Việt Nam nằm trong nhóm nước nhập khẩu rượu đắt tiền, nhập ô tô hạng sang nhiều nhất, thậm chí có những loại ô tô vừa để triển lãm ở Đức, Mỹ, vài ngày sau khi vừa hết triển lãm đã về tới Việt Nam.
Phỏng vấn TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới.
Chơi ngông, chơi sang
– PV: Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp nhận chứng nhận khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng bậc nhất thế giới. Những thương hiệu đắt tiền bậc nhất về xe hơi, thời trang, trang sức… cũng đang hiện diện ở Việt Nam. Điều này có thể coi nghịch lý khi Việt Nam vẫn thuộc top các nước nghèo, mức lương trung bình chỉ nhỉnh hơn Lào và Campuchia? Ông bình luận như thế nào về điều này?
– TS Bùi Ngọc Sơn: Đầu tư như vậy, theo tôi là tính đường dài, tính triển vọng, dù sao Việt Nam cũng là nước có dân số gần 100 triệu người, kỳ vọng tương lai còn phát triển mạnh hơn nữa, cho nên những thị trường đồ xa xỉ sẽ phát triển.
Bên cạnh đó, họ đã nghiên cứu, thấy rằng cách tiêu dùng của người Việt, cũng giống như Trung Quốc, khi đã có bùng nổ về thu nhập, thì sẽ có phong cách chi tiêu mạnh mẽ, đó chính là triển vọng bán hàng, có thể bây giờ chưa lãi, nhưng trong tương lai sẽ phát triển lên.
Còn với Lào, Campuchia các nhà đầu tư xác định, cũng có thể phát triển nhưng đây là những thị trường nhỏ, không thể bằng Việt Nam. Chỉ cần đặt một giả thiết, nếu như Việt Nam phụ thuộc vào 1 trung tâm ở Trung Quốc thì sẽ rất xa cho vấn đề chi phí, như xe ô tô hạng sang, phải tính bao gồm chi phí trong khu vực, để bảo dưỡng, rồi các dịch vụ, bắt buộc phải đặt ở nơi tương đối hợp lý.
Đặc biệt, do tầm kinh doanh của các hãng đã nhắm vào phong cách chi tiêu chơi sang, chơi ngông, đã chơi thì sẵn sàng chơi hết mình của người Việt.
Tiêu dùng ăn chơi là những thứ thuộc dạng ghê gớm, nhưng người Việt thuộc nước uống bia nhiều nhất, nhập khẩu rượu lớn nhất, nhập ô tô hạng sang nhiều nhất, thậm chí có những loại ô tô vừa để triển lãm ở Đức, Mỹ, vài ngày sau khi vừa hết triển lãm đã về tới Việt Nam.
Thậm chí, họ có thể bỏ ra vài ngàn USD để cho các hãng đại lý để khi mà kết thúc triển lãm thì sẽ mang về Việt Nam ngay. Những khoản chi tiêu này quá hung hãn, cũng có thể vì những dấu hiệu như thế mà các hãng nhận thấy rõ ràng có nhu cầu kiểu chơi như thế rất mạnh, nên mới đặt các trụ sở ở Việt Nam.
– Đồng ý rằng những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng sang trọng nhằm tới mục tiêu phục vụ khách nước ngoài. Thế nhưng phải hiểu như thế nào về những chiếc xe hơi có một không hai trên thế giới, trào lưu đua nhau xây trụ sở… như cung điện đã được chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm “kiểu đại gia” của nhiều cán bộ dự án…? Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích, ai là những người được xài sang ở Việt Nam?
– Theo tôi tất cả những việc này xảy ra đều là do cách quản lý. Nếu như đi theo dự án mà chỉ cưỡi ngựa xem hoa, dùng tiền ngân sách, chi ra cho các đoàn thì quá đáng chê trách.
Hơn nữa, chuyện đi học hỏi chủ yếu giải quyết về mặt chính sách, mà không quan tâm đến kinh nghiệm, trách nhiệm của những người đi làm việc. Đắng lòng, có một thực tế phũ phàng đang diễn ra, nếu là công ty tư nhân thì dứt khoát các chuyến đi này sẽ rất hiệu quả, họ sẽ phải lăn lộn, xem xét học để làm. Trong khi anh đi theo ngân sách thì chỉ đi ngắm cảnh, như vậy thì sẽ không bao giờ có hiệu quả, chỉ coi đi làm cho có trách nhiệm, để về báo cáo.
Cho nên, tôi cho rằng, chừng nào vẫn còn dựa vào ngân sách để mà chi tiêu cho các hoạt động kiểu này thì không bao giờ thu lượm được gì từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo tôi, xài sang còn 1 vấn đề nữa, đó chính là cách thức kiếm tiền của những người cảm thấy quá dễ dàng, kể cả quan chức. Trung Quốc cũng là 1 thị trường tiêu xài 1 cách bừa bãi, thể hiện sự sĩ diện là chính. Thế nhưng, khám phá mới thấy tham nhũng hiện nay đang diễn ra khủng khiếp, đồng tiền tham nhũng lấy được dễ dàng, nên chi tiêu cũng rất ghê gớm.
Chi tiêu ở Việt Nam đang là dấu hiệu cảnh báo tình trạng tham nhũng cũng rất cao, mà người trên càng tiêu xài hoang phí thì người dưới sẽ phải đóng thuế vất vả là điều tất yếu.
Chuyện buồn cười từ cái ô tô
– Trở lại vấn đề GDP, mức lương trung bình thấp, nhiều chuyên gia đã lý giải đó là do Việt Nam có nền kinh tế gia công, khai thác và bán tài nguyên thô. Vậy phải hiểu sự “sang” này có nguồn gốc từ đâu? Có phải điều đáng mừng khi chúng ta có nhiều người “sang” đến thế, trong khi mức sống của đại đa số người dân vẫn vô cùng chật vật?
– Thứ nhất, hiện tượng này báo hiệu cho vấn đề bất bình đẳng hiện nay đang gia tăng lên rất nhiều, xài sang tập trung vào một số người. Thứ hai, kinh tế hiện nay ở vào trạng thái khi đã thu lượm được tiền một thời gian, nhưng cảm thấy tiền không đầu tư được vào đâu, nên lại phải dùng để chơi bời, tâm lý kiếm tiền, thích tiêu, thỏa mãn nhu cầu bản thân.
Nguyên nhân là bởi trên thị trường không tạo ra sự cạnh tranh, mà có muốn cạnh tranh cũng không được, bởi vì hiện nay nó đang tạo sự không công bằng, không đáp ứng được cái thu về.
Trong khi có những người rất nhởn nhơ, nhờ vào những mối quan hệ kiếm tiền dễ dàng. Để thấy được rằng, động cơ của xã hội không hướng cho con người phát triển để tạo ra của cải, hướng sang chuyện tìm cách cạnh tranh nhau để kiếm vị trí thuận lợi.
Mặt khác, ở các nước mức độ cạnh tranh rất cao, tiền có được là do làm việc, vị trí có được là do bản thân mỗi người tạo ra, chứ không ai ban phát cho, nhưng Việt Nam lại có chuyện này.
Cũng giống như bóng đá, muốn giữ chân một tiền đạo thì phải liên tục đi thi đấu hiệu quả, nếu như 1 vài trận xuống phong độ, huấn luyện viên sẽ sẵn sàng thay người khác. Có tạo ra áp lực như vậy thì con người mới hướng đến chuyên môn, tạo ra sản phẩm, đóng góp cho xã hội.
Hơn thế, nền văn hóa Việt Nam có rất nhiều lễ hội, nên có tiền thì lại muốn ngồi chơi lễ hội cả tháng, chính vì vậy, nền kinh tế, nền văn hóa không có áp lực cạnh tranh.
Câu chuyện này, bắt nguồn từ vấn đề tổ chức xã hội kém, không bảo vệ được bản quyền nên không ai sáng tạo. Trong cơ quan nhà nước làm việc tốt những sếp không bằng lòng thì cũng không để làm gì, nhưng người có quan hệ tốt, nhưng được sếp khen, nhờ đó lại có vị trí ngon.
Tôi cho rằng, chuyện xài sang thì cũng không có gì đáng mừng, chỉ có những người cụ thể được hưởng thì mừng, còn xét về mặt quốc gia là hoàn toàn không tốt.
Phải biết quản lý sao cho hợp lý, để xóa bỏ được văn hóa thích bằng chị bằng em của người Việt. Buồn cười là, đáng lẽ ra người ta làm được cái ô tô thì mình phải cố gắng nghĩ làm sao làm được cái như thế, không thì phải tốt hơn, nhưng cũng không làm được, lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao mua sắm được cho bằng chị, bằng em.
– Việt Nam không làm được cái vỏ bao bì Samsung nhưng tỷ lệ số người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền như vậy cao hơn nhiều so với những nước có mức thu nhập trung bình cao hơn. Đó có phải là một sự phản chiếu mờ những sự “sang” của đại gia hay của những người đặc tuyển nói trên? Phải lý giải việc một đất nước chưa giàu mà đã tâm lý phổ biến là xài… “sang” như Việt Nam như thế nào?
– Văn hóa là cố hữu từ xưa, nên có thay đổi được hay không lại liên quan đến điều kiện kinh tế và cơ chế. Phải tạo ra được sự cạnh tranh, không làm thì mất việc, đã không có tiền thì không cho vay tiêu xài, phá sản thì phải chịu.
Còn nếu xã hội mà các vị trí do quan hệ mà có, không tạo ra áp lực cạnh tranh, kiếm ra tiền dễ dàng, thì sẽ càng thích thể hiện, càng bùng phát tiếp tục. Điều đầu tiên là phải thay đổi cơ chế mà trong đó con người muốn phát triển được, muốn có tên tuổi, nhiều tiền thì phải thật sáng tạo. Nếu không làm được thì chúng ta sẽ lại tiếp tục sống với lề lối văn hóa tiêu xài dữ dội hơn.
Tôi khẳng định, nếu đưa vào quỹ đạo thì sẽ thay đổi được, sẽ bắt con người làm việc nhiều hơn, sẽ thấy áp lực đồng tiền kiếm ra là rất khó, nên phải có kế hoạch không tiêu xài bừa bãi.
Theo THANH HUYỀN / ĐẤT VIỆT ONLINE (2014)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét