Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

PHIM “PHẢN BỘI” GIỜ Ở ĐÂU?



TÒ MÒ Chuyện của THỦY
Số 9. PHIM “PHẢN BỘI” GIỜ Ở ĐÂU?
Thủy nhận bằng tốt nghiệp là vội vã lên tàu về nước ngay. Đó là cuối năm 1977. Có lẽ đó là những chuyến tầu (hỏa) cuối cùng từ Mowcou - Ulanbator - Pekin - Hanoi, trước khi nó bị hủy bỏ hoàn toàn do chiến tranh Trung Quốc - Việt Nam. Thủy rất nhớ và bị ám ảnh bởi phong cảnh tuyệt mỹ của hồ Bai Kal khi con tầu vòng vèo bên hồ nửa ngày trời...
Anh nhớ lại câu trả lời Thầy Karmen trong Lễ Tốt nghiệp: “Thưa thầy, Việt Nam đã hòa bình, vĩnh viễn không còn chiến tranh, không còn kẻ thù nào dám nhòm ngó đất nước tôi như lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói. Bởi vậy đề tài mà tôi quan tâm là thân phận con người và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”...
Nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Hình như chiến tranh, nó là Định Mệnh của đất nước này ? Ông Lê Duẩn nói "dzậy mà không phải dzậy". Khi Thủy về nước cũng là lúc có chuyện bất ổn ở biên giới Việt - Trung, rồi chuyện “Nạn kiều”, Chuyện xung đột trên biên giới... Thủy theo dõi thời sự, có linh cảm chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra. Thủy nói chơi với ông Lý Thái Bảo, giám đốc xưởng phim Tài liệu lúc đó: “Đánh nhau đến đít rồi mà các bố cứ đi làm những thứ nạn kiều, cầu Bắc Luân, những chuyện giời ơi đất hỡi chi chi đó thì chết cả lũ”...
Lý Thái Bảo gật gù. Mấy ngày sau ông gặp lại Thủy và bảo: “Tớ đã họp bàn trao đổi trong Ban giám đốc, Hội đồng Nghệ thuật...nhưng không ai biết phải làm như thế nào ! Thôi! Cậu nói ra ý đó thì tốt nhất cậu làm đi”!
Thủy giật mình. Theo thông lệ của nghề này, về xưởng phim thì phải có thời gian thực tập, đi "điếu đóm" cho các bậc đàn anh vài ba phim, vài ba năm mới được xét làm đạo diễn chính. Ông Lý Thái Bảo giao việc, Thủy đành bắt tay vào làm bộ phim đầu tiên ở hãng phim này.
Thủy mò mẫm đọc tài liệu ở bộ Ngoại Giao, báo chí trong và ngoài nước, đọc cuốn "SÁCH TRẮNG" còn nằm trong két sắt của Ngoại Giao VN, làm kịch bản, lên biên giới khảo sát thực tế. Rồi đạo diễn, tổ chức quay ở mặt trận biên giới Tây Bắc, Việt Bắc khi chiến sự đang diễn ra và viết lời. Phạm Quang Phúc, em rể Thủy là quay phim chính... Tưởng rằng mấy năm khốc liệt ở chiến trường miền Nam vĩnh viễn là dĩ vãng.
Phim có tên là “Phản Bội”. Khi duyệt, xưởng phim và bộ Văn hóa thấy toàn những chuyện lạ, không giám quyết và phải mời Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch cùng các chuyên gia cao cấp trên 4 chiếc xe ô tô sang xem...Ông Thạch rất ok, không sửa một hình, một chữ.
Bùm một cái, nó gây chấn động, đoạt giải Vàng, giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan phim Quốc gia 1980.
Đó là bộ phim nhựa 35mm, dài nhất trong lịch sử Hãng phim Tài liệu Việt Nam cho đến thời điếm đó: 90 phút.
Phim tài liệu thường khó làm, khó xem nhưng “Phản Bội” hấp dẫn như một bộ phim truyện hay, hóm hỉnh và đầy tính kịch, được giới làm phim trong nước và quốc tế rất quan tâm như ở Thụy Điển, ở Liên hoan phim Tasken, ở Liên hoan phim Leipzig. Đặc biệt là Hainopski và Soiman (hai tác giả tinh quái người Đức đã làm phim “Phi Công Mặc Quần Áo Ngủ”) đánh giá cao bộ phim này.

Thủy tâm sự: “Có lẽ vì vậy mà cuộc đời làm phim của tôi không có may mắn đi cắp tráp, đi phụ cho các đạo diễn đàn anh. Tôi không bị hoặc được ảnh hưởng từ ai. Nghĩ gì tôi làm nấy. Bây giờ người ta không cho chiếu bộ phim này, không muốn nhắc đến nó nữa vì những lí do tế nhị chính đáng và không chính đáng của sân khấu chính trị. Nếu làm lại “Phản Bội”, tôi sẽ cấu trúc lại, viết lại lời bình và tên phim có thể sẽ là “Nỗi Buồn Nhược Tiểu”. (CNcT tr. 152 – 154)
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến tranh biên giới Việt- Trung, mình hỏi TV Thủy, ông còn giữ phim đó không? Thủy bảo “không” và bây giờ không biết nó còn được lưu giữ ở đâu! Mình xui Thủy nhân dịp này đi “đòi” phim đó đi, mất thì tiếc quá. Nhưng biết là nó đã bị giấu đi biệt tăm, sao đòi được.
Buồn nhỉ, số phận nó chẳng khác gì các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc trên biên giới 1979 với quân bành trướng Trung cộng. Người ta muốn cho khuất lấp đi. Đã đành cần khép lại quá khứ đau thương, hướng đến tương lại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, nhưng sao che giấu đi như vậy? Lịch sử phải là lịch sử ! Sao lại e sợ người Tàu đến thế?
Mình cứ thắc mắc, người Pháp vẫn hợp tác với Việt Nam làm phim Điện Biên Phủ kia mà? Tổng thống Pháp lên tận Điện Biên Phủ đặt vòng hoa tưởng niệm cả hai đài Tưởng niệm Liệt sĩ Pháp và Việt kia mà... Còn cuộc chiến Việt - Mỹ thì hai bên làm và công chiếu không biết bao nhiêu phim Tài liệu, phim Truyền hình, phim Truyện... Bên Mỹ còn chọn ra 10 bộ phim hay nhất về chiến tranh Việt Nam...
Vậy mà chiến tranh Việt – Trung thì giấu giếm lạ lùng. Nhưng giấu sao được Lịch sử và Nhân dân?
19/7/2019
MVT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: