Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

E-Vietnam: Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương




Ngày 12-3 VP Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia cho 95 cơ quan Trung ương và địa phương để kết nối với sự tham gia của TT Phúc, các quan chức cùng một số đại diện của ngoại giao đoàn.

“Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và ước tính, sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ, ứng dụng nêu trên sẽ tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỉ đồng mỗi năm bao gồm tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, thời gian.
Theo báo cáo, riêng tiền gửi qua bưu điện đã mất hơn 500 tỷ/năm. Giờ không còn thu nhập 500 tỷ đó thì bưu chính tính sao đây. Mỗi sự thay đổi trong công nghệ sẽ là cơ hội cho người này nhưng thách thức của người khác.
Thay vì gửi văn bản bằng bưu điện, Grab hay xe ôm, Trục liên thông văn bản quốc gia giúp chuyển văn bản bằng đường truyền internet. Đây là một bước tiến quan trọng của chính phủ điện tử tại Việt Nam. Kể từ nay, mọi văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước phải là điện tử, ký điện tử.
Trục liên thông văn bản quốc gia được Công ty VNPT thiết kế, xây dựng và vận hành, Chính phủ thuê lại dịch vụ và trả tiền theo tháng. Dự kiến Trục này sẽ phát triển thành VDXP (Vietnam Document Exchange Platform) – Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia.
WB tham gia tư vấn trợ giúp kỹ thuật cùng với Australia. Đây là một phần của Chương trình e-Gov lớn hơn đang thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam.
Được mời tham dự, TBT Cua Times rất ấn tượng với sự kiện tổ chức khá hoành tráng, nối videoconference live với 63 tỉnh thành, riêng Hà Nội bị “cá mập cắn cáp” nên không thấy tướng Chung.
Chất lượng video, audio như tivi, thông tin thông suốt, chứng tỏ hạ tầng ICT chuẩn và sẵn sàng cho e-Gov cùng nhiều ứng dụng phong phú.
Ngay sau khi khai trương có demo ký văn bản điện tử. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan dùng iPad trình văn bản Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia (E-Services) lên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Bộ trưởng Dũng ký xong và gửi lên Thủ tướng phê duyệt bằng chữ ký điện tử trên iPad.
Sau đó văn bản được gửi đi các tỉnh nhận được luôn, có bản in hẳn hoi giơ lên cho hội trường Hà Nội xem. Trong vài phút nhận và in kể cũng nhanh.
Demo diễn ra suôn sẻ, ngoại trừ iPad của cụ Phúc có vẻ bị “đơ” chắc chưa quen môi trường mới. Thay cái khác và thêm trợ giúp thì chạy OK.
Riêng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tỏ ra thành thạo dùng iPad, kéo thả, lên xuống, gõ mổ cò nhưng nhanh. Ông làm hội trường cười rộ khi ống kính tivi chĩa vào tay BT đang gõ password/chữ ký điện tử cho cả thế giới xem, ông cực nhanh lấy tay kia che luôn những chữ đang gõ nên người dự không đoán được mật khẩu.
Thật là tuyệt vời vì BT biết bảo mật thông tin, một tố chất vô cùng quan trọng trong thế giới internet lợi ích lớn nhưng cũng nhiều rủi ro và cạm bẫy.
Từ lưu trữ trên giấy đến PC và internet
Lễ khai trương làm mình rất vui vì nhớ lại năm 1986-1987 mình được cử lên VP Chính phủ giúp Tin học hóa Chính phủ thông qua việc giúp văn thư soạn thảo văn bản bằng máy tính XT.
Hồi đó VP do PTT Nguyễn Khánh làm sếp. Ông hiền khô, thỉnh thoảng gặp vẫn bắt tay mình. Họp hành ông mời dự như nhân viên của VP. Mình ra vào cái cổng số 2 Hoàng Hoa Thám, các anh bảo vệ nhẵn mặt.
Thời đó không có font chữ Việt nên toàn gõ không dấu, in bằng máy in kim rồi mang ra đánh dấu mà dân in ấn gọi là “ruồi ỉa”. Sau có font tiếng Việt và in được. Không phải đánh máy chữ Optima là đỡ lắm rồi, đỡ đau ngón tay, không mỏi.
Nhân viên văn thư có các chị đi TNXP về thuộc diện chính sách, gõ máy tính khá nhanh nhưng không biết tiếng Anh, phần mềm Word Perfect toàn tiếng nước ngoài nên hơi khổ.
Nhưng các chị thích vì thấy file lưu trên máy hôm sau vẫn còn, nếu có thư gửi cho nhiều tỉnh chỉ việc lôi ra và sửa lại vài từ là xong. Không phải đánh dòng “Cộng hòa XH…” là đỡ nhiều, chỉ cần copy/paste, gõ sai chữ lùi cursor lại sửa luôn được thế mới tài. Mà in mấy bản cũng ok.
Mỗi lần các chị thấy mình lên VP vui cực kỳ vì mình dạy chu đáo các lệnh DOS như DIR, DIR *.TXT, CD… tìm ra được những file lưu tháng trước, vui ơi là vui. Các chị còn bảo, có em gái sẽ giới thiệu cho anh IT Cua.
Rồi cụ Nguyễn Khánh chuyển đi, mình đi tây 4-5 tháng gì đó, dự án Tin học hóa VP Chính phủ do người khác phụ trách, rồi mình bôn ba thế giới, chả biết trong đó làm gì.
Giờ mình quay lại sau 30 năm không vào cổng cũ nữa mà tòa nhà mới xây gọi là Nhà Trắng cạnh Bách Thảo. Mọi thứ thay đổi khó tưởng tượng, còn e-Gov đã đi một bước khá dài. Hiện còn nhiều dự án khác đang thực hiện đồng thời như e-Cabinet, e-Services.
Đương nhiên để tiến tới E-Gov hoàn chỉnh thì công nghệ không là vấn đề mà não trạng cần thay đổi trong cách phục vụ mới quan trọng, qui trình và thói quen thay đổi từ Paper (dùng giấy) đến Paperless (không giấy) đó là mấu chốt của sự thành công.
Xưa kia tìm tài liệu trên PC đã là tài, nay mò vài giây bằng Google đã thấy còn tài hơn. Cơ hội thay đổi chính là ở việc số hóa. Trục Liên thông Văn bản Quốc gia là một thay đổi và cơ hội đó.
HM. 19-03-2019

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: