Hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, khai khoáng liên quan đến Trần Duy Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú đã được ưu ái trong cấp phép và đầu tư. Tùng là con trai ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng, gồm: Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú; Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Thái Thành Vinh, Cổ đông Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà).
Các siêu dự án nông nghiệp công nghệ cao
Nổi bật nhất trong các dự án Công ty Công ty Tập đoàn An Phú và BIDV là dự án nuôi bò giống, bò thịt tỉnh Hà Tĩnh được cho là có quy mô lớn nhất miền Bắc. Đây được gọi là "siêu" dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 4.200 tỷ đồng, quy mô đầu tư 150.000 con bò/năm trên diện tích dự kiến khảo sát là khoảng gần 6.120 ha.
Theo các văn bản pháp lý có liên quan, chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà). Đáng chú ý, Công ty Bình Hà là một doanh nghiệp được thành lập tại Hà Tĩnh vào ngày 10/4/2015, chỉ khoảng 5 ngày trước khi được tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để triển khai được dự án, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ về vốn. Ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung, dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng, ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án thêm hơn 1.000 tỷ đồng.
Dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà ở Hà Tĩnh đắp chiếu. Ảnh: Trường Phạm.
Từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà xây được 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, 19 kho chứa và các công trình phụ trợ, trồng được cỏ trên diện tích 678 ha.
Sau ba năm thực hiện, dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm, đã xuất bán khoảng 43.000 con bò sau khi đã vỗ béo, lượng bò nhập về vả thả nuôi giảm dần theo từng năm. Từ tháng 6/2017 đến nay, công ty này không nhập thêm vật nuôi, số lượng bò tại hai dự án ở huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh chỉ còn lại vài trăm con.
Bên cạnh việc nuôi bò, cuối năm 2017, Công ty cổ phần Bình Hà đã phá cỏ, làm đất trồng chuối. Đến tháng 3/2018, đơn vị này đang chăm sóc hơn 1.000 bầu chuối giống ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tổng diện tích đất trồng chuối tự chuyển đổi là 175ha.
Tại một dự án khác, năm 2014, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần An Phú đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao và vùng chăn nuôi bò sữa hộ gia đình tại thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn.
Dự án có tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Công ty Cổ phần An Phú sẽ xây dựng một khu chăn nuôi công nghiệp theo hướng sinh thái, có hệ thống chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu, không lạm dụng thuốc kháng sinh, chất hóa học, sử dụng công nghệ vi sinh làm kỹ thuật nền tảng và sẽ tái chế biến nguồn nước thải, các phế thải sau chăn nuôi thành các sản phẩm sạch.
Tuy nhiên, dự án này sau không được chấp thuận do những bê bối liên quan ông Trần Bắc Hà.
Dự án bất động sản trên 2.900 tỷ đồng ở Quy Nhơn
Ngày 26/10/2017, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (do bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà là đại diện pháp luật), Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú do ông Trần Duy Tùng làm chủ tịch HĐQT và một doanh nghiệp khác thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng trên diện tích đất khoảng 10.840 m2.
Phức hợp Thiên Hưng ở TP. Quy Nhơn tỉnh Bình Định.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 2.900 tỷ đồng. Theo đăng ký, tiến độ triển khai và hoàn thành dự án của chủ đầu tư là từ quý III/2017 đến quý III/2020.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn "án binh bất động" trong việc triển khai dự án trên. Sở KH&ĐT Bình Định cho biết cơ quan này đã đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp Thiên Hưng tại TP.Quy Nhơn. Nguyên nhân được cho là do chủ đầu tư đã chậm triển khai thực hiện dự án như đã cam kết.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng được thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng, sau tăng lên 300 tỷ đồng, thuộc sở hữu của con gái ông Trần Bắc Hà là bà Trần Lan Phương - làm người đại diện pháp luật cho công ty này. Dự án Thiên Hưng tọa lạc ở vị trí “đất vàng” thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn).
Khuất tất trong cổ phần hóa cảng Quy Nhơn
Năm 2009, Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Vào tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hoá, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).
Sau khi được cổ phần hóa năm 2013, đơn vị sở hữu cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung nhanh chóng thuộc về doanh nghiệp tư nhân, Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, sau giai đoạn cổ phần hóa, ông Trần Duy Tùng cũng từng là cái tên được nhắc đến với vai trò thành viên HĐQT.
Theo đó, vào tháng 7/2016, HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn đã bầu ông Trần Duy Tùng tạm thời làm thành viên HĐQT. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi có tin đồn liên quan đến cha mình là ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng rút lui vì lý do sức khỏe, bận bịu trong công việc ở Hà Nội.
Nhiều khuất tất trong quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Bởi ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, Cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng.
Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỷ đồng.
Cảng Quy Nhơn cũng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng, trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỷ đồng.
Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi cổ phần hoá, Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng mặc dù thời điểm đó cảng có lượng tiền mặt gần 53 tỷ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhiều tài sản, thiết bị của Cảng Quy Nhơn được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điển hình như hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ được định giá... hơn 1,9 tỷ đồng.
theo Nhà đầu tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét