Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Văn Công Hùng

           Sau khi bài báo “Chuyện trại Phước điên” của tôi phát hành thì có... 2 phe ý kiến. Một là, cũng vẫn công nhận anh chị Phước Hạt là hết sức tốt, là Bồ tát giữa đời này, nhưng cho rằng anh chị này đã phạm sai lầm nghiêm trọng, ấy là không biết chữa bệnh mà dám chữa bệnh, không có chức năng chữa bệnh mà dám nhận bệnh, và chỉ dùng tình thương kiểu... nhốt thì không thể khỏi bệnh. Và, vụ cháu Hồng Lanh là một dẫn chứng. 2 nhà tài trợ đã từ Đà Nẵng ra nhà cháu, thì chứng kiến cháu... khỏe. Để đưa cháu ra khỏi trại, hôm ấy ngay ở trại Phước điên chúng tôi đã liên tục gọi về nhà cháu theo số điện thoại cháu đọc vanh vách, và 3 ngày sau thì em trai cháu lên đón cháu về. Các nhà tài trợ tốt bụng đã liên hệ bác sĩ cho cháu, tài trợ và làm đầu mối nhận tài trợ cho cháu, mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho cháu, xin việc cho em trai cháu... và họ đã chứng kiến cháu đạp xe đi chợ. Nếu không có chuyến đi ấy của chúng tôi, có khi giờ này cháu cũng vẫn đang còn bị nhốt.

           Vấn đề là, ngay chuyện cháu Lanh cũng đang có 2 chiều ý kiến. Với tư cách là người... am hiểu người điên, anh Phước vẫn cho rằng cháu bị... ma ám. Dân gian gọi là bệnh đàng dưới. Bình thường không sao, nhưng khi ma nhập thì người bị ám có thể làm bất cứ điều gì, kể cả giết người. Và không chỉ anh Phước, mà người nhà cháu Lanh, bà con vùng ấy, một số chùa đã nhận cháu, đều nói cháu bị ma theo. Chiều ngược lại, tất nhiên là theo khoa học, thì cho rằng cháu bị trầm cảm, hoặc hoang tưởng, hoặc ảo giác vân vân...

           Phe kia, tất nhiên cũng vẫn hết sức khen sự tốt bụng đến vĩ đại của 2 vợ chồng này, nhưng lại thắc mắc thêm: Thế chính quyền ở đâu, cơ quan chuyên môn ở đâu, mà để chỉ 2 vợ chồng vật lộn với đời sống chưa xong lại còn phải nuôi thêm đến hơn trăm con người không ra người như thế. Và, rõ ràng, nuôi như thế thì không thể gọi là sống một cách bình thường được. Và hình thức nhốt người như thế, cả giam chung và giam riêng, đều có nguy cơ bị quy là... giam giữ người trái phép. Và, chữa bệnh nữa, cũng sẽ bị quy là chữa bệnh trái phép...

           Thế nhưng, cái gì tồn tại thì nó đều... có lý. Quả là, tôi đến đây, thấy sự bình yên thanh thản toát lên ở khu này.

           Ksor H’hoanh là nhân viên ngân hàng chính sách xã hội Gia Lai. Cô này người Jrai, có nhà hàng Bazan nổi tiếng ở Pleiku. Gia đình có truyền thống... hát hay. Bố là ca sĩ nghiệp dư của ngành Giáo dục, thường xuyên mang huy chương vàng về cho ngành mỗi khi ông... xuất quân. H’Hoanh thì học thanh nhạc xong ra làm ngân hàng, nhưng cũng thường xuyên đi diễn trong các cuộc văn nghệ quần chúng từ trong ngành tới toàn quốc. Và em trai H’hoanh, Ksor Saly cũng hát cực hay. Cả 2 chị em có thể vừa ôm ghi ta vừa hát, và đệm cho người khác hát.

           Rồi một ngày, Saly thấy nhà mình... nhiều ma quá. Cứ đêm xuống là thấy. Chạy chữa khắp nơi, cuối cùng gửi vào “trại Phước Hạt”. Tết vừa rồi gia đình đón về, mấy đêm ở nhà là mấy đêm thức trắng, vì cứ thấy có người đeo gùi lẽo đẽo theo mình. Thế là gia đình lại phải đưa lên trại. Lên đây, Saly thấy như... ở nhà mình, thấy thanh bình và hạnh phúc. Tôi nhớ hôm chúng tôi vào, Saly cứ ôm đàn hát. Có ai hát thì anh đệm, còn không thì anh vừa đàn vừa hát. Đến khi phát quà, anh cũng ngồi hát điềm nhiên như không có hàng trăm người đang vây quanh. Và tới lúc phát thuốc lá, món các bệnh nhân ở đây thích nhất, thì anh cũng vẫn điềm nhiên như thế, hát hát và hát, đàn đàn và đàn.

           Hôm chúng tôi vào, hầu như không thấy ai... điên. Là cái nghĩa điên tức là đập phá ấy. Ai cũng hiền, bảo ngồi là ngồi, bảo đứng là đứng, trừ lúc phát thuốc lá thì hơi lộn xộn chút, chứ trước đấy phát cơm cũng rất trật tự. Anh em nghiện thuốc. Cả nữ chứ chả mình “anh em”. Từng nghiện thuốc tôi biết mỗi khi lên cơn nó vật vã thế nào. Ai cũng rít đến tóp má, chìa tay xin thêm điếu nữa rồi giấu rất nhanh vào túi, rồi lại chìa tay. Cuối cùng thì... lẻn ra một góc kiểm tra chiến lợi phẩm, có người có đến 3 , 4 điếu, có điếu bị gãy. Dẫu thế thì khuôn mặt “kẻ chiến thắng” hết sức hoan hỉ.

           Và, một thực tế thế này nữa, những nhà có người bị điên mà đến “gửi” ở “trại Phước Hạt” ấy, họ cũng đi khắp nơi rồi, chữa nhiều chốn rồi, tất nhiên là bệnh viện nhiều lần, để rồi cuối cùng lại... trở về đây.

           Có một chuyện, là nghe kể thôi, nhưng có vẻ... đúng. Là có năm nào đấy, lâu lâu rồi, ngành y tế và lao động thương binh xã hội cùng xuống bàn bạc với anh Phước chuyển số bệnh nhân đang ở đây, hồi ấy chưa nhiều như bây giờ, xuống bệnh viện. Nhất trí. Vợ chồng Phước Hạt bàn giao và cùng xuống bệnh viện chăm họ, vì đã bảo, như cái duyên, cái nợ không cắt nghĩa được, lẽo đẽo đi theo chăm họ như chăm người nhà mình. Được một thời gian, nhóm bệnh nhân này lại... lếch thếch quay lại “trại Phước Hạt”, quần áo khi đi mặc thế nào khi về mặc nguyên như thế. Và mối quan hệ rạn nứt từ đấy.

           Nên vừa rồi, anh bạn nhà báo xuống trại ấy nằm lì cả chục ngày làm cái phim về trại nhưng lại không... khuân được những cán bộ có trách nhiệm xuống đấy. Nên cái trại ấy nó cứ tồn tại ngay thành phố Pleiku trong cái nhìn ái ngại, những dự liệu băn khoăn nhiều phía khiến những người lo xa không biết rồi tương lai của nó sẽ đến đâu.

           Cũng nói luôn, sau bài báo của tôi thì nhiều người đọc và biết. Ngay khi tôi đang trên đường chạy xuyên miền Trung thì đã có 2 người, một là tổng giám đốc công ty Vicem Hoàng Mai, gửi tôi 20 triệu, và người kia là một bác sĩ, nhạc sĩ ở nước ngoài gửi tôi 10 triệu về giúp trại. Một anh bạn nữa, ở ngay Pleiku, nhắn tôi về thì gọi anh, vì bạn anh cũng ở nước ngoài, đọc bài báo cũng muốn “làm gì đấy” cho những người bệnh hết sức đáng thương này.

           Để kết thúc, tôi xin cop lại đây comment của nhà báo Nguyễn Hồng Phong, người đã “phục kích” cả chục ngày ở “trại điên Phước Hạt” làm một phóng sự truyền hình, đang trong quá trình dựng: “Phạm Ngọc Tài, quê Hà Tĩnh. Nhập trại với “chiến tích” chém bố 2 lần; một lần đứt ngón tay, một lần trúng phổi. Sau hơn 5 năm ở với anh Phước, Tài giờ như người bình thường, chờ người nhà ở Hà Tĩnh vào đón là về. Tài kể rành rọt từ quá khứ (lúc phát bệnh) đến hiện tại (đang ăn chay trường, tụng kinh) và chốt hạ một điều: Ở đây không phải là trại tâm thần mà là trại tình thương. Trần Hữu Phục, tp PleiKu, trước khi vào trại từng chém đứt đầu vợ. Bây giờ ông có thể kể lại vanh vách quá khứ phát bệnh với những cơn mất ngủ triền miên, ảo thanh, ảo giác thế nào, chém vợ thế nào, đi tù ra sao. Hiện tại ông cũng như người thường. Và thêm trường hợp Ksor Saly trong bài viết của anh Văn Công HùngĐó chỉ là 3 trong rất nhiều trường hợp mà em quan sát, phỏng vấn trong 10 ngày làm phim. Trong mấy phương pháp chữa trị, cùng với việc cho uống thuốc đều đặn, thì phương pháp mà em thấy tâm đắc và khoa học, đó là anh Phước và chị Hạt đã rất thành công khi “dùng liệu pháp tình thương” để chữa bệnh cho những người tâm thần ở đây. Người tâm thần vào đây ở vì sao lại đỡ bệnh? Là vì ở đây họ cảm thấy an toàn, không bị những ánh mắt kì thị xa lánh. Âm nhạc, tụng kinh niệm phật, tập thể dục buổi sáng, tập trung cà phê, uống trà đã đem lại cho họ sự an lành, thư thái. Trở về nhà họ lại phát bệnh là vì người nhà và xã hội không hiểu họ. Vài lời trao đổi lại với anh”.

           Và vẫn nhắc lại một chi tiết đã nhắc trong bài trước: Bí thư tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đã hứa, bằng uy tín riêng của mình, sẽ vận động làm nốt con đường mấy chục mét xuống “trại”. Và trước khi mail bài này đi, tôi nhận được mail của chánh văn phòng tỉnh ủy Gia Lai, anh yên tâm, anh Trang vẫn nhớ. Riêng tôi thì hứa, sẽ còn một bài nữa, phỏng vấn các cơ quan có trách nhiệm ở Gia Lai về việc tồn tại và phát triển của trại này, về số phận pháp lý của những bệnh nhân ở đây...

Bài 1 ở đây ạ



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: