Gặp chứng mất ngủ kinh niên, thiếu ngủ, muốn xây dựng gia đình nhưng mệt mỏi đến mức không thể dành thời gian cho nhau... Đây là những vấn đề mà hàng trăm người trẻ làm việc trong ngành công nghệ của Trung Quốc phải đối mặt.
Yu Haoran - 26 tuổi, là một chuyên gia khoa học máy tính, sáng lập Jisuanke vào năm 2014. Jisuanke là một start-up dạy trẻ em lập trình, được thành lập ở quận Zhongguancun - khu công nghệ cao lâu đời được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Yu làm việc hàng đêm, kể cả cuối tuần để phát triển start-up của mình từ một nhóm gồm 10 lập trình viên cho tới một công ty đạt mức định giá 200 triệu NDT (29,8 triệu USD) nhờ vốn đầu tư mạo hiểm. Nhưng tất cả sự thành công đó được đánh đổi bởi chứng mất ngủ kinh niên và đôi khi là giấc ngủ 2 tiếng mỗi đêm.
Yu chia sẻ: "Tôi chưa từng nghĩ đến việc sống một cuộc sống bình thường. Bởi tôi đang xây dựng một thứ gì đó, trước khi nó được hoàn thành thì sẽ không có bất kỳ điều gì khác trong đầu tôi."
Năm ngoái, mỗi tuần Trung Quốc lại xuất hiện 4 tỷ phú mới, khối tài sản của họ thường đến từ lĩnh vực công nghệ và bất động sản, theo Hurun Report. Trong mỗi câu chuyện thành công đều có những người làm việc đến lao lực với mong muốn trở thành Jack Ma thứ 2.
SCMP đã có cuộc trò chuyện với một số người trẻ đang làm việc tại Zhongguancun và những nơi khác tại Bắc Kinh, ghi lại bức tranh cuộc sống ở Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Trong ngành công nghệ Trung Quốc, các doanh nhân cũng như nhân viên trẻ đều phải làm việc rất cật lực đến mức kiệt sức, không còn năng lượng cho những mối quan hệ bên ngoài công việc.
Khu nghĩa địa thời phong kiến trở thành thiên đường start-up
Zhongguancun từng là khu nghĩa địa từ thời phong kiến, nằm ở phía tây bắc của Đường vành đai Bốn mươi Bắc Kinh, một trong những đường cao tốc chính bao quanh thành phố này. Trong 3 thập kỷ qua, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các thế hệ start-up công nghệ và internet của Trung Quốc - từ nhà sản xuất máy tính Lenovo cho tới cổng thông tin Sina. Theo chính quyền địa phương, mỗi ngày có tới 80 start-up công nghệ được ra đời ở Zhongguancun.
Trong những năm gần đây, Zhongguancun trở nên đông đúc và đắt đỏ hơn, điều này khiến nhiều công ty lớn hơn phải chuyển văn phòng tới nơi khác và những nơi như thế lại trở thành trung tâm công nghệ mới của Bắc Kinh. Có thể kể đến Xierqi, nằm ở phía tây bắc, Baidu, Sina, NetEase và Didi đã xây dựng khuôn viên tại đó. Một nơi khác là Wangjing ở phía đông của thủ đô hiện là trụ sở của tập đoàn Meituan Dianping, ứng dụng hẹn hò Momo và trụ sở khác của Alibaba.
Yu, 26 tuổi, là nhà sáng lập của Jisuanke. Dù còn rất trẻ, nhưng anh phải đối mặt với chứng mất ngủ kinh niên vì công việc quá áp lực.
Tuy nhiên, công nhân của những công ty này lại gặp phải một vấn đề khác: tắc đường. Người Trung Quốc thường nói đùa rằng nút thắt thực sự trong sự phát triển internet của nước này là tình trạng tắc đường ở đường Houchang Village, một tuyến đường 4 làn nằm cạnh khuôn viên rộng lớn của các công ty công nghệ lớn ở rìa Xierqi. Ở đây, công nghệ lại phát triển nhanh hơn cơ sở hạ tầng.
Yang, 33 tuổi, là người Bắc Kinh, anh sống cùng vợ và bố mẹ, làm quản lý sản phẩm cho một công ty internet ở Xierqi. Mỗi ngày anh thức dậy lúc 6 giờ sáng, thời gian di chuyển đến chỗ làm mất tới 2 tiếng rưỡi với 2 chuyến tàu điện ngầm và một chuyến xe buýt. Anh cho hay: "Chỉ cần trên xe còn chỗ trống, tôi có thể ngủ bất kể đường gập ghềnh hay xe có đông người đến thế nào."
Trong khi đó, một số người khác lựa chọn thuê trọ gần công ty để tránh "cơn ác mộng" phương tiện công cộng. Bu, một chuyên viên marketing, khoảng 20 tuổi, mới chuyển đến một khu nhà có tuổi đời vài thập kỷ, nhưng chỉ mất 10 phút để đi bộ đến nơi làm việc. Cô sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ với 2 người khác, tiền thuê nhà mỗi tháng là 4000 tệ (598 USD). Vì nhu cầu cao, giá thuê thậm chí còn cao hơn căn hộ cũ của cô ở trung tâm Bắc Kinh, nằm ở quân Chaoyang hiện đại. Ngoài ra, cũng rất khó khăn để đến các cửa hàng cafe, nhà hàng hay triển lãm nghệ thuật như Bu hay đi khi còn sống trong trung tâm thành phố. Cô nói: "Tôi cảm thấy như mình đang bị 'lưu đày' từ Bắc Kinh."
Không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, làm việc theo quy tắc '996'
Các công ty công nghệ Trung Quốc thường muốn nhân viên làm việc nhiều giờ để chứng minh cho sự cống hiến của họ. Vì vậy, họ đặt ra một lịch trình được gọi là "996": 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Vợ của Yang, 29 tuổi, cũng làm quản lý sản phẩm tại Wangjing. Khi hai vợ chồng về đến nhà sau một ngày làm việc dài thì đã là nửa đêm. Họ rất cố gắng và mong muốn có một em bé, nhưng đáng buồn là họ quá mệt mỏi cho "chuyện chăn gối". Yang đang lo lắng rằng vợ mình khi bước sang tuổi 30 sẽ rất khó để mang bầu, anh nói: "Tôi hy vọng chúng tôi sẽ sớm có con."
Ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân ngày càng bị "xoá nhoà" bởi những phúc lợi của công ty như được ăn uống và di chuyển miễn phí, phòng tập gym và cửa hàng cắt tóc và nhiều hình thức giải trí khác ngay tại khuôn viên. Dẫu vậy, các nhân viên làm việc tại đây cho biết họ cảm thấy mình bị bóc lột.
Wang, một quản lý sản phẩm 26 tuổi , chia sẻ: "Họ muốn giải quyết tất cả các vấn đề trong cuộc sống của bạn. Nó giống như, đừng nghĩ đến bất kỳ thứ gì khác, chỉ làm việc thôi." Công ty của cô cung cấp rất nhiều dịch vụ miễn phí như làm móng, massage, dán màn hình điện thoại...
Tuy vậy, những phúc lợi đó cũng không giúp các nhân viên trụ lại lâu hơn. Tại Thung lũng Silicon, thời gian trung bình làm việc là 3,65 năm, trong khi các công ty công nghệ Trung Quốc thì chưa đến 2,6 năm, theo dữ liệu từ Maimai.
Một số làm việc đến chết, số khác nhận ra cân bằng giữa công việc cuộc sống mới là quan trọng
Thậm chí, còn có những trường hợp đáng buồn xảy ra đó là một số nhân viên trẻ tử vong do làm việc quá sức, theo truyền thông đưa tin. Năm 2015, Li Junming, một nhà phát triển của Tencent, đột tử khi đang đi dạo với người vợ đang mang bầu.
Một năm sau đó, Jin Bo, 34 tuổi, phó tổng biên tập của diễn đàn trực tuyến Tianya, bất ngờ bị suy tim tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Năm ngoái, một nhân viên 25 tuổi làm việc tại nhà sản xuất máy bay không người lái - DJI, cũng qua đời với nguyên nhân tương tự.
Hiện tại, Yang đang cân nhắc về tương lai. Với 10 năm kinh nghiệm, anh đang nắm giữ một vị trí cấp trung tại một công ty internet hàng đầu nhưng cũng đã đạt mức trần trong sự nghiệp. Anh tự so sánh mình với một công nhân xây dựng, một người kiếm nhiều tiền nhờ cường độ làm việc cao nhưng dễ dàng bị thay thế bởi lao động trẻ và rẻ hơn. Yang tính đến việc điều hành một doanh nghiệp tại nhà, để có nhiều thời gian cho gia đình. Anh nói: "Tôi sẵn sàng hỗ trợ cho sự nghiệp của vợ và chăm sóc gia đình."
"Khi nhìn vào Trung Quốc, bạn sẽ thấy chính quyền các địa phương đều rót vốn cho bạn và mỗi thành phố đều có các cơ sở "ươm mầm" và trung tâm công nghệ riêng, nhưng không ai biết rằng nó có thực sự hiệu quả", Jetle Wingender, một quản lý cấp cao tại Innoway, vườn ươm tại Zhonguangun được chính phủ hỗ trợ. Wingenger cho biết, trong tương lai, số lượng doanh nhân cần phải giảm bớt, nhưng "tập trung và chất lượng tốt hơn."
Wingender nói thêm: "Một điều mà những nhà sáng lập hay các start-up kỳ lân ở Trung Quốc chưa tìm ra đó là làm thế nào để trở thành một doanh nghiệp bền vững. Nếu vẫn tiếp tục quy tắc làm việc kéo dài nhiều giờ đến thế trong 10 năm, thì mọi người sẽ không còn cuộc sống cá nhân, họ cũng sẽ không có con và 'phát điên'."
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét