(Người Việt 03/07/2019) Trước và trong thời gian Hội Nghị G-20 ở Osaka, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe phấp phỏng không biết Tổng Thống Donald Trump sẽ làm gì sau những lời tuyên bố chỉ trích bản Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật, ký năm 1951.
Ông Trump đứa ra các ý kiến trên Twitter, như thường lệ vào ngày 26 Tháng Sáu trước khi lên đường đi Osaka. Lời lẽ rất nặng nề: “…Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta (Mỹ) sẽ phải đánh trận Thế Chiến Thứ Ba. Chúng ta sẽ tới, sẽ bảo vệ họ… đánh nhau với bất cứ giá nào. Đúng không? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải giúp chút nào cà. Họ có thể ngồi coi cuộc tấn công trên ti vi Sony. Đó, khác nhau như thế đó – OK?”
Chính phủ và dân chúng Nhật chắc phải “lên ruột” không biết ông tổng thống Mỹ sắp làm gì. Ông đã từng rút nước Mỹ ra khỏi hiệp ước NAFTA (để ký một hiệp ước mới, vẫn chờ được Quốc Hội Mỹ thông qua). Rút ra khỏi TPP với các nước Châu Á, Thái Bình Dương. Gần đây nhất, ông rút ra khỏi hiệp ước về nguyên tử với Iran.
Ông Abe lo lắng nhất, vì trong tháng này dân Nhật sẽ bỏ phiếu bầu Thượng Viện. Ông Abe vẫn khoe mối giao hảo giữa cá nhân ông và Tổng Thống Trump; bảo đảm quan hệ anh ninh Mỹ-Nhật bền chặt trước các mối đe dọa từ Nga, Trung Cộng và Bắc Hàn.
Ba ngày sau, tại Osaka, nhà báo hỏi Tổng Thống Trump ông có định rút nước Mỹ ra khỏi bản hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1951 hay không. Ông trả lời “Không,” lúc đó ông thủ tướng Nhật mới hết lo. Nhưng ông vẫn than phiền bản hiệp ước đó bất công. Ông chê tất cả các hiệp ước Mỹ đã ký trước đây đều bất công.
Chúng ta thử coi nước Mỹ có dại dột ký một bản hiệp ước bất công như vậy hay không.
Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Nhật ký thời Dwight D. Eisenhower (Cộng Hòa), sau khi hai bên ký một hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng quân đội Mỹ chiếm đóng nước Nhật, kể từ năm 1945. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, George Marshall, và các tướng trong bộ tổng tham mưu yêu cầu ông Eisenhower bắt Nhật phải ký một hiệp ước an ninh; đặt điều kiện phải cho quân đội Mỹ trú đóng ở Nhật Bản để đổi lại việc trả lại chủ quyền cho chính phủ Nhật.
Năm 1951, chiến tranh Cao Ly bắt đầu được một năm, Mỹ mang thêm quân tới Nhật để sang đánh quân Bắc Hàn và Trung Cộng. Lúc đó Thế Chiến Thứ Hai mới chấm dứt chưa đầy sáu năm, quân đội Nhật đã đầu hàng trong khi đang chiếm đóng Hàn Quốc, Mãn Châu, Việt Nam, Đài Loan, và một phần ba nước Tàu. Nếu không “vô hiệu hóa” sức mạnh quân sự của nước này thì có ngày họ sẽ đe dọa lân bang và cả nước Mỹ, không ai biết trước được!
Tiềm năng quân sự của Nhật đã bị vô hiệu hóa bằng bản Hiến Pháp, do các sĩ quan Mỹ viết bằng tiếng Anh trước khi dịch sang tiếng Nhật. Chương thứ hai bản Hiến Pháp cấm không cho nước Nhật tổ chức quân đội – chỉ được lập một lực lượng tự vệ. Nhật cũng không được gửi quân ra nước ngoài.
Chính phủ Nhật gần đây đã giải thích bản Hiến Pháp một cách rộng rãi khi đưa quân sang giúp Mỹ ở Afghanistan, Iraq, và tham dự vào các đội quân Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc, nại cớ rằng họ không tham gia việc chiến đấu.
Những điều kiện trên đều do người Mỹ áp đặt trên một quốc gia bại trận. Cho nên, muốn quân đội Nhật qua chiến đấu nếu Mỹ bị tấn công thì phải sửa bản Hiến Pháp nước Nhật. Nhiều người Nhật cũng muốn sửa nhưng không dám làm, vì sẽ chấn động vùng Á Đông và cả thế giới!
Năm 2017, ông Shinzo Abe qua gặp ông Trump sớm nhất và qua nhiều lần nhất, ông cho biết đã giải thích rõ với tổng thống Mỹ những hạn chế trong Hiến Pháp Nhật cũng như nội dung bản hiệp ước an ninh giữa hai nước. Bản hiệp ước an ninh được hiệu đính năm 1960, trong đó giữ nguyên điều kiện quân Mỹ được đồn trú ở Nhật (chương 6), đổi lại sẽ bảo vệ nước Nhật nếu bị xâm lăng (chương 5).
Ông Abe lo trước, vì trong cuộc tranh cử năm 2016 ông Trump từng than phiền với các cử tri rằng cả thế giới lợi dụng nước Mỹ với những bản hiệp ước thương mại và an ninh “không công bằng.” Ông dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi Minh Ước NATO với Âu Châu, và than phiền rằng Mỹ tốn không biết bao nhiêu tiền để đóng quân ở Đức cũng như ở Nhật.
Riêng tại Nhật Bản, năm 2018 nước Mỹ tốn $2.7 tỉ cho việc đồn trú quân trên lãnh thổ Nhật nhưng chính phủ Nhật cũng chi $2 tỉ vào việc này, theo báo cáo của Sở Nghiên Cứu Quốc Hội (Congressional Research Service – CRS).
Nhưng nước Mỹ được lợi gì khi đóng quân ở Nhật?
Như cuộc chiến tranh Cao Ly cho thấy, lợi rất nhiều. Trừ khi nước Mỹ không còn lo gì về tham vọng bành trướng của Nga, Trung Cộng và Bắc Hàn, thế nào chính phủ Mỹ cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với ba quốc gia hiếu chiến đó.
Nếu nước Mỹ đợi tới khi hữu sự mới đưa quân tới thì sẽ mất hàng năm chuẩn bị, cuộc tấn công nước Nhật những năm 1942-45 cho thấy như vậy. Nếu có sẵn quân trong vùng, ở Nhật Bản và Nam Hàn, thì sẽ tiết kiệm được cả thời giờ lẫn tiền bạc.
Hiện nay có 54,000 quân Mỹ đóng ở Nhật dùng 85 doanh trại trên khắp các hòn đảo. Trong số đó lực lượng hải quân sẵn 11,000 quân ở ngoại khơi các nước Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn. Nếu không đóng quân sẵn ở Nhật Bản thì nước Mỹ sẽ phải đóng thêm không biết bao nhiêu chiến hạm chở quân và máy bay để bảo vệ các chiến hạm đó!
Tổng Thống Trump có thể bỏ qua những điều trên nhưng Thủ Tướng Shinzo Abe thì chắc biết. Ông Abe đã phải ngậm đắng nuốt cay đọc những câu “tuýt” mà ông Trump gửi đến những cử tri nhiệt liệt ủng hộ ông. Ông Abe im lặng, không nói lại một lời. Trong một cuộc tranh luận với các đảng đối lập, ông Abe vẫn quả quyết: “Tổng Thống Trump sẽ không xé bỏ bản hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật!”
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cũng tìm cách trấn an dân chúng, rằng Tổng Thống Trump nói nhiều điều lắm, về bất cứ chuyện gì, những điều ông nói không nhất thiết trở thành chính sách của chính phủ Mỹ! Chính phủ Nhật Bản không cần phải cứ ông tổng thống “tuýt” cái gì cũng phải phản ứng! Đó không phải là cách cư xử của người Nhật chúng ta.
Ông Shinzo Abe bây giờ có thể ngủ ngon. Đi dự G-20 trở về, Tổng Thống Trump đã có đề tài mới để “tuýt.” Ông dọa sẽ đánh thuế trên $4 tỉ hàng hóa nhập cảng từ Âu Châu, sau khi cho phép các công ty Mỹ bán đồ cho Huawei của Trung Cộng và tuyên bố sẽ không gây chiến tranh quan thuế với Mexico nữa.
Kinh nghiệm cho thấy làm bạn với nước Mỹ khó hơn là đóng vai thù nghịch. Đến thời Tổng Thống Trump càng khó hơn.
NGÔ NHÂN DỤNG
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét