Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Cái chết Đen: Đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại


Bùng phát trong một khoảng thời gian ngắn, đại dịch Cái chết Đen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trong thế kỷ 14, tương đương với 60% toàn bộ dân số châu Âu, khiến nó trở thành một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất đeo bám nhân loại dai dẳng.
Lây theo cấp số nhân
Cái chết Đen lây lan ở châu Âu trong những năm từ 1346 – 1353. Tuy nhiên, cái tên nghe rợn tóc gáy này chỉ xuất hiện vài thế kỷ sau đó. Cái chết Đen (atra mors) trên thực tế là một cụm từ cổ trong tiếng Hy Lạp và được sử dụng trong tiếng Latin cổ điển. Nó vốn được dùng trong thơ ca để biểu thị sự đen tối và sợ hãi liên quan đến cái chết chứ không chỉ riêng một loại bệnh nào.
Lần đầu tiên cụm từ “atra mors” được sử dụng để ám chỉ dịch bệnh này là vào năm 1631 trong một cuốn sách về lịch sử Đan Mạch của J.I. Pontanus. Cái tên sau đó được sử dụng rộng rãi ở vùng Bắc Âu và tiếp đến là Đức, dần dần nó được gắn liền với đại dịch chết chóc này. Ở Anh, mãi đến năm 1823 thì đại dịch trung cổ mới lần đầu tiên được gọi là Cái chết Đen.
Biểu hiện của bệnh là hạch nổi khắp cơ thể. Khi những mạch máu trong các hạch bị vỡ, máu khô lại và biến thành những cục màu đen cản trở sự lưu thông máu. Hiện tượng chảy máu trong cũng xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như gan, phổi và dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và dịch đường hô hấp.
Các ghi chép lịch sử và cả thư từ thời kỳ đó đã khắc họa nỗi khiếp sợ do dịch bệnh này gây ra. Người ta không thể làm gì khác ngoài việc đem các thi thể đi chôn. Ở mỗi một nhà thờ, họ đào những hố sâu tới mặt nước ngầm. Những người nghèo bị chết trong đêm sẽ được bọc lại nhanh chóng và quăng xuống hố. Sáng hôm sau khi hàng loạt thi thể đã được chất đống bên trong hố, người ta phủ một lớp đất bên trên các thi thể sau đó lại đặt các thi thể khác lên rồi lại xúc đất đổ vào, cứ như thể đang làm một chiếc bánh kẹp lasagne với nhiều lớp patê và pho mát.
Cái chết Đen là một loại bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra và lây lan thông qua các loài gặm nhấm sinh sống thành từng bầy với số lượng lớn. Một khu vực như vậy được gọi là “ổ dịch”. Dịch bệnh ở người xuất hiện khi những động vật gặm nhấm trong nơi ở của người, thường là chuột đen, bắt đầu nhiễm bệnh. Chuột đen rất thích sống gần người và đó chính là mối hiểm họa bởi các loài chuột nâu hay chuột xám lại hay tránh xa con người, sống trong ống cống hay nhà kho.
Thông thường, sẽ mất từ 10 – 14 ngày trước khi dịch bệnh giết chết gần như toàn bộ bầy chuột bị nhiễm bệnh, khiến vô số những con bọ chét không thể bám hết vào vật chủ mới vốn là những con chuột khác trong bầy (cũng sẽ sớm chết không lâu sau đó). Sau 3 ngày “rỗng bụng”, những con bọ chét khát máu này sẽ chuyển sang cắn người. Từ vết cắn, vi khuẩn lây nhiễm đến hạch bạch huyết, khiến nó sưng lên thành chứng sưng bạch hạch gây căng cứng và đau đớn, chủ yếu nổi lên ở bẹn, nách hoặc cổ.
Thời gian ủ bệnh từ lúc bị cắn là 3 – 5 ngày trước khi bệnh nhân bị ốm, và có tới 80% số ca nhiễm bệnh tử vong trong 3 – 5 ngày tiếp theo. Do đó, từ khi có chuột nhiễm bệnh xuất hiện trong một cộng đồng người thì trung bình sau khoảng 23 ngày sẽ có người đầu tiên trong cộng đồng đó tử vong.
Ví dụ, khi một người lạ có tên Andrew Hobson chết do bệnh dịch hạch khi đến Penrith (Anh) vào năm 1597, ca nhiễm bệnh tiếp theo xuất hiện 22 ngày sau đó, tương ứng với giai đoạn đầu tiên của quá trình bùng phát bệnh dịch. Và tất nhiên Hobson không phải là người duy nhất từ một thị trấn hay khu vực bị dịch hạch hoành hành đi đến nhiều cộng đồng khác nhau trong vùng mang theo những con bọ chét nhiễm bệnh trên quần áo và hành lý của mình. Sự lây lan kiểu này gọi là lây lan theo “cấp số nhân” hay “di căn”. Bởi vậy, bệnh dịch hạch sớm nổ ra ở những trung tâm đô thị hay vùng nông thôn khác, từ đó nó lại lan truyền đến những ngôi làng và thị trấn của những vùng xung quanh theo mức độ tương tự.
Để bùng phát, bệnh dịch hạch phải lan truyền đến các bầy chuột khác trong vùng và lây nhiễm cho người dân theo cách tương tự. Phải mất một khoảng thời gian tương đối thì người ta mới nhận ra một dịch bệnh khủng khiếp đang bùng phát trong khu vực của họ và được ghi chép lại trong sử sách. Khoảng thời gian đó không cố định, ở vùng nông thôn là khoảng 40 ngày; còn ở hầu hết các thị trấn với vài nghìn dân thì từ 6 – 7 tuần; ở các thành phố từ 10.000 dân trở lên thì khoảng 7 tuần và ở một số ít đô thị lớn với trên 100.000 dân thì mất đến 8 tuần.
Vi khuẩn dịch hạch có thể được mạch máu đưa từ hạch tới phổi và gây ra một thể dịch hạch khác lây nhiễm từ người sang người qua những giọt nước bọt khi ho. Tuy nhiên, trái ngược với quan niệm của nhiều người, dịch hạch thể phổi không dễ mắc phải, chỉ lây lan một cách tình cờ theo từng lúc, do đó chỉ chiếm một phần nhỏ số các ca nhiễm bệnh.
Như vậy rõ ràng là chấy rận ở người không góp phần gây ra sự lây lan của dịch bệnh, ít nhất là ở mức không đáng kể. Mạch máu của người không bị vi khuẩn dịch hạch từ các bạch hạch xâm chiếm, do đó bệnh nhân tử vong mà trong máu có rất ít vi khuẩn, không đủ để khiến các ký sinh trùng hút máu trên cơ thể người bị lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Một đơn vị máu của những con chuột nhiễm bệnh chứa lượng vi khuẩn cao gấp 500 – 1.000 lần so với một đơn vị máu tương ứng ở người nhiễm bệnh.
Hiểm họa từ vận tải biển
Trước đây nhiều người cho rằng Cái chết Đen bắt nguồn từ Trung Quốc, song những nghiên cứu mới cho thấy nó bắt đầu vào mùa xuân năm 1346 ở vùng thảo nguyên chứa nhiều ổ dịch trải dài từ vùng duyên hải tây bắc Biển Caspi tới miền Nam nước Nga. Thậm chí đến nay vẫn có người thỉnh thoảng bị mắc bệnh. Hai bản sử ký đương đại xác định vùng cửa sông Đông – dòng sông chảy ra Biển Azov – là khu vực khởi phát của dịch bệnh.
Tuy nhiên, đó có thể chỉ là những suy đoán và dịch bệnh có thể bắt nguồn từ những nơi khác, như khu vực cửa sông Volga chảy ra Biển Caspi. Khi đó, khu vực này nằm dưới sự cai trị của Hãn quốc Mông Cổ. Vài thập kỷ trước đó, Hãn quốc Mông Cổ cải sang đạo Hồi và không chấp nhận sự hiện diện của người Cơ đốc giáo cũng như hoạt động giao thương với họ. Kết quả là, những tuyến thương mại trên Con đường Tơ lụa giữa Trung Quốc và châu Âu bị cắt đứt. Theo đó, Cái chết Đen không lan truyền từ phương Đông qua Nga đến Tây Âu, mà dừng lại đột ngột trên biên giới Mông Cổ với các công quốc Nga.
Trên thực tế đại dịch bắt đầu bằng một cuộc tấn công của người Mông Cổ nhằm vào trạm giao thương cuối cùng của các lái buôn Italy – Kaffa (nay là Feodosiya) ở Crimea. Mùa thu năm 1346, dịch bệnh bùng phát trong các binh sĩ vây hãm rồi xâm nhập vào thị trấn. Khi mùa xuân đến, người Italy bỏ chạy trên những con tàu và Cái chết Đen “âm thầm” đồng hành với họ.
Các con tàu di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 40 km/ngày, tương đối chậm so với ngày nay. Tuy nhiên, tốc độ đó cũng đồng nghĩa với việc Cái chết Đen dễ dàng lan xa tới 600 km trong hai tuần bởi một con tàu – một mức độ phát tán đáng kinh ngạc và khó lường theo thuật ngữ đương đại. Trên bộ, dịch bệnh lây lan với tốc độ trung bình chậm hơn nhiều, tối đa 2 km/ngày theo các tuyến đường chính tấp nập nhất và khoảng 0,6 km/ngày theo những tuyến đường thứ cấp.
Các tàu Italy mang theo Cái chết Đen từ Kaffa đến Constantinople (Istanbul) vào tháng 5/1347. Dịch bệnh bùng phát ở đó vào đầu tháng 7 cùng năm và ở Trung Đông – Bắc Phi trong khoảng ngày 1/9 sau khi đến Alexandria (Ai Cập) trên tàu vận tải từ Constantinople. Dịch cũng bắt đầu lan truyền từ Constantinople sang các trung tâm thương mại ven Địa Trung Hải của châu Âu từ mùa thu năm 1347.
Các thương lái Italy dường như đã rời Constantinople vài tháng sau đó và trở về quê nhà của họ ở Genoa và Venice với dịch bệnh trên những con tàu. Trên đường trở về, các con tàu từ Genoa cũng làm lây nhiễm thành phố cảng Pisa ở Florence. Những thành phố thương mại lớn này đã đóng vai trò như những đầu cầu giúp dịch bệnh “xâm chiếm” châu Âu.
Tại khu vực Địa Trung Hải thuộc châu Âu, Marseilles (Pháp) là trung tâm phát tán dịch lớn đầu tiên. Sự lây lan lên phía bắc đến thung lũng Rhone cho tới Lyon và về phía tây nam dọc các vùng duyên hải tới Tây Ban Nha, diễn ra với tốc độ kinh hoàng bất chấp những tháng ngày mùa đông lạnh lẽo với rất ít hoạt động vận tải biển. Đến tháng 3/1348, các khu vực ven Địa Trung Hải của Lyon và Tây Ban Nha đều bị dịch bệnh tấn công.
Từ cuối tháng 3, đầu mối thương mại Bordeaux (Pháp) ven Đại Tây Dương cũng trở thành trung tâm phát tán dịch bệnh mới. Cuối tháng 4, một con tàu chứa mầm bệnh khác khởi hành từ Bordeaux đã đến Rouen thuộc vùng Normandy. Từ đây, vào tháng 6, một mặt trận dịch bệnh nữa lan truyền về phía tây đến Brittany, về phía đông nam đến Paris và phía bắc theo hướng các vùng trũng duyên hải Tây Âu (Hà Lan, Bỉ).
Vào khoảng ngày 8/5, một con tàu nữa rời Bordeaux mang theo Cái chết Đen đến thị trấn Melcombe Regis của Anh. Dịch bệnh bùng phát ngay trước ngày 24/6. Từ Melcombe Regis, dịch bệnh lan truyền không chỉ bằng đường bộ mà còn bằng đường biển với tốc độ chóng mặt. London bị lây nhiễm vào đầu tháng 8. Các thị trấn cảng biển thương mại như Colchester và Harwich cũng đã nhiễm dịch vào cùng khoảng thời gian này.
Cái chết Đen xuất hiện ở Oslo vào mùa thu năm 1348 và chắc chắn là đến theo một con tàu từ miền Đông Nam nước Anh, quốc gia có quan hệ thương mại sôi động với Na Uy. Dịch bệnh tại Na Uy nổ ra thậm chí trước khi nó xâm nhập được vào miền Nam nước Đức qua đường bộ – diễn biến một lần nữa cho thấy tác động to lớn của hoạt động vận tải tàu biển và tốc độ lây lan chậm chạp trên đất liền. Dịch bệnh ở Oslo chấm dứt khi mùa đông đến nhưng trở lại vào đầu mùa xuân.
Sau khi đến Oslo, bệnh dịch hạch tiếp tục lây lan tới những nơi khác ở Bắc Âu. Vận tải biển tiếp tục đóng một vai trò then chốt. Lần này chủ yếu là thông qua các tàu thuộc Liên minh Hanse (một liên minh tồn tại từ giữa thế kỷ 13 cho đến giữa thế kỷ 17 với mục đích cùng nhau bảo đảm an ninh của các tàu buôn và đại diện quyền lợi kinh tế chung) rời bỏ trung tâm giao thương của họ ở Oslo với hàng hóa đã mua trong mùa đông.
Trên đường trở về quê nhà, con tàu đã khiến Cảng biển Halmstad (Thụy Điển) bị lây nhiễm vào đầu tháng 7. Và đây là “tiền trạm” cho Cái chết Đen “đổ bộ” vào Đan Mạch cũng như Thụy Điển. Các tàu này sau đó cũng đưa Cái chết Đen tới một số thành phố khác thuộc Liên minh Hanse nằm ven cả Biển Baltic và Biển Bắc. Đến mùa xuân năm 1350, một ổ dịch ở miền Bắc nước Đức xuất hiện và lây lan về phía nam, hòa vào ổ dịch hình thành ở miền Nam nước Đức từ mùa hè năm 1349 với nguồn lây nhiễm từ Áo và Thụy Sĩ.
Bước ngoặt lịch sử
Năm 1353, đến lượt Moskva bị hoành hành và dịch bệnh cũng tiến đến biên giới Hãn quốc Mông Cổ rồi tắt dần ở đó. Theo lộ trình này thì dịch bệnh bắt nguồn từ phương Tây. Ba Lan bị đại dịch tràn vào từ nguồn bệnh ở Elbing, ổ dịch miền Bắc nước Đức và dường như từ phía nam qua biên giới của Slovakia thông qua Hungary. Iceland và Phần Lan là những khu vực duy nhất tránh được đại dịch bởi các nước này có quy mô dân số nhỏ và có rất ít tiếp xúc với bên ngoài.
Vậy rốt cuộc bao nhiêu người là nạn nhân của Cái chết Đen. Các nhà nghiên cứu trước đây từng thống nhất quan điểm rằng đại dịch này đã làm giảm từ 20 – 30% dân số châu Âu. Tuy nhiên, cho đến năm 1960, chỉ có một số ít công trình nghiên cứu về con số tử vong ở người dân bình thường, do đó cơ sở của đánh giá trên là không chắc chắn. Từ năm 1960, nhiều nghiên cứu đối với các khu vực khác nhau của châu Âu đã được công bố. Chúng đã được đối chiếu với nhau và giúp đưa đến kết luận rằng những ước tính trước đó chỉ bằng một nửa so với con số tử vong thực tế.
Trước sức lây truyền như vũ bão của thảm họa Cái chết Đen, chính phủ các nước châu Âu gần như tê liệt hoàn toàn. Ở một số thành phố trong một ngày thậm chí có tới 800 người tử vong. Những nhà khoa học hàng đầu thời điểm đó đã không thể đưa ra một biện pháp đối phó nào vì họ không thể tìm ra nguyên nhân hoặc cách thức lây lan của đại dịch. Họ thậm chí còn không đủ thời gian để nghiên cứu bởi chính mình cũng trở thành nạn nhân.
Theo chuyên gia về lịch sử Trung Cổ Philip Daileader thì kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy chừng 45 – 50% dân số châu Âu chết chỉ trong vòng bốn năm, các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải như miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha, tỷ lệ dân số tử vong có lẽ lên tới 75 – 80% trong khi ở các nước phía bắc như Đức hay Anh, con số này dừng lại ở chừng 20%. Tại khu vực Trung Đông gồm Iraq, Iran và Syria, số người chết là vào khoảng một phần ba dân số. Ước chừng 40% dân số Ai Cập đã chết trong lần đại dịch này.
Vì nhiều lý do mà tỷ lệ tử vong do bệnh dịch hạch ở phụ nữ và trẻ em cao hơn so với nam giới trưởng thành. Một số cuộc điều tra dân số do các thành bang ở Tuscany (Italy) thực hiện nhằm nắm bắt nhu cầu về ngũ cốc hay muối hiện vẫn còn được lưu giữ. Số liệu cho thấy các hộ gia đình ở vùng nông thôn trung bình giảm từ 4,5 xuống 4 thành viên và ở các trung tâm đô thị giảm từ 4 xuống còn 3,5 thành viên. Tất cả các nguồn tài liệu từ thời trung cổ cho phép tiến hành nghiên cứu về quy mô và thành phần các hộ gia đình cũng đưa đến những số liệu tương tự, từ Italy ở Nam Âu cho đến Anh ở Tây Âu và Na Uy ở Bắc Âu.
Nghiên cứu kỹ về các số liệu tử vong có sẵn đã chỉ ra hai đặc điểm nổi bật liên quan đến các nạn nhân của Cái chết Đen, đó là tỷ lệ tử vong cực cao do bệnh dịch hạch và sự giống nhau đến lạ thường của tỷ lệ tử vong tại các khu vực khác nhau, từ Tây Ban Nha ở Nam Âu cho đến Anh ở Tây Bắc Âu.
Các học giả nói chung cho rằng quy mô dân số châu Âu vào thời kỳ đó là khoảng 80 triệu người và các số liệu phổ biến cho thấy Cái chết Đen đã làm biến mất đến 60% dân số châu lục này, tương đương với khoảng 50 triệu người. Đây quả là con số không thể tin nổi, làm lu mờ ngay cả những thiệt hại khủng khiếp nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Làm biến mất một phần dân số toàn cầu chỉ trong vẻn vẹn vài năm từ 1346 – 1353, Cái chết Đen thực sự là một thảm họa có một không hai, đến mức tạo ra cả bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.
Theo các sử gia, sự tàn phá khủng khiếp của Cái chết Đen đã gần như đảo lộn hoàn toàn lục địa già, dẫn đến sự ra đời của nhiều tôn giáo mới hay chuyển đổi cơ bản về kinh tế và xã hội. Những thay đổi ấy ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu lục này. Ước tính châu Âu phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như thời gian trước đại dịch. Sau này bệnh dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ 19.
Bất chấp những hậu quả nặng nề do Cái chết Đen, châu Âu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên với những đột phá lớn lao, mà trước hết là những cải tiến về sức khỏe nhờ biến thể gene đặc biệt thông qua quá trình được gọi là lựa chọn tích cực. Ngoài ra còn có những cải tiến vượt bậc về bệnh viện, sự chuyển đổi rõ rệt trong lĩnh vực điều trị; sự phát triển của ngành xây dựng, kiến trúc với các thiết kế đơn giản, chú trọng đến không gian riêng tư trong khi nhà được xây với các bức tường chia phòng, sạch sẽ và thoải mái hơn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Cái chết Đen thực sự đã để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với toàn nhân loại. Phải mất hàng trăm năm người ta mới có thể kiểm soát được đại dịch và cũng cho tới tận hàng trăm năm sau, các nhà khoa học mới tìm ra phương pháp điều trị căn bệnh chết chóc này.
Theo BÁO TIN TỨC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: