TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM
Xung quanh vấn đề nóng đang tranh luận giữa Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT đang được dư luận quan tâm là xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, nhóm chuyên gia kinh tế đã có những phản biện rất rõ.
Tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 năm 2019 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) sáng ngày 11/7, các chuyên gia kinh tế đã đánh giá về phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dưới góc độ người làm nghiên cứu kinh tế, có 3 điều để xử lý bài toán: Đó là Tại sao phải làm đường sắt cao tốc, mục tiêu của anh muốn gì? Ví dụ có cần hay không?
Cải cách toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam hiện hữu chắc là cần thiết, còn đường sắt cao tốc thì phải đặt lại bài toán trên.
Thứ hai là chở khách, chờ hàng? Khi có tiêu đề phải đặt ra giới hạn ràng buộc tốc độ. Sau ràng buộc mới tối ưu hoá. Phần đánh giá lợi ích chúng ta mới cần bàn bạc, sau đó mới tiến hành bước kỹ thuật, vốn, công nghệ.
Theo ông Thành, không ai nói đúng đối với thì tương lại được cả nhưng phải xem kỹ dự án đó để hạn chế rủi ro. Chúng ta cần so sánh các phương án, chi phí, lợi ích, mục tiêu, tiền đề và ràng buộc...
"Tôi muốn nói, bài toán chi phí và lợi ích có rất nhiều, bao gồm: Chi phí lợi ích môi trường, kinh tế vĩ mô, ngân sách, nợ công, hiệu quả. Chưa có được bản này trong tay, không đánh giá cụ thể", TS Thành cho biết.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng: "Sẽ không có lời giải hoàn hảo đối với mọi phương án. Tương lai công nghệ thay đổi, chi phí thay đổi, kịch bản đưa ra sẽ phải làm tốt nhất có thể. Số khách đi ai có thể nói trước được. Đặc biệt, cái rất quan trọng khi so sánh 2 phương án, họ liệt kê rủi ro nằm ở đâu và biện pháp tối thiểu hoá rủi ro đó".
Ông Thành cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là người đứng đầu và Quốc hội có "dám chơi", dám chịu trách nhiệm hay không? Nếu dám chơi thì giải trình thẳng thắn để đất nước có người chịu trách nhiệm về quyết sách. Để không còn chuyện có một vấn đề lớn kéo dài 20 năm không ai quyết được như sân bay Long Thành, đặc khu, phải đưa đi đưa lại 20 năm cũng không quyết được.
TS Võ Trí Thành nói: Trong tương lai, công nghệ thay đổi, chi phí thay đổi nên sẽ có rủi ro khi thực hiện. Phương án của mỗi Bộ cần liệt kê rủi ro nằm ở đâu và biện pháp tối thiểu hoá rủi ro đó. Đặc biệt, để dự án có thể thực hiện, người đứng đầu phải giải trình và chịu trách nhiệm với quyết định.
"Chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc này đã bàn cách đây 10 năm. Nếu chúng ta mãi chỉ cãi nhau phải hoàn hảo thì không bao giờ có hoàn hảo. Mỗi phương án đều có rủi ro, phải tối ưu hóa, tối thiểu hóa rủi ro", TS Thành nói.
Chuyên gia: Tốc độ 350km/ giờ, tôi không dám đi!
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho hay: Cách đây 10 năm khi tôi nhận được đề xuất của Bộ GTVT, tôi đã có ý kiến.
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội
Ông này cho rằng, với tốc độ đường sắt 350 km/giờ ở Việt Nam sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. "Thời tiết khí hậu của Việt Nam khắc nghiệt, đường sắt Bắc Nam đi qua nhiều địa hình hiểm trở như núi cao, biển. Chỉ một chi tiết sai lầm nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Nếu có tàu cao tốc 350 km/giờ, tôi cũng không dám đi".
Ông Phong đánh giá: Với điều kiện vốn của Việt Nam, phương án Bộ KH&ĐT đưa ra cải tạo, rồi dần dần xây mới với chi phí 26 tỷ USD là hợp lý hơn.
"Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam có tốc độ vừa phải, như nhiều nước phát triển đang sử dụng là hợp lý, chúng ta cũng sẽ xây dựng theo từng đoạn. Đoạn nào đông khách làm trước để giảm chi phí, tăng cơ hội cho đoạn tiếp theo", ông này nói.
Vốn có thể vượt trên 26 tỷ USD
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng: Cả hai Bộ KH&ĐT cùng Bộ GTVT đều căn cứ vào tốc độ khác nhau để đưa ra đề xuất với chi phí khác nhau, điều này khiến số vốn chênh lệch cao.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng
“Tôi cho rằng, tốc độ của đường sắt cao tốc Bắc Nam không nên quá cao. Tôi đã từng đi tàu cao tốc ở các nước trên thế giới, tốc độ khoảng trên 200 km/giờ. Về vốn đầu tư, tôi nghĩ sẽ cao hơn mức 26 tỷ USD mà Bộ KH&ĐT đưa ra bởi lẽ liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, công nghệ hiện đại”, ông Lực cho biết.
Bộ KH&ĐT và các chuyên gia tư vấn Đức, Hà Lan vừa đưa ra kiến nghị về cải tạo, xây dựng đường sắt cao tốc với chi phí 26 tỷ USD. Điểm trọng yếu chính là bác bỏ khả năng áp dụng tàu cao tốc 350km/h theo đề xuất của Bộ GTVT trước đó. Với đề xuất này, Bộ KH&ĐT tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT trước đó.
Nguyễn Tuyền
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/duong-sat-cao-toc-bac-nam-toc-do-350-kmh-chuyen-gia-kinh-te-toi-khong-dam-di-20190711132923073.htm
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét