(Minh họa: Stasys).
Theo lý thuyết của Bakhtin, tiểu thuyết chỉ có thể là tiểu thuyết khi, trước tiên, nó gột bỏ được thái độ ngoan ngoãn cúi đầu kính cẩn trước cái “khoảng cách sử thi” - khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa chủ thể nhận thức và đối tượng. Với tinh thần không biết sợ, không còn sợ ấy, chủ thể nhận thức lôi tất cả đối tượng vào xưởng thực nghiệm của anh ta - môi trường của sự tiếp xúc trực tiếp sống động, môi trường của sự “suồng sã hóa” - để quan sát nó, sờ nắn nó, từ trên xuống dưới từ trước ra sau; vật ngửa nó, lật sấp nó, lộn trái nó ra, tháo dỡ nó thành từng mảnh để có những nhận biết cụ thể, đa dạng về nó. Chỉ có như vậy, tiểu thuyết mới thực sự là thể loại của cái vẫn đang ở thì hiện tại tiếp diễn, chưa bị kết đặc, chưa bị đông cứng lại, chưa hoàn thành và không bao giờ hoàn thành. (Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. M. Bakhtin. Phạm Vĩnh Cư dịch. NXB Hội Nhà văn, 2003).Cụm từ “không biết sợ” xuất hiện đậm đặc trong tiểu luận có tên Vòng tay kính cẩn cúi đầu của nhà văn Hồ Anh Thái (in trong sách Hà Nội hướng nào cũng sông, Công ty Sách Phương Nam và NXB Văn nghệ, 2009). Nhà văn dùng cụm từ đó để chỉ một trạng thái tâm lý phổ quát toàn xã hội, trải dài qua các giai đoạn với những biểu hiện khác nhau. Thời trước, thời kỳ đầu của nước Việt Nam mới, thì: “Thoát khỏi ách thực dân phong kiến rồi, ta làm chủ đời ta, không có ai làm gì nổi ta. Nhà kho hợp tác là cái chùa cũ đã dẹp hết, tượng với chuông với khánh bỏ lẫn giữa đám nông cụ gỉ sét. Nghê đá phỗng đá chó đá lăn lóc bờ bụi, về sau mấy ông buôn đồ cổ thấy có giá mua về, lấy về, bày trong dinh trong phủ tư nhân. Cần thêm diện tích thì kéo đi phá miếu thờ, đập bát hương, tỏ rõ chí anh hào không biết sợ”. Bây giờ, thời của làm ăn trục lợi, thì: “Ngập tràn một tinh thần không biết sợ, không sợ gì và không sợ ai. Ráo riết chạy chọt vận động xin xỏ để được đề bạt, lên lương, xin bằng cấp, xin bằng khen, giấy khen, giải thưởng. Xin không được thì mua. Mua không được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền. Mua nhiều tiền không được thì nguyền rủa, chửi bới, bôi nhọ”. (Sđd, trang 48, 49).
Trong hai trường hợp “không biết sợ” kể trên, trường hợp thứ nhất có thể gọi là cái không biết sợ tích cực. Đó là cái không biết sợ mang tinh thần của kẻ khám phá, sáng tạo, dám tiếp cận tất cả ở khoảng cách gần để nhận chân sự thật nhiều mặt về đối tượng. Trên cơ sở của nhận thức ấy, người không biết sợ đảm nhận chức năng của Chúa trời: anh ta hoán đổi tất cả, tái cấu trúc tất cả, và tạo ra cả một thế giới trong tác phẩm tiểu thuyết của mình. Trường hợp thứ hai là cái không biết sợ tiêu cực, mang tính thoái triển, cái không biết sợ của sự mù quáng, ngu độn, tham lam và hãnh tiến. Kẻ không biết sợ giẫm đạp lên tất cả mọi giá trị, làm đảo lộn thế giới theo chiều hướng xấu đi, khiến các sự vật không được đặt vào đúng chỗ của nó, khiến mọi chuẩn mực về cái tử tế ở trên đời bị xáo lộn tệ hại.
Đã có “không biết sợ” thì ắt phải có “biết sợ”. Dân gian vẫn truyền đời câu ca: “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Đây là một ứng xử đầy khôn ngoan, thậm chí có thể gọi là minh triết cũng được. Bởi, kẻ anh hùng, với những phẩm chất cá nhân vượt ngưỡng, với ý chí trùm đời và những hành động mang kích cỡ khác thường, hoàn toàn có thể khiến cho người ta phải nể phục, phải cảm thấy mình trở nên bé nhỏ trước anh ta, thậm chí chỉ dám chiêm ngưỡng chứ không dám tới gần. Còn kẻ cố cùng, tức là kẻ không có gì, không còn gì để mất, thì có thể còn đáng sợ hơn. Đâu là cái phanh hãm cho sự điên cuồng của anh ta khi bị đẩy đến thế chân tường?
Còn có một sự “biết sợ” khác, đáng nói: biết sợ trước những giá trị tâm linh, vô hình, thiêng liêng. Người viết bài này còn nhớ một lần cùng nhà thơ Hoàng Trần Cương (tác giả của trường ca Trầm tích nổi tiếng một thời) về Đô Lương - Nghệ An để thực hiện bộ phim chân dung về ông. Có một cảnh cần quay: Hoàng Trần Cương lững thững đi dọc hành lang cắt mặt chính điện nhà thờ họ, từ đầu này đến đầu kia, không dừng lại. Tất cả đã bàn bạc và nhất trí. Thế nhưng quay ba đúp, lần nào cũng vậy, cứ bước chân đến trước bàn thờ tổ tiên nhà họ Hoàng là Hoàng Trần Cương dừng lại, kính cẩn chắp tay vái lạy, bảo sao cũng không nghe...
Có lẽ, nỗi sợ tâm linh này có một nét gì đó từa tựa như đức tin tôn giáo: người ta biết sợ những thế lực vô hình và thiêng liêng. Trong chừng mực nào đó thì điều này là cần thiết, nỗi sợ ấy sẽ là cái barie, là lời cảnh báo văng vẳng trong đầu bất cứ khi nào con người đứng bấp bênh bên bờ vực của sự phạm tội.
“Biết sợ”, đó còn có thể là sự “biết sợ” mà tôi tạm gọi là “sự biết sợ mang tính trí thức”. Ở ta, một nhà phê bình văn học nổi tiếng thông minh và biết nhiều ngoại ngữ có lần từng tâm sự: Đọc nhiều tài liệu nghiên cứu của nước ngoài bằng tiếng nước ngoài thật vô cùng có lợi, mà cái lợi đáng kể nhất, là mình biết sợ! Quả có thế. Nếu không biết hoặc không thèm biết đến thế giới ngoài lãnh thổ quốc gia người ta đã và đang làm được những gì, ta rất dễ bị rơi vào một tâm lý tự mãn ngu xuẩn. Phát hiện ra điều gì đó mới mẻ, ta cứ nghĩ ta may mắn nhận được ánh sáng mặc khải, hoặc đơn giản, ta là thiên tài.
Khi tầm nhìn và trường đọc được mở rộng, ta sẽ trở nên biết sợ trước sự mênh mông, trước độ sâu của tri thức và khả năng sáng tạo to lớn của nhân loại. Và, đây mới thực là điều quan trọng: ta không còn dám nhận định ẩu, không còn dám phán đoán bừa, không còn dám đưa ra những kết luận chắc như đinh đóng cột khi mà hệ số tham chiếu của những nhận định ấy là tối thiểu hoặc thậm chí không có gì. (Tiếc thay, đó lại là một trong những thực tế đáng buồn trong đời sống nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật ở ta suốt nhiều năm qua. Biết bao lời tuyên bố đao to búa lớn, biết bao diễn ngôn tán dương văn hoa mỹ miều đã chen chúc có mặt trên các diễn đàn báo chí, các event nghệ thuật chỉ để nói về những “sáng tạo”, những “phát kiến” mà thực ra ở nước ngoài người ta làm từ rất lâu rồi. Hậu hiện đại, Tân hình thức, Sắp đặt, Trình diễn, Dân gian đương đại v.v… đủ các thứ hàng nhập cảng đã có lúc bị/được mạo nhận như là sản phẩm độc sáng của vài anh nghệ sĩ Việt Nam nào đó).
“Sự biết sợ mang tính trí thức” kéo theo nó một hệ quả kép. Với những người bị lẫn vào cái tập hợp “mẫu số chung tầm thường” - tầm thường cả về tài năng và bản lĩnh sáng tạo - thì biết sợ cũng đồng nghĩa với thúc thủ, không còn làm gì được hết. Tất cả những gì ta có thể làm, thiên hạ làm xong cả rồi. Mọi con đường đều đã dày đặc chi chít dấu chân người đi trước. Nhìn đâu cũng thấy núi cao án ngữ. Nghĩ được cái gì rồi rốt cuộc cũng nhận ra đó chỉ là hàng thứ phẩm. Trong những trường hợp như vậy, sự hoang mang, sự chán nản trở thành tâm lý thống ngự. Người ta, hoặc bị tê liệt, hoặc chấp nhận làm bản sao mờ nhạt vô vị của kẻ khác. Đó có thể gọi là một dạng bi kịch của “sự biết sợ mang tính trí thức”. Nhưng mặt khác, với những người thực sự có tài năng và bản lĩnh, thì “sự biết sợ mang tính trí thức” vừa là thách thức, lại vừa là tác nhân tuyệt vời để họ phát huy đến tối đa những phẩm chất trội của mình. Họ biết vạch ra con đường độc đạo của riêng mình giữa những con đường đã có. Họ biết dựng lên ngọn cô sơn của riêng mình giữa trùng sơn đã có. Tóm lại, họ tạo ra những giá trị mới trên cơ sở của sự nắm bắt những giá trị đã có, hay nói cách khác, trên cơ sở của “sự biết sợ mang tính trí thức”.
Một trong những ví dụ sáng giá cho trường hợp này, có thể kể đến thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương. Nếu tuân thủ nghiêm cẩn các quy phạm nghệ thuật của Đường thi đã trở thành mẫu mực, có thể nói, thơ Hồ Xuân Hương sẽ xuống giá khá nhiều. Nhưng bà phá cách, bà khiến cho các quy phạm nghệ thuật tưởng như bất di bất dịch ấy phải nhảy múa, nhảy múa tưng bừng bằng chất liệu tiếng Việt. Và chính điều đó đã góp phần tạo nên cho thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương một giá trị mới, trên nền một giá trị đã ổn định.
Nếu phải nói thêm điều gì đó về câu chuyện “biết sợ”, xin hãy xem đây như đoạn vĩ thanh của bài viết: mỗi cá nhân cần, và nên bảo lưu trong bản thân mình tâm lý biết sợ, thậm chí nên coi đó như là một phẩm chất! Vì nếu không có nó, coi như anh đã không biết đến và không được nếm trải một cảm giác nhân tính. Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Tiễn đăng tân thoại của Cù Hượu, truyện ma cà rồng của các nước châu Âu, Vàng và máu của Thế Lữ, Bóng ma nhà mệ Hoát của Vũ Bằng, tiểu thuyết kinh dị của Stephen King, rồi các tác phẩm điện ảnh kinh dị của Hollywood, v.v… xét cho cùng, đều có một chức năng (bên cạnh nhiều chức năng khác) là khiến cho người đọc người xem được sống trong và sống với cảm giác sợ hãi. Hơn ai hết, các tác giả của loại tác phẩm nghệ thuật đặc thù này hiểu rằng họ đang thỏa mãn cho một nhu cầu có thật và quan trọng của con người: nhu cầu được sợ!
Hoài Nam
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét