Dù là bộ phim đại thành công nhưng Diên Hy Công Lược bị ngưng chiếu sau khi bị tạp chí Theory Weekly đăng bài chỉ trích. Không chỉ Diên Hy Công Lược mà nhiều phim thể loại này đã bị Theory Weekly đấu tố vì cổ súy lối sống xa xỉ và hưởng lạc, khuyến khích sự ngưỡng mộ đối với cuộc sống hoàng cung. Trong số danh sách các bộ phim bị đấu tố có cả bộ Hậu cung Chân Hoàn truyện.
Theo như Bắc Kinh Nhật Báo viết, những bộ phim như Diên Hy Công Lược, Chân Hoàn Truyện, Hậu Cung Như Ý Truyện... đều có tác động xấu đến hành vi của khán giả sau khi xem phim xong. Cụ thể đó là khiến người xem muốn "đánh đu" theo lối sống hoàng gia. Không những vậy, các khán giả khi xem phim xong cũng bị ảnh hưởng cách thức giao tiếp hằng ngày, thay vì xưng hô bình thường lại cố thay đổi thành chủ tử, nô tì, đại nhân… Bên cạnh đó, những lối sống xa hoa chốn cung cấm cũng khiến khán giả xem phim không còn thói quen tiết kiệm nữa.
Nếu bộ phim Diên Hy Công Lược nói về cuộc chiến giữa các phi tần đời vua Càn Long thì Hậu cung Chân Hoàn truyện nói vê cuộc đấu đá trong hậu cung đời vua Ung Chính, tức là cha của Càn Long. Nội dung của 2 phim tuy nói về 2 đời khác nhau nhà Thanh cũng có nội dung cơ bản khá giống nhau về chuyện đấu đá giữa hoàng hậu với quý phi. Quý phi có vai vế thấp hơn nhưng có thế lực từ người thân nên ngang ngược ngạo mạn. Rồi nhân vật chính là một cô gái không tham vọng bước vào hậu cung, chiếm được tình cảm của nhà vua và chi phối cuộc chiến giữa các phi tàn.
Trong bài viết này, chúng tôi không nói về nội dung đấu đá cung đình của 2 bộ phim cung đấu, cũng không nói về tác động của phim này với tâm lý giới trẻ hiện giờ mà nói về những tấm bản đồ phơi bày sự thật đã được đưa vào phim.
Trong Diên Hy Công Lược có chi tiết vua Càn Long dàn tấm bản đồ trị thủy của nhà Đại Thanh. Theo quan sát, đó là một tấm bản đồ rất rộng nhưng chỉ gồm có mỗi Trung hoa đại lục cùng với 2 hòn đảo Đài Loan, Hải Nam. Tuyệt nhiên, không có quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa trên bản đồ này. Có thể khẳng định khi ấy là trong mắt triều đình Đại Thanh thì họ không hề để ý đến phần hải đảo vốn không phải là của họ nên bản đồ trải ra trước mặt nhà vua chẳng có quần đảo nào trên Biển Đông cả.
Tấm bản đồ mà đoàn làm phim Diên Hy Công Lược show ra không phải là một tai nạn mà phù hợp với lịch sử. Trước đó, đoàn làm phim của Hậu cung Chân Hoàn truyện cũng vô tình cho người xem thấy tấm bản đồ phơi bày sự thật ở Biển Đông.Trong cảnh quay vua Ung Chính trong thư phòng thì phía sau lưng nhà vua có tấm bản đồ Đại Thanh. Và một lần nữa, phần đáy bản đồ chỉ đến phần ngang đảo Hải Nam chứ không hề kéo sâu hơn xuống phía nam. Tuyệt nhiên, không có quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa trên bản đồ này. Như vậy, dù là thời Ung Chính hay Càn Long thì tấm bản đổ treo nơi vua suy nghĩ việc đất nước đều không có phần nào gọi là "Tây Sa" hay "Nam Sa" cả.
Phía sau lưng Ung Chính là tấm bản đồ Đại Thanh
Phần đáy bản đồ chỉ ngang với đảo Hải Nam
Diên Hy Công Lược hay Hậu cung Chân Hoàn truyện đều là những bộ phim thành công ở Trung Quốc và nước ngoài. Thậm chí, Hậu cung Chân hoàn truyện còn được chiếu trên kênh truyền hình Mỹ là Netflix (người Mỹ tinh ý mê bản đồ và chú ý Biển Đông thì cũng khó quên tấm bản đồ trong thư phòng Ung Chính).
Điều làm nên thành công của 2 bộ phim truyền hình này không hẳn chỉ là kịch bản tốt với các xâu chuỗi thắt nút, cởi nút tạo cuốn hút mà còn phải kể đến công phu trong hậu trường. Các nhà sản xuất phim rất tỷ mỉ với các chi tiết về trang phục, các nghi lễ bám sát lịch sử nhà Thanh.
Wikipedia đánh giá: Phục trang và dựng cảnh cũng là một trong những thế mạnh đáng chú ý của bộ phim, trang phục dành cho các vị Phi tần, Hoàng hậu rất tinh xảo và sinh động, đẹp mắt, các trang sức, mũ cát phục, hoàng phục và cát phục hoàng gia đến hộ giáp, giày đều được đầu tư rất kỹ từng chi tiết. Đạo diễn, các diễn viên cùng ê kíp đoàn phim đã tham khảo và học hỏi các nhà sử gia rất kỹ lưỡng để bộ phim trông thực và hợp lý, từ văn nghệ, tuồng kịch, trang sức, cống phẩm...
Với sự công phu kỹ càng như vậy thì các nhà làm phim đâu có thể nào treo một tấm bản đồ không đúng với tinh thần lịch sử trong thư phòng của vua Ung Chính. Và tấm bản đồ đúng với tinh thần lịch sử thì như chúng ta đã biết: chỉ thể hiện đúng phần biển mà chính quyền Trung Quốc cách đây 2-3 thế kỷ trước quan tâm là từ Hải Nam đổ lên.
Thế nên mới có chuyện các năm 1895 và 1896, có hai chiếc thương thuyền tên Bellona và Iruezi Maru chở đồng cho người Anh bị đắm tại nhóm đảo An Vĩnh và bị người Trung Hoa đến đánh cướp. Đại diện người Anh tại Bắc Kinh đòi nhà Thanh phải bồi thường vì có một số đồng được đem về bán tại đảo Hải Nam. Tuy nhiên, chính quyền nhà Thanh không chịu bồi thường, viện cớ quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Hoa.
Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 chỉ vẽ đế quốc Đại Thanh đến đảo Hải Nam. Chuyện này thì cả thế giới đều biết nên năm 2014, trong tiệc chiêu đãi nhân chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Đức, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc tấm bản đồ Trung Quốc thời nhà Thanh được cho là do họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ năm 1735, được in tại Đức.
Bản đồ cổ này là bằng chứng cho thấy rằng: vào thời cực thịnh của nhà Thanh (đầu thời Càn Long khoảng 1735-1740), đồng thời tương đương với thời chúa Nguyễn nước ta tổ chức khai thác và quản lý Hoàng Sa, thì lãnh thổ Trung Quốc cũng chỉ đến đảo Hải Nam về phía nam mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa
Như vậy, các đoàn làm phim với sự chuyên nghiệp và tôn trọng lịch sử nên đã dùng bản đồ nêu đúng bản chất sự việc về Biển Đông. Chỉ có điều những thứ đó lại không phù hợp với bản đồ lưỡi bò mà Trung Quốc ngày nay tuyên truyền, đi ngược với tuyên truyền rằng Trung Quốc có "bằng chứng lịch sử với Tây Sa, Nam Sa".
Với những tình tiết như thế này, các bộ phim cung đấu sau này sẽ rơi vào thế kẹt. Họ cần phải quan sát thái độ của các nhà kiểm duyệt, của các quan chức Trung Quốc. Câu chuyện sẽ không còn chỉ là tránh việc cổ súy lối sống xa xỉ và hưởng lạc, khuyến khích sự ngưỡng mộ đối với cuộc sống trong hoàng cung mà còn nhớ phải dọn sạch bản đồ trong thư phòng của Ung Chính hay Càn Long.
Dùng bản đồ lưỡi bò treo vào đó thì không khác gì báng bổ lịch sử nhưng mà dùng bản đồ đúng lịch sử lại làm nhiều quan chức Bắc Kinh khó tuyên truyền với thế giới. Có lẽ sau này phim lịch sử Trung Quốc sẽ ngưng treo bản đồ?
Anh Tú