Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga hiện là nơi hàng ngàn người lao động nhập cư Bắc Hàn đang làm việc, nhưng tương lai của họ đang rất bấp bênh. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc thông qua năm 2017 sẽ buộc họ phải rời Nga cuối năm nay.
Cả người lao động và các công ty họ đang làm việc đều chăm chú theo dõi xem liệu có bất kỳ tiến triển nào về ngoại giao giữa hai nước có thể mở đường cho họ ở lại.
Nằm khuất trong sân của một trung tâm mua sắm giảm giá không xa trung tâm thành phố Moscow là Koryo, là một nhà hàng Bắc Hàn.
Chủ và nhân viên nhà hàng này đều là người Bắc Hàn, điều này mang đến cho những thực khách thích phiêu lưu nếm thử một chút hương vị của Bình Nhưỡng.
Có nhạc Bắc Hàn phát trên TV, và thực đơn có kim chi và mì lạnh.
Vào thời điểm trước cuộc gặp của Kim Jong-un với Vladimir Putin tại Vladivostok, nhà hàng này đông nghịt khách.
Nhiều bàn được kê sát vào nhau để phục vụ các nhóm đông người. "Hôm nay có phải là ngày lễ của Bắc Hàn không?" Tôi hỏi cô phục vụ.
"Không," cô nói bằng tiếng Nga không sõi. "Hôm nay chỉ là một ngày bình thường."
Các nhân viên tại Koryo chỉ là vài trong số 8.000 người di cư Bắc Hàn được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp trên khắp nước Nga.
Con số này được Bộ Ngoại giao Nga xác nhận gần đây, đánh dấu sự sụt giảm đáng kể so với con số 40.000 người của hai năm trước.
Đa số đã buộc phải rời Nga nhằm tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do các chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Kể từ khi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc bắt đầu có hiệu lực vào tháng 9/2017 để đáp trả vụ thử tên lửa của Bắc Hàn - chỉ những người Bắc Hàn có hợp đồng lao động ký trước thời gian này mới được làm việc tại Nga, Văn phòng báo chí Bộ Lao động nói với BBC Tiếng Nga.
Theo thống kê của Bộ Lao động, hơn 85% người di cư Bắc Hàn làm việc trong ngành xây dựng.
Phần còn lại làm các công việc liên quan đến may mặc, nông nghiệp, khai thác gỗ, phục vụ và y học cổ truyền.
Giáo sư Andrey Lankov, một chuyên gia về Bắc Hàn tại Đại học Kookmin của Seoul cho biết, đối với những người Bắc Hàn, có được việc làm ở Nga là mơ ước của nhiều người.
"Không thể tìm được việc làm ở Nga mà không phải hối lộ [ở Bắc Hàn]."
Việc nảy xảy ra bất chấp chỗ ở tồi tệ và điều kiện lao động như nô lệ - những thứ mà nhiều người di cư vẫn phải chịu đựng.
Trong một trường hợp được ghi lại năm 2015, các quan chức nhập cư ở Nakhodka, vùng Viễn Đông của Nga đã tìm thấy ba chuyên gia về nông học Bắc Hàn đang phải dọn tuyết trên đường.
Chủ của họ - một công ty Nga-Bắc Hàn - tuyên bố đó là lần duy nhất họ rời công việc chính để đi theo dõi vụ mùa, nhưng điều này không thuyết phục được chính quyền. Cả ba đều bị trục xuất.
Theo Bộ Lao động Nga, lao động Bắc Hàn được trả trung bình khoảng 415 đô la một tháng, thấp hơn 40% so với mức lương trung bình ở Nga.
"Bạn phải nộp một nửa số tiền lương cho nhà nước [Bắc Hàn]," Giáo sư Lankov nói với BBC Tiếng Nga.
"Nhưng những gì còn lại vẫn nhiều hơn những gì bạn có thể kiếm được ở nhà."
Cuộc sống ở Nga
Các công ty Nga muốn sử dụng người Bắc Hàn phải nộp đơn cho Bộ Lao động để có "hạn ngạch" và được cấp phép thuê một lao động nước ngoài với chi phí tương đương khoảng 200 đô la mỗi người.
Nhiều lao động Bắc Hàn đang sống ở vùng Viễn Đông của Nga, nơi Kim Jong-un và Vladimir Putin sẽ gặp nhau trong tuần này.
Với dân số địa phương bị thu hẹp, vùng này thiếu hụt lao động, nhưng dù vậy thì lệnh trừng phạt đã tác động đến số lượng lao động Bắc Hàn. Năm ngoái, một hạn ngạch 900 người được cấp, sụt giảm đáng kể so với những năm trước.
Số liệu của Bộ Lao động năm 2018 cho thấy lao động Bắc Hàn có mặt khắp nước Nga, với 40% giấy phép được cấp cho các doanh nghiệp ở Moscow và St Petersburg.
Ở St Petersburg, có thông tin rằng lao động Bắc Hàn tham gia xây dựng một sân vận động bóng đá cho World Cup năm ngoái.
Một công ty khác ở St Petersburg, Tập đoàn BTC sản xuất đồng phục cho quân đội Nga, có giấy phép sử dụng 270 người Bắc Hàn năm 2017 - mặc dù người phát ngôn phủ nhận việc này. Năm 2018, BTC xin giấy phép sử dụng lao động Việt Nam thay vì người Bắc Hàn, theo dữ liệu của Bộ Lao động.
Tại Karachay-Cherkassia ở Bắc Caucasus, công ty nông nghiệp Yuzhniy năm 2018 có giấy phép cho 150 người Bắc Hàn để trồng rau cung cấp cho siêu thị.
Và tại Sverdlovsk ở vùng Ural, thậm chí còn có sáu huấn luyện viên Bắc Hàn làm việc tại một câu lạc bộ bóng bàn năm 2017.
Các công ty tuyển dụng người Bắc Hàn lớn nhất ở Nga là các công ty thuộc sở hữu của Bắc Hàn.
Dữ liệu từ hệ thống thông tin kinh doanh Spark của Nga cho thấy đã có khoảng 300 công ty đăng ký hoạt động vào đầu năm 2018.
Hơn một nửa hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, như công ty Enisei ở Krasnoyarsk, ở Siberia, gần đây đã xây dựng một nhà tù mới.
Hãng hàng không quốc gia Air Koryo đăng ký khai thác các chuyến bay từ Vladivostok. Ngoài ra còn có chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương Bắc Hàn. Cả hai đều không trả lời các cuộc gọi của BBC trong tuần này.
Phần lớn các công ty Bắc Hàn ở Nga thuộc sở hữu của các cá nhân.
Đó là một dấu hiệu, theo ông Jonathan Lankov, về việc doanh nghiệp Bắc Hàn phi tập trung như thế nào.
Lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc là tin tức không mong đợi đối với nhiều doanh nghiệp Bắc Hàn tai Nga.
Tại Vladivostok, trên bờ biển Thái Bình Dương, công ty xây dựng Yav-Stroi từng là một trong những nơi sử dụng nguồn lao động di cư Bắc Hàn lớn nhất, với hạn nghạch 400 người trong năm 2017.
"Chúng tôi không thể hoạt động mà không có các lao động di cư", một phát ngôn viên của công ty, người yêu cầu giấu tên, nói với BBC ngay sau khi các lệnh trừng phạt được đưa ra.
Ở Moscow, Phòng khám Đông y đã sử dụng 10 bác sĩ Bắc Hàn. Năm 2018 hạn ngạch giảm xuống chỉ còn bốn.
"Nếu họ phải rời đi, bệnh nhân của chúng tôi, nhiều người trong số này là trẻ em khuyết tật, sẽ không được điều trị," giám đốc Natalya Zhukova nói với BBC.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng cấm liên doanh, nhưng có một số trường hợp ngoại lệ.
Rasonkontrans được miễn trừ đặc biệt trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc - đây là một công ty Nga-Bắc Hàn tham gia vào một dự án đường sắt và cảng lớn ở Viễn Đông Nga.
Rõ ràng các quan chức Nga muốn tìm cách giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.
Tại hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi với ông Kim Jong-un tại Moscow vào tháng 4/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Lavrov, cho biết hai bên đã thảo luận cách để tăng cường quan hệ kinh tế trong khi tuân thủ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Tháng này, một phái đoàn từ Quốc hội Nga đã đến thăm Bắc Hàn với cùng mục đích.
"Chúng tôi là hàng xóm, chúng tôi bị ràng buộc bởi tình bạn và những chiến thắng vĩ đại, và chúng tôi phải giúp đỡ lẫn nhau," nghị sĩ Kazbek Taysaev nói với BBC sau chuyến thăm.
"Đặc biệt là bởi vì lệnh trừng phạt áp đặt đối với Bắc Hàn trong 70 năm qua. Chúng tôi là những người bạn tâm giao."
Trở lại nhà hàng Koryo ở Moscow, các nhân viên rụt rè nói với BBC về những gì đang chờ đợi họ trong tương lai.
Nhưng thực khách đang tìm kiếm hương vị Bắc Hàn được khuyên nên nắm lấy cơ hội này trong khi họ vẫn còn có thể.
Bài viết của BBC Russian Petr Kozlov và Anastasia Golubeva
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét