Những người phụ nữ xếp vải ở một
cửa hàng tại Lục Ngạn, Bắc Giang AFP
Tôi về miền Tây chơi. Vô vườn, thấy đang thu hoạch chôm chôm đẹp quá, xin chụp hình thì chủ vườn không cho, nói vườn trái cây đang trúng mà có người lạ chụp hình thì mùa tới cách gì cũng thất (trúng mùa rớt giá hoặc trúng giá nhưng vườn ít trái, trái xấu, bịnh..v.v). Tôi ham cái vườn chôm chôm trái đỏ tươi, vàng cam trĩu trịt trên cành quá, mà đành chịu.Vậy mà mấy bữa sau đi ngang, thấy chính cái vườn đó người ta đốn sạch trơn chôm chôm từ lúc nào. Những thân cây đường kính cả gần hai gang tay đã được cưa từng khúc đều đặn chất lên xe tải. Cả hecta chôm chôm trụi lủi. Chủ vườn nhận ra tôi, xẻn lẻn kể phải đốn để trồng sầu riêng, sầu riêng giờ đang ngon, chớ chôm chôm hết ăn rồi.
Điệp khúc trồng-đốn
Lòng tiếc tiếc, tôi về lần mò báo đọc thì ra thông tin này: “Theo kết quả thống kê đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện Chợ Lách diện tích sầu riêng đã tăng 93 ha so năm 2016; diện tích chôm chôm giảm 68 ha và đang có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới” (Thông tin của KS Lê Văn Đơn-Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, đăng trên trang chủ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre ngày 1/11/2018).
Bất ngờ hơn, là thông tin này:
“Nhà vườn ở Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang có đến 1.100 ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ. Sáng sớm, nhà nào cũng đem sầu riêng ra trước nhà chờ thương lái tranh bán. Sầu riêng đang được thương lái mua với giá rất thấp: 2.000đồng/kg” (tin đăng trên trang của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, vào ngày 9/5/2018).
Hóa ra bãi bể nương dâu không chỉ là để tả cảnh vật dời đổi. Tôi nghĩ nó áp dụng vô vòng lặp đốn-trồng-trồng-đốn của nông dân Việt Nam mới chuẩn.
Hóa ra cách đây đúng 10 năm, những vườn sầu riêng đang là ao ước của nông dân miền Tây đã từng bị triệt hạ để trồng… chôm chôm.
Hình minh hoạ. Một người bán dưa hấu ở Hà Nội hôm 5/2/2016 AFP
Hóa ra, trước khi có giá bán rẻ nhất chừng 50.000 đ-70.000 đ/ký cắt tại vườn như bây giờ, lên Sài Gòn thì trung bình 150.000 đ/ký, và bạn biết đó, trái sầu riêng vỏ dày, nên trung bình một trái loại ăn được phải cỡ 4 ký-là 600.000 đ/trái, chắc nhiều nhất được 10 múi. Thì đã có lúc loại trái mắc tiền này chỉ có 2.000 đ-3.000 đ/ký, rẻ hơn cả dưa leo.
Rồi giờ, nông dân ra sức đốn chôm chôm để tái trồng sầu riêng. Nhiều người tính toán chừng 5 năm nữa mới có thu hoạch từ sầu riêng, còn giờ giữ chôm chôm cầm chừng để có tiền sống và mua giống sầu riêng. Cây sầu riêng khó tánh, mỗi cây phải trồng trên một ụ đất cao để khỏi ứ nước, và làm cỏ, bón phân, xịt thuốc thường xuyên hơn chôm chôm nên trong 5 năm chỉ có chi ra mà chưa thu vô được đồng nào.
Liệu sau 10 năm nữa-tức là khi những vườn sầu riêng mới lên ụ năm nay vừa thu hoạch được 5 năm, có lặp lại một vòng sầu riêng rớt giá, chôm chôm tăng, và nông dân lại đua nhau đốn sầu trồng chôm nữa không? Tôi không biết. Và những cơ quan phụ trách nông nghiệp của Việt Nam chắc cũng chẳng biết hơn tôi.
Cây này trồng riêng cho cháu nội ăn nên không xịt thuốc - nghe dễ thương nhưng có gì sai sai
Về nhà vườn này là để đón gió, chớ mùa trái cây rộ thì còn phải chờ chừng hai tháng nữa. Được cái bạn tôi làm vựa trái cây và là dân gốc tại miệt trái cây Chợ Lách-Bến Tre, nên dẫn vô vườn ai cũng hồ hởi mời ăn trái cây (trừ vụ chụp hình). Đặc biệt ai cũng có câu mời giống nhau: Trái này là nhà trồng ăn (cho cháu ngoại, cho cháu nội, cho mấy đứa nhỏ trên thành phố) nên hổng xịt thuốc à nghen, trái sạch đó.
Ủa vậy cái gọi là thời gian cách ly sau xịt thuốc, mà thứ thuốc bảo vệ thực vật nào cũng ghi rõ trên nhãn, nó có còn giá trị gì chăng? Rồi nếu nhà vườn hái trái cây liền sau khi xịt thuốc mà không chờ đủ thời gian cách ly, thì nó đâu có đảm bảo trái sẽ ngon hơn, hơn vậy còn tiềm ẩn rủi ro nếu bị người tiêu dùng tẩy chay, sao họ lại không chờ? Mà ai cũng biết trái cây bán rộng rãi là loại trái xịt thuốc, nghĩa là không “sạch” theo quan điểm của họ, thì tại sao người ta vẫn ăn hà rầm vậy?
Nên tôi nghĩ cái quan niệm chừa mấy cây lại để nhà ăn cho “sạch” không xịt thuốc, nghe giống như họ đang quý mình lắm, nhưng nó có gì sai sai. Chúng ta sợ sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chứ thời này với 7,6 tỷ người trên trái đất, mà khư khư cách mạng một cọng rơm thì chắc cả thế giới chết đói trước khi chết vì “ăn bẩn”. Và tiến bộ khoa học nữa, các nhà sinh vật học miệt mài tìm gene lặn gene trội, thu hẹp hàng thế kỷ phát triển hoang dã của cây trồng để có trái đẹp, năng suất, ngọt, ngon, kháng bệnh hơn, những loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn hơn…, họ hóa ra đều là bọn tổ sư nói dóc hết ư?
Và với tư duy như vậy, mà nhiều người (tính theo chỉ số to mồm trên mạng) vẫn ra rả gào thét ối trái cây (rau, thịt heo, thịt gà, hoa, thực phẩm bất kỳ) Trung Quốc đó, nó toàn tẩm thuốc độc để đánh bại sức sống dân ta.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 24/7/2013: một nông dân đang chăm vườn thanh long ở Thanh Hoá AFP
Nhiều nông dân cũng hồn nhiên nói hàng này xuất qua Trung Quốc bao nhiêu nó cũng ăn hết, nên chẳng cần tốn công theo Global Gap làm gì.
Họ sẽ nghĩ gì, có còn khinh thường thị trường Trung Quốc nữa không khi biết cho tới nay Việt Nam mới chỉ 8 loại trái cây được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu). Rồi, chỉ hai tháng nữa thôi thì các lô hàng nông sản của VN vào thị trường Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có vùng nguyên liệu và nhãn mác thê ghi rõ các thông tin nói trên. Riêng dưa hấu, nhãn mác phải dán trên từng quả, các loại khác dán trên thùng đựng.
Dân Trung Quốc chê nông sản Việt Nam chất lượng thấp
Ngoài ra, ngay từ đầu tháng 5 tới, xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản cũng sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Tất cả các vật dụng bằng gỗ, kể cả bao bì máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ phải thay đổi việc dùng rơm rạ để lót như trước đây.
Vậy thị trường Trung Quốc có dễ tính không, bạn đọc tự trả lời.
Trở lại chuyến đi vườn ăn trái cây, xin nói ngay là ngoài việc không được chụp hình và đâu đâu cũng được mời “cây này trồng riêng để nhà ăn đó”, còn một điều thú vị khác với dân du lịch ba lô nghèo như tôi, là chỉ đi loanh quanh (rất nhỏ hẹp chừng vài dặm vuông) đã được nếm đủ loại trái cây. Từ vườn này sang vườn sát cạnh bên, hay ngay trong một vườn đã được ăn vài ba thứ trái. Anh Hai có vườn cam sành và bưởi da xanh kế bên ông Năm trồng toàn sầu riêng Ri 6. Bên tay trái vườn ông Năm, bà Bảy vẫn để nguyên chôm chôm còn chú Sáu chơi toàn chanh không hột…
Mỗi khu vườn nhỏ nhất một, hai công ( một công=1.000 m2), phổ biến 3-5 công, lớn nhất vài ba mẫu (một mẫu =10 công, 10.000 m2), mỗi chủ vườn là ông vua của một giang san thực sự. Họ hoàn toàn tự quyết định trồng cây gì, vào mùa nào, tưới bón, xịt thuốc ra sao.. cho tới bán cho ai, bán lúc nào, giá bao nhiêu. Cũng chỉ bẻ trái cây bán tươi vậy thôi, công nghệ chế biến sau thu hoạch (như làm mứt, sấy khô, đóng hộp, ép..) chưa phát triển. Vùng chuyên canh trái cây chưa được hình thành rõ nét với những quy hoạch bài bản về diện tích, giống, chăm sóc và thu hoạch trên diện rộng để bán cho các doanh nghiệp lớn, hướng tới xuất khẩu.
Vì vậy, hầu như không mấy năm không thấy hết loại trái cây này tới nông sản kia dội chợ, cũng một phần do thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ mà ra.
Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường nói: “Nếu nông dân không thực hiện ngay việc chuẩn hóa về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho trái cây thì ngay cả thị trường được cho là “dễ dãi” như Trung Quốc, trái cây Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu vào như trước nữa”.
Báo Tuổi trẻ ngày 22/12/2018 thì dẫn lời ông Wei Xiang Qian, đại diện Tập đoàn Sunwah (Liêu Ninh, Trung Quốc), nói nông sản Việt Nam rất thơm ngon, có nhiều tiềm năng xuất sang Trung Quốc. Ông Xing Jun, đại diện Tập đoàn phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh Liêu Ninh, cũng khen sầu riêng, nhãn, xoài, thanh long, cá tra... được người Trung Quốc rất ưa chuộng, trong đó có Liêu Ninh.
Nhưng, hai “tay Tàu” cũng nhắc khéo. Ông Wei Xiang Qian khoe đang có lượng khách hàng 3 triệu người thuộc nhóm có khả năng chi tiêu lớn, do vậy muốn bán được hàng cho nhóm này thì doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất được nông sản, thực phẩm chất lượng cao.
Quê thật, trước giờ toàn chằm hăm chê Tàu, hóa ra sự thực lại là bị Tàu chê. Mong rằng câu nói của hai tay Tàu kể trên sẽ kích thích được lòng tự ái dân tộc của các doanh nghiệp và nhà vườn để làm ra nông sản nào cũng tốt và sạch. Nhất là không còn cái chiêu vuốt ve nhau “cây này trồng riêng cho nhà ăn đó, sạch lắm” nữa.
Tre
Tham khảo:
http://vneconomy.vn/xuat-khau-sang-trung-quoc-ngay-cang-kho-20190304093411452.htm
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-01-30/xuat-khau-dua-hau-sang-trung-quoc-tuan-thu-quy-dinh-moi-tranh-rui-ro-67360.aspx
http://agro.gov.vn/vn/tID14168_DBSCL-Noi-lo-tu-vung-chuyen-canh-cay-an-trai-xuat-khau-.html http://dost-bentre.gov.vn/TinTuc/NoiDung.aspx?tintuc=8118
http://agro.gov.vn/vn/tID8733_Sau-rieng-Ngu-Hiep-2000-dongkg-.html
http://vneconomy.vn/xuat-khau-thuc-pham-vao-my-kho-tu-nhung-quy-dinh-khat-khe-20181005132909338.htm
http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201902/xuat-khau-trai-cay-rong-cua-van-kho-qua-2933254/
https://vietnammoi.vn/xuat-khau-trai-cay-loi-the-mong-manh-140347.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét