Đức Phật nói với đệ tử: “Có một người dùng bè để sang sông, anh ta nghĩ nhờ cái bè nên anh ta mới qua được sông, để tỏ lòng biết ơn, anh ta mang chiếc bè trên vai tiếp tục hành trình. Vậy đó có phải là hành vi khôn ngoan?”.
Xuân Dương : Nếu biết rằng Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính,… thì không thể không nêu câu hỏi:
“Vì sao phải tới năm 2018, tờ báo của Bộ Tư pháp này mới dùng những ngôn từ mạnh mẽ như vậy để nói về nỗi cơ cực của người dân Thủ Thiêm”?
Và cũng không thể không hỏi vì sao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản bác Quyết định của Thủ tướng mà suốt hàng chục năm cơ quan chịu trách nhiệm “kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật” lại im re không dám nói gì?"
Từ khi chiến dịch “Lò nóng – củi tươi” được phát động, rất nhiều quan chức cao cấp bỗng nhiên biến thành “củi”.
Về phía Đảng, chức cao nhất là Ủy viên Bộ Chính trị (Đinh La Thăng), về phía chính quyền, chức cao nhất là Phó Thủ tướng (Vũ Văn Ninh).
Lĩnh vực vi phạm chủ yếu là kinh tế, tội trạng chủ yếu là làm trái quy định của pháp luật hoặc quy định của Đảng, thực trạng này làm xuất hiện câu hỏi “Ghế cao hay Luật cao”?
Có người cho rằng “ghế làm ra luật” nên “ghế cao hơn luật”.
Thế nhưng trên đời vẫn có kẻ chẳng quan tâm đến ghế hay luật, họ mắc võng đung đưa hóng mát giữa cả rừng luật, rủi có cây nào che khuất tầm nhìn, chặt ngang thân hoặc cưa sát gốc chỉ là chuyện của chiếc điện thoại di động.
“Đạo cao một thước, ma cao một trượng” vốn là câu nói ẩn dụ về sự hành đạo của người tu hành.
Để đắc đạo, Hành giả phải vượt qua khó khăn gấp nhiều lần so với năng lực sơ khởi,…
Người bình thường, không phải Hành giả hiểu câu nói này theo hướng so sánh đơn giản: “một trượng bằng 10 thước”.
Thế có nghĩa là khi cao hơn “đạo” chỉ còn con đường “nhập ma”, và muốn “nhập ma” thì phải “đắc đạo”?
Nghịch lý ở chỗ câu hỏi này suy ra từ cách hiểu của người bình thường nhưng đặt ra không phải cho người bình thường mà cho người tu hành – tức là Hành giả.
Nếu “đạo” không chỉ chỉ lối đưa đường đến “ma” mà có kẻ vẫn thành “ma” thì chỉ có thể là lực hấp dẫn của “ma” mạnh hơn của “đạo”, tức là cả vật chất và phi vật chất, thu hoạch từ “đạo” không bằng so với “ma”.
Một khi “ma” mạnh hơn “đạo” thì lịch sử sẽ bị kéo lùi, chẳng khác gì câu thơ dí dỏm trong dân gian: “Từ trong hang đá chui ra, vươn vai một cái rồi ta chui vào”.
Vậy có thật ở nước ta, lịch sử đang bị kéo lùi?
Về tổng thể thì không, trong một số không ít lĩnh vực thì có.
Chui vào “hang đá” là hơi ngoa, nói quay về thời kỳ “chị Dậu” là vừa phải.
“Chị Dậu” trong tiểu thuyết ai đã học phổ thông chắc cũng biết, còn chị Dậu thời hiện đại thì hãy xem báo chí mô tả một bộ phận khá lớn người dân Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh 20 năm qua:
“Chấp nhận sống xa quê, chấp nhận tá túc trong những phòng trọ chật hẹp, chấp nhận những bữa cơm chỉ đủ ấm bụng, hơn 30 người dân Thủ Thiêm vẫn cùng nhau bám trụ lại Thủ đô Hà Nội, nơi mà họ gọi là “Trung ương” để mong có cơ hội đòi lại đất, đòi lại những quyền lợi chính đáng mà bản thân và gia đình đã bị cướp đi một cách trắng trợn”.
Đoạn văn trên không phải là những phát biểu vô trách nhiệm, nó được đăng trên trang Phapluatplus.vn – Cơ quan của Bộ Tư pháp. [1]
Nếu biết rằng Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính,… thì không thể không nêu câu hỏi:
“Vì sao phải tới năm 2018, tờ báo của Bộ này mới dùng những ngôn từ mạnh mẽ như vậy để nói về nỗi cơ cực của người dân Thủ Thiêm”?
Và cũng không thể không hỏi vì sao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản bác Quyết định của Thủ tướng mà suốt hàng chục năm cơ quan chịu trách nhiệm “kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật” lại im re không dám nói gì?
Ảnh chụp màn hình báo Phapluatplus.vn ngày 10/07/2019 |
Trong một nhà nước vốn luôn nhấn mạnh đến cụm từ “thượng tôn pháp luật”, ai/cơ quan nào đủ quyền lực, đủ sức mạnh để “cướp đi một cách trắng trợn những quyền lợi chính đáng” của người dân Thủ Thiêm?
Không thể chỉ một vài người, không thể chỉ một vài cơ quan, đoàn thể, cũng không thể chỉ là lỗi của địa phương.
Suy cho đến tận cùng, cơ quan hay đoàn thể cũng được đại diện bởi những con người có tên, có chức, có gốc gác, dòng tộc,… Khi tự biến mình thành cướp, mà lại là bọn “cướp trắng trợn” thì nghĩa là chúng đã thành Ma chứ không còn là Đạo.
Thế thì vì sao vài năm gần đây “ma” xuất hiện nhiều thế? Phải chăng lỗi là do người Việt ngày nay quên lời dạy của Phật, bỏ tập tục trồng cây nêu ngày tết?
Câu trả lời là không phải, theo cách nói của dân chúng, chẳng qua là do “Lò Bát quái” của Lão Quân nóng quá nên bọn ma quỷ phải hiện nguyên hình.
Có điều người dân thực sự sửng sốt khi thấy trong hàng ngũ “ma” có không ít cán bộ từ cấp xã, phường đến Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng và nhiều vị cấp tướng, xen lẫn trong đó là không ít doanh nhân chủ các doanh nghiệp như Khải Silk, VN Pharma, AVG,…
Có một sự thật mà dân chúng không muốn tin, cả nước có năm thành phố trực thuộc trung ương, quan trọng nhất là ba thành phố ở ba miền: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, người đứng đầu thành phố hiện tại bảo không muốn đổ lỗi cho “thế hệ trước” về việc băm nát quy hoạch thủ đô và nhiều chuyện khác. Thủ đô văn hiến, thanh lịch nên chuyện “Vạch áo cho người xem ” phải chăng là không phải đạo?
Tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị cách chức vì “đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…”;
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bị bỏ tù vì hàng loạt sai phạm trước khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.
Trong Chính phủ, một cựu Phó Thủ tướng, một cựu lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và mấy thứ trưởng vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương bị xem xét kỷ luật.
Chắc chắn không phải là vô ý hay trình độ kém, vậy vì sao họ lại rủ nhau làm trái điều lệ, pháp luật dù chức vụ rất cao và bằng cấp đầy mình?
Lỗi không chỉ của cá nhân mà còn cơ chế
Làm quan phải đủ cả tài và đức, việc người dân phê phán chuyện nhiều quan chức là “con cháu các cụ” thực ra chỉ đúng một phần, bởi dù có là con cháu các cụ chính hiệu thì cũng phải nằm trong “Quy trình”.
Nhưng có thật khi “Quy trình” bảo không thì chả “cụ” nào dám bảo có, còn khi “Quy trình” bảo có chẳng “cụ” nào dám bảo không?
Liệu có ngoại lệ khi “quy trình” phải xin ý kiến các “cụ”?
Cách đặt vấn đề chứa đầy mâu thuẫn này thực ra chính là tuân theo phép biện chứng.
Vì chúng ta nói rất nhiều đến quy luật nhưng chưa (hoặc không?) làm theo quy luật.
“Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” (còn gọi là quy luật Mâu thuẫn) là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật.
Quy luật này chỉ ra nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng chính là động lực của sự vận động, phát triển.
Nếu sự vật, hiện tượng không chứa đựng mâu thuẫn, tức là không chứa đựng các “mặt đối lập” thì không thể phát triển.
Xưa nay, chúng ta rất ngại nói đến sự tồn tại của “các mặt đối lập” trong xã hội, trong tổ chức, trong các quan điểm chỉ đạo.
Công nhận các “mặt đối lập” trong sự vật, hiện tượng (hoặc tổ chức) là biện chứng, không thừa nhận sự tồn tại các mặt đối lập là không biện chứng, không cho phép tồn tại các mặt đối lập là cực đoan, trái quy luật.
Việc không thừa nhận sự tồn tại của các mặt đối lập sẽ dẫn tới quan điểm tất cả “đều là đồng chí, đều là anh em”, dẫn đến khi xử lý mâu thuẫn phải theo kiểu “vuốt ve, dĩ hòa vi quý” và đó chính là nguyên nhân làm chậm phát triển.
Công nhận các “mặt đối lập” không có nghĩa là phá vỡ sự đoàn kết mà chỉ là nhận diện đầy đủ, khách quan thực trạng đang diễn ra trong sự vật để có những đối sách hợp lý.
Nói cách khác, những tiếng nói trái chiều cần được lắng nghe, tôn trọng nếu xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tiêu diệt “mặt đối lập” này sẽ làm xuất hiện “mặt đối lập” khác và có thể “mặt” chiến thắng sẽ trở thành “rào cản” cái mới đang thai nghén. Điều đáng nói là “rào cản” ấy khi trở thành “mặt đối lập mới” sẽ trở thành động lực tích cực hay tiêu cực cho sự phát triển.
Và quan trọng hơn, cần nhìn nhận các “mặt đối lập” theo phép biện chứng, không đồng nhất “mặt đối lập” với các thế lực đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Làm người đốt lò, trong sạch chưa đủ
|
“Lò nóng” khiến cho ma quỷ phải hiện nguyên hình, thế có phải là chúng đã và đang tồn tại đầy rẫy từ nhà ra phố, từ Bắc vào Nam, từ xuôi lên ngược?
Đúng như vậy.
Vì sao chúng nhiều thế, đa dạng thế?
Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng”.
Nguyễn Thị Kim Anh nguyên là Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng.
Kim Anh đã nhận tiền trong chuyến thanh tra tại Vĩnh Phúc, Công an khám nơi làm việc của Đoàn thanh tra tại Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Tường, phát hiện 335 triệu đồng trong tủ do Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.
Liên quan đến vụ Trịnh Sướng làm xăng giả, một lãnh đạo cấp huyện đã nghỉ hưu chi gần 90 triệu đồng cho chuyến du lịch Nhật Bản, tiền ấy do buôn chổi đót, lao động “thối móng tay” hay tiết kiệm từ lương hưu mà có?
Dân chúng và cả các chính trị gia hay nói đến “Mưu ma, chước quỷ” mà không thấy đề cập đến “Mưu đạo, chước đạo”, nếu quả thật như thế thì phần thắng nghiêng về phía nào khỏi cần bàn luận.
Dù “Đạo” có là chính nhân quân tử thì để chiến thắng đối thủ vẫn cần “Mưu đạo, chước đạo”, “Lò củi” xuất hiện phải chăng là vì thế.
Đã quyết định “đốt lò” thì “Thắng không cần làm vua, thua dân lập đền thờ”.
Nếu đắn đo thì chớ, vì lóng ngóng có thể bị bỏng.
“Đốt lò” không phải là công việc làm một lúc một nhát, dành cả đời chưa chắc đã đốt hết củi, thế nên bản lĩnh của người đứng đầu không phải là cầm quạt mà là động viên, bồi dưỡng một tập thể, một nhóm người “sẵn sàng cưỡi trên lưng hổ”.
Người được đặt trên lưng hổ thì không thể xuống, xuống có thể bị hổ vồ. Cách làm này có vẻ thiên về “mưu ma chước quỷ” chứ không phải chính đạo.
Cho dù có thể bị coi là không chính đạo nhưng chắc chắn là nhân đạo bởi mưu cầu lợi ích cho dân, cho nước không thể không có hy sinh, mất mát.
Việc cho củi vào lò là bất đắc dĩ song không thể không làm và việc “Đốt lò” cần đến trí tuệ chứ không phải công việc dành cho “phàm phu tục tử”.
(Còn nữa)
Xuân Dương
https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/con-nguoi-voi-chiec-be-tren-lung-1-post200381.gd
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét