Chu Mộng Long: Một đất nước không thể một lúc có hai vua. Huống hồ là hiện nay “cường quốc thi ca” của ta có cả triệu vua. Đi đâu cũng thấy các nhà thơ xưng hùng xưng bá, cao hứng lên thì tự xưng hoàng đế hết. Ngài Paul Nguyễn Hoàng Đức có nói, một đất nước mà bất phân cao thấp thì loạn to. Mà đang loạn thật. Mỗi vua thơ hùng cứ một phương, thỉnh thoảng ném phân vào nhà nhau để hưởng. Lần này ngài Paul quyết chí ra tay dẹp loạn bằng cuộc thách đấu đầy hào khí.
Để tạo không khí cho cuộc đấu có một không hai này, Chu mỗ nhiệt thành viết bài cổ vũ.
Tôi phiên tên ngài Paul thành Phao-lồ theo các bản Phúc âm mang tên một vị thánh vào thời đế chế Rome, cũng là thời kỳ tiên khởi và khải hoàn của Kito giáo. Ngài Paul Nguyễn Hoàng Đức xứng đáng là Thánh Phao-lồ của thế kỉ 21.
Để trở thành ông hoàng thi ca-triết gia hiện nay, ngài Phao-lồ đã thách đấu với ông hoàng cổ điển Nguyễn Du. Theo tôi, không cần thách thì Nguyễn Du cũng đã quy hàng, như Từ Hải hàng Hồ Tôn Hiến vậy.
Về tư tưởng triết học thì Nguyễn Du quanh quẩn với thuyết hồng nhan bạc mênh, với chữ tâm chữ tài xưa rích, thậm chí là “hàng nhái” của Trung Hoa. Về chữ nghĩa thì đúng là cải trang từ ngôn ngữ của bọn bình dân vô học, thêm gia vị điển tích điển cố của bọn hủ nho Tàu cho ra vẻ có học. Tương truyền cụ Nguyễn nhìn thấu sáu cõi, nhưng đã không nhìn ra ba trăm năm lẻ sau có ngài Phao-lồ lừng lững thách đấu với mình? Phải chăng vì thế mà sinh thời cụ Nguyễn không dám ho he lấy một câu ngoài sự cười khẩy “Mua vui cũng được một vài trống canh”, mặc cho hậu thế nói gì thì nói.
Tôi tin có đào mồ cụ Nguyễn lên thách đấu, cụ cũng chào thua vì “tao đã dành hết sức cho bọn dân đen, không còn sức đấu với giới tinh hoa quý tộc”.
Theo tôi biết, hiện nay trên chính trường thi ca-triết học có ngài Đông La là đáng mặt tranh hùng với ngài Phao-lồ. Tình cờ vào Blog Đông La, thấy ngài này cũng đã từng tự xưng ông hoàng thi gia-triết gia, đến mức theo lời ngài, đại thi bá Chế Lan Viên rồi Trần Mạnh Hảo đều cúi đầu bái phục. Hơn 10 năm nay, ngài Đông La cũng từng thách đấu với bất cứ thi hào thi bá nào nhưng cho đến nay cũng chưa có ai dám thò mặt ra so găng… vì sợ vỡ mặt.
Vì thế, tôi xin tiến cử Đông La cho ngài Phao-lồ thử sức.
Không gì bất hạnh hơn là làm người hùng không có đối thủ. Lẽ nào cường quốc thi ca một lúc có đến hai vua mà không vua nào chịu xuất chiêu để phân cao thấp cho thiện hạ mở mắt một phen?
Thú thật, bài thách đấu có nhiều ý kiến thú vị. Về số lượng nhà thơ chỉ đứng sau lực lượng nông dân mù chữ hoặc vô học. Về chất lượng của thể loại “đoản ca” tức cảnh sinh tình, thể loại mà ai cũng làm được nhưng ai cũng tưởng mình là vĩ nhân. Về sự thần tượng hóa thi hào Nguyễn Du, đó chỉ có thể là sự thể hiện mặc cảm mù chữ của đám đông…
Những ý kiến ấy có thể gây tranh cãi, nhưng rất đáng suy nghĩ.
Người ta sẽ không tranh cãi về sự có học hay vô học của nhà thơ, nhưng xem nông dân mù chữ ắt vô học, thậm chí bị ngài Phao-lồ mạt sát là kẻ mang vô số tật xấu so với dân thị thành và trí thức thì xem chừng anh nông dân sẽ quất lại bằng roi cày. Mà nông dân bây giờ cũng có những ông hoàng tầm vóc, quyền lực đầy mình như Thần Nông Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết chứ không phải bé như con ruồi con muỗi.
Người ta sẽ không tranh cãi đoản ca thì thiểu năng hay đoản trí so với trường ca, nhưng xem sách bằng da hay bằng thẻ tre mới là sách quý, còn loại sách truyền miệng là loại sách của bọn ăn mày, hài kịch chỉ dành cho đám đàn bà con nít đáng bị khinh bỉ thì coi chừng dân Cái Bang sẽ cho ngài Phao-lồ biết mùi “đả cẩu bổng pháp”, kể cả vũ khí lợi hại của váy mấn đàn bà và tã lót của con nít.
Có lẽ ngài Phao-lồ quên không nói đến sách bìa bằng gỗ quý nặng 54 kg của Phật hoàng Hoàng Quang Thuận để khẳng định thêm chất lượng của nó còn cao quý hơn loại sách viết trên da thú hay thẻ tre thời cổ. Và Hoàng Quang Thuận cũng đáng gờm không thua kém Đông La.
Nhưng dù sao cũng nên hóng chờ xem cuộc tử chiến giữa hai hoàng đế Phao-lồ và Đông La cái đã. Hy vọng sẽ hấp dẫn hơn phim kiếm hiệp của Kim Dung.
Đông La thuộc trường phái Ma giáo có bề dày truyền thống, còn ngài Phao-lồ thuộc Kito giáo phương Tây hiện đại, chiêu thức khác nhau như lửa với nước, ắt cả hai sẽ quyết chiến và quyết tử vì đạo.
Nhưng ngài Phao-lồ cũng nên nhớ, không chỉ Đông La, 60/ 90 triệu người biết làm thơ của cường quốc thi ca này ai cũng đang tự xưng là vĩ nhân thi ca-triết học đấy. Ngài mà không trấn nổi 60 triệu ông vua ấy thì đất nước loạn to!
Chu Mộng Long
————-
Nguyên văn bài thách đấu của ngài Phao-lồ:
THƠ VÀ TRUYỆN KIỀU PHÁT SINH TRONG GIỚI MÙ CHỮ VÀ ÍT HỌC
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Trước hết tôi cũng là nhà thơ chuyên nghiệp với số lượng và chất lượng hàng đầu: 5 trường ca có nhân vật, một tập thơ lẻ, và hàng trăm bài tiểu luận về thơ (nếu bạn nào thấy không thỏa đáng thì xin đề cử và ứng cử ở Việt Nam có người hơn tôi?!)
Từ Tây chí Đông, thơ mở màn giành cho người mù chữ. Ở phương Tây, chữ nghĩa ngày xưa viết trên da thuộc, nghĩa là rất đắt, chỉ có vua chúa và nhà giầu nứt đố đổ vách đủ tiền mua sách bằng da. Ngay cả ngày nay, một cuốn sách bọc có hai trang bìa bằng da đã cực đắt. Vì sách bằng da đắt thế nên xuất hiện vô số những kẻ ngâm thơ rong… có tài như Homer thì ngâm trường ca như Iliad và Odyssey, còn đám bất tài thì như triết gia Aristote viết là bọn ngâm đoản ca ngoài chợ. Thơ đoản ca ngày đó bị khinh bị tuyết đối, chỉ hơn đám ăn mày. Giá trị văn hóa cao nhất là các vở bi kịch giành cho đàn ông, hài kịch giành cho đàn bà trẻ nhỏ, được nhà nước Hy Lạp phát vé mỗi tối, còn không bao giờ có sân khấu cho nhà thơ, nên đám đoản ca thường đứng chầu hẫu bên đường đến sân khấu hay sân vận động…
Người Tàu cũng cự kỳ khinh bỉ thơ đoản ca, nó được gọi là “tức cảnh sinh tình” – tức là tiện đâu làm đấy. Sách của Tàu là đất nung hay thẻ tre nói chung rất đắt và kỳ công, nên có những người đi kể chuyện rong các bộ Thủy Hử, Tam Quốc cho người mù chữ nghe. Còn câu đối là thứ đám mù chữ nghe xong gật gù phải xin chữ về treo trong nhà…
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vậy, được phát sinh giữa vô vàn nông dân mù chữ, đến đầu thế kỷ 20, mà người Việt còn phải điểm chỉ dấu tay, đủ hiểu số mù chữ đông cỡ nào?! Nhà của người Việt thường giống như lều, một gian hai trái, kéo dài ra là 3 gian 2 trái, đến chùa lớn ở Hà Nội là trăm gian cũng chỉ là những gian nối kéo dài… Vì thế tính cấu trúc của người Việt cực kỳ yếu. Đấy là một logic về tất cả các mặt, xương cốt yếu, thì hệ thần kinh yếu, dẫn đến lý trí yếu, nên không thể sáng tác ra cốt truyện… Việc người Việt phải dùng đến tất cả các cốt truyện kinh điển của Tàu là một bằng chứng, như: Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… rồi Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân…
Hình thức thơ chính là để dễ đọc dễ nhớ giành cho người mù chữ. Không có cốt truyện, lại có Truyện Kiều ngâm nga quả là liều thuốc quí hiếm cho mặc cảm mù chữ. Mặc cảm mù chữ là một mặc cảm lớn bậc nhất của lịch sử. Những người già tập thể dục ở Trung Quốc sáng tập thể dục dùng gậy vẽ chữ xuống đất, chính là mặc cảm mù chữ. Việc vua chúa Tàu dựng một bảng chữ to tướng sau ngai vàng cũng là mặc cảm khoe chữ. Còn phương ngôn hiện đại của bậc cha mẹ Tàu là: “Không học không thành người được!” chính là mặc cảm mù chữ.
Truyện Kiều hàng nhái của Nguyễn Du rõ ràng đã đóng vai bảo bối cho mặc cảm mù chữ, quê mùa vô học, vậy mà đọc vanh vách Truyện Kiều khiến người ta và con cháu lác mắt chẳng phải không có chữ mà vẫn giống người có học sao?!
Ngôn ngữ là trí tuệ! (đó là bất khả cãi). Tất cả những lời nói và viết đều bị người ta bẻ lại: điều đó có thật hay có lý không? Nhưng không ai đi vặn vẹo một nhà thơ về trí tuệ cả, điều đó có 2 lý do:
1- Thơ là lĩnh vực tưởng tượng, không nên tra xét trí tuệ.
2- Trí tuệ của loại đoản ca có được bao nhiêu mà vặn vẹo.
Người Việt gọi thơ và nhà thơ là: “thơ thẩn”, tức cũng muốn nói chấp gì đám ngớ ngẩn lẩn thẩn làm thơ.
1- Thơ là lĩnh vực tưởng tượng, không nên tra xét trí tuệ.
2- Trí tuệ của loại đoản ca có được bao nhiêu mà vặn vẹo.
Người Việt gọi thơ và nhà thơ là: “thơ thẩn”, tức cũng muốn nói chấp gì đám ngớ ngẩn lẩn thẩn làm thơ.
Trong thực tế, người nhà quê mù chữ nhiều nhất và cũng mang tính xấu nhiều nhất. Khổng Tử nói: “Hương nguyện đức chi tặc giã” – tức nhà quê là hại đức. Người Tầu thường xuyên mắng nhà quê rằng: “Đồ quê mùa cục súc, bỉ ổi, thô lỗ…” Hình ảnh quê mùa bản năng, tham lam, xấu tính chính là Trư Bát Giới đã được văn học Trung Quốc dựng lên…
Người Việt cũng giống các chuyên gia thế giới đánh giá rằng: “Nhà giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị!” Tại sao? Vì chỉ có mật độ của thành thị mới có thể tiếp cận nền văn minh.
Nước ta xưa nay vẫn là tam nông. Tiểu nông là đông nhất, cũng đóng góp nhiều người mù chữ nhất. Từ đó cũng đóng góp nhiều người làm thơ và yêu thơ nhất, những thứ hát xẩm xoan chẳng từ lục bát ra là gì?! Con số nhà thơ chính thức chỉ xếp sau con số nông dân?! Số này cũng lạc hậu và thải ra nhiều tính xấu cho xã hội nhất như ích kỷ, đố kỵ, hiệu ứng bày đàn, đạo văn, mới đây trong cuộc thi thơ tại Đồng bằng sông Cửu Long phát hiện hơn 40% đạo văn, chuyện số này ca tụng việc đạo cốt Tàu của Nguyễn Du chẳng qua cũng có phần biện hộ cho tính ăn cắp nhiều nhất thế giới của người Việt mà thôi?!
Đã là tiểu nông mù chữ vô văn hóa thì xấu xa đủ trò, bời vì họ cũng là những nô tài không thể có danh dự và bổn phận lớn?! Trước hết họ thường xó máy hèn hạ nhũn như con chi chi, sau lại gàn dở láo khét để phản thùng tư chất nô tài, chẳng hạn họ đã từng khoe cái gì cũng nhât thế giới như: Kinh Dịch là của Việt Nam, người Hoa từ Việt Nam phát triển ra, Việt Nam là nhân lõi của thế giới vì Việt Nam giỏi nông nghiệp nhất mà thế giới mở màn bằng nông nghiệp, khoe thế khác gì con ếch bảo: vì tôi không có đuôi, nên tôi là ông tổ của loài người?!
Việc bàn về Nguyễn Du, đòi hỏi phải có chuyên môn, nhưng nhiều thứ ruồi muỗi kém cỏi thuộc giới mù chữ và ít học lại cho rằng: đây là bữa tiệc sơn hào hải vị về danh vọng, nên lê la đến để cầu tí danh thừa. Việc có một cô mẫu giáo đòi chỉ bảo cho tôi, và những anh chàng bảo tôi không có luận điểm gì, vì mọi thứ tôi tự nói ra… thật là thiểu năng hết chỗ nói, tôi không nói cái của tôi thì sỏi đá nói à?! Đó cũng là cái xấu của thói tiểu nông nô tài…
Ở Việt Nam, đi qua bất kể làng nào, để gặp một kỹ sư thiên khó vạn nan, nhưng để gặp mươi anh hát xẩm hát xoan là có ngay, đó là thơ nghiệp dư nhà quê đấy. Điều đó chứng tỏ giới làm thơ, yêu thơ, hà hít thơ, chầu rìa quanh thơ kiếm tí danh thừa, kể cả lê la vào cung điện nhà quê hàng chế của Truyện Kiều là những người ít học và thiểu năng bậc nhất. Điều này thì nhà phê bình Hoài Thanh đã nói từ đầu thế kỷ 20: cái học kiểu Tàu chỉ biến con người thành những cái máy đúc hàng vạn bài thơ dở.
Còn tôi xin nói thật, tôi nhìn đám học kiểu Tàu, âm lịch, ăn nói lằng nhằng nước đôi, rồi thơ phú đoản câu… tôi đều thấy họ có vẻ âm u, cố chấp, đần đần… Bây giờ tôi muốn xin thách đấu thơ với Nguyễn Du cả bài ngắn lẫn thơ dài, có vị nào dám chính thức đứng ra làm trọng tài không? Thực ra điều này tôi cũng chẳng dũng cảm gì: hồi Thơ Mới, đã có người thách đấu, nhưng đám âm lịch Tàu học im như thóc đâu có dám thò mặt ra?!
Paul Đức 30/11/2018
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét