Tác giả: Nguyễn Lương Hải Khôi
Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ.
Ngày nay, tầng lớp tư duy chiến lược, được tập hợp dưới hình thức các think tanks, là một trong những tầng lớp chủ chốt đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. Những quốc gia không có lực lượng này, hoặc có những què quặt, hoặc không thể phát triển nó vì những lí do chủ quan, thì không thể phát triển được.
Hội nhập với thế giới từ một xuất phát điểm khá thấp, Việt Nam cần có nhận thức đúng đắn về vai trò cốt tử của lực lượng think tanks đối với sự hưng vong của quốc gia, để từ đó, bắt đầu tiến trình tái cấu trúc bằng cách xây dựng lực lượng think tanks cho dân tộc mình.
- Quyết định vận mệnh một dân tộc
Chất lượng chính sách là yếu tố quyết định vận mệnh quốc gia, do đó, các nhóm tư duy chiến lược (think tanks) của mỗi quốc gia cũng đóng vai trò quyết định đối với vận mệnh nó.
- Để dễ hiểu với Việt Nam, chúng ta hãy nhìn từ trường hợp gần gũi nhất, Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, trong lĩnh vực kinh tế, bắt đầu từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, lực lượng tư duy chiến lược đã đóng vai trò quyết định thay đổi vận mệnh của nước này. Họ đã tái cấu trúc tiến trình ra quyết định của chính phủ, giúp lãnh đạo Trung Quốc chuyển từ kiểu tư duy kế hoạch sang tư duy chiến lược.
Quá trình tái cấu trúc này được bắt đầu với các dự án sản xuất thép. Như ta đã biết, thời chủ tịch Mao Trạch Đông, tư duy kế hoạch có hai điểm mấu chốt sau. Một là, nó tư duy bằng các chỉ tiêu, thay vì bằng các mục tiêu. Hai là, để thực hiện được các chỉ tiêu đó, nó phải phát động các phong trào. Để lôi cuốn toàn dân lao vào các phong trào, nó tạo ra những “ngọn cờ” và giảm thiểu tinh thần đối thoại trong xã hội.
“Người cầm lái vĩ đại” đã quyết định tất cả, không dùng đến đội ngũ chuyên gia kinh tế và kỹ thuật, không hoạch định chiến lược trên cơ sở tri thức khoa học. Hậu quả là, Trung Quốc trong một thời gian ngắn đã sản xuất một lượng thép đứng thứ 4 thế giới, nhưng chất lượng thấp đến nỗi không dùng được vào việc gì, vẫn phải nhập khẩu thép của Nhật Bản, đồng thời khiến hàng chục triệu người chết đói.
Tiến sĩ Xuanli Liao ở The Chinese University of Hong Kong, trong một công trình nghiên cứu về các think tanks ở Trung Quốc, đã chỉ ra rằng, sau khi Mao Chủ tịch qua đời, đến thời Hoa Quốc Phong, các dự án thép vẫn được thực hiện theo cách cũ.
Nhưng xã hội Trung Quốc lúc này đã xuất hiện nhân tố mới. Việc bình thường quan hệ với Nhật Bản từ 1972 giúp cho các chuyên gia Trung Quốc tiếp cận với các kỹ thuật hoạch định chiến lược của Tập đoàn thép Nippon Steel (Nhật Bản), bên cạnh đó, không khí dân chủ được cởi mở hơn, nên may mắn cho Trung Quốc, lần đầu tiên sau bao nhiêu quằn quại, Chính phủ đã biết lắng nghe chiến lược của các chuyên gia, những “đại nhảy vọt” kiểu mới được chấm dứt, và dự án thép Baogang hợp tác với Nippon Steel đã thành công tốt đẹp. Trung Quốc có được một “đại gia thép” của riêng mình. [1]
Bắt đầu từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc bước vào một trang sử mới, trang sử kết hợp giữa “lãnh đạo” và “trí tuệ”, vượt thoát kiểu lãnh đạo duy ý chí trước đó.
Nhờ vậy, Trung Quốc bước vào giai đoạn lịch sử mới, thời đại mà tư duy chiến lược không còn là việc của các “quân sư quạt mo”, mà là của một lực lượng think tanks đông đảo, đóng vai trò quyết định cho những chính sách tạo ra những đổi thay tích cực nhất của đất nước họ.
- Ở một số nước Đông Âu, khi chuyển từ thể chế xã hội chủ nghĩa (tư duy bằng chỉ tiêu, cụ thể hóa bằng nghị quyết Đảng, vận hành bằng phong trào) sang nhà nước pháp quyền (tư duy bằng mục tiêu, hoạch định bằng chính sách và vận hành chính sách bằng luật pháp), do thói quen cũ, cũng đã gặp nhiều bất cập trong quá trình ra quyết sách.
Theo Nguyễn Đức Lam, ở Slovakia, cũng như hầu hết các nước, văn bản pháp luật là công cụ chủ yếu để nhà nước thực thi chính sách. Thế nhưng, trong quá trình ra quyết sách, người ta thường bỏ qua khâu phân tích chiến lược. Hệ quả là, 60% các dự luật trình lên nội các để xin ý kiến trước khi chuyển sang Nghị viện không hềcó văn bản phân tích chính sách kèm theo. Số còn lại thì có văn bản luận chứng nhưng trong đó lại thiếu lập luận, dẫn chứng, số liệu thuyết phục. [2]
Tuy nhiên, những bất cập này ở Đông Âu 20 năm trước đã được Tây Âu hỗ trợ để khắc phục, và Slovakia là một trong những nước thực sự bứt phá. Ngày nay, Slovakia, vốn chuyển đổi kinh tế sau Việt Nam 3 năm, nhưng đã thành công hơn chúng ta nhiều. Năm 2009, chúng ta hoan hỷ được thế giới viện trợ 8 tỷ USD. Trước đó một năm, trên website của World Bank có một mẩu tin ngắn: Slovakia đã chấm dứt nhận viện trợ và trở thành một nước viện trợ lại nước khác trong khuôn khổ World Bank.[3]
- Kết nối các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa
Ngày nay, ở các nước có trình độ tổ chức cao, do các think tanks nằm ở vị trí then chốt của quá trình thiết lập chính sách, nên giữa các chính trị gia đứng ở “những đỉnh cao chỉ huy” và các think tanks của nước đó, luôn có mối quan hệ mật thiết.
- Ở Mỹ, Đảng Cộng hòa có quan hệ mật thiết với Heritage Foundation. Think tank này cũng là nơi nhiều học giả nổi tiếng như Richard V. Allen, Lawrence Di Rita, John Lehman, Steve Ritchie… đi thẳng từ phòng nghiên cứu đến các vị trí chủ chốt của bộ máy vận hành nước Mỹ.
Những think tank thiên về phục vụ cho các đảng phái chính trị như Heritage Foundation thường là ngôi trường đào tạo thực tiễn cho các chính trị gia trưởng thành. Đó là môi trường sinh hoạt tri thức cho cả các lãnh đạo chính trị lão luyện lẫn những tài năng chính trị kế cận.
- Tiến sĩ Cheng Ly, trong một semina ở Brookings Institution, tháng 10/2008, đã trình bày về mối quan hệ mật thiết giữa các lãnh đạo Trung Quốc và các think tanks hàng đầu ở nước này. Wang Huning, Hiệu trưởng Trường Luật của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và nhóm nghiên cứu của ông là người xây dựng cho chủ tịch Giang Trạch Dân lý thuyết “Ba đại diện”. Sun Qingju, Hiệu phó Trường Đảng Trung ương, là người giúp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào xây dựng thuyết “trỗi dậy hòa bình”.
Đặc biệt, Hồ Cẩm Đào, sau khi lên Tổng Bí thư năm 2003, đã liên tục mời các think tanks hàng đầu Trung Quốc đến giảng bài cho Bộ Chính trị. Đến 2008, Bộ Chính trị Trung Quốc đã học 52 khóa giảng như vậy [4], tính trung bình hơn 8 khóa học một năm, cứ một tháng rưỡi thì có một khóa. Cũng năm 2008, Chính phủ Trung Quốc xếp hạng và tuyên dương 10 think tanks hàng đầu của đất nước.
So với việc Lưu Bị ba lần cúi rạp mình trước lều Khổng Minh, lãnh đạo Trung Quốc ở thế kỷ XXI cũng “hoành tráng” không kém.
- Những mối quan hệ đặc biệt trên là hiện tượng phổ biến ở các nước phát triển, cho nên ngày nay, trong quan hệ quốc tế, có hai hiện tượng sau.
Một là, mối quan hệ giữa các think tanks chủ chốt của các nước cũng có vai trò quan trọng không kém mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của các nước đó. Bernhard May, trong một nghiên cứu về vị trí của các think tanks trong mối quan hệ ASEAN và EU, cho biết, trong khoảng những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, lực lượng tư duy chiến lược về địa – chính trị ở Tây Âu đã xao lãng Đông Nam Á. Các nước Đông Âu bắt đầu hội nhập với Tây Âu khiến họ phải chú mục vào hướng đó, và Đông Nam Á sau khủng hoảng năm 1997 thì không còn là một đối tượng nghiên cứu “hấp dẫn”. Hệ quả là, các chính trị gia của EU cũng thờ ơ theo. Để cải thiện mối quan hệ giữa ASEAN – EU thì một trong những việc cần làm là cải thiện mối quan hệ giữa lực lượng nghiên cứu chiến lược của hai khối [5].
Hai là, ngày nay, trong các liên minh quốc gia, xây dựng một lực lượng tư duy chiến lược chung ngày càng trở thành điều không thể thiếu. Ở châu Âu, “European Policy Center”, một think tank độc lập và phi lợi nhuận, đảm nhận sứ mệnh nghiên cứu những chính sách lớn, không phải cho một nước riêng biệt mà cho toàn EU.
Ở Nhật Bản, để thúc đẩy chiến lược xây dựng cộng đồng chung Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) theo mô hình EU của Châu Âu, nhóm think tank NIRA của Nhật Bản, vốn có quan hệ học thuật mật thiết với European Policy Center của Châu Âu, đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình EU, so sánh với thực tiễn 3 nước Đông Á, nhằm rút ra những bài học kinh nhiệm cốt tủy [6]. Quan hệ giữa các think tanks của ba nước Đông Bắc Á này cũng ngày càng thắt chặt, cho nên trong tương lai, họ hoàn toàn có khả năng hình thành một Nhóm tư duy chiến lược chung, kiểu như “European Policy Center” của EU.
- Xem xét kinh nghiệm của châu Âu và Đông Bắc Á thì có thể thấy rằng, ở Đông Nam Á, để có thể xây dựng một ASEAN vững mạnh, cần xây dựng một mạng lưới think tanks xuyên quốc gia của ASEAN.
Ngay ở khu vực Đông Nam Á, cũng đã có những think tanks dân sự được thế giới kính nể, chăm chú chờ đợi hành trình tư duy của họ, như “Third World Network” và “Malaysian Institute of Economic Research” của Malaysia, “Institute for Defense and Strategic Studies” và “Institute of Southeast Asian Studies” của Singapore…
Một lực lượng tư duy chiến lược chung, dù mang hình thức “phi chính phủ” hoặc “chính phủ”, là điều không thể thiếu để giúp ASEAN giải quyết những vấn đề chung của cả khối, trong đó có vấn đề “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như chiến lược chia rẽ ASEAN của Trung Quốc.
- Think tanks, như vậy, cần được xem là công cụ, là cánh cửa thiết yếu để thông qua đó, những quốc gia và khu vực chậm tiến có thể lĩnh hội và bắt kịp dòng chảy tư duy của khu vực tiên tiến. Một dân tộc không có lực lượng tư duy chiến lược chuyên nghiệp, hoặc có nhưng què quặt, thì dẫu có độc lập đi nữa, cũng sẽ rơi vào trạng thái nô lệ mới: nô lệ về trí tuệ, dẫu có mở cửa đi nữa, thì cũng rơi vào trạng thái cô lập mới: cô lập về trí tuệ.
Nước ta cũng chuyển đổi tương tự như Trung Quốc, nhưng lực lượng tư duy chiến lược, đáng tiếc thay, chưa được nhìn nhận đúng tầm quan trọng và chưa trở thành một thành phần xã hội chuyên biệt như ở Trung Quốc. Để hội nhập với thế giới, đất nước cần có một tầng lớp tư duy chiến lược, và họ phải hội nhập trước. Chúng ta sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu ngay ở mắt xích đầu tiên là lực lượng tư duy vẫn còn bị thế giới bỏ rơi.
III. Tiên phong trong cuộc đua trí tuệ giữa các dân tộc
Lực lượng tư duy chiến lược của các quốc gia nằm ở vị trí then chốt trong cuộc tranh đua trí tuệ giữa các dân tộc.
- Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của Việt Nam hôm nay, xây dựng được một lực lượng tư duy chiến lược hùng mạnh là điều kiện tiền đề về mặt cơ cấu và tổ chức xã hội để chúng ta thay đổi số phận.
Lịch sử tranh sống để sinh tồn giữa các dân tộc, xét đến cùng, là đua tranh về trí tuệ. Và cuộc đấu trí giữa các quốc gia cũng đồng thời là cuộc đấu trí giữa lực lượng tư duy chiến lược của họ. Điều này không chỉ đúng trong thời đại “kinh tế tri thức” mà còn đúng trong các thời đại trước đây.
- Một ví dụ tiêu biểu là “Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu” của Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Theo giáo sư Kobayashi Hideo, Đại học Waseda, khi được thành lập năm 1907, nhiệm vụ của think tank này là hoạch định kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt ở Mãn Châu và Hoa Bắc, trên cơ sở đặt dự án này trong nghiên cứu chiến lược toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội, dân tộc học, các vấn đề tổng hợp Nga – Trung Quốc [7]
So sánh với dự án “đường sắt cao tốc” của Việt Nam năm 2010, xét ở tính khoa học – dân chủ – trí tuệ trong cấu trúc của tiến trình hoạch định chính sách và ra quyết định, Việt Nam vẫn chưa trưởng thành bằng Nhật Bản hơn 100 năm trước.
Đến giai đoạn Nhật chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ 2, think tank nói trên đã phát triển đến quy mô hơn 2.000 chuyên gia. Dù vẫn giữ lại cái tên cũ vốn đã thành “thương hiệu”, think tank này đã đóng vai trò là “bộ não” của Nhật Bản, nghiên cứu toàn diện từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á, chuẩn bị nền tảng khoa học cho chiến lược tổng thể của Nhật Bản giai đoạn này đối với châu Á.
Đương thời, cả châu Á không có một lực lượng trí thức nào đủ tầm vóc trí tuệ và quy mô tổ chức để có thể giúp nước mình đối địch với think tank này của Nhật Bản. Bước chân của Nhật chỉ bị chặn lại khi giới quân sự của họ bỏ quên tư duy chiến lược của các chuyên gia, tấn công Trân Châu cảng khiến Hoa Kỳ tham chiến.
- Think tanks, như trên đã nói, không phải là điều xa lạ đối với văn hóa Trung Quốc. Trong cách tư duy của họ, vì lực lượng tư duy chiến lược có vai trò then chốt quyết định sự thành bại, tồn vong của các quốc gia trong cuộc đua tranh trí tuệ, cho nên, triệt tiêu lực lượng tư duy chiến lược của đối phương là một trong những chiến lược chủ chốt và xuyên suốt.
Cơ đồ nước Sở của Hạng Vũ bắt đầu sụp đổ khi Lưu Bang lừa cho Hạng Vũ đuổi nhà tư duy chiến lược thiên tài của mình là Phạm Tăng. Cục diện của trận chiến Xích Bích bắt đầu ngã ngũ khi phía Thục – Ngô bày mưu cho nhà tư duy chiến lược giỏi nhất phía Tào Tháo là Từ Thứ lui về hậu tuyến. Có thể tìm thấy vô số những câu chuyện như vậy trong lịch sử tư duy của Trung Quốc.
Loại tư duy này không hề có trong lịch sử tư duy châu Âu. Phương thức tiến hành chiến tranh nổi bật của phương Tây là dàn trận và triển khai tối đa sức mạnh của binh lực. Ở Trung Quốc, loại tư duy nổi bật là “tướng giỏi là tướng không đánh mà thắng”. “Không đánh” không có nghĩa là không động binh, mà là làm cho đối phương tan rã và sụp đổ trước khi ra đòn quyết định cuối cùng. Trong loại tư duy này, chiến trường không chỉ là một đại dương, một thảo nguyên để hai bên dàn trận. Trong đầu óc của Câu Tiễn, chiếc giường mà nàng Tây Thi ngủ với Ngô Phù Sai cũng là một phần chiến trường.
Trong chiến tranh châu Âu, phân định thắng bại rất nhanh chóng. Bởi cuộc chiến kết thúc sau khi người lính cuối cùng gục ngã. Trong tư duy Trung Quốc, ngay cả khi đã thâu tóm được đối phương, việc kiểm soát sao cho nó không thể phục hồi vẫn luôn là nhiệm vụ bắt buộc, thành ra, cuộc sống là một “cuộc chiến” vĩnh viễn.
- Đối đầu với loại tư duy nói trên của Trung Quốc là điều không đơn giản. Người ta buộc phải bắt kịp mọi diễn biến trong tư duy của họ. Những quốc gia không có lực lượng tư duy chiến lược, hoặc có nhưng què quặt, khó có thể là đối thủ của Trung Quốc.
Vấn đề biển đảo hiện nay là một ví dụ. Nó không đơn giản là một vụ “lình xình” ngắn hạn giữa nước ta và Trung Quốc. Phương hướng giải quyết chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng nếu đặt vấn đề ấy trong bối cảnh cuộc tranh sống để sinh tồn của dân tộc ta trước người khổng lồ. Bản chất của tranh chấp Biển Đông là cuộc so tài về phương thức tư duy, về giáo dục và văn hóa, về khoa học kỹ thuật, về khả năng sáng tạo, về cách cách tổ chức đời sống xã hội, về quan hệ quốc tế, về… mọi mặt.
Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã có nhiều think tanks, cả “chính phủ” lẫn “phi chính phủ”, chuyên trách về vấn đề Biển Đông, cho nên nếu Việt Nam và các nước Đông Nam Á hải đảo chỉ có các chính trị gia ngồi lại với nhau “bàn mưu tính kế” thì chúng ta không thể so sánh với họ, ngay từ trong khâu chiến lược.
- Chiến lược “không đánh mà thắng” của Trung Quốc dựa trên một phương thức tư duy chiến lược đặc biệt, “tư duy cờ vây”.
Nguyên tắc thời gian trong chơi cờ vây là không quan tâm đến thời điểm thắng, chỉ cần biết sẽ thắng. Áp dụng nguyên lý cờ vây vào đời sống thực tại, họ nhìn quả địa cầu này như một bàn cờ vây vĩnh viễn. Người chơi cờ vây phải có một năng lực tư duy toàn cục rất cao để có thể tính trước được xu thế vận động của nhiều nhóm quân cùng một lúc, không chỉ nhóm quân của mình của cả nhóm quân của đối phương, nhằm bành trướng diện tích trên bàn cờ.
Được rèn luyện trí tuệ bằng tư duy cờ vây, người Trung Quốc là bậc thầy của khả năng đưa quân cờ của mình tiến vào cấu trúc của đối phương để thay đổi từng yếu tố trong cấu trúc đó, dần dần tiến tới phá vỡ toàn bộ cấu trúc. Họ là bậc thầy trong việc hoạch định những nước cờ “tầm thường” để di chuyển những quân cờ “tầm thường” đến những vị trí “tầm thường” – “tầm thường” trong thời điểm hiện tại nhưng sẽ trở thành một quả đấm thép trong một cục diện mới. [8]
Đối thủ duy nhất của tư duy cờ vây là chính nó. Ngày nay, để hiện thực hóa phương thức tư duy ấy, thì một cá nhân không thể làm được. Nếu người đồng chí khổng lồ của chúng ta đã có trên 700 think tanks, có tài liệu của Trung Quốc nói là trên 2000 think tanks, cả ở cấp nhà nước lẫn tư nhân, lại có một truyền thống tư duy chiến lược đặc biệt, thì Việt Nam để có thể tìm được một “cửa sinh” giữa muôn vàn “cửa tử” của thế giới này, cần ít nhất 1/10 số đó.
[1] Xem: Xuanli Liao, Chinese Foreign Policy Think Tanks and China’s Policy Toward Japan, The Chinese University of Hong Kong, 2006, 197 – 239. P
[2] Xin xem: Nguyễn Đức Lam, Phân tích chính sách trong quy trình lập pháp ở các nước, Tham luận tại Hội thảo “Xây dựng chính sách trong quy trình lập pháp”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 6/2008
[3] “Slovakia has joined the group of development aid providers within the World Bank. Regarding the significant economic progress of the country over past years, the Slovak government asked for graduation to developed status in operations of the World Bank. This means that instead of being a country receiving development aid, Slovakia will become a country providing development aid…”
Xin xem: World Bank Ranks Slovakia Among Development Aid Providers
http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/NEWS/0,,date:2008-11-21~menuPK:34461~pagePK:34392~piPK:64256810~theSitePK:4607,00.html
[4] Brookings Institution, “Các think tanks ở Trung Quốc: tầm ảnh hưởng đang lên và những giới hạn chính trị”, October, 2008.
[5] Bernhard May, Think Tanks in ASEAN-EU Relations: European Perspective, Tạp chí Panorama, 1/2000. p. 41
[6] Xin xem: European Policy Center, National Institute of Research Advancement và Japan Foundation, 日-EUシンクタンク円卓会議報告書 (Japan – EU Think tank Rountable Report, “Next step in Global Governance”), 2005
[7] 小林英夫、「満鉄調査部 – 元祖のシンクタンクの誕生と崩壊」、東京印書館、2005
(Kobayashi Hideo, “Cơ quan nghiên cứu đường sắt Mãn Châu – sự hình thành và tiêu vong của ông tổ think tank Nhật Bản”“, Tokyo Inshokan, 2005)
[8] Tư duy này càng nổi bật trong lịch sử thôn tính và đồng hóa các dân tộc trước đây và trong quan hệ quốc tế ngày nay của họ. Mặt khác, tư duy này cũng có phần tiêu cực rất lớn. Nó biến xã hội Trung Quốc thành một bàn cờ vây, làm cho người chơi cờ cũng tha hóa thành một quân cờ trên bàn cờ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét