Ngô Quyền (897-944) là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử (năm 938), đặt dấu chấm hết cho gần nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị đất nước tới khi qua đời.
Ngày 18/01 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ ông, con cháu họ Ngô khắp nơi tề tựu về tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội để tưởng nhớ tới công lao của của ông đối với với dân tộc Việt Nam và để tự hào về truyền thống bảo vệ tổ quốc của cha ông.
Nhìn nước non ngàn dặm thay da đổi thịt từng ngày, chắc ông vui mừng, phấn khởi lắm!
Nhìn thấy con cháu trong dòng tộc đông vui, đoàn kết và luôn tưởng nhớ tới mình chắc ông cảm động lắm!
Nhưng, khi nghe con cháu lầm rầm khấn vái chắc ông không khỏi buồn lòng: ai nấy đều cố gắng cầu xin để vun vén cho cuộc sống yên bình, đầy đủ của gia đình mình mà thôi; còn điều ông muốn nghe, muốn được thấy là về sự yên bình, sự tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia thì không mấy ai nhắc tới - có chăng là những tiếng mấp máy không thành lời của một vài người mà ông chỉ phỏng đoán được qua khẩu hình mà thôi...
Hơn một nghìn năm trước, ông góp công lớn để giành lại độc lập cho dân tộc nhưng cho tới tận hôm nay, con cháu ông vẫn chưa giữ được sự độc lập, tự chủ đúng nghĩa của nó, nếu không nói là ngày càng lún sâu, lệ thuộc nhiều hơn vào kẻ khác. Bờ cõi có vẻ yên bình khi biên giới không tiếng súng nhưng biển trời chưa lặng, lòng người chưa yên. Trước sự xâm lấn lãnh hải ngày càng quyết liệt, trắng trợn của người phương Bắc (gọi theo cách gọi của báo chí chính thống là thế; còn gọi theo dân gian là “Tàu khựa”😂😂😂) con cháu ông im lặng hoặc phản ứng rất yếu ớt. Thế hệ của ông mạnh mẽ, tự tin, quyết đoán bao nhiêu thì con cháu của ông lại yếu mềm, lúng túng, e dè bấy nhiêu. Nếu xưa kia, trước và khi chiến trận xảy ra, lớp lớp ông cha ai ai cũng đều suy nghĩ, đắn đo rằng lỡ mình có chết đi, ai sẽ cày bừa, làm ruộng, ai sẽ chăm sóc mẹ già, con thơ; đánh nhau với hàng xóm, mai này còn ai để mà qua lại, giao thương ... thì tới tận ngày nay chắc chúng ta vẫn sống trong một cuộc đời tăm tối, nếu không làm thân trâu ngựa cho giặc Tàu thì cũng sống kiếp nô lệ, tôi đòi cho thực dân, đế quốc mà thôi.
Phải chăng vì từng hứng chịu quá nhiều mất mát trong chiến trận, binh đao nên con cháu ông quý trọng từng giây phút của hoà bình, không muốn nhìn thấy cảnh đầu rơi, máu chảy, cảnh nồi da xáo thịt; hay vì cuộc sống hiện tại đủ đầy rồi nên họ không còn động lực để đấu tranh và ý niệm về nghĩa vụ với quốc gia, dân tộc không còn tồn tại trong tiềm thức? Dẫu vậy, dẫu vì lý do gì đi nữa thì chúng ta cũng không thể hèn mãi được, không thể để cho kẻ khác đặt chân trái phép lên lãnh thổ của mình được, không thể để cho kẻ khác dẫm đạp lên lòng tự trọng, tự tôn dân tộc của mình mãi được, như vậy là có lỗi với tiền nhân, có tội với hậu thế. Lịch sử chứng mình rằng không ai lo cho ta hơn chính bản thân ta cả; phụ thuộc hay mong chờ sự hậu thuẫn, giúp đỡ của kẻ khác càng dễ trở thành quân tốt trên bàn cờ cho họ dẫn dắt hoặc trở thành “món quà” cho những kẻ mạnh tặng cho, thoả hiệp hay cấu xé tranh phần mà thôi.
Có lẽ rằng, ở chốn xa xôi nào đó, ông đang mong mỏi con cháu thôi hãy tung hô mình, thôi hãy tung hô những người khác trong quá khứ như là một liệu pháp để vỗ về cảm giác hụt hẫng của hiện tại mà thay vào đó là có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ, giữ yên bờ cõi và bảo đảm được quyền tự do, dân chủ cho chính bản thân mỗi người.
Còn ngay lúc này, nhìn vào hậu thế, chắc Đức vương Ngô Quyền đang rơi lệ!
P/s: Tôi nói ra điều này hẳn là nhiều người trong họ Ngô không đồng tình vì họ cho rằng nội dung không có tinh thần xây dựng. Nhưng họ có biết rằng, tôi cũng là người họ Ngô? Trong họ có một phần tôi, trong tôi có một phần họ? Bản thân tôi cũng thấy mình vẫn còn yếu, hèn lắm nên ai đó có nhận mình như tôi hay không thì sự thực vẫn đã như thế rồi. Chúng ta mang trong mình dòng máu anh hùng, chúng ta có quyền tự hào về điều đó, không ai có quyền ngăn cấm sự tự hào ấy nhưng làm gì để xứng đáng với sự tự hào ấy thì chúng ta chưa làm được, thực sự là chưa làm được. Hãy ngẫm lại đi...
Luật sư Tèo
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét