Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

EU sẽ ký EVFTA với Việt Nam 'trong hè này'


Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Image captionĐại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nói về lộ trình ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng, Ông Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng giải thích liệu nhân quyền có là chủ đề thuộc đàm phán EVFTA hay không.
BBC: Ông có thể khái quát về EVFTA và ý nghĩa của nó?
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là một hiệp định lớn nhằm tự do hoá thương mại và dịch vụ giữa Việt Nam và EU. Tại châu Á, chúng tôi đã ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại với các nước Hàn Quốc (2010), Nhật Bản và Singapore (2018). Hiện chúng tôi đã sẵn sàng ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam vào mùa hè năm nay và hy vọng sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua sau đó.
Khi FTA được thực thi, thời gian đầu, 70% các mặt hàng và dịch vụ sẽ được tự do hoá giữa Việt Nam và EU, và trong 10 năm tới gần 90% các mặt hàng và dịch vụ sẽ được miễn thuế. Vì vậy, đây là một hiệp định quan trọng tăng cường mậu dịch cho cả Việt Nam và EU, đánh dấu mối quan hệ hợp tác mở rộng mà chúng tôi có được với Việt Nam.
Hiệp định này quan trọng vì nó giúp phát huy vị thế cạnh tranh của Việt Nam, và hội nhập kinh tế Việt Nam vào thương mại thế giới cũng như kết nối thị trường châu Âu với thị trường Việt Nam. Không những thế, nó còn giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong và ngoài ASEAN, vì đây không chỉ là hiệp định thương mại giữa EU với Việt Nam mà còn là chiến lược phát triển của EU với cả châu Á.
So với các nước mà chúng tôi đã ký kết hiệp định thương mại tự do, Việt Nam là nước kém phát triển hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ là bàn đạp, cho phép EU đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong vài năm tới. Nếu mối quan hệ hợp với Việt Nam thành công thì EU sẽ có thể tiếp cận thị trường ASEAN dài hạn.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionEU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
BBC: Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã đệ trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký. Ông có thể cho biết rõ thêm về tiến trình ký kết và chuẩn thuận?
EVFTA có hai phần chính bao gồm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm tự do hoá các mặt hàng và dịch vụ, và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) nhằm bảo hộ cho các dự án đầu tư của Việt Nam ở châu Âu và ngược lại. FTA và IPA có đến 3,000 trang và chúng tôi đang xử lý. Đầu tiên, hai hiệp định này cần được dịch ra tiếng Việt và 23 ngôn ngữ chính thức khác ở Châu Âu.
Uỷ ban châu Âu (EC) đã thống nhất nội dung các hiệp định và gửi chúng cho Hội đồng châu Âu và các nước thành viên xem xét. EC phải nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng châu Âu và các nước thành viên thì mới tới Hà Nội để ký kết các hiệp định được.
Theo đó, các hiệp định đang được các nước thành viên Hội đồng châu Âu xem xét, trong khi dịch vụ pháp lý của Hội đồng đang xem lại các bản dịch. Chúng tôi phải đảm bảo rằng các điều khoản pháp lý trong 23 bản dịch phải giống nhau hoàn toàn. Ban ngôn ngữ của Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ đang xem lại nội dung để đảm bảo tính tương đồng của các bản dịch.
Vào cuối tháng 5/2019, chúng tôi sẽ liên lạc với Hội đồng châu Âu. Hy vọng là vào cuối tháng 5/2019 hoặc đầu tháng 6/2019, Hội đồng châu Âu sẽ đưa ra quyết định đồng ý cho bà, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström, đến Hà Nội để ký các hiệp định.
Sau đó, trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 7/2019, bà Malmström sẽ đến Hà Nội để ký kết. Tiếp đến là đến sự phê chuẩn. Trước mắt hai bên phải ký kết các hiệp định đã, sau đó chúng tôi sẽ đệ trình các hiệp định đã ký kết cho Nghị viện châu Âu thông qua.
Từ 23-26/5/2019 sẽ có bầu cử Nghị viện châu Âu. Một Nghị viện mới sẽ được bầu ra và họ sẽ xem xét các hiệp định đó. Hy vọng là sau mùa hè hoặc đầu tháng 10/2019, Nghị viện mới sẽ thông qua các hiệp định. Theo tôi đoán thì Nghị viện mới sẽ xem xét các hiệp định ngay nhưng họ cũng cần thêm ít nhất một tháng trước khi phê chuẩn.
Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, PhápBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionNghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp
BBC: Tức là nhìn một cách thực tế thì FTA và IPA sẽ sẽ được ký kết sau tháng 5/2019?
Đúng vậy, trong mùa hè này. Tôi đoán là từ cuối tháng 5/2019 đến cuối tháng 8/2019. Sau đó là đợi Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
BBC: Mới đây, EU có cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền với Việt Nam. Một số tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam muốn EU xem xét vấn đề nhân quyền song song với EVFTA. Hai chủ đề này có gắn kết với nhau hay không?
Quan hệ hợp tác của EU với Việt Nam rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề. Đầu tiên, mục tiêu chính là giúp Việt Nam trở thành một quốc gia ổn định, thịnh vượng và tự do. Vì vậy, EU rất ủng hộ chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ông hỏi tôi về mối liên quan giữa thương mại và nhân quyền thì tôi xin phép được trả lời như sau.
Về phía EU, khi hợp tác thương mại với Việt Nam, chúng tôi mong rằng đó là quốc gia khiến chúng tôi tự hào khi được hợp tác cùng và Việt Nam sẽ phát triển thành một nước tự do và thịnh vượng. Do đó, nhân quyền có vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với Việt Nam.
Hàng năm, chúng tôi đã có các cuộc đối thoại về nhân quyền với Việt Nam tại Brussels hoặc Hà Nội. Nhân quyền là một phần của FTA. Trong FTA, cả hai bên cam kết tôn trọng các nguyên tắc chủ chốt của Liên Hợp quốc (UN) về nhân quyền và quyền tự do cơ bản. Tuy nhiên, chúng tôi không có các điều kiện cụ thể về nhân quyền trong FTA.
Nhân quyền nằm trong một thoả thuận hợp tác khác rộng hơn giữa EU với Việt Nam, và FTA cũng chỉ là một nhánh trong thoả thuận hợp tác này mà thôi. Và theo thoả thuận này, chúng tôi đã có các cuộc đối thoại thường xuyên về nhân quyền với Việt Nam. Thông thường, hiệp định thương mại là về thương mại. Chúng tôi chỉ cam kết thực hiện các điều khoản mà chúng tôi ký kết. Mọi người cũng đã thấy các điều khoản rồi.
Chúng tôi cũng đã nói với Chính phủ Việt Nam rằng, ký kết thoả thuận là một chuyện, còn ý kiến của công chúng châu Âu về thoả thuận này là một chuyện khác, quan trọng hơn. Nghị viện châu Âu là cơ quan phê chuẩn FTA, và chúng ta biết đấy ở đó có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nghị viện châu Âu tôn trọng dân chủ mạnh mẽ và gồm có nhiều nhóm chính trị khác nhau. Chắc chắn Nghị viện sẽ thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam khi chúng tôi đệ trình các hiệp định đã ký cho Nghị viện thông qua.
Vậy nên, chúng tôi cho rằng Nghị viện sẽ thảo luận về nhân quyền, còn chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Việt Nam về vấn đề này một cách xây dựng. Mục tiêu chung của chúng tôi đó là thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng và tự do ở cả Việt Nam và châu Âu. Có thể ở một thời điểm khác, vấn đề nhân quyền cũng sẽ có cái nhìn khác đi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề nhân quyền với Việt Nam.
Đây được gọi là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vì nó mang lại nhiều quyền hạn hơn cho EU. Trong quá khứ, IPA sẽ được đưa ra riêng rẽ bởi các nước thành viên EU, nhưng hiện nay EU sẽ đưa ra một IPA chung cho tất cả nước khi hợp tác với Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi có có tham vọng rất lớn trong thoả thuận hợp tác lần này với Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với các nước chúng tôi đã hợp tác trước đây. Thoả thuận này không chỉ thiên về hợp tác thương mại mà còn đánh dấu một chương mới về phát triển bền vững. Đây sẽ là một thoả thuận hợp tác hiện đại, có tham vọng và sâu rộng.
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom tại họp báo về hiệp định với Việt Nam hôm 17/10Bản quyền hình ảnhEPA
Image captionỦy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom tại họp báo về hiệp định với Việt Nam hôm 17/10
BBC:Ông có nhắc đến cụm từ 'phát triển bền vững'. Có phải ông đang nói đến vấn đề chính sách cho người lao động và biến đổi khí hậu không?
Đó là lý tại sao tôi nói hiệp định lần này rất có tham vọng và là hiệp định thế hệ mới. Nó sẽ bao gồm rất nhiều thứ, không chỉ là tự do hoá thương mại mà còn là thương mại công bằng giữa EU và các đối tác.
Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, việc hợp tác kinh doanh và xuất khẩu thương mại với Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp chúng tôi, mà còn cho cả người lao động và người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi rất mong được hợp tác với Việt Nam để thực hiện các thoả thuận thương mại này, bao gồm phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là thông qua thương mại, chúng ta có thể bảo vệ môi trường, đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, và bảo vệ rừng quốc gia của Việt Nam. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, gỗ xuất khẩu từ Việt Nam được khai thác theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ rừng.
Thông qua thương mại, chúng tôi cũng mong muốn có thể bảo vệ quyền của người lao động ở cả châu Âu và Việt Nam. Về cơ bản, chúng tôi làm việc với cả hai bên để thông qua quy ước chung của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và sau đó thực hiện quy ước này tại Việt Nam và châu Âu. Chúng tôi cũng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động.
FTA và IPA là các hiệp định trung lập về cách tổ chức kinh tế. Chúng tôi không cam kết với bên Việt Nam hay châu Âu trong việc thay đổi số lượng công ty nhà nước. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp châu Âu có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước tại Việt Nam.
Nghĩa là các doanh nghiệp châu Âu có thể đấu thầu công bằng ở Hà Nội hay TP.HCM, và không có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Theo đó, chúng tôi được phép tiếp cận thị trường bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: