Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

“Tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” và nỗi buồn của chuyện sính bằng cấp


(GDVN) – Một số giảng viên học vị tiến sĩ, thậm chí có người học hàm cao hơn nữa thường xuyên khoe khoang, đề cao bằng cấp của mình nhưng việc giảng dạy thì lãng xẹt.
Những câu chuyện về việc sính bằng cấp dẫn đến tình trạng bằng thật, bằng giả trong thời gian qua đã bị báo chí cùng mọi người lên án một cách gay gắt.
Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Cao đã có đôi điều bàn thêm về câu chuyện này.
Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian gần đây, chúng ta đã được nghe nhiều đến một số cụm từ “lò ấp”; “công nghệ” sản xuất tiến sĩ và cả những bất cập trong việc hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ hay việc có những trường không tuyển sinh được sinh viên đại học nhưng mỗi năm lại tuyển sinh đến vài trăm người để đào tạo thạc sĩ.
Những “tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” ấy đang làm mất đi vị thế cao cả của những người có học vị cao, làm ảnh hưởng đến những người có cùng học vị mà học hành đàng hoàng và đang ngày đêm cống hiến cho sự phát triển của nước nhà.
Hình ảnh minh họa về bằng cấp rởm (Ảnh nguồn: Tạp chí Khám phá điện tử)
Thi đại học mãi không đỗ nên phải học đại học tại chức, từ xa…rồi học xong đại học thì học cao học rồi lại tiếp tục làm nghiên cứu sinh để có bằng tiến sĩ!Nghĩ cũng thật lạ, ở xứ mình có nhiều người có học vị tiến sĩ một cách rất… phi thường.
Và, dĩ nhiên là khi có bằng tiến sĩ thì họ được đảm bảo cho vị trí công tác, được cơ cấu và đảm nhiệm ở các vị trí cao trong một số cơ quan nhà nước.
Có nhiều người còn nghiễm nhiên xin được công việc giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp rồi họ lại đào tạo ra biết bao nhiêu thế hệ học.
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội đang bàn luận xôn xao về một đề tài luận án tiến sĩ nghệ thuật có cái tên ngồ ngộ và rất lạ: “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015” của nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến, người hướng dẫn đề tài là Phó Giáo sư Lê Anh Vân.
Thế nhưng, ngẫm đi, ngẫm lại thì cũng chẳng có gì phải…buồn cười. Bởi, thời gian qua, chúng ta đã thấy có rất nhiều những đề tài nghiên cứu sinh có những cái tên còn “hay” hơn rất nhiều như:
“Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Hành vi nịnh trong Tiếng Việt; Đặc điểm dịch tễ tăng huyết áp ở người Nùng trưởng thành tại tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp; Thực trạng an toàn vệ sinh lao động, bệnh liên quan bệnh nghề nghiệp trong sản xuất gạch Tuynel tại Bắc Ninh và hiệu quả một số giải pháp can thiệp; Thực trạng bệnh tai mũi họng ở người Mông và hiệu quả giải pháp can thiệp cộng đồng tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang…”.
Cách đây chưa lâu, trên chương trình thời sự VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam có đưa một bản tin về một trường đại học dân lập ở một tỉnh phía Bắc là mấy năm qua trường không tuyển sinh được một lớp đại học nào nhưng mỗi năm trường lại tuyển đầu vào 260 chỉ tiêu để đào tạo cao học.
Vậy mà ông hiệu trưởng cứ thao thao nói rằng trường đào tạo uy tín nên mới có nhiều người tìm đến để học. Nghĩ mà buồn thay…
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về trường hợp một vị Bí thư thành ủy kê khai bằng tiến sĩ không được Bộ Giáo dục công nhận, một Bí thư tỉnh ủy dùng bằng thạc sĩ không đúng…khiến dư luận ngao ngán về tệ sính bằng cấp của xứ mình.
Những vị trí lãnh đạo như vậy, họ thừa hiểu việc sử dụng bằng cấp không đúng quy định sẽ như thế nào rồi.
Vậy mà nhiều người vẫn kê vào lí lịch của mình để làm gì. Hơn nữa, với vị trí của họ thì đâu nhất thiết phải có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ để làm gì?
Chợt nhớ, thời còn học ở giảng đường đại học, chúng tôi đã được học với rất nhiều giảng viên có học hàm, học vị cao. Thế nhưng, trình độ của nhiều thầy cô có học hàm, học vị cao ấy lại không có trình độ tương xứng.
Nhiều giảng viên dạy chúng tôi có học vị cao chót vót nhưng trình độ sư phạm và phương pháp giảng dạy lại chán ngán đến vô cùng.
Ngược lại, có nhiều giảng viên chỉ có trình độ cử nhân nhưng đã làm cho chúng tôi say mê qua những lời giảng.
Thời đó, công nghệ thông tin mới bắt đầu có nên phần lớn là thầy cô chưa đưa giáo án điện tử vào giảng dạy. Nhưng, có lẽ vì thế mà những tiết giảng Văn của nhiều thầy cô bay bổng đến tuyệt vời.
Vì vấn đề tế nhị nên chúng tôi không tiện nêu tên khoa, tên trường mà mình đã theo học. Thế nhưng, đến tận bây giờ trong thâm tâm chúng tôi vẫn ấn tượng với 2 giảng viên chỉ có học vị là cử nhân.
Những người có bằng cử nhân mà đứng lớp dạy sinh viên đại học thì người ta hay gọi nôm na là “cơm chấm cơm” nhưng 2 thầy cử nhân “cơm chấm cơm” ấy đã thực sự làm cho đám sinh viên chúng tôi yêu quý và kính trọng nhất.
Mỗi lần vào lớp, các thầy chỉ cầm mấy viên phấn rồi đi vào nội dung của bài học. Các thầy không có học vị cao nhưng kiến thức uyên thâm, giảng dạy thấu đáo và rất khoa học với nhiều phương pháp khác nhau mà sinh viên rất dễ dàng tiếp cận và đắm say qua từng từ, từng chữ của thầy.
Vì thế, những tiết học của các thầy luôn có mặt đầy đủ các sinh viên và lớp học rất có nền nếp học tập bởi các thầy giảng hay quá, thuyết phục quá.
Một số giảng viên có học vị tiến sĩ, thậm chí có những người có học hàm cao hơn nữa thường xuyên khoe khoang, đề cao bằng cấp của mình nhưng giảng dạy thì toàn những chuyện lãng xẹt.
Nhiều thầy dạy sinh viên đại học mà vừa dạy, vừa nhìn giáo án. Viết lên bảng một dòng lại vào nhìn giáo án để…viết tiếp.
Những bài giảng khô khan, thiếu hệ thống và không bao giờ có liên hệ, mở rộng vấn đề làm học sinh vô cùng…buồn ngủ.
Bạn bè của chúng tôi thời học phổ thông giờ công tác ở khắp các nơi trên mọi miền tổ quốc, có nhiều người học cao học, làm nghiên cứu sinh…rồi trở thành thạc sĩ, tiến sĩ.
Có một điều tuyệt nhiên là ngày họp lớp bạn bè gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách chỉ nghe mấy người có học vị cao này khoe là hoàn thành khóa học hết hàng mấy chục, thậm chí là mấy trăm triệu đồng để có bằng nọ bằng kia nhằm đảm bảo cho vị trí công tác hoặc lên chức.
Có người còn khoe rằng muốn được cơ quan cho đi học cũng phải chạy thì mới được cho đi, khi đi học thì chủ yếu là phải nuôi thầy chứ có tuổi rồi học làm sao vào được.
Tuyệt nhiên, không thấy ai nói đến chuyện học cao như vậy để nâng cao kiến thức chuyên ngành cho mình.
Viết đến đây, người viết lại sực nhớ đến nhà thơ trào phúng Tú Xương khi xưa đã lên án về việc học và công nhận bằng cấp của xứ mình thuở ấy:
“Tiến sĩ khoa nay đỗ mấy người/ Nghe chừng hay chữ có ông thôi/ Nghe văn mà gớm cho văn nhỉ/Cờ biển vua ban cũng lạ đời”. Đến giờ, sao mà ngẫm vẫn thấy đúng!
Nguyễn Cao



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: