Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Nghệ sĩ Nhân Dân XUÂN ĐÀM VÀ TÌNH BẠN VỚI NHÀ SỬ HỌC “BỊ RUỒNG BỎ”


NSND Xuân Đàm và vợ, NSUT Kim Quý.


Năm 1991, GS. Trần Quốc Vượng đi Mỹ. Tại Đại học Cornell, ông xuất bản tập chuyên khảo sử học “Trong cõi”. Cuốn sách có giới thiệu một số bài viết mà tác giả chưa từng công bố ở trong nước. Đáng chú ý nhất, là các bài “Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (Kinh nghiệm điền dã)” và “Nỗi ám ảnh của quá khứ”. Cả hai bài này đều được viết dưới dạng tản văn/tùy bút nhân học. Ở bài thứ nhất, thông qua nỗi bất hạnh của một số trí thức dòng dõi Nho gia – trong đó có cả trường hợp ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của “người mà ai cũng biết là ai đấy”, tác giả đã khéo léo đề cập đến câu chuyện về tính “chính danh”. Ở bài thứ hai, ông phê phán nhiều thứ, trong đó có cả thói quen dối trá, kinh viện, hèn nhát của những người có học ở Việt Nam, và đưa ra cảnh báo về họa lệ thuộc và mầm chia rẽ.

Nhiều người đọc “Trong cõi” cứ tưởng “vấn đề” chính của ông là ở chỗ đã huỵch toẹt chuyện thân phận thật sự của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hoặc giễu nhại mấy vị có học đương quyền. Thực tế không phải vậy. Mấu chốt ở đây là ông đã gián tiếp đề cập đến tính “chính danh” và thẳng tưng nói đến họa lệ thuộc và mầm chia rẽ. Lưu ý rằng, lúc này, Văn kiện Hội nghị Thành Đô vừa mới được ký kết. "Tội" tày đình.

Về nước, ông lãnh đủ. Mặc dù không có bất cứ quyết định nào nhằm phê phán hay đưa ra một hình thức kỷ luật cụ thể nào đó đối với ông, nhưng trên thực tế, suốt trong mấy năm sau đó GS. Trần Quốc Vượng gần như chỉ ngồi chơi xơi nước ở Hà Nội. Nhiều người trước đó tưởng là bạn bè, giờ xa lánh. Ông gần như bị cô lập. Xung quanh ông, chỉ còn một vài người bạn từng gặp hoạn nạn tương tự. Và hơn chục đệ tử ruột.

Đúng lúc đó, một vị phúc tinh đã đến với ông từ phương Nam: NSND Nguyễn Xân Đàm, thường được biết đến với nghệ danh Xuân Đàm. Xuân Đàm sinh năm 1931 (hơn GS. Trần Quốc Vượng 3 tuổi), quê gốc làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị (nay là Đông Hà, Quảng Trị), từng là lính chiến trong thời kỳ “Kháng chiến chín năm”. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc và đến năm 1960 ông mới rời quân ngũ, vào học trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Những năm 1962-1964, và 1967-1970, ông được cử đi học đạo diễn sân khấu tại Liên Xô. Về nước, ông vừa tham gia giảng dạy, vừa dựng nhiều vở diễn cho các đoàn nghệ thuật khác nhau. Đồng nghiệp đánh giá ông là một trong số ít đạo diễn tài năng và có tư duy đổi mới. Ông cũng là một trong những người bạn liên tài và tâm đắc của GS. Trần Quốc Vượng.

GS Trần Quốc Vượng
Năm 1989, đạo diễn Nguyễn Xuân Đàm trở thành Giám đốc đầu tiên của Sở Văn hóa – Thông tin Quảng Trị sau chia tách. Cấp phó của ông là nhà văn Xuân Đức, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời “Người không mang họ”. Lúc đó Quảng Trị vừa tái lập được mấy năm, còn bộn bề khó khăn. Cơ quan nào cũng nghèo nàn thiếu thốn. Sở Văn hóa - Thông tin lại càng nghèo. Thực tế, vấn đề cấp bách của ngành văn hóa - thông tin Quảng Trị lúc đó không phải là khảo cổ học, mà là xây dựng các cơ sở vật chất, kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng bảo tàng, thư viện, vực lại đoàn nghệ thuật của tỉnh... Nhưng thấy bạn vướng nạn văn chương, NSND Xuân Đàm đã không hề nề hà, bàn với nhà văn Xuân Đức tìm cách “giải cứu”. Hai ông đã xây dựng một chương trình khảo cổ học tại Quảng Trị, kéo dài trong 3-4 năm, bằng ngân sách ít ỏi của địa phương. GS. Trần Quốc Vượng được mời vào chủ trì thực hiện. Những phát hiện của chương trình khảo cổ học này, sau đó đã được đánh giá là rất quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị nói riêng, nền khảo cổ học Việt Nam nói chung. Đối với riêng GS. Trần Quốc Vượng, ông thực sự hạnh phúc bởi được “giải phóng” khỏi tình trạng có phần cô đơn/nhàm chán ở Hà Nội, để vừa được làm nghề, vừa có thêm dịp ngao du sơn thủy.

Sinh thời, GS. Trần Quốc Vượng có nhiều bạn bè và hàng ngàn môn sinh. Nhiều người trong số đó nay đã thành danh, giữ những trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng có lẽ, NSND Xuân Đàm là người bạn đáng nhớ nhất - một nhân sĩ “ngoại ngạch” nhưng liên tài và sẵn sàng làm tất cả vì bạn! 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: