Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Vì sao cha tôi và các trí thức bị cách ly?


Bác sỹ Trần Duy HưngBản quyền hình ảnhOTHER
Image captionBác sỹ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội tại lễ khai trương đường phố mang tên Điện Biên Phủ ở Hà Nội.
Nhà báo tự do Trần Tiến Đức, con trai thứ của vị thị trưởng đầu tiên của Hà Nội thời chính phủ Hồ Chí Minh, nói với BBC về nguyên nhân và cách thức mà thân phụ của ông, bác sỹ Trần Duy Hưng, và một số trí thức theo Việt Minh và chính phủ kháng chiến bị 'cách ly' sau khi được Đảng Cộng sản huy động vào bộ máy.
Trao đổi với BBC hôm 2/9/2017, nhân dịp 72 năm quốc khánh Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Truyền thông, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình của Việt Nam nói:
"Cho đến năm 1950, vai trò của các trí thức trong chính phủ kháng chiến còn rất to lớn, nhưng sau năm 1950, sau khi Chiến dịch Biên giới thắng lợi, mở ra sự thông thương với Trung Hoa Cộng sản, thì các đoàn cố vấn Trung Quốc sang và sức ép đối với Hồ Chí Minh và đối với lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là phải thay thế những người trí thức trong chính phủ bằng những nhân vật khác.

"Và rõ ràng như vậy, đã có thời gian, lúc bấy giờ tôi đã đi học thiếu sinh quân rồi, nhưng em trai tôi có kể lại là có thời gian khoảng độ năm 1953 là các cụ bị cách ly. Họ đưa các cụ lên một vùng ở Chiêm Hóa [tỉnh Tuyên Quang] và hầu như các cụ rất ít được tham gia vào công việc của chính phủ, đấy là một sự thật.
"Và đấy là một chuyện để chúng ta thấy rằng chuyện mà họ sử dụng những người trí thức như thế nào. Tôi cũng nói một câu là sở dĩ phía Việt Minh, phía đảng cộng sản phần nào có thể thành công là vì họ tập hợp được dân chúng. Và ai làm cho dân chúng tin vào? Đó là những trí thức.
Bác sỹ Trần Duy Hưng (trái)Bản quyền hình ảnhOTHER
Image captionBác sỹ Trần Duy Hưng (trái) và Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh tham gia lao động xây dựng một công viên ở Hà Nội.
"Và tôi nói cụ Hồ Chí Minh là một con người rất có sức hút, người biết ứng xử và có thể với sự tiếp xúc trực tiếp với Hồ Chí Minh, cộng với những lý tưởng dân chủ, độc lập, tự do, đã kéo được một số trí thức có uy tín trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là theo chính quyền Việt Minh. Và như thế cũng góp phần tăng cường uy của chính phủ Việt Minh và đồng thời cũng tăng cường uy tín của nước Việt Nam."'
Theo nhà báo Trần Tiến Đức, cựu đạo diễn phim tài liệu và truyền hình, người từng có nhiều năm làm việc tại đài truyền hình Việt Nam (VTV) nửa sau thế kỷ trước, cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 là công lao của toàn dân, nhưng Việt Minh là lực lượng biết tập hợp lực lượng và lợi dụng cơ hội lịch sử, ông nói:
"Tôi nghĩ rằng việc lật đổ ách thực dân, lật đổ ách phát xít là công của toàn dân và có rất nhiều đảng phái cùng tham gia cùng với Việt Minh.
"Nhưng Việt Minh là lực lượng tôi phải công nhận lúc đó được tổ chức tốt nhất và... biết lợi dụng cơ hội khi các đảng phái khác chưa có sự đoàn kết, chưa có sự thống nhất để kêu gọi được toàn dân.
"Thứ hai, phải nói là Việt Minh đã tận dụng cơ hội để điền vào... khoảng trống chính trị còn lại sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng.
Cựu Vụ trưởng Trần Tiến ĐứcBản quyền hình ảnhFB TRAN TIEN DUC
Image captionCựu Vụ trưởng Trần Tiến Đức tham gia một hội thảo khoa học.
"Nhưng chúng ta phải nói rằng thật ra lúc bấy giờ Việt Nam cũng đã có một chính phủ - chính phủ của ông Trần Trọng Kim.
"Chính phủ Trần Trọng Kim đã có những quyết định đầu tiên đưa nước Việt Nam đi theo con đường độc lập, tất nhiên là trong sự hạn chế như vậy, cho nên tôi nghĩ rằng việc tự nhận lấy công đầu của mình, tôi cho rằng điều đó cũng cần phải xem lại.
"Và sau này, nếu chúng ta có xem xét lại các tài liệu lịch sử, các nhà sử học thực tế, nếu công tâm để xem xét lại các cứ liệu lịch sử, chắc họ phải có những kết luận xác đáng hơn," ông Trần Tiến Đức nói với Quốc Phương của BBC Việt ngữ từ thành phố Budapest trước một bảo tàng chứng tích tội ác trong lịch sử cận hiện đại của quốc gia thuộc khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc trao đổi trực tuyến trên kênh Facebook Live của BBC Việt ngữ, được thực hiện hôm 2/9/2017 từ thủ đô của Hungary.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: