Lầu Năm Góc phát hiện Trung Quốc đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông.
Hôm 11-7 (giờ Mỹ), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã cáo buộc Trung Quốc (TQ) không giữ lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp báo chung với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 9-2015. Cụ thể, ông Tập từng hứa không quân sự hóa biển Đông.
Bà Ortagus cũng cho biết Mỹ kịch liệt phản đối các hành động nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở khu vực này. “Đó là hành vi khiêu khích, làm phức tạp hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đe dọa an ninh các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực” - đài ABS-CBN (Philippines) dẫn lời bà Morgan Ortagus.
Những toan tính của Bắc Kinh
Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình lên Quốc hội báo cáo thường niên về phát triển quân sự và an ninh liên quan đến TQ năm 2019. Lầu Năm Góc phát hiện TQ đã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông từ trước đó. Báo cáo nhận định: “TQ tìm cách theo đuổi nhiều mục tiêu nhưng tránh làm ảnh hưởng đến ổn định khu vực, vốn là điều rất quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của nước này”.
Theo đó, “TQ hiện đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực biển Đông thông qua chiến thuật “vùng xám”. Chiến thuật này bao gồm việc dọa nạt và cản trở các hoạt động khai thác cá hoặc quân sự của các nước đang tranh chấp chủ quyền. Việc triển khai lực lượng dân quân biển ở biển Đông cũng là một phần của chiến thuật này” - chuyên gia Richard Heydarian thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Stratbase ADR (ADRi) giải thích.
Biển Đông, biển Hoa Đông và dọc theo biên giới giữa TQ, Ấn Độ, Butan được cho là các khu vực mà Bắc Kinh đã áp dụng chiến thuật trên. Tuy vậy, Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là những đối tượng mà TQ tỏ ra hết sức cảnh giác, tránh để xảy ra xung đột quân sự.
Tờ The Nikkei cho biết trong thời điểm diễn ra cuộc tập trận kéo dài từ ngày 29-6 đến 3-7 của hải quân TQ, Bắc Kinh đã cho phong tỏa một phần khu vực biển Đông và thiết lập vùng cấm bay, cấm di chuyển ở đây. Hành động này được xem là đòn đáp trả các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở vùng biển này. Đợt diễn tập cũng tiến hành ngay sau cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo Mỹ, TQ bên lề hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản.
Dù vậy, cuộc tập trận của TQ lại bị lu mờ khi cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại biên giới liên Triều hôm 30-6. Nhiều chuyên gia nhận định đây thực chất là một lợi thế của TQ, vì cuộc tập trận không gây quá nhiều chú ý hay gặp phải những chỉ trích như thường lệ.
Ngày 3-7, truyền thông quốc tế đồng loạt dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố hải quân TQ đã cho thử tên lửa đạn đạo vào ngày 29 hoặc 30-6 tại biển Đông. The Nikkei nhận định sự gia tăng đột ngột các động thái quân sự ở biển Đông của chính quyền Bắc Kinh thời gian gần đây có thể được lý giải tại hội nghị mùa hè bí mật thường niên ở khu nghỉ mát bãi biển Bắc Đới Hà, phía đông tỉnh Hà Bắc sắp được khai mạc. Với sự tham dự của nhiều lãnh đạo TQ nghỉ hưu cũng như tại chức, ông Tập đang phải chịu nhiều áp lực về việc giữ vững hình ảnh không chấp nhận khuất phục trước sức ép của Mỹ.
Tôi nghĩ TQ sẽ còn là thách thức đối với an ninh của Mỹ cho đến 50 hay 100 năm sau nữa (...) Họ theo dõi chúng ta rất chặt chẽ trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai. Họ đã theo dõi năng lực của chúng ta. Bằng nhiều cách họ đã bắt chước những điều đó...
Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark A. Milley
Giải pháp nào cho các nước?
Nhiều chuyên gia đang bắt đầu lên tiếng có lẽ đã đến lúc Washington đổi sang một cách tiếp cận ôn hòa hơn. Trong một bài viết cho tờ The Washington Post mới đây, hơn 50 học giả đến từ nhiều viện nghiên cứu và tổ chức khác nhau kêu gọi chính quyền ông Trump nên áp dụng một chiến lược mang tính phòng thủ hơn, trong đó chú trọng phối hợp với các nước trong khu vực.
Những học giả này nhận định thực chất Bắc Kinh không hề muốn đảo lộn trật tự thế giới hiện do Mỹ và phương Tây dẫn đầu, bởi TQ đã hưởng lợi từ hệ thống này hàng thập niên nay. Vì vậy, đối với ảnh hưởng quân sự của TQ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ chỉ cần tập trung nâng cao năng lực phòng thủ nhằm giảm thiểu rủi ro bị các cơ sở đồn trú của nước này và các đồng minh ở đây bị hỏa lực TQ tấn công. Song song với đó là cải thiện các giải pháp giải quyết khủng hoảng và đàm phán hòa bình với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các động thái leo thang quân sự của Bắc Kinh tại khu vực thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, xuất phát từ ứng xử chưa đủ sức răn đe của Mỹ và các đồng minh tại khu vực. Không thiếu các nhận định rằng chính quyền cựu tổng thống Obama trong suốt hai nhiệm kỳ đã quá ôn hòa, dù triển khai chiến lược xoay trục châu Á nhưng đã để Bắc Kinh tiến hành các hoạt động chiếm đóng, bồi lấp, cải tạo trái phép một số thực thể ở biển Đông; triển khai quân đội và dân quân biển nhằm đe dọa các nước trong khu vực.
Các đồng minh và đối tác của Mỹ như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... dường như ngày càng cảm nhận được rủi ro từ các động thái của Bắc Kinh. Vậy nên các quốc gia này gần đây liên tục có những động thái tăng cường năng lực quốc phòng, đồng thời phối hợp với nhau và với Mỹ nhằm xây dựng một trật tự đủ sức đối trọng với TQ khi cần thiết.
Vấn đề biển Đông tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần 13
Hôm 11-7, hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 13 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Với chủ đề năm 2019 là "An ninh bền vững", các đại biểu nhắc lại tầm quan trọng của việc sớm hoàn thiện Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC), đánh giá cao tiến bộ trong đàm phán COC thời gian qua và khẳng định cam kết của tất cả các bên trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Các bộ trưởng cũng hoan nghênh diễn tập hàng hải ASEAN - Mỹ 2019 trong thời gian tới.
theo Pháp Luật TP. HCM
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét