18/12/2018 - thời điểm gần với lễ Giáng Sinh và chuẩn bị bước sang năm mới 2019. Lúc này, người dân trên thế giới - nhất là các nước phương Tây - đang háo hức, tất bật chuẩn bị để đón cái lễ lớn nhất năm của họ.
Cùng lúc đó, một tảng thiên thạch khổng lồ cũng đang hướng đến Trái đất, chạm vào bầu khí quyển, bùng cháy rực rỡ rồi phát nổ, giải phóng nguồn năng lượng lớn gấp 10 lần quả bom nguyên tử từng gây ra thảm họa tại Hiroshima trong Thế chiến 2.
Và tin được không, tất cả chúng ta đều không hề hay biết gì về nó.
Được biết, đây là vụ nổ lớn nhất kể từ khi thiên thạch Chelyabinsk phát nổ trên bầu trời nước Nga vào năm 2013 khiến hàng trăm người bị thương, đồng thời cũng là vụ nổ thiên thạch lớn thứ 2 trong vòng 30 năm trở lại đây. Vậy mà, những "nhân chứng" duy nhất có lẽ chỉ là lũ sư tử biển và cá voi, bởi nó phát nổ tại biển Bering - biển xa nhất về phía Bắc Thái Bình Dương.
Vệ tinh của quân đội Mỹ đã thu được tín hiệu của vụ nổ từ cuối năm 2018, sau đó chuyển sang cho NASA điều tra. Và mới đây, tiến sĩ Kelly Fast - quản lý nhiệm vụ quan sát các tiểu hành tinh của NASA đã tiết lộ về sự việc này trong một buổi hội nghị khoa học tại Houston (Texas).
Chuyện gì đã xảy ra?
Tảng thiên thạch có bề ngang chỉ khoảng 10m, tiến vào khí quyển Trái đất với tốc độ 32km/s. Nó "hiện hình" ở độ cao 25,6km so với mặt đất, rồi sau đó nổ tung vì ma sát với khí quyển.
Vụ nổ đã giải phóng nguồn năng lượng tương đương với 173 kiloton thuốc nổ TNT. Để so sánh, năng lượng do quả bom Little Boy gây ra thảm họa ở Hirosima chỉ rơi vào khoảng 15 kiloton, trong khi quả bom Fat Man tại Nagasaki là 20 kiloton.
Tính trung bình, tảng thiên thạch gây ra vụ nổ mạnh hơn bom nguyên tử gấp 10 lần. Và theo Peter Brown - chuyên gia nghiên cứu thiên thạch tại ĐH Western Ontario (Canada), cũng là người đầu tiên phát hiện ra tảng thiên thạch này, thì nó nặng khoảng 1.400 tấn.
Về việc phát hiện vụ nổ chậm trễ, Brown cho biết các trạm hạ âm chuyên dụng trong trường hợp này đều được xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20, với mục đích là để phát hiện những vụ thử vũ khí hạt nhân, bằng cách thu thập sóng âm dưới ngưỡng nghe của con người. Máy móc đã cũ, cộng thêm việc phải kết hợp dữ liệu từ nhiều trạm khác nhau đã khiến quá trình phát hiện vụ nổ chậm hơn.
Phải chăng Trái đất đang gặp nguy hiểm?
Thực ra thì không! Vụ nổ trên thực chất không có nhiều ý nghĩa, vì bản thân Trái đất đã luôn "hứng" vô số thiên thạch khác nhau. Bằng chứng chính là các trận mưa sao băng mà bạn có thể quan sát được hàng năm.
75% diện tích Trái đất là nước, thế nên hầu hết thiên thạch nếu chưa cháy hết thì cũng rơi xuống biển và biến mất. Những tảng rơi trên cạn thì thường không gây nguy hiểm, và tính đến nay Nga là đất nước hứng nhiều thiên thạch nhất (vì diện tích của họ lớn nhất).
Theo Lindley Johnson - chuyên gia tại NASA, tảng thiên thạch có kích cỡ như lần này có tỉ lệ rơi xuống Trái đất khoảng 2 - 3 lần trong vòng 100 năm, và kích cỡ của nó chỉ bằng 40% so với thiên thạch Chelyabinsk tại Nga năm 2013.
Nhưng bạn cũng không cần lo lắng! Điều quan trọng là Trái đất vẫn có đội ngũ chuyên theo dõi những tảng thiên thạch có nguy cơ gây hại thực sự cho Trái đất, cũng những công cụ cho phép làm chệch hướng chúng lúc cần thiết.
Tham khảo: IFL Science, The Guardian
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét