Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

QUỐC TRÁI KÌ THƯ



Một buổi sáng thức dậy, Chổm đưa mắt nhìn quanh, căn nhà trống huếch trống hoác. Ngoài vừờn rau trái tiêu điều, trong chuồng không một tiếng gà vịt, dưới ao không một bóng tăm cá. Biết không còn cái gì khả dĩ có thể gặm được, Chổm mở tủ, lấy ra cuốn sổ nợ dày cộp, chăm chú ngồi đọc, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Có người đi qua nom thấy thì phục lắm, bụng nghĩ:
"Ở chốn thôn dã này mà cũng có người ham đọc sách đến thế kia ư?..."
Bèn bước vào, đứng trước mặt Chổm vái 1 cái rồi hỏi:
"Chẳng hay cuốn sách ấy viết gì mà ngài đọc say mê đến thế?"
Chổm ngửng lên, liếc ông ta 1 cái rồi bảo:
"Ta đâu có biết đọc sách bao giờ. Chỉ là cuốn sổ nợ đó mà thôi..."
Ông khách bảo:
"Sổ nợ mà ngài đọc kĩ đến thế, hẳn ngài là người biết giữ chữ tín lắm, cho nên mới quý nó như thế..."
Chổm "hừm" 1 tiếng rồi bảo:
"Quý báu gì, giữ một quyển sổ nợ ở trong nhà, cũng như cõng một vật nặng trên lưng. Giá như không có nó thì tốt biết bao."
Ông khách bảo:
"Sao ngài không đốt quách đi...?"
Chổm chỉ tay vào căn nhà trống mà trả lời:
"Ta sở dĩ còn sống để giữ được cơ nghiệp cho đến ngày hôm nay, chính là nhờ ở quyển sổ nợ này đấy."
Ông khách ngơ ngác tỏ vẻ chưa hiểu, Chổm bèn giải thích:
"Thì ngày nào ta cũng phải đọc kĩ từ đầu đến cuối, để xem còn ai để vay mượn nữa hay không..."
Ông khách "À" lên một tiếng xem chừng đã hiểu, liền ngắm kĩ Chổm 1 lát rồi nịnh thối:
"Phàm người đọc sách, dù là sách gì thì cũng có chỗ khác người. Tôi xem tướng ngài mặt mũi phương phi, đầu nặng đến nỗi cổ không mang nổi, phải vẹo sang 1 bên, muôn người mới có một, tất có lúc vận lớn sẽ đến với ngài..."
Chổm nghe nịnh thì mừng lắm. Từ đó càng chăm chỉ đọc cuốn sổ nợ, càng đọc càng vay mượn bừa đi. Về sau trong cuộc tranh cạnh Chổm tình cờ ngáp phải ruồi, được lên ngôi chúa, khi ấy thì cuốn sổ nợ đã dày đến 4 tập, mỗi tập kể mấy nghìn trang.
Chổm lên làm chúa, không đem sách gì dạy cho con cháu, chỉ dạy độc mỗi tuyển tập sổ nợ. Bộ sách ấy được coi là quốc bảo, gọi là QUỐC TRÁI KÌ THƯ, truyền đến tận ngày nay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: