Huy Ðức :
Sau khi ký Hiệp định Paris, Kissinger đã đến Việt Nam. Có nhiều giai thoại nói rằng khi đó, Kissinger cảnh báo: từ nay, mối đe dọa của Việt Nam sẽ đến từ phương Bắc. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tác giả cuốn sách này, Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã cười và giải thích: “Khi tới Hà Nội, Lê Đức Thọ dẫn tôi đến bảo tàng lịch sử, ở đó chưa nói gì về chiến tranh với người Mỹ trong khi mô tả khá chi tiết những lần xung đột với Trung Hoa. Anh nghĩ, Hà Nội còn cần tôi nói với họ điều mà họ đã thuộc làu qua lịch sử!”.
Cảnh giác với người Trung Hoa là điều có từ trong máu người Việt Nam. Nhưng, trong lịch sử nghìn năm kháng cự để tồn tại với “Thiên Triều”, chưa có triều đại nào lại công khai xác định Trung Quốc là “kẻ thù truyền kiếp và lâu dài” trong các văn kiện chính thức như thời Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong suốt thập niên Trung Quốc đánh Việt Nam, Hà Nội vẫn giữ đại sứ tại Bắc Kinh và Bắc Kinh vẫn giữ đại sứ của mình tại Hà Nội. Nhưng đó là một mối quan hệ không bình thường.
Theo Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn 1974-1987, ngay từ khi mới xảy ra vấn đề người Hoa, ông đã rất “vất vả với các trò trẻ con của Trung Quốc”. Tướng Vĩnh kể: “Trung Quốc bố trí hai chiếc xe ô tô con luôn luôn chầu chực ở hai cửa của sứ quán ta, cán bộ mình đi đâu nó theo đấy, ngay đại sứ đi nó cũng đi theo. Có lần tôi ngồi xe có cắm cờ Việt Nam đi từ sứ quán ta ra, đi được một đoạn, mặc dù đồng chí Quảng đang lái rất nghiêm chỉnh, đúng luật, thế mà cảnh sát Trung Quốc lại thổi còi bắt dừng xe, rồi bắt lái xe xuất trình giấy tờ. Giấy tờ đủ cả! Rồi họ cũng phải cho đi tiếp vì không biết làm cách nào, không tìm ra cái gì để bắt bẻ nữa. Chủ yếu là họ làm chậm hành trình để tôi sai hẹn với đối tác hoặc với đại sứ nước nào đó”. Nhân viên sân bay Bắc Kinh cũng từng bắt Tướng Vĩnh đi vào cửa kiểm tra hành lý, cho dù ông được quyền “miễn trừ ngoại giao”. Tướng Vĩnh dọa “họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm công ước quốc tế” và dọa sẽ áp dụng biện pháp tương tự với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội theo “nguyên tắc đối đẳng” họ mới để ông đi theo cửa không kiểm tra hành lý.
Sau khi Trung Quốc rút hết quân vào ngày 18-3-1979, hai bên đã có hai vòng đàm phán – vòng 1, từ 18-4 đến 18-5-79 tại Hà Nội và vòng 2, từ 28-6-79 đến 6-3-80, tại Bắc Kinh – chủ yếu là giải quyết vấn đề tù binh. Theo ông Trần Quang Cơ: “Từ năm 1980 đến cuối năm 1988, ngót hai chục lần Việt Nam gửi thư hoặc công hàm cho Trung Quốc đề nghị nối lại đàm phán nhưng đều bị Trung Quốc bác. Trung Quốc nâng cao dần điều kiện lên: về quân sự đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, về chính trị đòi Việt Nam chấp nhận sẽ lập chính phủ liên hiệp ở Campuchia, bao gồm cả Khmer Đỏ”.
Chỉ hơn một năm sau khi tuyên bố rút quân, Trung Quốc bắt đầu gây chiến tranh trở lại[i]. Duy trì chiến sự trên biên giới phía Bắc không chỉ làm suy kiệt Việt Nam mà còn là nơi để Trung Quốc phối hợp tấn công khi các phái Khmer chống Việt Nam bị đánh đuổi trên vùng biên giới Thái[ii]. So với thời điểm tháng 2-1979, cuộc tiến công năm 1984 của Trung Quốc có trình độ tác chiến cao hơn hẳn. Ngày 16-5-1984, chỉ sau mười tám ngày điều quân, Trung Quốc đã chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên giới Việt Nam.
Cuộc phản công đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu từ ngày 11-6-1984, đánh vào các cao điểm 233, 685 nhưng không thành công. Cuộc phản công quy mô hơn vào ngày 12-7-1984 cũng bị coi là thất bại. Chiến sự ở thế dằng co kéo dài cho tới tháng Giêng năm 1985. Có những nơi, chốt của quân đội Việt Nam cách chốt của quân Trung Quốc chỉ từ sáu đến tám mét; có những điểm cao, đôi bên liên tục giành giật, chiếm đi, chiếm lại ba bốn chục lần. Do địa hình phía Việt Nam hiểm trở, tháng 3-1985, Trung Quốc chiếm lại được bốn điểm cao quan trọng thuộc khu vực Quân khu II, đặc biệt là các khu vực thuộc vùng biên giới Hà Giang. Đây là giai đoạn chiến tranh có tỉ lệ thương vong cao nhất ở vùng biên giới[iii].
Tháng 2-1979, khi Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, Liên Xô đang có năm mươi sáu sư đoàn ở vùng biên giới với Trung Quốc nhưng đã không có bất cứ một động thái quân sự nào. Trước “thông điệp” này, Đặng Tiểu Bình quyết định “đi đêm” ngay với Moscow, và mặc dù nhận ra sự yếu kém của quân đội, Đặng quyết định không cần vội vã chi tiền hiện đại hóa quân sự[iv]. Tuy nhiên, Đặng vẫn duy trì chiến tranh quy mô nhỏ trên vùng biên giới, một mặt giữ chân thường xuyên hơn 800 nghìn quân Việt Nam[v], mặt khác, biên giới trở thành chiến trường thật để quân đội Trung Quốc có nơi huấn luyện. Trong thập niên 1980, gần hết lực lượng bộ binh Trung Quốc ở trên cả nước đã được luân chuyển đến tác chiến ở vùng biên giới Việt Nam[vi].
Chiến cuộc đã giữ chân đội quân bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam lên tới ba quân đoàn, mười một sư đoàn, mười ba trung đoàn trung đoàn và bảy mươi tiểu đoàn độc lập, góp phần đưa lượng quân thường trực ở cả hai đầu đất nước lên tới 1,6 triệu người. Sau khi Gorbachev nhận chức tổng bí thư, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam bắt đầu bị cắt giảm. Người lính trên biên giới phía Bắc vừa rất khổ về vật chất, vừa rất căng thẳng về tinh thần. Hà Nội nhận ra không thể tiếp tục duy trì tình trạng đó.
“Giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia” liên quan đến “bình thường hóa quan hệ Việt – Trung” được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết 32/BCT21, ngày 9-7-1986, một ngày trước cái chết của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Hội nghị do Trường Chinh chủ trì. Nghị quyết 32 ra đời, theo Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, “không phải là ngẫu nhiên”. Gần hai mươi ngày sau đó (28-7-1986), tại Vladivodstock, Gorbachev công bố chính sách đối ngoại mới, theo đó, Liên Xô sẽ: “Xích gần lại với Trung Quốc, giải quyết ‘ba trở ngại’ mà Trung Quốc nêu ra: rút quân khỏi Afghanistan, chấm dứt xung đột biên giới Trung-Xô, giải quyết vấn đề Campuchia”. Gorbachev tuyên bố: “Vấn đề Campuchia không thể giải quyết ở các thủ đô xa xôi, kể cả ở Liệp Hiệp quốc mà phải giải quyết giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng”.
Vấn đề “Việt Nam rút quân khỏi Campuchia” đã từng được Trung Quốc đề cập tại vòng một, đàm phán Xô-Trung, tháng 10-1982. Sau chiến dịch pháo kích và tập kích quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới miền Bắc – kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6-1984 – Trung Quốc tuyên bố: chỉ cần Việt Nam hứa rút quân khỏi Campuchia thì hai bên sẽ bắt đầu đàm phán. Ngày 21-1-85, trong thư gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Học Khiêm viết: “Quan hệ Trung-Việt xấu đi, vấn đề cốt lõi là quân đội Việt Nam xâm chiếm Campuchia… Sau khi Việt Nam công khai cam kết và thực hiện rút quân thì đàm phán mới có ý nghĩa thực tế”[vii].
Ngày 7-3-1987, chưa đầy ba tuần sau khi ông Lê Đức Anh nhận chức bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Chính trị tổ chức một hội nghị hẹp, Tướng Lê Đức Anh cho rằng: “Trung Quốc gây xung đột vũ trang ở biên giới không phải có ý định xâm lược mà vì một mục đích khác”[viii]. Sau Hội nghị đó, Tướng Lê Đức Anh đã cho: “Điều chỉnh tạm thời lại thế bố trí chiến đấu ở biên giới phía Bắc: Các đơn vị chủ lực cơ động lui xuống phía sau, tuyến thứ hai; đưa dân lên sống và sản xuất, đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một”. Theo ông thì sự điều chỉnh này “là bước thăm dò đầu tiên với phía bên kia” [ix].
Đầu năm 1987, Việt Nam bắt đầu “giảm tuyên truyền chống đối Trung Quốc”. Theo Thứ trưởng Trần Quang Cơ: “Ngày 20-5-87, Bộ Ngoại giao làm tờ trình lên Bộ Chính trị kiến nghị sửa Lời nói đầu của Hiến pháp, bỏ chỗ nói Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” như đã sửa Điều lệ Đảng. Mãi tới 26-8-88 Quốc hội mới có nghị quyết thông qua việc sửa này”[x].
Ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 13, xác định: “Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc là một quá trình gay go, phức tạp, đòi hỏi có thời gian. Sau khi bình thường hóa, quan hệ hai nước khó trở lại ngay như những năm 1950, 1960… Cần phòng ngừa, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, chỉ thấy giới hạn Trung Quốc là bá quyền, không thấy Trung Quốc là xã hội chủ nghĩa; hoặc chỉ thấy Trung Quốc là xã hội chủ nghĩa mà không thấy bá quyền, bành trướng”[xi].
Lúc này, cả Hà Nội và Phnom Penh đều nhận thấy không thể trì hoãn việc rút quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia. Càng ngày, Phnom Penh càng chịu nhiều sức ép quốc tế và các nhà lãnh đạo Phnom Penh biết rõ: Không có quân đội Việt Nam thì Pol Pot có thể cướp lại chính quyền, nhưng nếu vẫn còn quân đội Việt Nam thì vai trò chính trị của Phnom Penh vẫn bị coi là lệ thuộc. Họ nhận thấy cơ hội của mình và chấp nhận tác chiến độc lập với một đối thủ đã từng tàn bạo.
Ngày 5-1-1989, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Phnom Penh dự lễ kỷ niệm “ngày 7 tháng Giêng”, trong cuộc hội đàm lúc mười sáu giờ chiều cùng ngày, theo đề nghị của Chủ tịch Heng Samrin, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sửa bài diễn văn chuẩn bị từ Việt Nam. Để chiều 6-1-1989, hai nhà lãnh đạo cùng tuyên bố: “Việt Nam rút hết quân chậm nhất là tháng 9-1989 nếu có giải pháp chính trị”[xii]. Trước ngày rút hết quân, Việt Nam cho lập năm tổng lãnh sự quán ở những vùng nguy cơ Khmer Đỏ cao. Những người giữ chức tổng lãnh sự này đều là sỹ quan cấp tá dày dạn chiến trường chứ không phải là các nhà ngoại giao.
Ngày 30-9-1989, bốn ngày sau khi Việt Nam rút quân đợt cuối, lực lượng Son Sann đánh chiếm Thmar Ponk. Ngày 22-10-1989, Khmer Đỏ đánh chiếm Pailin và uy hiếp thị xã Battambang. Bộ đội Campuchia ở Pailin bỏ chạy. Phnom Penh cầu cứu và Việt Nam đã đưa một lực lượng đặc biệt lên giúp bộ đội Phnom Penh tái chiếm. Quân đội Campuchia thấy Việt Nam chưa bỏ rơi mình, Khmer Đỏ cũng ý thức rõ hơn điều đó nên về sau, đã không còn có chiến dịch nào uy hiếp mạnh hơn[xiii].
Tuyên bố rút hết quân khỏi Campuchia vào năm 1989 của Việt Nam đã phá vỡ nhiều bế tắc, các diễn đàn mới về Campuchia được khai thông. Trung Quốc không còn có thể gây sức ép với Việt Nam và ASEAN như trước, cho dù vẫn tìm cách chống phá Việt Nam, và gây xung đột vũ trang ở Trường Sa vào tháng 3-1988[xiv].
(Trích Huy Ðức, Bên Thắng Cuộc, quyển I: Giải Phóng, chương V: Campuchia)
——————————–
[i] Tháng 8-1980, chiến sự xảy ra ác liệt ở điểm cao 1992, thuộc Sín Mần. Tháng 5-1981 Trung Quốc lại tiến đánh các cao điểm 1800A-1800B, thuộc Lao Chải, Hà Tuyên. Cũng tháng 5-1981, trên tuyến Đông Bắc, Trung Quốc tiến đánh bình độ 400, thuộc Cao Lộc, cao điểm 820, 630, thuộc Thất Khê, Lạng Sơn. Tháng 2-1982 Trung Quốc đánh vào Đồng Văn, Mèo Vạc, tháng 4-1983, đánh Mường Khương…
[ii] Ngày 26-3-1984, khi Quân Tình nguyện Việt Nam mở đợt tấn công lớn, phá vỡ các căn cứ của Khmer Đỏ tại biên giới Thái Lan, Trung Quốc liền điều quân và trong suốt hơn ba tuần lễ – từ ngày 2-4 đến 27-4-1984 – pháo kích cấp tập vào 205 mục tiêu ở hai mươi khu vực thuộc sáu tỉnh biên giới Hà Tuyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu. Có ngày, Trung Quốc bắn tới hơn 6.000 viên đạn pháo, có nơi phải chịu từ 1.000-3.000 viên đạn mỗi ngày. Nơi xa nhất bị bắn phá là thị xã Hà Giang, cách biên giới 18km. Trong các ngày từ 28-4 đến 30-4-1984, Trung Quốc bắn 12.000 quả đạn pháo vào sáu điểm tựa của Việt Nam để chi viện cho bộ binh tấn công đánh chiếm hàng loạt điểm cao như 226, 233, 772, 1509, bình độ 300-400. Ngày 15-5-1984, Trung Quốc dùng một trung đoàn tăng cường đánh xuống phía Đông sông Lô, ngay trong ngày chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250.
[iii] Trên biên giới Vị Xuyên-Yên Minh, chiến sự kéo dài từ tháng 4-1984 cho đến tháng 4-1989. Những điểm cao như 1545, 1509, 1030 ở Vị Xuyên hay 1250, Núi Bạc ở Yên Minh, Hà Giang đã trở thành những địa danh máu lửa. Trên những cao điểm chủ yếu được đánh số ấy, hàng ngàn người lính Việt Nam đã ngã xuống để giành giật từng tấc đất với quân Trung Quốc.
[iv] Theo Ezra F. Vogel (2011): Hai tuần sau khi rút quân khỏi Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa đã gặp Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh, đưa ra danh sách những vấn đề hai bên cần thảo luận để đi đến bình thường hóa quan hệ. Từ tháng 4 đến tháng 10-1979, đã có 5 cuộc gặp ở cấp thứ trưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc. Cho dù mục tiêu ép Trung Quốc rút quân khỏi vùng Ngoại Mông và thôi trợ viện trợ cho quân đội Việt Nam ở Campuchia không thành công nhưng Đặng Tiểu Bình đã dẹp được mối đe dọa quân sự từ Liên Xô(trang 536). Ba ngày sau khi rút quân, 19-3-1979, khi họp với Ủy ban quân sự đặc trách khoa học và công nghệ, Đặng nhận định rằng: “Ít nhất trong 10 năm tới sẽ không có chiến tranh quy mô trên thế giới. Chúng ta không cần phải vội như vậy. Quân số quá đông. Chúng ta phải giảm xuống”. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc giảm từ 4,6% GDP năm 1979 xuống còn 1,4% năm 1991. Trong thập niên 1980s, lượng vũ khí nhập ngoại của Trung Quốc chỉ bằng 1/6 của Việt Nam (trang 540-541). Quân số Trung Quốc giảm từ 6,1 triệu năm 1975 xuống còn: 5,2 triệu năm 1979; 4,2 triệu năm 1982; 3,2 triệu năm 1988 (trang 526).
[v] Chiến cuộc đã giữ chân đội quân bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam lên tới 3 quân đoàn, 11 sư đoàn, 13 trung đoàn và 70 tiểu đoàn độc lập.
[vi] Ezra F. Vogel, 2011, trang 534.
[vii] Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
[viii] Khuất Biên Hoà, 2005, trang 216.
[ix] Khuất Biên Hoà, 2005, trang 216.
[x] Trần Quang Cơ, 2003, trang (?).
[xi] Sđd, trang (?).
[xii] Trần Quang Cơ, trả lời phỏng vấn tác giả năm 2004.
[xiii] Theo ông Trần Quang Cơ, ngày 2-12-1989, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đến Phnom Penh nói với Bộ Chính trị Campuchia: Chiến tranh ở Campuchia là một cuộc nội chiến, Việt Nam không thể đưa quân trở lại. Chỉ khi đạt được một giải pháp chính trị thì Trung Quốc mới thôi đứng sau lưng Khmer Đỏ, điều kiện cần thiết để lực lượng đe dọa Phnom Penh nhiều nhất này yếu đi.
[xiv] Ngày 14-2-1988, Trung Quốc đưa 3 tàu chiến tới vùng biển Trường Sa. Vào lúc 1:30 ngày 15-2-1988, tàu HQ 701 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam lao cắm vào đảo chìm Đá Lớn, lấy cả con tàu làm bia chủ quyền. Ngày 6-2-1988, tàu HQ 701 khi trên đường đưa hàng Tết ra đảo Nam Yết, đã được lệnh neo lại đảo Đá Lớn, chờ. Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc huy động hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa. Để bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã điều đến đây các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146. Ngày 12-3-1988, tàu HQ-605 được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ sáng ngày 14-3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14-3, cắm cờ Việt Nam trên đảo. Chín giờ sáng ngày 13-3, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Trong tình thế tàu Trung Quốc áp sát uy hiếp, đêm 13-3, Hải quân Việt Nam đã bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Sáng 14-3-1988, bốn tàu lớn của Trung Quốc tiến gần đảo Gạc Ma, dùng loa nói ra mật danh của tàu HQ 604 và yêu cầu tàu rời đảo. Một tổ 3 người trên tàu HQ 604 được Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân Việt Nam, cử lên đảo Gạc Ma bảo vệ Quốc kỳ. Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Từ hai chiến hạm của mình, Trung Quốc bắn pháo 100 mm làm chìm tàu HQ-604. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại úy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh cùng tàu HQ-604. Sau khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi. Tàu HQ-505 đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo Co Lin trước khi bị bắn cháy. Cùng ngày, tàu HQ-605 của Hải Quân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc bắn tại đảo Len Đao, thủy thủ đoàn bơi thoát về đảo Sinh Tồn. Trước đó, không ai nghĩ là Trung Quốc sẽ bắn. Các chiến sỹ Hải quân Việt Nam chỉ được trang bị súng AK nhưng khi xuống đảo chìm, họ để hết vũ khí ở khoang hàng. Trung Quốc đã bắn như vãi đạn vào những người lính đang đứng giữa biển trong tay không tấc sắt. Trong trận chiến không cân sức ấy, Hải quân Việt Nam chịu tổn thất: 3 tàu bị cháy; 64 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh; 11 người bị thương. Nhưng, chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao đã được bảo vệ. Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét