Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Trí thức phương Tây đối với các hệ tư tưởng


Chu Mộng Long: Tôi đam mê triết học và đọc triết học nhiều hơn các loại sách khác. Hiển nhiên triết học hàm chứa cả thần học, khoa học tự nhiên, mỹ học, kinh tế, chính trị học. Đúng nghĩa như Shopenhauer nói: Triết học đối với nghệ thuật và các loại hình mô tả khác cũng giống như rượu nho đối với cây nho. Triết học thuộc tinh túy.
Ở phương Tây, triết học được giảng dạy phổ biến như cái cây tinh thần phong phú đa dạng cắm rễ vào trong đời sống hàng ngày. Trí thức của đại học phương Tây không thiên vị một hệ tư tưởng nào. Tôi đọc các bộ triết học đồ sộ của họ thấy họ đối xử công bằng với các loại triết học, trong đó, chủ nghĩa Marx vẫn được xem là tinh hoa trí tuệ, mặc dù Marx từng được xem là bóng ma đe dọa cả hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Nhiều bộ sách triết học hiện đại đánh giá Marx thuộc một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại. Và thật ngạc nhiên là giới cầm quyền của nhà nước tư bản không cấm, không đàn áp tác giả hay thu hồi những quyển sách ấy.
Vậy mà những nhà nước bị gọi là xứ sở “giãy chết” đó không chết. Những nhà nước ấy đủ bản lĩnh trong trò chơi tương tác tự do giữa các tri thức, giữa các hệ tư tưởng.
Sự tương tác giữa các hệ tư tưởng chỉ có ích lợi khai phóng tư tưởng và hướng đến tiến bộ văn minh.
Thật vui mừng là gần đây nhiều nhà xuất bản của ta, đặc biệt là các nhà xuất bản Tri thức, Văn hóa thông tin, đã cho xuất bản nhiều bộ sách tinh hoa tri thức của nhân loại. Tôi thầm nghĩ, đó là một chuyển biến tốt khẳng định tư thế, bản lĩnh của chính trị Việt Nam trên con đường hội nhập toàn cầu. Sự tương tác ấy không có nghĩa là đào mồ chôn chủ nghĩa Marx như nhiều người ám thị và tưởng tượng ra. Marx không bị đào mồ chôn ở thế giới tư bản, cớ sao có thể bị chôn ở đất nước cách mạng tôn thờ và đi theo chủ nghĩa Marx?
Tôi nghĩ, chủ nghĩa Marx chỉ bị chôn sống khi chính những người truyền bá và thực hành chủ nghĩa Marx một cách giáo điều, ngụy tạo và bịp bợm.
Cá nhân tôi đọc Marx trong quan hệ với cây triết học đa dạng của nhân loại, tôi vẫn thấy Marx sống động với tinh thần phê phán mạnh mẽ, hào hùng, mãi mãi là vũ khí của người lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công. Nói gọn là tôi không bị “tự diễn biến”, “tự suy thoái” khi đọc những bộ sách mà nhà xuất bản Tri thức, nhà xuất bản Văn hóa thông tin đã xuất bản những năm gần đây ngoài hệ tư tưởng Marx. Kẻ “tự diễn biến”, “tự suy thoái” chính là những kẻ nhân danh chủ nghĩa Marx để áp bức con người và thực hiện bất công. Và trong sự “tự diễn biến”, “tự suy thoái” đúng nghĩa đó, người ta thù địch và ra lệnh cấm chủ nghĩa Marx mới phải chứ sao lại cấm những quyển sách kia? Hội nhập mà mang tâm lý sợ hãi chỉ có thể là kẻ tự kỉ ám thị nặng về một địa ngục đang chờ trước mắt.
Bỗng nhớ Richard Tarnas trong quyển sách Quá trình chuyển biến tư tưởng phương Tây (NXB Văn hóa thông tin, 2008, Lưu Văn Hy dịch) có diễn giải rằng, sự độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý, ngăn cấm sự phát triển khoa học, ngăn cấm mọi ý thức hệ tư tưởng lẫn tôn giáo khác chính là thời kì thống trị của đế chế La Mã vào thế kỉ thứ II, III sau công nguyên. Nhiều nhà khoa học, nhà tư tưởng bị ném lên đoạn đầu đài hoặc giàn hỏa thiêu của tòa án do giáo hội lập ra để gọi là bảo vệ hệ tư tưởng Kito giáo. Sau cuộc đàn áp đẫm máu đó, nhân loại phải đắm chìm trong bóng tối của ngàn năm trung cổ.
Kiểm soát, đàn áp tư tưởng là trò dại dột nhất của những giai đoạn lịch sử tối tăm. Khi người ta không công khai nói ra điều mình nghĩ chỉ có thể dẫn dắt đến những hành động đen tối, nguy hiểm.
May mà, bài học chính giáo hội Rome đã thức tỉnh và nhận ra là sau đó biết thỏa hiệp hay tìm cách hòa giải với siêu hình học Hy Lạp, tiếp nhận khoa học tự nhiên và chấp nhận các hệ tư tưởng khác mới có thể thoát chết qua các cuộc cách mạng Phục Hưng, Khai sáng, kể cả những cuộc cách mạng bạo lực đẫm máu nhất, để giữ được vị trí của mình trong tinh thần phương Tây và nhân loại hôm nay. Kito giáo từ quan hệ thù địch với tất cả đã trở thành ngôi nhà chung chan hòa, đầy tình yêu thương trong sự dung hợp, hòa điệu với các hệ tư tưởng khác biệt, bởi nó đã thừa biết một cách khôn ngoan, rằng càng thù địch với các hệ tư tưởng khác càng nhanh giãy chết.
Nhân loại cả ngàn năm nay từng chìm trong biển máu của sự độc tài, lẽ nào chẳng nhận ra bài học đắt giá mà nó phải trả. Chính đức Kito từng bị kiểm soát tư tưởng và bị đóng đinh trên cây thập ác, nhưng đến giáo hội Rome lại kiểm soát tư tưởng kẻ khác và sát hại bao nhiêu người. K. Marx đã từng giễu cợt cái giá treo cổ lòng thòng, luẩn quẩn đó trên đầu nhân loại và nằm ngay trên cổ của kẻ đã tạo ra cái giá treo cổ đó: “Con người tự xưng là cao quý nhất, tức là kẻ vì truy tố những người bị cho là đểu giả, mà đã trở thành kẻ giết hại những người cao quý và đã sát hại cả những cái gì cao quý trong những người bị cho là đểu giả; thế là con người cao quý nhất trong những người cao quý bỗng hóa ra con người bỉ ổi nhất trong những người bị cho là đểu giả, và đã như thế thì anh ta cũng phải tự treo cổ mình lên”. (Marx và Engels: Về văn học nghệ thuật, Sự thật, 1968, tr.287)
Kết thúc bài viết này, tôi lại phải viện dẫn Marx, người mà ta vẫn gọi là “kim chỉ nam” của nhận thức và hành động. Chính Marx là người cực lực chống kiểm duyệt, tức kiểm soát tư tưởng, độc quyền chân lý biến nhân loại thành kẻ mù lòa, biến tinh thần con người thành kẻ ti tiện: “Một giọt sương dù cỏn con mà ánh mặt trời chiếu vào cũng lấp lánh trong muôn màu sắc, nhưng mặt trời của tinh thần, dù nó có soi rọi đến bao nhiêu con người đi nữa và đến những vật thể có bản chất như thế nào đi nữa, thì cũng có thể chỉ chiếu ra một màu sắc duy nhất mà thôi, tức màu sắc chính phủ đã quy định. Hình thức biểu hiện chủ yếu của tinh thần là vui tươi, là ánh sáng, thế mà các anh đã lấy bóng tối làm hình thức biểu hiện duy nhất thích hợp với nó mà thôi; tinh thần chỉ được mặc màu đen, tuy rằng trong các loài hoa, không có hoa nào màu đen cả. Thực chất của tinh thần, bao giờ cũng chính là chân lý. Nhưng các anh đã ấn định cho tinh thần phải có cái thực chất thế nào? Phải có thực chất tự ti. Goethe nói: chỉ có kẻ ti tiện mới tự ti, và phải chăng là các anh muốn biến tinh thần thành một kẻ ti tiện như thế?” (Marx và Engels: Về văn học nghệ thuật, tr.118, 119)
Chu Mộng Long

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: