“ CUỐI TRỜI MÂY TRẮNG”
(Tưởng nhớ Nhà thơ Gia Dũng)
1.
Tôi từ Hà Nội lên Tuyên Quang theo chuyến xe chiều. Vừa cởi bỏ ba lô thì có điện thoại của Nguyễn Hữu Dực: “Nhà thơ Gia Dũng đã bay về Trời, hồi 12h37’ trưa nay- ngày 12/4/2019, tức 08/3 Kỷ Hợi.” Tôi bàng hoàng buông máy ….
Trời ơi, chỉ cách đây năm ngày tôi đạp xe vào bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang thăm ông. Nửa phần trên to béo, đầu húi cua, chằng chịt dây dợ y tế. Nửa phần dưới phủ một tấm khăn nhẹ. Ông nằm bất động. Tôi khẽ nắm bàn tay hỏi to: Anh Dũng ơi, có nhận ra em không? Hỏi hai lần đều không có phản ứng gì…
Rồi bà Bình vợ anh đến. Bà mang theo cháo, sữa và đồ thay ca trực đêm cho cháu Tuấn. Bà cho hay ông Dũng vào cấp cứu từ trước Tết dương lịch 2019, đến nay vừa tròn bốn tháng.
Nhớ lại giữa tháng 10/2014, khi được tin ông có lương hưu trí với chức danh Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tuyên, cộng tiêu chuẩn lương thương binh được hưởng 7,5 triệu đồng một tháng. Tôi và nhà văn Vũ Xuân Tửu phóng xe ra ngõ chợ Tam Cờ mừng cho ông. Lúc đó ông mới bị tai biến nhẹ. Da bủng, mặt xệ, cử chỉ vụng về hơn. Hai chúng tôi nháy nhau không nói chuyện bệnh tật, chuyển nói chuyện THƠ . Nhắc đến thơ mắt ông sáng lên, mái tóc bồng bềnh. Ông khoe dự kiến sẽ ra tập này, tập nọ…
Rồi không hiểu sao chuyện lại chuyển sang lương bổng, chức tước. Bà Bình có ý phàn nàn. Bỗng ông đứng lên với tay nóc tủ đưa cho tôi một tập dày công văn, giấy tờ. Tôi lật giở từng trang cũ, mới; có chữ đánh máy, chữ viết tay. Rồi chức danh, chữ kỹ và dấu mực đỏ. Đó là những nhận xét, xác nhận của các đơn vị quân đội, các cơ quan văn hóa từ Trung ương tới địa phương đánh giá về nhà thơ Gia Dũng- tác giả phần lới của ca khúc “Bài ca Trường Sơn” nổi tiếng. Đánh giá sự đóng góp của ông với những tuyển tập, bộ sách khủng mà ông tâm huyết sưu tầm, biên tập, hiệu đính, chọn tên sách, màu bìa, tìm nguồn kinh phí, tìm nhà xuất bản, tổ chức in ấn, phát hành…
Trong số bút tích có chữ ký của các ông Xuân Thiêm, Đặng Quang Tiết, Nguyễn Trí Huân, Hữu Thỉnh… Họ là những cán bộ lãnh đạo nơi ông Gia Dũng đã tưng công tác như Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Tuyên; Ty Thông tin Văn hóa Hà Tuyên; Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang… Lại có cả nhận xét thống nhất của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh Xã hội… Và cuối cùng là Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Tuyên Quang có lý, có tình, đẩy tính nhân văn.
2.
Nhà thơ Gia Dũng sinh năm 1940 ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau khi học hết cấp 2, mười tám tuổi- ông lang bạt lên Hà Nội, rồi kịp học một lớp sơ cấp kế toán. Sau đó ông ngược núi tìm lên thị xã nhỏ bé bên bờ sông Lô lập nghiệp. Thoạt đầu, ông làm việc ở ngành thương nghiệp, nhưng nỗi ham mê thơ phú, viết lách đã đưa ông đến với phòng văn nghệ Ty Văn hóa-Thông tin ở đây ông tập làm thơ, biểu diễn văn nghệ, kẻ vẽ áp phích, khẩu hiệu cùng lứa với các ông Bùi Huy Tuyên, Lê Cảnh Đức, Khuất Quang Lân, Tất Ứng, Phạm Đức Hùng…
Nhưng cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã xẩy ra. Tháng 4/1965 ông gia nhập quân đội ở một Trung đoàn bộ binh cơ động do Trung tá Nguyễn Chuông chỉ huy. Mùa đông 1967 đơn vị hành quân vào chiến trường. Biết bao gian khổ, mất mát đã xẩy ra. ĐỂ giữ vững tinh thần cho chiến sĩ, trung đoàn trưởng cho gọi các hạt nhân văn nghệ như Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Phúc Ấm, Gia Dũng, Tiêu Sơn làm “ Tờ tin trung đoàn”, tập trung sáng tác thơ ca, chép các bài hát hay, in ti-pô xung kích chuyển tới các trung đội, tiểu đội.
Nhờ đó mà Gia Dũng viết được bài thơ “Trường Sơn” chính trên con đường mà anh cùng đồng đội đang dấn bước. Bài thơ 28 câu, thể tự do, đầy không khí lạc quan, tin tưởng:
"Trường Sơn ơi, trên đường ta đi qua không dấu chân người
Có chú nai vang nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát
Ngắt một đóa hao rừng gài lên mũ ta đi".
Hoặc,
"Miền Nam, miền Nam lửa đốt lòng ta
Hỡi Trường Sơn hãy thành con ngựa sắt
Và rừng xanh thành vạn khóm tre ngà
Cho con cháu Bác Hồ làm Thiên Vương đuổi giặc".
Bài thơ ấy chuyển ra miền Bắc, được in trang trọng trên báo Nhân Dân. Rồi được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc. “Bài ca Trường Sơn” như được thăng hoa, bốc lửa, vang xa tới mọi miền đất nước qua giọng ca hào sảng của nghệ sĩ Quốc Hương trên làn sống Đài tiếng nói Việt Nam. Ca khúc đó đã góp phần thúc giục bao thế hệ thanh niên ra trận góp sức chó giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhà báo Phí Văn Chiến cho biết: Những tháng năm ác liệt đó, ở mặt trận Quảng - Đà, “Bài ca Trường Sơn” là một trong mười bài hát bắt buộc của các lực lượng vũ trang. Những người lính là học sinh Trường Tân trào, là con em Tuyên Quang khi gặp nhau tự hào cất cao tiếng hát, vì biết tác giả lời ca là một người đồng hương sông Lô.
Ông Gia Dũng kể lại: Mùa hè 1972 do bị thương ông được chuyển ra Bắc điều dưỡng. Một lần được về thăm mẹ, thăm quê lúa Thái Bình. Đến thị xã khi xuống xe, ông sững sờ bắt gặp bức tranh cổ động khổ lớn, vẽ đoàn quân hành quân ra trận. Chạy dài theo bước chân người lính là câu hát “Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân” và những giọt nước mắt cảm động của nhà thơ đã chảy ra. Rồi Gia Dũng lại tay bút, tay súng ra chiến trường. Ông có mặt ở Sài Gòn ngày 03/5/1975, cuối năm 1978 ông rời Tạp chí Văn nghệ quân đội sau nhiều năm làm phóng viên và biên tập viên cho tờ tạp chí văn chương hàng đầu của các lực lượng vũ trang. Ông trở về phòng Văn nghệ Ty Thông tin- Văn hóa Hà Tuyên lúc này đã chuyển lên thị xã Hà Giang.
Rồi sự kiện chiến tranh biên giới tháng 2/1979 xảy ra. Gia Dũng-người lính của bài ca Trường Sơn có mặt ở Hà Tuyên thời điểm đó. Với sự năng nổ, nhạy bén, được sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong tháng 2, tháng 3/1979 hai số báo “Văn nghệ Hà Tuyên:” chống bành trướng được in số lượng lớn phát hành tận bản làng biên giới, các đơn vị nông lâm trường, trường học, tố cáo dã tâm của bọn xâm lươc, nêu những gương chiến đấu dũng cảm của quân và dân toàn tuyến biên giới.
Tiếp theo hai số báo xung kích, với kinh nghiệm làm báo ở chiến trường, khả năng tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, Gia Dũng đề xuất chuyển tờ báo sang dạng tạp chí, kiểu khổ đứng như “Văn nghệ quân đội”. Từ 1980 đến giữa 1982, tám số tạp chí VĂN NGHỆ HÀ TUYÊN dày 80 đến 130 trang in với rất nhiều chuyên mục, thiết thực, hấp dẫn đã ra đời.
Tháng 8/1982, thường vụ Tỉnh ủy có Quyết Nghị thành lập Hội Văn nghệ Hà Tuyên do ông Đặng Quang Tiết- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo làm chủ tịch. Nhà thơ Gia Dũng được chỉ định làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Để phục vụ kịp thời sản xuất, chiến đấu bảo vệ biên giới, tạp chí văn nghệ lại chuyển thành báo VĂN NGHỆ HÀ TUYÊN đo Gia Dũng giữ chân Tổng biên tập và tờ báo này ra trọn ba mươi số từ 12 đến 16 trang cho đến Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất. Tháng 1/1988. Đó là giai đoạn tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, cộng tác viên tích cực các chuyên ngành Văn-Thơ-Nhạc-Họa-Nhiếp ảnh nở rộ.
Đây cũng là thời kỳ Văn nghệ Hà Tuyên mở nhiều triển lãm, nhiều trại sáng tác quy củ, qui mô. Các tập “Điểm tựa”, “Cực Bắc chiến hào”, “Hà Tuyên- mặt trận”. “Tân Trào 1945-1985”, “Măng non Tân Trào”, “Thơ và văn Hà Tuyên”… được liên kết xuất bản, có thể nói đó là thời kỳ sung mãn, trong đó phải kể đến sự năng nổ, đóng góp tích cực của nhà thơ Gia Dũng
3.
Đại hội Văn nghệ Hà Tuyên lần thứ nhất tổ chức ở nhà nghỉ Nông Tiến trong hai ngày 19-20/01/1988. Trong danh sách trúng cử Ban Chấp hành không có tên nhà thơ Gia Dũng. Lý do ông thiếu phiếu bầu không phải là không chính đáng. Cái tôi công hiến, cái tôi tài năng-nghệ sĩ đã đẩy ông xa cách những đồng chí, đồng đội. Hơn nữa cái ích kỷ, cá nhân của một số người trong cuộc đã không được tháo gỡ kịp thời, thiếu đi lòng vị tha thể tất. Sau vài năm, Gia Dũng lặng lẽ rời Tuyên Quang lao vào sáng tác từ do, tình nguyện làm một lão “ăn mày thơ”, người “đã cất xây đền thơ” người “quyết tôn vinh thơ Việt” khi tuổi đời xấp xỉ 50.
Trong vòng 25 năm, từ 1991 đến 2016, không một đồng lương hưu, không nhà ở cố định, không xe máy, không một tổ chức nào chi lương, nhà thơ Gia Dũng lặng lẽ đi “tầm thi thiên hạ”, miệt mài chung thủy yêu thơ. Trong cơ chế thị trường những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 có bao nhiêu người tranh giành dự án, bất động sản, chức tước… để nhanh chóng làm giàu, tô vẽ tên tuổi, thì Gia Dũng lao vào tầm thơ, in thơ, 25 năm lưu lạc ấy ông đã làm được một việc phi thường, nể phục- đi tìm và tập hợp cái HAY và ĐẸP của thơ ca Việt Nam với sự ham mê cuồng nhiệt, không chút vụ lợi, không chút né tránh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay Gia Dũng đã xuất bản 14 tập thơ riêng; đã sưu tầm biên soạn, tìm kinh phí xuất bản 30 tuyển tập, hợp tuyển thơ và đã biên soạn khoảng 20 đầu sách thơ khác. Tất cả chỉ một mình ông kiên trì, lầm lũi làm việc.
Đọc mấy con số trên ta phải nghiêng mình kính phục, Rõ ràng nếu không có sự đam mê, sự dấn thân đến thua thiệt thì đã không có 44 đầu sách thơ xuất bản và 20 đầu sách thơ khác đang biên khảo chờ in.
Sách của ông chỉ mấy cuốn thơ mỏng từ 60 đến 100 trang in, nặng chỉ 0,2kg. Nhưng có rất nhiều cuốn khủng, dày từ 500, 700, đến hơn 2.000 trang in- có những bộ sách nặng đến 7 kg, in trên giấy tốt, bìa giả da, có hộp đựng quai xách sang trọng.
Đến nay với sự làm việc khủng khiếp Gia Dũng đã có khoảng 13.000 trang in với những tuyển tập, giá trị tầm cỡ quốc gia, qui mô hoành tráng đẳng cấp quốc tế. Có bộ đã đạt giải Bạc Hội xuất bản Việt Nam, có cuốn được đưa vào kỷ lục Ghi net sách Việt- Nhiều cuốn được phát hành sang các nước như Hoa Kỳ, Canada, Ban Lan, Hung ga ri…
Ta thử điểm qua một số đầu sách để thấy sự đa dạng các chủ đề, sự kiện, địa danh mà ông lựa chọn thơ để cung cấp cho bạn đọc và nhằm lưu cho hậu thế lâu dai.
Đó là tuyển thơ, tuyển tập, hợp tuyển được các nhà xuất bản lớn, như: Văn học, Văn hóa, Hội Nhà văn, Thông tin, Văn hóa dân tộc, Thanh niên, Phụ nữ, Hà Nội… ấn hành. Đó là các cuốn Thơ tình Đà Lạt, Duyên thơ, Vườn Thanh, Tràng An một thuở, Ngàn năm thơ Việt (1010-2010), Một thế kỷ thơ văn Lào Cai (1097-2007), Đường về xứ Nghệ, Trời Nam thương nhớ (Tuyển thơ Thăng Long –Hà Nội), Hồ Chí Minh (hợp tuyển thơ), Nước non một dải, Một trăm bài thơ chọn lọc thế kỷ 20, Văn chương Thái Bình mười thế kỷ, Nguyễn Trãi (Hợp tuyển thơ), Thơ Việt Nam 1945-2000, Trông về Việt Bắc, Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chúng tôi đánh giặc và làm thơ.
Trong số các tập đang biên soạn có các tuyển thơ xưa, nay về Kinh Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, đường lên Yên Tử, Tuyển thơ Nguyễn Bính, Mây trắng sông Hàn (thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm), 300 năm ấy (Tuyển thơ về Nguyễn Du)…
Những người thơ, địa danh thơ sẽ còn nối dài người biên soạn, tinh tuyển lại, nhưng người tiên phong đi đầu là nhà thơ Gia Dũng. Nhất định lịch sử sẽ ngưỡng mộ và tôn vinh, ghi nhớ ông.
4.
Chiều 14/4/2019 tại phố chợ Tam Cờ, phương Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, các cơ quan đoàn thể, gia đình nội ngoại, bà con khối phố, đông đảo bạn bè, đồng nghiệp đã long trọng làm lễ tiễn đưa Gia Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đã khép lại một người thơ có tuổi đời 80 và tuổi làm thơ, yêu thơ, say thơ 60 là Gia Dũng- một người bình thường đã vượt lên sự bình thường để làm được câu chuyện phi thường- một mình rong ruổi khắp đất nước từ Bắc xuốn Nam, từ biển lên rừng để đãi cát xây ngôi đền thi ca Việt Nam.
Bất giác trong mùi khói hương, trong tiếng bước chân lặng lẽ của dòng người đến tiễn đưa, tôi nhìn lên bầu trời đầu hạ của thành phố Tuyên Quang mà tưởng như đọc được câu thơ tự bạch, in trong trang đầu tập thơ cuối cùng của ông:
"Chao ôi thế thái nhân tình
Thân mình mình chịu, phận mình mình cam".
Xin cúi đầu vĩnh biệt ông./.
Thành Tuyên, đêm 14/4/2019.
TTV
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét