Chu Mộng Long
Thiên Chúa giáo lẽ ra đã bị sụp đổ trước cuộc cách mạng Phục Hưng và cách mạng khoa học kỹ thuật sau đó. Sự xa hoa của Giáo hội Rome và giới tu sĩ, cùng với những cuộc đàn áp chính trị lên đầu những nhà tư tưởng cấp tiến đã từng gây nên những bất bình lớn trong đa số quần chúng. Sự chiến thắng của chủ nghĩa thế tục cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm lung lay tận gốc lòng tin về một Thiên Chúa cứu rỗi, nhưng tại sao Thiên Chúa giáo vẫn cường thịnh cho đến ngày nay?
Một lý do đơn giản là chính nghệ thuật đã cứu tôn giáo và cứu thế giới.
Phong trào Phục Hưng bắt đầu từ chương đen tối nhất của lịch sử phương Tây (thế kỷ 13, 14). Cơn dịch “cái chết đen” quét qua châu Âu, hủy diệt 1/3 dân số, làm tan nát toàn diện kinh tế, văn hóa từng được xây lên đến đỉnh của nền văn minh trung cổ. Cuộc chiến Anh – Pháp kéo dài trăm năm gây bao nhiêu đổ vỡ, máu và nước mắt. Nội chiến liên miên từ các lãnh chúa cát cứ. Cướp, thảo khấu tràn lan khắp nơi. Giết người, hãm hiếp, cướp bóc ngày nào cũng có. Sự nổi loạn của các bè phái tôn giáo cùng với trò ma thuật, quỷ thuật nở rộ trong các hội lễ thờ Thiên Chúa lẫn Satan. Hàng giáo phẩm tham dự vào những âm mưu chính trị đen tối lại được Giáo hoàng hậu thuẫn. Bối cảnh đạo đức, văn hóa suy đồi dẫn đến bạo lực, chết chóc tràn lan đã thúc đẩy phong trào Phục Hưng ra đời.
Các nghệ sĩ Phục Hưng chẳng hứng thú gì món độc thần luận trong các bản Phúc âm. Trong khi vẫn phục tùng Giáo hội Rome về việc kiến tạo các nhà thờ, nhưng các nghệ sĩ đã khéo léo pha trộn huyền thoại về Thiên Chúa với các huyền thoại Hy Lạp cổ. Sự pha trộn này dẫn đến kết quả: nghệ thuật đã thế tục hóa thế giới thần linh và đến lúc buộc những người đứng đầu Giáo hội Rome phải mặc nhiên thừa nhận tính chất đa nguyên của văn hóa tín ngưỡng, nếu Giáo hội muốn sống còn cùng nhân loại. Chính nghệ thuật đã thổi sinh khí của cuộc sống trần thế vào “thứ tinh thần không có tinh thần”” (Marx) của tôn giáo độc thần thành một thế giới tinh thần đa nguyên, mở đầu cho thời kỳ tự do và khai phóng của nhân loại. Âm nhạc hòa âm, bi hài kịch, văn thơ, hội họa, kiến trúc, điêu khắc đều đạt đến một trình độ nhuần nhuyễn của sự tương tác và hòa điệu những cái khác biệt: thiên đường và trần tục, thiên thần và quỷ sứ, nam và nữ… trong đó có cả khoa học và tôn giáo tưởng chừng xung khắc như nước với lửa.
Bây giờ thì chúng ta mặc nhiên thừa nhận nhờ có tôn giáo mà khoa học không tàn phá thế giới một cách vô cảm!
Các nghệ sĩ Phục Hưng ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình, rằng chính nghệ thuật sẽ cứu tôn giáo và cứu thế giới bằng cuộc sáng tạo đầy thử thách, lấy thế giới nghệ thuật làm sống động hóa mọi thứ giáo điều siêu hình để đưa nhân loại đi đến một đức tin chân chính, tin vào hiện thân vẻ đẹp của chính con người.
Nghệ thuật Phục Hưng với những tên tuổi của Michenlangelo, Raphael, Leonard de Vinci, Shakespeare, Dante… đã hoàn tất một cách vinh quang cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân loại. Nhờ cuộc tự diễn biến, tự chuyển hóa ấy mà phương Tây bừng sáng lên với một cuộc thay đổi mạnh mẽ trong hòa bình thịnh trị trước khi giới chính trị gia biến thành những cuộc cách mạng đẫm máu vào các thế kỷ sau.
Còn ta thì sao? Câu hỏi này dành cho các nghệ sĩ. Trong mắt tôi, nghệ sĩ Việt Nam đáng thương lắm, vì 3000 năm nữa vẫn không nuôi được một tư tưởng lớn. Họ muôn đời vẫn là cái dây leo bám vào thân mộc của chính trị gia để sống, giỏi lắm thì chỉ biết ngồi khóc, hết khóc cho chiến tranh thì lại khóc để ngợi ca đám ma bác Giun.
Viết sau ngày Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong hỏa hoạn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét