Tư tưởng "cần kiểm soát dân số" được trình bày rộng rãi tại Trung Quốc lần đầu vào tháng 7/1955, bởi một nhà kinh tế tên Mã Dần Sơ, ủy viên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân. Ông này, sau các nghiên cứu, cho rằng tốc độ tăng dân số của Trung Quốc đang tăng quá nhanh so với tốc độ tăng vốn.
Hai năm sau, Mã lần đầu trình bày Lý thuyết dân số mới tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, với kết luận rằng sự gia tăng dân số với tốc độ cao sẽ không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Vị này chủ trương rằng nhà nước cần phải kiểm soát sinh sản của người dân.
Bài phát biểu được Nhân dân Nhật báo đăng tải đã tạo nên một sự náo động. Lý thuyết của Mã Dần Sơ bị chỉ trích nặng nề khi không phù hợp với truyền thống của người Trung Hoa.
Nhưng rồi quyết tâm phát triển kinh tế đã chiến thắng mọi quan niệm.
Sau ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, ổn định xã hội cùng tiến bộ y tế khiến tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tỷ lệ sinh tăng tạo nên một cuộc bùng nổ dân số.
Trong vòng ba mươi năm, dân số nước Trung Quốc mới đã tăng gần gấp đôi, từ 500 triệu lên 969 triệu người vào năm 1978. Trung Quốc khi đó đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực và nhà ở. GDP đầu người thời gian này chỉ đạt 250 USD một năm.
Cuộc bùng nổ dân số đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu đưa ra biện pháp chính thức để kiểm soát sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình. Trong thập kỷ 70, để hãm đà tăng, chính quyền kêu gọi người dân sinh "muộn, hi, thiểu". Muộn nghĩa là nam nữ kết hôn sau tuổi 25; hi là khoảng cách giữa các lần sinh nở dài hơn; và thiểu khuyến nghị các cặp vợ chồng dừng lại ở hai con.
Nhưng những gì Trung Quốc phải đối mặt những năm sau này, với sai lầm của công cuộc Đại nhảy vọt, khiến lý thuyết về kiểm soát dân số của Mã Dần Sơ bắt đầu được nhìn nhận lại
"Chỉ trích lầm một người, dân số tăng nhầm 300 triệu", trở thành câu nói tổng kết của người Trung Quốc về vụ việc này.
Tháng 1 năm 1979, trang nhất Nhân dân Nhật báo đưa tin về hội nghị của Văn phòng sinh đẻ kế hoạch toàn quốc, đề xướng "Mỗi cặp vợ chồng tốt nhất sinh một con, nhiều nhất hai con".
Giữa tháng 12 năm ấy, Phó thủ tướng Trần Mộ Hoa tuyên bố: "Giờ chúng ta đề ra ‘tốt nhất một con’, bỏ ‘nhiều nhất hai con’ đi. Đây là yêu cầu chiến lược trong quá trình phát triển dân số của nước ta". Sau này, bà Trần Mộ Hoa được giao phụ trách Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe quốc gia.
Tháng 9 năm 1980, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thống nhất "Chỉ sinh một con". Ngày 25 tháng 9 năm 1980, Trung ương Trung Quốc ban hành thư chỉ đạo có nội dung "Để khống chế dân số dưới 1,2 tỷ cho tới cuối thế kỷ 20, Quốc vụ viện kêu gọi toàn quốc, đề xướng mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con".
Chính sách được Trung Quốc đưa vào Hiến pháp 1982. Điều 25 quy định "Nhà nước ban hành sinh đẻ kế hoạch nhằm làm cho sự tăng dân số hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội". Và Điều 49 có nội dung "Cả vợ và chồng đều có nghĩa vụ thực hiện sinh đẻ kế hoạch". Sinh đẻ theo kế hoạch đã trở thành một loại trách nhiệm công dân phải thực hiện với đất nước của mình. Từ đó đến nay, Trung Quốc bốn lần sửa đổi Hiến pháp, song những điều trên vẫn giữ nguyên.
Miên chào đời một ngày đầu hè năm 2000, khi thung lũng mận tam hoa trên cao nguyên Bắc Hà sắp vào mùa. Theo phong tục của người Mông đen, ba ngày sau, cô bé được làm lễ đặt tên. Ông Giàng A Tờ thắp hương báo cáo tổ tiên đã sinh được con gái đầu lòng. Ông mổ lợn, làm hai mâm cơm mời anh em đến nhà ăn cỗ.
Cùng năm ấy, Trung Quốc cán mốc thiên niên kỷ với đúng mục tiêu đề ra, khi kìm hãm được dân số ở mức 1,26 tỷ người; thu nhập bình quân gần 1.000 USD và tăng trưởng dân số hạ xuống còn 0,8%.
Nhưng ở bên kia biên giới, nhiều người Trung Quốc không thể mổ lợn ăn cỗ khi có con gái. Hai tác giả Valerie M. Hudson và Andrea M. den Boer chỉ ra, từ năm 1995 tới giữa thập niên 2000, mỗi năm Trung Quốc "biến mất" khoảng một triệu bé gái. Vì lựa chọn giới tính thai nhi và vứt bỏ con gái.
Các nhà nghiên cứu xã hội học gọi các trẻ em gái đáng ra phải xuất hiện theo tỷ lệ sinh thông thường, nhưng không thể ra đời vì tâm lý trọng nam khinh nữ là "missing girls" – những cô gái biến mất.
Chính sách kéo dài bốn thập niên đã giảm được 400 triệu đứa trẻ ra đời. Một tỷ lệ lớn trong số đó là con gái. Nhiều gia đình Trung Quốc đã quyết định: đứa con duy nhất mà họ được cho phép sinh trong suốt cuộc đời, nên là con trai.
Những người chống lại Chính sách một con bị trừng phạt bằng chủ nghĩa lý lịch. "Chúng tôi như một đội du kích sinh quá con, trốn tránh khắp nơi. Các con đi học, thầy cô chẳng bao giờ thấy mặt bố của học sinh. Tên thật của cha cũng buộc phải giấu. Mỗi khi ra ngoài, chúng tôi phải đi cách nhau 200 mét", đạo diễn Trương Nghệ Mưu giãi bày trên Xinhua, cuối năm 2013 về việc vi phạm chính sách. Ông với người vợ Trần Đình có ba đứa con, hai trai, một gái.
Chính quyền tỉnh Giang Tô thống kê có 425 đứa trẻ mồ côi, phần lớn là bé gái, bị bỏ rơi trong năm đầu tiên thực hiện chính sách. Ở Quảng Tây, 80% những đứa trẻ bị mang ra chợ đen bán là con gái.
"Qua siêu âm, nếu phát hiện mang thai con gái, không ít người sẽ bỏ thai, thậm chí giết con ngay khi mới chào đời", theo Sohu.
Theo thống kê đến cuối năm 2017, nam giới ở tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều nhiều hơn nữ giới. Số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố đầu năm nay, tính riêng ở Trung Quốc đại lục, nam giới nhiều hơn nữ giới 31,6 triệu người. Chỉ tính những người sinh sau năm 2000, tỷ lệ đã là 118 bé trai trên 100 bé gái.
"Những con số này khiến nam nhân nước ta như ngồi trên đống lửa", tờ Sohu bình luận.
"Những cô gái biến mất" vì kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc những thập kỷ trước được thay thế một phần bởi những cô gái biến mất khỏi các bản làng Việt Nam.
Lúc mua Đòa về, người chồng vừa tròn 30 tuổi. Trong ngôi làng chuyên trồng lúa ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông, những cô gái trong làng lên thành phố kiếm việc, lấy chồng, bỏ lại ngôi làng "độc thân" với gần trăm người đàn ông chưa tìm được vợ. Quảng Đông là tỉnh mất cân bằng giới tính nhất Trung Quốc, khi số chênh lệch giữa nam và nữ là 5,56 triệu người.
Gần một năm sống ở nhà chồng, Đòa gặp hơn chục cô gái bị bắt cóc, bán làm vợ như mình. Mỗi lần trong thôn có một cô mới mua về, người đàn ông mà chồng cô gọi là "shū shū" (chú), lại đến nhờ Đòa làm "phiên dịch", hỏi xem cô gái kia ở đâu, nhà như thế nào. Có tháng, Đòa gặp 3 người, nhiều nhất là Điện Biên.
Người chú của chồng Đòa trên 50 tuổi, từng mất một đời vợ. Thông qua người mối lái, ông mua được một cô dâu Việt Nam. Dần dà, người ấy trở thành ông mối trong làng. Mỗi khi người buôn có "hàng" sẽ chụp ảnh gửi cho ông. Người đàn ông cầm điện thoại cho đám con trai trong làng xem. Ai thích thì ông dẫn đi xem mặt. Ông chính là người cho chồng Đòa xem ảnh của cô, được gửi từ "đại lý".
Trong các giao dịch buôn người, theo công an Trung Quốc, cách để các môi giới tìm được khách hàng, hầu hết đều thông qua truyền miệng. Ai đó ở trong làng đã mua một cô dâu Việt Nam, và những người có nhu cầu sẽ đi hỏi thăm.
"Làng ấy đông con trai chưa vợ, toàn 40 tuổi trở xuống. Có những người mới ngoài 20 cũng thích lấy vợ Việt Nam. Họ nghe nói con gái Việt Nam hiền hành, biết chăm gia đình", Đòa kể.
Tờ Tân Hoa Xã nhận định tình trạng bất bình đẳng giới khiến nhiều đàn ông Trung Quốc phải tìm kiếm vợ nước ngoài. Tại nước này, nàng dâu Việt được truyền miệng là "chăm chỉ, thật thà, tính cách truyền thống", vì thế được không ít nam giới, đặc biệt ở vùng nông thôn ao ước. Một lý do khác khiến "trai thừa" Trung Quốc tìm kiếm nàng dâu Việt là chi phí thấp, thường chỉ vài chục nghìn tệ. "Đối với những người ở nông thôn, đây là con số chấp nhận được".
Lúc đặt chân sang đất Trung Quốc, Miên bị giam bốn ngày trong một ngôi nhà. Cô không biết mình đang ở đâu. "Đi ôtô mất hai ngày, có lẽ là khá sâu trong đất Trung Quốc". Miên nghĩ đời mình thế là hết. Cô không chịu ăn cơm liền bị vả, túm tóc, hoặc lấy dao kẹp cổ. Người phụ nữ trong ngôi nhà đó khuyên cô nên chấp nhận lấy chồng. Nếu không gật đầu, còn bị bán xa hơn nữa.
"Để không bị hành hạ thì tốt nhất nên nghe lời họ. Thế là em đã đi lấy chồng", cuối cùng, Miên đầu hàng.
Miên đi máy bay. Cô cũng không biết vì sao mình không có giấy tờ gì vẫn vào được máy bay. Cô xuống máy bay thì chồng và bố mẹ chồng đã đợi sẵn.
"Chồng bảo thật sự bên Trung Quốc không có con gái nên nó mới lấy em thôi. Nó cũng không có ý đồ gì hãm hại em", Miên thuật lại lời chồng lần đầu gặp gỡ. Anh ta ra điều kiện, cô sinh được một hoặc hai đứa con thì cho về Việt Nam thăm bố mẹ. Nếu cô muốn, anh ta sẽ xin làm giấy tờ đầy đủ, để cuộc hôn nhân này trở thành hợp pháp.
Số liệu tại Hội nghị thường niên về hợp tác phòng chống mua bán người giữa hai nước Việt – Trung mới đây công bố, từ 2015 – 2017, có hơn 12.500 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Trung Quốc.
"Khoảng 90% trong số trên là nạn nhân bị lừa bán, chứ không phải tự nguyện kết hôn ngay từ đầu", thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai khẳng định.
Ông Thắng phân tích, nhiều nạn nhân bị bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc làm vợ, sinh con. Bị hại không biết kẻ đã bán mình là ai để tố cáo, qua thời gian dài thì chấp nhận ở lại. Họ tìm cách trở về Việt Nam, rồi xin xác nhận giấy tờ bằng cách khai báo đi làm ăn xa, nhập hộ khẩu để hợp thức hóa cuộc hôn nhân.
Đòa từ chối tổ chức đám cưới với người chồng gấp đôi tuổi. "14 tuổi, em không muốn trải qua một đời chồng như thế". Mỗi lần dắt vợ đi chơi, anh ta giới thiệu với họ hàng đây là cô dâu mới. Hoặc sẽ ở nhà canh, sợ cô bỏ trốn. Anh ta không bắt ép vợ, thậm chí là ngủ chung. Ở với nhau nửa năm, người chồng bắt đầu nói lời yêu. Nhưng Đòa vẫn nghĩ cách trở về.
Một sáng mùa hè, công an Trung Quốc tìm đến nhà người chú của chồng Đòa. Ông bị dẫn lên đồn hỏi chuyện. Đến sáng hôm sau, công an tìm đến nhà một cô dâu trong xóm, dẫn đi. Cả làng biết chuyện. Người chồng nhìn nét mặt vợ, cũng trở nên cảnh giác. Đi đâu anh ta cũng dắt Đòa theo. Có lần cô đòi về, chồng liền dặn sang nhà anh trai ở tạm, tránh gặp khi công an đến nhà tìm.
Nhưng rồi người vợ, với ý nghĩ "phải về Việt Nam" thôi thúc, đã tìm được đồn công an gần nhất trên trấn để trình báo. Họ dẫn cô lên đến công an tỉnh để liên hệ về Việt Nam và thông báo luôn cho nhà chồng lên làm việc.
"Anh biết là em thông minh. Bây giờ em trốn được về Việt Nam, nhưng bọn anh sẽ tìm được bắt em về", anh rể của chồng buông lời đe dọa qua điện thoại của phòng cách ly. Qua tấm kính cửa, Đòa nhìn thấy người chồng khóc, liên tục ra dấu cho vợ nghe điện thoại. Nhưng cô từ chối.
Đòa được trao trả về Việt Nam tháng 7 năm 2017 qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trên chuyến xe trở về cùng Đòa còn hai cô dâu nữa.
Tháng 8 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở phiên xét xử lưu động anh em Cư Seo Quang, Cư Seo Đồng và Sùng Seo Vảng về tội Mua bán người. Anh em Quang, Đồng đều nhận mức án 7 năm tù, riêng Vảng 9 năm.
Cư Seo Quang lĩnh án khi còn gần một tháng nữa mới tròn 18 tuổi. Nhưng thanh niên này, trước khi lọt lưới công an đã kịp gây ra bảy vụ án, ba vụ mua bán người và bốn vụ mua bán trẻ em, lừa bán 9 cô gái sang Trung Quốc.
Khi bị truy nã, các đối tượng trong đường dây này đã trốn sang Trung Quốc. Thào Seo Chúng gia nhập băng nhóm người Việt, sống trong một căn nhà thuê ở Hà Khẩu. Nhóm này chuyên liên lạc với người trong nước, mua lại các nạn nhân bị lừa bán, rồi chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc bán làm gái mại dâm hoặc làm vợ. Chúng bị công an Trung Quốc tiêu diệt trong một cuộc vây bắt tháng 3/2017, khi cố dùng súng chống trả.
Ngày Quang bị xét xử, Chang đang ngồi lắp ráp thiết bị điện tử trong nhà máy ở Thái Nguyên. Hai tháng sau khi bị bán, cô trốn được về nước và làm đơn tố cáo. Mẹ Chang không cho con gái mình đi học tiếp. Chị sợ con bé bị lừa bán thêm một lần. Cô gái chiều lòng mẹ, đi làm công nhân. Giàng Thị Dung, sau cuộc giải cứu trở về cũng đã nghỉ học. Những cô gái không thể quay trở về theo đúng nghĩa.
Khi Miên mặc váy cưới, đứng khóc trong lễ đường ở Bắc Kinh, ông Giàng A Tờ đang lang thang ở mấy vùng nông thôn Vân Nam để tìm con gái. Ông cầm trên tay tấm chân dung con được in từ Facebook. Ông hỏi thăm những làng nào có nhiều trai "ế" nhất. Nhà nào có con trai mới lấy vợ Việt Nam là ông đến, gặp đồn công an nào ông cũng hỏi. Nhưng bặt vô âm tín. Ông đâu biết, con gái đã bị bán tới thủ đô Trung Quốc, cách nơi ông đang tìm hơn 3.000 cây số.
Người cha bán hết ba nương ngô, hai con trâu, vay thêm mấy chục triệu ngân hàng làm lộ phí. Qua hai tuần hết nhẵn túi, ông đành phải trở về. Người cha vừa vay thêm tính đi tiếp, thì nhận được tin con.
Những ngày làm vợ, Miên chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà hai tầng với bố mẹ chồng. Người chồng đi làm nửa tháng mới về một lần. Sống trong căn nhà đó, Miên như người câm. Cô không biết nói ngôn ngữ của họ, cũng không hiểu họ nói gì.
Miên nghĩ đời còn dài, nên ngoan ngoãn sống, rồi năn nỉ chồng mua điện thoại dùng cho đỡ buồn. Cô tạo được Wechat, chồng về thì gỡ, chồng đi thì cài. Miên tìm được Wechat của bố. Ở Bắc Hà, các chú hay sang Trung Quốc làm thuê, và họ giữ liên lạc bằng cách đó. Cô chụp ảnh, gửi vị trí nơi mình đang sống cho ông.
Một tuần sau, công an Trung Quốc đến tận nhà đưa cô đi. Mẹ chồng chạy theo níu tay giữ lại. Bà hỏi cho bao nhiêu tiền thì cô chịu ở lại. Miên giật tay ra. "Các người kế hoạch hóa gia đình, sao hậu quả lại là con gái Việt Nam phải nhận?", cô hỏi. Người công an phiên dịch lại câu ấy, mẹ chồng buông tay để Miên đi.
Miên gặp lại người yêu trong tù. Bán Miên xong, Ao cũng bỏ trốn. Một tháng sau, Ao đầu thú. Nghe tin cô trở về, bố mẹ Ao đến nhà tìm. Họ bảo đi thăm con trai và muốn cô đi cùng. Miên chần chừ, rồi cũng quyết định đi. "Em chỉ muốn gặp để hỏi vì sao nó lại làm như thế".
"Anh không có ý định bán em. Không ai ngu đến mức bán người yêu lại tổ chức sinh nhật cho em", Ao quỳ xuống khi nhìn thấy người yêu cũ.
"Mày không yêu tao sao, mà lại bán tao?".
"Anh xin lỗi. Anh bị mấy thằng bạn lừa, anh thật sự không muốn bán em".
Ao lãnh một cái tát từ Miên, nhưng không chống cự. Cô gái bước khỏi phòng thăm gặp với gương mặt đầy nước mắt. Người con trai ấy là mối tình đầu của Miên.
Năm Miên 15 tuổi, trai bản đến rủ đi chơi nhưng cô đều lắc đầu. Miên muốn đi học. Con gái trong bản này chỉ học đến lớp 9 rồi đi lấy chồng. Miên trở thành cô gái đầu tiên của bản xuống Mường Khương học cấp 3. Người trong bản khen cô giỏi, các em gái đều muốn được như Miên.
Ao hơn Miên một tuổi, học khoá trên, cùng trường. Đôi trai gái yêu nhau hai năm, cả hai nhà đều biết. Miên đã về nhà người yêu chơi nhiều lần.
Trở về từ trại giam, Miên mới bỏ cái sim điện thoại hay dùng để nói chuyện với người yêu cũ. Cô trốn biệt trong nhà, không gặp ai. "Mình tự trách mình lúc ấy còn quá trẻ đi, không hiểu tình yêu là sự lừa dối, mù quáng để bị lừa. Nhưng bố bảo "Vì con yêu sai người thôi".
Miên và Đòa, bây giờ sống cùng các cô gái trở về trong Ngôi nhà nhân ái, dưới sự bảo trợ của một quỹ phòng chống buôn người tại Việt Nam. Các cô gái vẫn đến trường, học may vá. Miên đang học lớp 12 và mong muốn thi vào đại học Dược. Những cô gái may mắn trở về từ bên kia biên giới, đã chọn cách ở lại ngôi nhà này, học cách quên quá khứ.
Miên ít khi về Bắc Hà, dù rất nhớ cao nguyên đầy hoa mận trắng mùa xuân. Cô sợ gặp người trong bản, nghe những lời phân biệt "con gái chưa đi Trung" và "con gái đã đi Trung". Họ coi những người đã đi Trung là "đồ thừa" và cấm con gái chơi với Miên.
"Lúc em về, làng xóm thương bố mẹ, bảo nếu mày chết đi thì nhà mày đã không mất nhiều tiền như thế. Nương bán hết rồi, giờ lấy gì mà ăn? Mấy đứa con gái trong thôn muốn đi học, nhưng bố mẹ chúng bảo cứ nhìn mình đi. Đi rồi cũng sẽ có kết cục như nó", nhiều đêm Miên khó ngủ, dằn vặt vì "mình ảnh hưởng đến con gái trong bản quá lớn". Cô muốn nói "mọi thứ không như thế đâu", nhưng không biết làm cách nào để giải thích.
Năm 2015, Bắc Kinh chuyển từ chính sách một con sang chính sách hai con. Nhưng có thể phải mất hàng thập kỷ nữa mới có thể nhìn thấy kết quả gia tăng số lượng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Và khi đó, các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam vẫn là nơi được tội phạm nhòm ngó để phục vụ hàng chục triệu "trai thừa" nước này.
Miên và Đòa không thể trở về làng bản. Nhưng họ vẫn may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác không thể trở về Việt Nam.
Căn nhà gỗ của Giàng A Phồng nằm cách nhà Lù Thị Chang một đồi cỏ gianh. Bao quanh là những thửa ruộng bậc thang mới cấy. Đứng từ sân nhà A Phồng có thể nhìn thấy Quốc lộ 32 . Con đường chạy qua bản Đề Sủa, qua thị trấn Than Uyên, theo Quốc lộ 4D, qua Sa Pa về thành phố Lào Cai. Hai năm qua, đã có 7 người từ bản này bị bán theo con đường ấy sang bên kia biên giới, trong đó có vợ Phồng.
Anh Phồng nhận được một cuộc gọi từ đầu số +86 vào chiều 26 Tết, khi đang chở con gái đi chợ Than Uyên mua váy mới. Nhìn thấy dãy số dài, anh biết cuộc gọi từ Trung Quốc nên vội tấp xe vào lề đường nghe máy.
"Em đây, anh sống thế nào?", đầu dây bên kia vang tiếng chị Chơ.
"Anh đang đưa con Cáy đi mua quần áo". Sau đó là hàng loạt câu hỏi ở đâu, làm gì.
"Em không quay về được, anh cố nuôi con. Sau này em tìm được lối thì em về. Em tắt máy đây, chồng mới sắp về rồi".
Cái Cáy ngồi sau yên xe, đòi nói chuyện với mẹ. Nhưng không kịp. Bên kia đã tắt máy. Từ ngày mẹ ra đi, con bé chưa có thêm cái váy mới nào. Váy cũ mặc ba năm đã rách, bố với anh trai không biết khâu. Cái Su, cái Tẩn ở ngõ dưới vẫn được mẹ dệt váy cho.
Chị Chơ đi theo một người đàn ông sống gần cửa khẩu Lào Cai. "Người đó hay tới bản này chơi, rủ nó đi cửa khẩu tìm việc cho".
Ba năm, người đàn ông mất vợ chỉ đi nương, lấy củi một mình. Gian nhà gỗ không sắm thêm gì mới. Cái máy khâu vợ hay dùng may vá, thi thoảng người chồng vẫn mang ra lau cho mới. Nhưng không có kim may, cò giật chỉ cũng đã han.
Sau cuộc gọi kia, anh Phồng biết mình đã mất hẳn vợ. "Nó đã là vợ người ta, như con lợn đã bị nhốt trong chuồng rồi, làm sao mà về với mình được nữa".
Bài: Hoàng Phương, Huệ Nguyễn
Đồ họa: Tiến Thành
Đồ họa: Tiến Thành
* Tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi.
Theo VNExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét