng ngoài chật chội. Một hôm sang chơi thấy nhà tôi có đủ bộ như vậy (máy khâu con bứơm do vợ tôi đổi từ chiếc xe đạp Viha- giải nhất dành cho cuộc thi kịch ngắn do tổ chức sinh đẻ kế hoạch quốc tế (UNFA)…Thắng nửa đùa nửa thật bảo “giá ông Trang nhà này mà chịu viết như ông nhà bà thì cũng đỡ vất”. Vợ tôi cưòi hìền lành “ông nhà chị làm lãnh đạo bì làm gì với ông thợ cầy nhà em ”.Sau này tôi thấy nhà Trang -Thắng có vẻ khá dần lên nhờ sự đảm của Thắng khi tìm ra nguồn phát hành và nguồn giấy in ấn. Thành thử vợ chồng văn nhân này liên tục đổi chỗ ở. Sang Bồ Đề rồi vào quận 7 TPHCM toàn ở nhà ba bốn tầng to tướng. Rồi Trang lên trưởng ban báo ND, rồi TBT báo Đại Đoàn Kết nên bận bịu nhiều nên hai nhà ít đi lại ….Bây gìơ mỗi bận đi qua C7 ngứơc nhìn căn hộ 508 giờ đã đổi chủ thấy cứ buồn buồn bởi nỗi nhớ bạn đồng môn thời trai trẻ, thủa hàn vi.
6.
Nhà văn Dương Thu Hương
Cũng như nhiều khu tập thể (không hiểu sao tôi vẫn thích tên gọi này thay cho từ khu chung cư nghe có vẻ a dua, học đòi và nhập khẩu) sinh ra trong thời bao cấp đều đánh số một cách tuỳ tiện. Đang C lại thoải mái nhẩy sang E. Nhà E của khu này có đâu như ba, bốn cái. Nhà ngoài cùng địa liền đường Kim Ngưu người ta đặt là E8. Nhà này có hai nhà văn trùng tuổi hợi và đều viết tiểu thuyết. Giờ đây một vì sự nổi loạn quá khổ trong suy nghĩ nên phiêu bạt ở phương trời nào không rõ. Đó là Dương Thu Hương. Một vì gia cảnh, số người trong gia đình phình ra nên dọn đến khu ở mới. Ấy là Vũ Huy Anh. Một thì nghe đồn, một thì tôi chứng kiến. Ở tuổi 63 ta cả hai nhà văn này xem ra vẫn sung sức ra trong bút lực và trong nhiều lĩnh vực khác.Vũ Huy Anh vừa tặng tôi cuốn tiểu thuyết thứ 10 của ông có cái tên đầy vẻ bói toán “cách trở âm dương”. Ấn tượng ghi đậm với tôi là trên nóc nhà hai nhà văn này trú ngụ hồi năm 86, 87 đã xẩy ra vụ giết người. Sát nhân là thằng thanh niên chớm hút hít thiếu tiền, nên đập chết bạn bằng gạch khi hai đứa cùng ngồi tán hươu vượn trong một đêm trăng xuông. Thấy dân Quỳnh Mai độ đó đồn rằng máu kẻ bất hạnh ba ngày sau còn ngấm xuống tường nhà đỏ rực. Xế nhà E8 là nhà E5 có nhà thơ thỉnh thoảng viết tiểu thuyết. Một TBT tài ba và nếu không vụng tính trong một vụ việc dính đến cuộc thi dành cho gái đẹp cuối đời thì ông quả là có một sự nghiệp viên mãn trong sự nghiệp lãnh đạo một tờ báo nhiều độc giả. Đó là Dương
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Xuân Nam với bút danh là Dương Kì Anh. Thời Dương Xuân Nam ngụ ở tầng ba nhà E5 thì mỗi khi có bài vở tôi đều mang sang tận nơi (thủa chưa có Email thì hàng xóm với TBT là một thuận lợi lớn cho kẻ viết).Vì thế nên có đến hơn 10 năm báo Tiền Phong là một trong những tờ tôi in nhiều thơ và truyện ngắn. Hết thơ “định nghĩa tình yêu “sang truyện ngắn “làng Chiện bắt đựoc con chim lạ”, rồi “ngưòi đẹp sứt môi”.
7.
Còn hai văn nhân bây giờ ít nhiều có tên trên văn đàn đã từng ngụ tại Quỳnh Mai bang. Hai vị này cũng từng ở chung căn hộ C5. Đó là nhà thơ Phạm Hồ Thu và nhà văn Tuyết Minh.Với Tuyết Minh thì tôi biết với tư cách là tác giả và biên tập viên khi nhà văn này công tác tại nhà XBKĐ.Còn nhà thơ quê bên bờ sông Đuống Phạm Hồ Thu thì tôi biết khi chị đang là cây bút nội chính sung sức của báo Nhân Dân với tên cúng cơm Phạm Thị Sửu. Đợt công tác đáng nhớ đó vào dịp chiến tranh biên giới năm 79 đang hồi ác liệt. Đòan nhà báo chúng tôi gồm nhà báo mới vào nghề của báo TP sau này nhờ những bài bút kí chính trị tài hoa mà thành nhà văn Xuân Ba, phóng viên ảnh tháo vát Long Sơn, nhà báo Tô Thành, phóng viên truyền hình Ngọc Tuệ và tôi. Đêm đầu tiên nghỉ lại thị xã Lào Cay đổ nát chúng tôi bị phục kích. Một quả không rõ là mìn hay tạc đạn nổ tạo thành một hố sâu hoắm giữa sân nhà hoang vắng.Tôi thật không ngờ phóng viên Phạm Thị Sửu với những trang viết đầy tư liệu chỉn chu ,mạch lạc sau này lại thành nhà thơ Phạm Hồ Thu viết nên những câu thơ nữ tính đằm thằm đến vậy …
8.
Nhưng rồi vật đổi sao rời, đám văn nhân tôi vừa kể vì nhiều lý do đã rời Quỳnh Mai. Bây giờ
Nhà văn Hữu Ước
số văn nhân còn gắn với bang này có thể đếm trên đầu ngón tay. Ấy là người cầm bút có vai vị khá cao trong lực lượng công an là tướng Hữu Ước. Nhà Hữu Ước đánh số 121 phố 8 tháng 3.Gần sát có thể coi là láng giềng với nhà cũ của Chủ tịch LĐLĐVN Anh Hùng lao động Cù Thị Hậu. Địa thế nhà của nhà ông tướng viết văn này ở trên miếng đất nở hậu. Ngày ngày đi làm, đi chơi cầu lông, đưa đón cháu nội đều đi qua nhà Hữu Ước nên tôi biết khá rõ. Đứng về thế nói theo giọng Tam Quốc nhà Ước thuộc thế ỉ dốc. Trứơc mặt là đường, lưng tựa vào con ngòi không mấy sạch như ý ngưòi văn minh.Ngay cổng lại có hàng bia hơi Loan Sửu.Cạnh kia kề liền nhà trẻ Hoa Sen.Tôi biết danh Hữu Ước từ nhưng năm đầu của thập kỉ 70 khi ông làm phóng viên báo Công an nhân dân thì phải. Sau này khi danh ông đã vang lên trong nhiều thể loại của văn nghệ, văn chương thì tôi cũng như không ít anh em trong nghề đôi khi cứ lẩn mẩn nghĩ. Bút lực như vậy mà tập trung vào một thể loại quả là…Tài năng ấy như một thứ ánh sáng tán xạ không định mà toả ra nhiều hứơng. Đọc những câu thơ mới của ông tướng này “Tiếng chuông chùa cứ buông/ Mặc đất trời nghiêng ngả? Mặc lòng ngưòi uất u/ Tiếng chuông chùa cứ ngân”. Tôi lại nghĩ đến một ca từ hình như đang chờ giai điệu đến chắp cánh. Nghĩa là một chữ giá lại xuất hiện …Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mới thấy thế mới là Hữu Ước. Con người này có thứ tài bao trùm ấy là tài quản lý. Trong cả một rừng báo trong thời buổi thương mại, Hữu Ứơc đã tạo nên một tờ báo thuộc hàng ăn khách nhất trong làng báo VN.Chính bởi tài quản lý ông mới tìm ra kẽ hở thông tin trong rừng thông tin đa dạng, rối rắm để cho ra ANTG, ANTG giữa tháng ,ANTG cuối tháng VNCA rồi bây giờ là CSTC. Cũng vì cái tài ấy ông mới chọn ra và phát huy đựơc hết khả năng của những cộng sự, và cuối cùng là bằng chính năng lực văn hoá của mình Hữu Ứơc đã làm đa dạng và phong phú cho hoạt động của tờ báo của mình. Lần gặp Hữu Ước lối cách đây ba, bốn năm thì phải ở quán bún đậu ngõ Đỗ Hành. Tôi bảo “anh vừa gửi cho chú bài bút kí… U]ơcs bảo: “Chắc bác lại viết tôi đến, tôi ở, tôi đi chứ gì”. Ứơc tủm tỉm. Tôi hơi tự ái nói ngay “không đến nỗi thế đâu”. “Đùa bác thôi. Chứ về đọc thấy đựơc thì ổn thôi bác”. Nhìn Hữu Ước cười, rồi chứng kiến đủ loại tác phẩm của anh chàng này mới ngẫm “con ngưòi này muốn làm điều gì sẽ làm đựơc điều đấy”….
9.
Nhà thơ Dương Danh Dũng
Một văn nhân nữa xuất thân là một tay doanh nghiệp giao thông xứ Nghệ. Thủa còn say kinh doanh đôi lúc gã cũng cho ra những bài thơ lộ ra tài thơ của dân đồ Nghệ có học. Khi về hưu dồn sức viết để trở thành một hội viên hội nhà văn trẻ với tư cách là một nhà thơ tác giả “thuyền lá”. Ấy là nhà thơ ba dê Dương Danh Dũng. Gặp tôi gã nhà thơ trẻ 65 tuổi ta bảo “để chữa xong nhà hoàn chỉnh tớ sẽ sẽ về ở hẳn dưới Quỳnh Mai.Gần các cậu dễ đàm đạo. Thỉnh thoảng đọc nhau một tí cũng vui ”.
Nguyễn Hiếu
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét