Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

KIÊN NHẪN, 100 NĂM VẪN ÍT?

Tôi cực kỳ kiên nhẫn, miễn là cuối cùng tôi được như ý của mình.
I am extraordinarily patient, provided I get my own way in the end.
                                                                                               Margaret Thatcher    
Câu chuyện thứ nhất
‘Nghênh ngang’ nhưng… có lý!
Ngày Rằm tháng Giêng Tết Kỷ Hợi, đã 9 giờ tối, điện thoại của tôi reo. Anh Hóa, một cựu binh và cũng là đồng nghiệp cũ cùng cơ quan, gọi điện nói với tôi bằng một giọng điệu mệnh lệnh:
“Ông đang ở đâu? Có ở nhà không?”.
Tôi khẳng định:
“Dạ, chào anh! Đang ở nhà, vừa ăn cơm xong!”.
Anh Hóa nói tiếp:
“Tôi đến bây giờ nhé, có một thằng cha… thôi, thôi, hắn đến rồi ông sẽ biết là ai, cần gặp ông ngay!”.
Tôi chỉ có quyền đồng ý, vì anh Hóa đã quá một lần đến nhà thăm mà tôi đều đi vắng. Hơn nữa lại là đầu năm….
Tôi đón hai người khách từ dưới sân của chung cư. Vào nhà, hai người ngồi vào bàn khách, hướng thẳng về phía ban thờ và đôi ghế tràng kỷ lịch sử. Vì là lần gặp đầu tiên, lại đầu năm, tôi đề nghị rót mỗi người một ly rượu Cônhắc. Ba người chúng tôi chạm cốc cầu chúc cho sức khỏe một năm được an lành.
Không có những đối thoại xã giao dạo đầu, anh Hóa hỏi tôi và hất hàm về phía người cùng đi, rằng ông có nhớ ông Thăng này không? Cũng lâu lắm rồi đấy. Tôi ấp úng, gật đầu, vì loáng thoáng nhớ… cũng đã từng gặp nhau, nhưng trong bối cảnh nào? Ở đâu và vì lý do gì thì tôi chưa xác định được.
Ông Thăng cao giọng bảo tôi:
“Hơn hai mươi năm trước, tôi với ông là hai thái cực. Ông có nhớ lần tôi đến gặp ông ở cơ quan, trong lúc trò chuyện, tôi được biết ông là cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã cười khẩy vì lúc đó tôi nghĩ rằng: loại cháu như ông… vô tích sự, loại như ông, hiểu gì về lịch sử, về văn hóa… về ông nội mình! Tôi rất nghi ngờ ông, loại người vô học thì hiểu gì về tiên tổ, về sự vĩ đại của ông cha”.
Tôi thận trọng, hơi cay mũi, ngờ ngợ rằng, có phải trước khi đến tôi, hai ông này đã uống gì rồi?! Nhưng tôi vẫn nín thở, lắng nghe sự ‘mạt sát’ của người khách lần đầu tiên đến nhà mình. Hơn nữa, cũng không phải lần đầu tiên tôi bị ‘gạch đít’ như vậy, nhưng không đến mức sỗ sàng như lần này. Ông Thăng hướng về phía tôi nói tiếp:
“Tôi đảm bảo với ông nhá, rằng hàng triệu người Việt Nam mới có vài ba người biết Nguyễn Văn Vĩnh là ai?! Nếu có biết, họ chỉ biết đó là một tên bồi bút, theo Tây, vì họ được dạy như thế mà. Họ làm sao biết, đó là ông tổ của nền văn hóa dùng chữ Quốc ngữ….”. Rồi ông Thăng hạ bớt, với chất giọng tâm sự:
“Lúc tôi là trẻ ranh, bố tôi, tay cầm quyển sách, bảo tôi thế này: con ạ, con phải đọc ‘Những Người Khốn Khổ’ của V.Hugo do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Cách dịch của cụ Vĩnh không như kiểu dịch sau này của ông…ấy… đâu. Cụ dịch giản dị, dễ hiểu lắm, nhất là cuốn ‘Miếng Da Lừa’, ở đoạn cuối, cụ Vĩnh dịch nhân vật chính trong truyện, chết trên bầu vú của cô Pauline, chứ không phải như sau này, ông ấy…. dịch là chết trong lòng Pauline. Hai cái cảnh đó nó khác nhau rất nhiều!
Mà này ông Bình, tôi hỏi thực ông: Ông có biết Nguyễn Văn Vĩnh khác tất cả những danh nhân cùng thời ở chỗ nào không? Như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi…. Ông có biết không đã?”.
Những cuốn sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh từ đầu thế kỷ 20, thường được trưng bày trong các cuộc triển lãm sách cũ ở Hà Nội và Sài Gòn
Tôi cố tình im lặng, không muốn trả lời ngay vào điều ông Thăng hỏi, kiểu bề trên như vậy được. Thực ra, tôi cũng giật mình, vì không biết đâu, ở một góc khuất nào đó, có thể có những cái nhìn khác, hoặc có tư liệu chưa ai biết tới, vì sự nghiệp của cụ Vĩnh rộng quá. Hơn nữa, những cái khác đặc biệt ở Nguyễn Văn Vĩnh so với những nhân sĩ cùng thời thì vô vàn, cụ Vĩnh không khác, thì sao lại tự nhận mình là Man di hiện đại?!
Ông Thăng thấy tôi im lặng, hình như ông tin rằng tôi không đủ nhận thức để biết, và trả lời câu hỏi của ông, rồi ông lại tiếp tục:
“Ông mà không hiểu được sự khác biệt đặc trưng này của cụ Vĩnh, thì ông đừng mong gì nghiên cứu sâu và thành công việc phục dựng chân dung thực của cụ, ông không biết đâu…”.
Tôi thấy thái độ ông Thăng thật chủ quan, cách đặt vấn đề vừa áp đặt, vừa coi thường người đối thoại với mình. Hình như, ông cũng chẳng cần quan tâm đến tính tương tác trong trò chuyện, ông tỏ ra ung dung trên con đường một chiều mình đang phóng. Song, tôi lại thấy hơi tò mò về thái độ đó của ông Thăng.
Tôi tự hỏi, thằng cha này muốn nói điều gì đây nhỉ? Không loại trừ, ông ta có góc hiểu riêng, mà tôi không thể đùa, vì mình không bao giờ là tất cả, để coi thường đối phương dù trong bối cảnh nào đi nữa.
Tôi được một anh bạn thân từ hồi cùng là lính, đã nhắc rằng, Khổng Tử có dạy: Khi đi với ba người, nhất định có một trong ba người là thầy ta! Nghĩ vậy nên tôi kiên nhẫn nghe ông Thăng nói tiếp:
“Mà thôi, ông làm sao hiểu được. Loại như ông chỉ mải mê phấn đấu, còn mơ là ông nọ bà kia, theo đuổi lý tưởng ba lăng nhăng…. Biết gì về văn hóa, về lịch sử cho dù có là con là cháu cụ Vĩnh…!”.
Hình như, ông ấy thiếu một nước chửi thẳng mặt tôi nữa thôi. Tôi vẫn cắn răng, cười mỉm, và vẫn hi vọng sẽ học được điều gì đó từ con người ít gặp này. Có thể, ông Thăng nghĩ, cái đầu của tôi tối mù, chắc sẽ không đủ khả năng nhận thức để biết được cái khác biệt đặc trưng ít thấy ở cụ Vĩnh. Ông có ý sốt ruột vì đợi mãi không thấy tôi phản ứng.
Ông cũng không để tâm đến việc, thay vì trả lời, tôi lại rót thêm Cônhắc như đang ‘bận’… chống chế. Ông Thăng bỗng hạ giọng, nhưng giằn từng từ một như một ông giáo nghiêm khắc, đứng trước một cậu học trò chậm hiểu, ông bảo:
“Cái khác biệt vĩ đại nhất của cụ Vĩnh so với hầu hết các danh nhân, các nhân vật nhiều chữ có vai vế cùng thời với cụ, là cụ Vĩnh là con nhà nghèo, con nhà ăn bốc đi đất, chân đất mắt toét, học thì học mót, sinh ra trong gia đình chẳng có ai đỗ đạt, khoa bảng hay thần thế gì… mà cuối cùng, thành vĩ nhân! Cụ ấy là vĩ nhân đấy, vì là người đầu tiên ở cái xứ Bắc kỳ này nghĩ đến chuyện lấy chữ quốc ngữ làm văn, làm báo, mà làm được, làm hay.
Ông Bình, ông phải biết điều này, nhớ không?! Bao lâu nay, kể từ hơn hai chục năm trước tôi gặp ông, đến nay tôi không biết ông đã làm được những gì? Nhưng gần đây, mọi người nói với tôi, rằng ông làm được cuốn sách này, dựng được bộ phim kia về cụ Vĩnh… Này, tôi bảo để ông biết: chưa là gì đâu so với những gì cụ Vĩnh để lại, ông nhớ đấy!”.
Bức ảnh Ô Cầu Dền (nay là ngã tư phố Huế, Bạch Mai, Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân), một trong 5 cửa ô chính của Hà Nội ở thế kỷ 19, như: Ô Yên Phụ, Ô Quan Trưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa…. Bức ảnh giúp người xem thấy rõ một góc cuộc sống của người dân ven Hà Nội và được chỉ dẫn trên internet chụp năm 1900.
Tôi vẫn nín thở nghe những lời ‘dạy bảo’ như quát mắng về nhiều chi tiết nữa, liên quan đến nhãn quan văn hóa xã hội của người khách lạ này. Nhưng rõ ràng ông ta có lý để nghêng ngang, ít ra là với tôi. Rõ ràng ông ta đã ‘biết’ đọc sớm hơn tôi, và nhiều hơn tôi. Ông ta nhớ, hiểu không ít về nền văn hóa xuất bản trong quá khứ của đất nước này.
Ông Thăng ‘to mồm’ như vậy, kể cũng đúng. Mà ông nói một cách tự tin, hãnh diện và…. nói đúng! Vậy tôi ấm ức nỗi gì?
Liếc nhìn ông Hóa, tôi thấy sự căng thẳng trên nét mặt. Có lẽ do ông phải chứng kiến cái không khi căn vặn nhiều hơn là trao đổi, trò chuyện như mắng mỏ này, điều có thể gây bất hòa do thái độ hơi sống sượng của người bạn thân của mình. Ông Hóa như muốn định nói điều gì đó, để bớt đi cái không khí căng thẳng…
Tôi chủ động ‘dọn’ giọng, ôn tồn hỏi ông Thăng:
“Xin lỗi, anh năm nay bao nhiêu rồi ạ?”
Vẫn bằng chất giọng đàn anh, ông trả lời:
“Tôi sinh năm 1949, ở Hà Nội”.
Tôi hỏi thêm:
“Thế cụ thân sinh ngày xưa làm gì ạ?”.
“Ông cụ nhà tôi bình thường, dân thường thôi”, ông Thăng trả lời và nói với chất giọng như tôi đã nghe trước đó:
“Mà ông bận tâm làm gì về chuyện ấy, thế ông nghĩ người thường, người nghèo thì không biết gì à? Bố tôi hay đọc sách, đọc xong lại kể cho các con nghe. Tôi bị ‘lây’ bố là vì thế. Lúc tôi 12…13 tuổi, tôi lê la đến tất cả những quán bán sách ở Hà Nội. Mặc dù nhóc con, nhưng tôi vẫn trà trộn vào được các thư viện, mò mẫm đọc tất, cứ quyển gì thấy thích thích là đọc, mê lắm ông ạ, mà mượn đọc thôi, chứ làm sao có tiền mà mua.
Càng nghĩ, càng thấy cụ Vĩnh tài thật, mà sao cụ lại giỏi quá thế cơ chứ?!”.
Tôi thấy không khí trò chuyện đã có phần ăn nhập. Tôi đã hiểu ra được chút chút tâm tính của ông Thăng, hiểu ra được cái lý do khiến ông ‘nghêng ngang’, và ông Thăng đã tỏ vẻ lắng nghe đôi ba câu tâm sự của tôi.
Tôi phát hiện thấy ông Thăng không phải mẫu người hiện đại, thường xuyên cập nhật thông tin. Tôi quyết định bổ xung thêm vào sự quan tâm của ông ấy về đề tài cụ Vĩnh, mục đích để ông ta yên tâm rằng, tôi không phải loại người ngớ ngẩn, hãnh tiến, và sẽ không làm ông thất vọng đâu. Tôi nói:
“Anh ạ, khi được nói chuyện với các bậc cao niên chữ nghĩa, tôi thấy mọi người ai cũng thích cái lối dịch của cụ Vĩnh. Mà cũng lạ, vì thời đó, tiếng Việt đã hoàn chỉnh như bây giờ đâu, mà dịch ra mọi người đọc đều thấy hấp dẫn, đều hiểu.
Mãi gần đây nhờ có tư liệu mới, mới biết cụ Vĩnh dịch Jiăng Jắc Rút Xô từ năm 1900, tức là lúc mới 18 tuổi! Cụ dịch vì các vị nhà Nho đồng bang với cụ ngày đó, tò mò muốn hiểu lịch sử nước Pháp, vậy là cụ dịch thẳng từ tiếng Pháp cuốn Lịch sử nước Pháp ra quốc ngữ. Khi các vị Nho sĩ đọc, thấy hay quá, bèn đòi cụ Vĩnh dịch luôn mấy tác phẩm của Rút Xô và Mông Téc Skiơ, vì ngày đó, một số nhà nho tiến bộ, đọc được các tác phẩm của mấy triết gia người Pháp này qua bản dịch tiếng Hán, của hai ông Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi người Tàu. Nhưng họ tỏ ra thiếu tin tưởng, vì lối nghĩ: tam sao thất bản. Chưa nói đến chuyện, có phải vị nào cũng giỏi chữ Hán đâu để hiểu cho thấu đáo”.
Nghe đến đây, ông Thăng nghiêm mặt hỏi tôi:
“Cái gì? Ông bảo là ông có tài liệu xác định cụ Vĩnh dịch cả J.J. Rút Xô á? Thế cụ Vĩnh dịch cuốn gì?”.
Tôi nhận thấy ông Thăng như bị choáng, sửng sốt vì thông tin của tôi, và tôi đáp:
“Anh ơi, nói đến Rút Xô thì nổi tiếng nhất là cuốn ‘KHẾ ƯỚC XÃ HỘI’, chứ còn cuốn gì?”.
Ông Thăng thảng thốt:
“Thôi chết tôi rồi, vậy thì kinh khủng quá, vì tôi vẫn hiểu là hình như… mãi đến những năm 30 của thế kỷ 20, ở Việt Nam mới có cuốn đó bằng tiếng Việt do Phan Khôi dịch, à không…. Phan Khôi dịch Kinh Thánh, ông gì dịch nhỉ….?”.
 Cuốn sách Khế Ước Xã Hội của J.J.Rut Xô in lân thứ nhất năm 1762.
Cuốn sách mở đường cho cuộc Cách mạng và Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp năm 1789
Nói đến đây, ông Hóa bật lên tham gia:
“KHẾ ƯỚC XÃ HỘI” là cuốn gì? Sao tôi chưa bao giờ được nghe nói đến?!
Ông Hóa cũng sinh ra ở Hà Nội, dân gốc phố Hàng Bè, kém ông Thăng một tuổi, từng nhiều năm là lính chiến vùng Đông Nam bộ, và có khá nhiều danh hiệu dũng sĩ…. (Tôi đã tận mắt nhìn cả vốc các huân huy chương, kèm cả những tờ giấy chứng nhận đã vàng ố từ bao giờ của ông Hóa). Điều thật buồn, vì ông Hóa không thích nhắc đến những kỷ niệm này.
Ông Thăng và ông Hóa, tuy hai người là bạn thân nhau đến hơn bốn chục năm nay (như tôi nghe nói), nhưng trong lĩnh vực khoa học xã hội, rõ ràng hai ông cách nhau một khoảng không nhỏ, tất nhiên điều đó là bình thường.
Trước việc ông Hóa hỏi về Rút Xô, ông Thăng như tóm trúng điểm yếu của bạn, bỗng ông cao giọng hẳn lên (mà tôi thấy không cần thiết), lại với giọng điệu chẳng khiêm nhường chút nào (tôi đoán, hình như ông Thăng đang tìm cơ hội muốn ‘đè mặt’ bạn mình) vì trước khi đến nhà tôi, hai người đã ngồi đàm đạo cả tiếng đồng hồ, và hai ông quyết định lôi nhau đến tôi để xác nhận một chuyện gì đấy. Vô tình, đúng lúc ông Hóa thật lòng ‘hở sườn’ và ông Thăng được thể… quát to:
“Mày biết thế đ.nào được về Rút Xô, về “KHẾ ƯỚC XÃ HỘI”, ở đất nước này, đến cụ Vĩnh cũng chỉ có vài ba người biết, còn nói gì đến Rút Xô…”.
Đến lúc này, ông Hóa thật hay, vì bất chấp việc bị bạn mình ‘dằn mặt’, ông lại giữ một thái độ kìm nén, khác hẳn với bản tính nóng nảy của ông mà tôi vẫn biết. Hình như ông Hóa cũng tỏ ra thành thật nhận rằng, mình biết ít mà, và ông nói:
“Không biết là đúng thôi, loại viên chức quèn, thường dân loại sáu như tôi, suốt đời chỉ chăm chăm vào mấy cái việc rác rưởi, lúc nào cũng tơ tưởng đến màu với mè, mánh mung lăng nhăng… Khổ quá, mà cũng có ai dạy đâu? Tôi biết được chừng ấy để nói chuyện được với ông đã là siêu lắm rồi đấy. Cuộc sống này lấy đâu được mấy người như ông?!”.
Cảm nhận được sự quá đà vô cớ của mình, ông Thăng hạ giọng như muốn buông cái thái độ hơi khiếm nhã với bạn, vừa là để nói với ông Hóa, vừa là cả với tôi:
“Ghê thật, cụ Vĩnh ghê thật, tôi vẫn nghĩ cụ chỉ dịch sách văn học, ai biết đâu lại dịch cả triết học. Dịch được cuốn “KHẾ ƯỚC XÃ HỘI” từ thời ấy thì kinh thật…!
Mà ông Bình ơi, ông có kiếm được cuốn đó của cụ không?”.
Tôi nói ngay:
“Làm sao tôi có được… Tôi vừa nói với anh, là mãi gần đây tôi mới có được tư liệu xác nhận việc cụ Vĩnh từng dịch các loại sách đó từ lúc 17, 18 tuổi, tức là năm 1900, cái lúc mà đất nước này còn chưa được gọi là quốc gia. Tôi mà có nó trong tay, tôi đã làm được nhiều chuyện”.
Ông Hóa nhìn đồng hồ gần 11 giờ đêm, nhận thấy đã khá muộn, ông hướng về phía tôi nói ôn tồn như để chuẩn bị chia tay:
“Tôi đã có ý định xắp xếp gặp anh vào một ngày thong thả, hai thằng không vướng víu gì để hàn huyên, trò chuyện, nhưng hôm nay, ông Thăng đến tôi chơi, loanh quanh lại nhắc đến cụ Vĩnh khi nói chuyện về văn hóa.
‘Cha’ Thăng này còn than thở: “Cụ Vĩnh để lại một kỷ vật vô giá về văn hóa là đôi ghế tràng kỷ, mà rồi con cháu có giữ được đâu. Bây giờ, cái đôi ghế ấy nó trôi dạt nơi nào…? Tôi thấy nói gia đình bán cho một cha nào giàu lắm. Khốn nạn, cái đôi ghế ấy làm gì có giá…!”.
Tôi nghe ông Thăng than vãn, tôi bực quá, tôi khẳng định: đôi ghế còn nguyên, đang nằm ở nhà thằng Bình ấy, thằng Lân Bình mà ông đã gặp ngày xưa rồi đấy. Ông là cái thằng bảo thủ, cứ ôm khư khư những hiểu biết của mình từ 50 năm trước, tự đắc vì tự cho mình biết tất tật, mà không nghĩ rằng còn bao nhiêu điều hay nó đang sinh sôi, diễn ra theo thời gian, năm tháng.
Đã thế, dù muộn, tôi sẽ gọi điện cho thằng Bình, tôi với ông đi luôn, đến nó luôn để xem tôi nói có đúng không nhé?!
Ông Bình có biết không, tôi nói đến thế mà thằng cha Thăng này vẫn không tin, lại cho rằng tôi muốn né việc tranh cãi với ông ấy bằng lý do tìm đến ông, để quên cái đề tài hai thằng đang to tiếng với nhau! Đấy (ông Hóa hất hàm về phía ông Thăng), ông Bình thấy không, tôi bực lắm vì thằng cha này bảo thủ lắm, luôn tự cho những hiểu biết của mình là đúng, là tất cả, không coi ý kiến của người khác nó cũng có giá trị như thế nào chứ…?!”.
Nghe ông Hóa kết luận, ông Thăng như giật mình nhớ ra cái lý do chính, đã khiến ông tìm đến nhà tôi vào cái giờ muộn của ngày lễ Rằm tháng Giêng này. Ông Thăng kêu lên bằng cái giọng rất phục thiện:
“Ừ nhỉ, ôi thôi chết, kia à, đôi ghế của cụ Vĩnh kia à?”.
Ông Thăng đi đến gần đôi ghế, tôi bật thêm ánh sáng để ông Thăng đọc được rõ hơn những dòng chữ khảm trên chỗ tựa của đôi ghế. Hai tay ông Thăng sờ từng chi tiết của chiếc ghế, giống như những người thân lâu ngày gặp lại nhau. Ông Thăng vừa vuốt ve chiếc ghế, vừa lẩm bẩm:
“Hay thế nhỉ, sao cụ Vĩnh giỏi thế nhỉ? Mình đọc chuyện tiếng Tây, rồi lại dịch ra tiếng ta, mà dịch làm sao để ai đọc cũng thích, cũng hiểu…Sao cụ lại giỏi thế nhỉ? Mà cụ lại là con nhà nghèo chứ, có phải như bọn con nhà gia thế, trâm anh thế phiệt, dòng họ vua quan này kia lúc nào cũng vỗ ngực tự nhận mình thế này, mình thế khác…!
Mà này, ở đây ghi rõ Dec. 1919, thế là vừa tròn 100 năm đấy. À, mà lúc nãy, ông Bình nói, ông mới đăng cái bài về 100 năm bãi bỏ thi Hương, thi Hội và thi Đình lên trang mạng, là liên quan đến cái đôi ghế này đấy hả?”.

Lời văn chuyện Chó rừng và chó nhà của La Phông Ten do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, và được khảm trên những chỗ tựa của hai chiếc ghế tràng kỷ
Ông Hóa kêu:
“Thôi nhá, ‘bố’ hết nghi ngờ chưa? Hôm nay được sờ tận tay rồi nhá. Lần sau, bỏ cái thói không tin bạn đi. Cảm ơn ông Bình đi, rồi về, muộn lắm rồi, con nó mong…!”.
Đúng lúc đó, điện thoại của ông Thăng đổ chuông, người con trai út lo vì đã muộn mà chưa thấy bố về nhà. Ông Thăng trả lời con:
“Đây bố bắt đầu về đây, bố đi với chú Hóa mà, yên tâm nhé! Hôm nay hay quá, nhiều chuyện hay quá, tí về bố kể cho mà nghe….”.
Ghi chú:
Tên hai nhân vật chính đã được đổi. Hai người cùng chiến đấu trong một Sư đoàn tại Đồng bằng Cửu Long cuối những năm 60 và đầu 70 ở thế kỷ trước.

Hà Nội, 22.2.2019.
NGUYỄN LÂN BÌNH.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: