Văn học miền Nam 54-75 (546): Nguyễn Hiến Lê (kỳ 13)
Chương XXI - Việt Nam chia hai (1954-1965)
(tiếp theo)
B- Miền Bắc
Pháp mất hết quyền lợi
Chiều ngày 10-10-54 ở Hà nội không còn một lính Pháp, một ngọn cờ Pháp. Đạo quân viễn chinh của họ đã rút hết qua cầu Long biên để xuống Hải phòng.
clip_image002
Ngay từ khi kí hiệp ước Genève, Phạm Văn Đồng, ngoại trưởng của chính phủ Cộng hòa nhân dân Việt nam đã gởi cho thủ tướng Pháp Pierre Mendès France một bức thư xác nhận những liên quan kinh tế và văn hóa giữa hai quốc gia: các xí nghiệp kĩ nghệ, thương mãi của Pháp vẫn tiếp tục hoạt động, không bị ngăn cản chút gì, tài sản của Pháp được tôn trọng, trường học của Pháp vẫn được mở cửa, các cơ quan văn hóa vẫn hoạt động.
Pháp phái Sainteny, người rất được cảm tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở qua Hà nội, để nối lại tình giao hảo với Bắc Việt, cứu vãn những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở Bắc, như các hoạt động ở mỏ Hồng gai, nhà máy xi măng Hải phòng, nhà máy dệt Nam định, xưởng lắp xe hơi Renault...; viện Pasteur, viện ung thư, trường Viễn Đông bác cổ, trường trung học Albert Sarraut...
Sainteny được Hồ Chủ tịch tiếp đón niềm nở. Nhưng lần lần tình Việt-Pháp mỗi ngày một nhạt, vì ba nguyên do:
• Chính phủ Mĩ cho rằng Pháp đi nước đôi, chỉ lo bảo vệ ít quyền lợi của họ mà lơ là với việc chống cộng của phương Tây. Anh cũng đứng về phía Mĩ.
• Các nhà kinh doanh Pháp ở Bắc rất nghi ngờ cộng sản, sợ cộng sản quốc hữu hóa các xí nghiệp, đuổi họ về, nên đòi hỏi nhiều bảo đảm làm cho cộng sản bực mình. Rốt cuộc, công ti lớn nhất của Pháp là công ti than Bắc việt phải bán hết xưởng, bàn giấy, máy móc, đường rầy cho chính phủ Bắc Việt.
• Chính phủ Pháp không chịu để cho Bắc Việt có đại biểu ngoại giao ở Paris (như Sainteny ở Bắc), và cũng không can thiệp để buộc miền Nam phải tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 như đã ghi trong hiệp ước Genève. Pháp không thể vừa lấy lòng Bắc vừa lấy lòng Nam được, mà càng không thể không nhờ Mĩ viện trợ trong những năm 1954-56.
Ngày 13-5-55, hết kì hạn 300 ngày, quân đội Pháp rút khỏi Hải phòng, ảnh hưởng, quyền lợi của Pháp ở Bắc gần như không còn gì.
Trong 5 năm sau (1956-60) Bắc nhờ Trung hoa và Nga viện trợ để kiến thiết. Trung hoa cho vay 120 tỉ quan (cũ) Pháp, Nga cho không 34 tỉ. Bắc thiếu rất nhiều kĩ thuật gia, phải đào tạo gấp quá, kết quả tất nhiên là kém. Lại thêm, quá theo Trung hoa, trọng hồng hơn chuyên, nghĩa là cho những người có công trong kháng chiến, trung thành với tư tưởng cách mạng (hồng) giữ những chức vụ chỉ huy, mặc dầu về kĩ thuật (chuyên) họ không biết chút gì, vì chưa bao giờ được học. (3)
Kinh tế suy - Đời sống khắc khổ
Mấy tháng đầu, mức sống không xuống thấp lắm nhờ có hàng hóa nhập cảng các công ti Pháp, các nhà buôn Trung Hoa, Việt Nam để lại. Từ giữa năm 1955, hết những dự trử đó rồi, lại thiếu ngoại tệ để nhập cảng những hàng để tiêu thụ - phảỉ lo mua máy móc trước hết - cho nên toàn dân phải sống khắc khổ.
clip_image004
Vì chính sách “hồng hơn chuyên", sự quản lí xí nghiệp rất kém: không làm kế toán đàng hoàng, cuối năm không tính lời lỗ, nhiều xí nghiệp không biết thu được bao nhiêu, tiêu mất bao nhiêu, mất mát bao nhiêu.
Khi thấy công việc không chạy, người ta không nghĩ cách cải thiện phương pháp làm việc, cứ tuyển thêm người, tuyển thật nhiều mà hầu hết không biết việc, rốt cuộc số tiền trả lương thợ tăng hơn sức sản xuất nhiều. Theo G. Chaffard (sách đã dẫn) thì nhà máy xi măng Hải phòng trong một năm, số thợ tăng 34%, số lương trung bình tăng 24%, như vậy là số tiền trả lương tăng gần 70%, mà sức sản xuất chỉ tăng có 3,5%.
Về canh nông cũng vậy. Hợp tác xã quốc gia (coopérative nationale) có nhiệm vụ tập trung sự sản xuất thực phầm, quản lí dở quá, cũng lỗ, hụt.
Phải mua dược phẩm, vải, xe đạp, nhất là xăng của nước ngoài, mà các nhà máy phốt-phát, trà… chưa sản xuất để bán ra ngoài được, rốt cuộc chỉ trông cậy vào than Hồng gai và xi măng Hải phòng mà hãng xi măng Hải phòng thì như chúng ta đã thấy, quản lí dở quá, còn than Hồng gai thì trong mười lăm năm đầu, bán được bao nhiêu phải trả nợ cho Pháp hết (coi hai trang trên).
Dân chúng bắt đầu thất vọng. Nhất là những ngườỉ Nam tập kết chỉ mơ tưởng tới lúc được về Nam, lúa gạo đầy đồng, cá tôm đầy rạch. Một người đại diện của họ dám nói với Phạm Ngọc Thạch lúc đó làm bộ trưởng Y tế “Chúng tôi tập kết ra đây không phải để làm cu li trong các doanh nghiệp của chính phủ." Nhiều người đòi trở về Nam khi thấy năm 1956 không có tổng tuyển cử để thống nhất quốc gia như chính phủ đã hứa.
Cải cách điền địa - Vụ Quỳnh lưu
Cũng trong năm 1956 chính phủ còn bị một sự phản kháng nghiêm trọng của dân chúng vì việc cải cách điền địa. Chính phủ muốn tiến mau đến xã hội chủ nghĩa mà không hiểu hoàn cảnh nước mình, tâm lí nông dân - hoặc hiểu nhưng bất chấp - cho nên áp dụng đúng đường lối và kĩ thuật của Mao Trạch Đông.
clip_image006
• Mới đầu gây cho nông dân căm thù địa chủ. Người ta phái cán bộ trẻ về làng cùng làm, cùng ăn, cùng ở (tam cùng) với những bần cố nông trong làng, gây lòng tin của họ rồi vạch cho họ thấy họ bị điền chủ bóc lột ra sao, phải căm thù, diệt bọn đó, chính quyền sẽ ủng hộ, đừng ngại.
• Bước thứ nhì là chia dân làng thành nhiều thành phần: đại điền chủ, phú nông, bán nông, người làm nghề tự do...
• Qua bước thứ ba, cho hạng bần cố nông đã được học tập như trên, tố cáo rồi xử tội những kẻ thuộc thành phần địa chủ, tư bản.
Trong chương VII tôi đã nói đa số những người giàu nhất ở thôn quê Bắc việt chỉ có năm sáu mẫu ruộng (khoảng 1 héc-ta rưỡi tới hai héc-ta), cả vợ chồng con cái lảm mới đủ sống, không thể coi như các điền chủ, các lãnh chúa ở Trung hoa, Nga, Mĩ châu được. Một số rất ít có vài chục mẫu ruộng, dăm bảy chục mẫu đồi, chỉ bằng hạng điền chủ trung bình trong Nam thôi.
Việt Minh sở dĩ thắng được Pháp là nhờ sự góp sức của toàn dân: không gia đình nào ở nông thôn không có con cháu, anh em đi bộ đội, làm dân công, không giúp lúa gạo cho bộ đội. Chính quyền biết như vậy, nên ban hành một đạo luật riêng bồi thường cho những điền chủ nào không bóc lột, không tàn bạo với dân, hoặc đã có công giúp kháng chiến, mà chỉ trừng trị bọn cho vay nặng lãi thôi.
Nhưng nếu thi hành đúng thì mỗi làng chưa chắc đã có một người bị truất hữu, làm sao có một tỉ số dân bị xử tội cao bằng hay hơn Trung cộng được? Cho nên nhiều cán bộ muốn lập công, xử với dân thật tàn nhẫn; lại thêm những vụ oan vì thù cá nhân, vì hống hách, những bất công khi chia đất, khiến dân chúng bất bình, nổi loạn. Theo Bernard Fall (sách đã dẫn - trang 184) thì trong vụ cải cách điền địa đó có 50.000 người bị giết và 100.000 người bị đưa vào các trại cải tạo.
Trường Chinh, một đảng viên thân Trung cộng, tổ chức vụ cải cách điền địa đó, bị dân chúng oán nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cách chức ông ta, bắt ông ta tự kiểm thảo, nhưng rồi lại giao cho một chức vụ quan trọng khác. (4)
Chính phủ sửa sai: những người nào bị xử oan thì được trả lại tự do, phục hồi quyền công dân... Tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Tài sản của các chùa, giáo đường được trả lại; bỏ cái lệ giam bắt người một cách độc đoán...
Sự sửa sai đó xảy ra khoảng đầu tháng 11, ảnh hưởng chưa kịp lan khắp nước thì từ 10 đến 20-11, hằng ngàn nông dân ở Quỳnh lưu, Nghệ an (quê hương Hồ Chủ tịch) nổi loạn lên chống sự kì thị công giáo và những sự bất công trong vụ cải cách điền địa. Quân đội tới dẹp, hơn một ngàn người chết hoặc bị thương, theo G. Chaffard. Nhưng theo B. Fall trong Les deux Việt nam (Payot 1967) thì có tin rằng gần 6.000 người bị đày đi xa hoặc bị giết.
Sau đó, Võ Nguyên Giáp, đại diện chính phủ, trong một buổi họp trước nhân dân Hà nội, tự thú tất cả những “lỗi lầm nặng” của chính quyền: cán bộ đã hành động một cách máy móc, coi tất cả các địa chủ là kẻ thù, cả những người đã theo kháng chiến... Lòng dân lúc đó mới dịu xuống.
Vụ Nhân văn - Giai phẩm
Nhưng ngay tháng sau (12-56) lại xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm làm cho giới trí thức bất bình.
clip_image008
Cũng lại bắt chước Mao Trạch Đông nữa. Nguyên do là ở Nga, sau khi Staline chết năm 1953, Khroutchev trong đại hội 20 của đảng, cởi mở một chút cho văn nghệ sĩ - người ta gọi là thời “băng rã” (dégel) - và ra chỉ thị cho các nước đàn em làm theo. Mao nghe Khroutchev, tháng 5 năm 1956 đưa ra khẩu hiệu "Trăm hoa đua nở, trăm nhà lên tiếng" (5), cho các văn nghệ sĩ tự do hơn trong việc sáng tác, miễn là theo đường lối xã hội của đảng. Bọn văn nghệ sĩ mới đầu rụt rè phê bình, sau đả đảo mạnh tác phong “công thức”, sáng tác theo một chiều trong mấy năm trước, sau cùng họ được thể, chống lại đảng. Tới mức đó thì Mao đâm hoảng, lật ngược chính sách, thắt chặt lại hơn trước, tấn công bọn "xét lại" đó và thẳng tay trừng trị Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong, v.v.
Nhà cầm quyền Bắc việt lúc đó đương kẹt về vụ Quỳnh lưu. nên bảy tháng sau mới cho "trăm hoa đua nở". Một nhóm giáo sư và trí thức trong hai tạp chí Nhân văn và Giai phẩm mùa xuân liền viết bài tấn công tác phong công thức trong văn nghệ. Tờ Đất Mới của sinh viên hùa theo, chống đường lối chỉ huy trong đại học. Ngay tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan của Đảng, cũng đăng một loạt bài về nguyên tắc chuyên chính và vai trò của đảng chính trị trong một chế độ dân chủ nhân dân (démocratie populaire).
Một số lớn trí thức: học giả, văn sĩ, nghệ sĩ, cựu học, tân học, gặp cơ hội đó, cho phát ra tất cả những uất ức, dồn ép của họ, người thì khách quan, bình tĩnh phân tích những sai lầm như Đào Duy Anh, người thì đả phá với những lí luận sắc bén như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, người thì dùng giọng mỉa mai kín đáo mà cay độc như Phan Khôi; bừng bừng nhất là bọn thanh niên Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm...
Đầu năm 1957, chính phủ thấy họ hăng quá, ra lệnh phá ngầm: Mậu dịch không bán giấy in cho những tờ báo chống đối (họ không sợ, mua chợ đen); khủng bố người phát hành báo (họ cho sinh viên đi bán); Bưu điện không phân phát báo, cán bộ đi từng nhà khủng bố người đọc... Những biện pháp đó đều vô hiệu, cuối cùng chính phủ phải đóng cửa tờ Nhân văn, ông Hồ Chí Minh kí một sắc lệnh tước quyền tự do ngôn luận của báo chí, phạt từ 5 năm đến khổ sai chung thân những kẻ phạm cấm. Những tờ báo Trăm hoa, Đất mới, Giai phẩm đều tự đình bản.
Năm 1958, ba trăm lẻ bốn văn nghệ sĩ phải đi chỉnh huấn, tự kiểm thảo rồi "học tập lao động", trong số đó có thạc sĩ Trần Đức Thảo (bạn của Sartre, Camus, ở Pháp về phục vụ quốc gia năm 1951, người buộc tội ông là thạc sĩ sử học Phạm Huy Thông), Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, nữ sĩ Thụy An. Phan Khôi vì đã bảy mươi ba tuổi, có công chống Pháp, bị tù hồi trẻ, theo kháng chiến từ đầu, một phần cũng nhờ con là Phan Thao, một cán bộ cao cấp, nên được yên, nhưng gần như bị giam lỏng, không được giao thiệp với ai.
Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường (có một bài diễn văn vạch những sai lầm trong cải cách ruộng đất, rất hay, lọt ra ngoại quốc, dịch ra tiếng Pháp) đều mất chức giáo sư đại học. Gia đình Trương Tửu bị bao vây kinh tế, mãi sau này mới được làm nghề châm cứu. Đào Duy Anh, người ôn hòa nhất trong nhóm học giả viết bài “Muốn phát triển học thuật", chỉ đưa ra ý kiến này: “Tư tưởng không tự do thì không tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận (...) nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với nhừng người ấy, công tác học thuật trở thành những trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là đường cái, thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợỉ dây căng của người làm xiếc. Phải từ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật".
Ông chỉ viết có vậy mà bị treo giò mười lăm năm: bản thảo Tự điển chuyện Kiều bị dìm trên mười năm, sau nhờ Phạm Văn Đồng can thiệp, nó mới được in và phát hành năm 1975. Học trò cũ của ông không ai dám lại thăm ông. Ông buồn rầu viết một tập Hồi kí kể những hoạt động chính trị và văn hóa của mình từ hồi hai mươi lăm tuổi để tỏ nỗi lòng ân hận đã lỡ nhúng bút vào vụ Trăm hoa đua nở và để phân trần rằng trước sau ông vẫn trung thành. Tập đó không in, chỉ đưa cho bạn thân đọc. Nhưng từ khi Việt-Hoa xung đột nhau, Mao bị chỉ trích, ông đã thành con người khác.
Năm 1956 thực là năm có nhiều biến cố trong chủ nghĩa xã hội: ở Đông âu là vụ Poznan ở Ba lan, vụ Budapest ở Hung gia lợi; ở Đông Á là Trung hoa, Việt nam.
Kinh tế phát triển rất chậm
Mới chia đất cho dân nghèo năm 1956, dân làm chủ chưa đuợc hai năm thì năm 1958, Phạm Văn Đồng đã đưa ra chính sách tập sản (collectivisation) để mau tiến lên xã hội chủ nghĩa, rồi cộng sản chủ nghĩa. Đâu đâu cũng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp: mỗi gia đình chỉ đuợc giữ một khoảnh nhỏ để cất nhà, làm vườn. Còn bao nhiêu ruộng đều là của chung hết: cày bừa, cấy gặt chung, hoa lợi chia theo số ngày làm lụng của mỗi người, sau khi nộp cho nhà nuớc một số, bán cho nhà nước một số khác với giá chính phủ ấn định (rất rẻ). Nông dân bắt buộc phải vô hợp tác xã nhưng không hăng hái làm cho hợp tác xã, chỉ lo săn sóc việc nuôi gà, nuôỉ heo, trồng rau ở nhà. Cho nên mặc dầu phương pháp canh tác có cải thiện, công trình thủy lợi có phát triển, chỗ nào cũng làm được hai mùa, có nơi ba mùa, còn thêm miền thượng du được khai phá, số lúa và hoa màu có tăng hơn năm đầu chế độ (1955) kha khá đấy, nhưng mức sống của dân năm 1960 vẫn rất thấp, vì dân đã quá đông mà lại tăng lên mau: 3% mỗi năm. Đã vậy, dân còn phải bớt ăn để chính phủ xuất cảng gạo mà trả nợ hoặc thu ngoại tệ!
Về kĩ nghệ, thiếu vốn, thiếu viện trợ, Bắc việt chỉ xây được những lò đúc thép ở Thái nguyên, một xưởng đóng tàu ở Hải phòng, vài nhà máy trà, còn hầu hết là những nhà máy cũ: nhà máy điện, nhà máy diêm, nhà máy dệt, nhà máy xi măng, mỏ than... Sự quản lí kém quá, nên không sản xuất được nhiều.
Dân chỉ đuợc bảo đảm hai bữa ăn mỗi ngày thôi, mà không có thực phẩm dự trữ. Vì vậy nhà cầm quyền tính trao đổi thương mãi với miền Nam; miễn miền Nam tách ra khỏi Mĩ, là Nam Bắc có thể đoàn kết với nhau được, giúp đỡ lẫn nhau.
Bắc giúp Mặt trận Giải phóng miền Nam
Ở trên tôi đã nói cán bộ cộng sản và nông dân miền Nam không chịu nổi sự đàn áp của Diệm, bỏ vô bưng từ năm 1957, tự tổ chức lấy chiến khu. Hai năm đầu, họ không được Bắc việt giúp đỡ gì cả, mà lực lượng cũng mỗi ngày một tăng, thắng quân chính phủ Diệm được vài trận nhỏ. Năm 1960 họ mới thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam do một ủy ban lâm thời lãnh đạo.
Cuối năm 1961, một luật sư ớ Sài gòn, Nguyễn Hữu Thọ được mặt trận đón ra bưng và bầu làm chủ tịch. Đầu năm sau, Mặt trận đưa ra chương trình hành động mà những điểm chính như sau:
clip_image010
• tôn trọng hiệp ước Genève. Mĩ rút các cố vấn về, không gửi vũ khí qua miền Nam nữa,
• thực hiện hòa bình ngay ở miền Nam, không bắt bớ, tra hỏi, khủng bố, đàn áp dân nữa,
• thi hành tự do dân chủ,
• thả tất cả tù nhân chính trị,
• bỏ chính sách độc quyền kinh tế; nhận viện trợ kinh tế của bất kì nước nào, miễn nước viện trợ không đặt điều kiện chính trị,
• theo chính sách trung lập; lập một khu trung lập ờ Đông dương, gồm Nam Việt, Cao Miên và Lào, ba nước này được hoàn toàn độc lập.
Mỹ không chịu mà còn tăng viện trợ cho miền Nam về quân sự và kinh tế hơn nữa.
Bắc Việt mới đầu không giúp đỡ gì cả ngoài một số nhỏ khí giới chuyển vô qua đường Lào. Hồ Chí Minh do dự: Nga muốn sống chung hòa bình với Mĩ, không khuyến khích Bắc đem quân vô Nam, vả lại, Bắc cũng muốn yên ổn dể kiến thiết trong một thời gian; nhưng Trung Hoa thúc Bắc việt giúp Mặt trận Giải phóng vì ghét Mĩ, lại thêm các cán bộ tập kết cũng hăng hái đòi trở vô Nam giúp bạn chiến đấu của họ. Rốt cuộc Bắc phải lén đưa quân vô. Theo Bernard Fall (sách đã dẫn tr. 408) thì trước 1960, trong ba bốn năm chỉ đưa vô từ 1.800 đến 2.700 người, năm 1963 khoảng 4.000 người.
Cũng theo Bernard Fall (tr. 466) thì năm 1962 Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đều nhận rằng thống nhất ngay Việt Nam lúc đó không có lợi gì vì Nam đã tan rã (các giáo phái, phe công giáo di cư, cả trăm ngàn người mang vũ khí, các châu thành lớn quá..., những cái đó gây ra rất nhiều vấn đề khó khăn), như vậy chỉ tạo thêm một gánh nặng cho Bắc, thà cứ để Nam làm một nước trung lập thịnh vượng như Finlande hoặc Autriche, một "cái cửa sổ ngó ra thế giới bên ngoài" mà lại có lợi hơn.
Nếu quả thực như vậy thì trước sau Hồ Chí Minh không muốn chiến tranh, sẵn sàng muốn thương thuyết, nhưng Mĩ thay Pháp ở Đông Dương đâu có chịu giải pháp đó mà Diệm lại càng không chịu. Khi Diệm bị giết, quân nhân lên cầm quyền, Mĩ ồ ạt đổ quân lên Nam việt thì chiến tranh qua giai đoạn khốc liệt.
Chú thích:
[1] Một linh mục đăng báo bảo Trung Hoa sở dĩ thành Cộng sản vì theo đạo Nho vì Nho trọng dân mà khinh vua, xúi dân nghèo lật đổ chính quyền.
[2] Theo G. Chaffard trong Indochine, dix ans d’indépendance, thì bộ Thông tin của Trần Chánh Thành in một tài liệu cho biết kết quả từ 1954 đến 1960 như sau:
- có 893.291 buổi dạy thuyết Duy Linh, 18.759.111 người theo học, nhờ vậy mà bắt được 516 cán bộ cộng sản nguy hiểm, thu phục được 3.250 cán bộ khác.
- Công an, cảnh sát bắt được 25.700 cán bộ cộng sản, Bảo an đoàn bắt được 22.500 cán bộ khác.
[3] Năm 1980 Trung Hoa thấy chính sách đó sai, đổi khẩu hiệu là “Hồng thì nhất định phải chuyên”, dù là đảng viên mà không có khả năng kỹ thuật thì cũng không dùng. Nhưng họ thực hiện nổi chính sách mới đó không, lại là một chuyện.
[4] Năm 1981, ông được bầu làm chủ tịch nhà nước.
[5] Chữ Hán là “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh”, một câu mà học giả đời Hán đặt ra để ca tụng cổ học thời Đông Chu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét