Như chúng ta đã biết, nước Nga dân chủ có chủ quyền cũng ra đời từ những mâu thuẫn, xung đột, đụng độ gay gắt rất gần với nội chiến. Trong những năm qua, chúng ta đã trải qua hai giai đoạn của cuộc cách mạng dân chủ. Ở giai đoạn đầu đã gạt bỏ phe Cộng sản khỏi chính quyền, trong giai đoạn thứ hai – xóa bỏ các Xô viết, nói như V.I. Lenin, là cơ quan của chuyên chính vô sản. Việc G. Zjuganov thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống mùa hè năm 1996 được nhiều nhà phân tích đánh giá là giai đoạn thứ ba và là cuối cùng của cuộc cách mạng dân chủ, chống CNCS. Nói cách khác, đã rút ra kết luận là phe Cộng sản sẽ không bao giờ có thể trở lại cầm quyền ở nước Nga nữa.
Thế nhưng, tôi thì chắc là đã không nói một cách khẳng định như thế về tương lai của những người Cộng sản. Một mặt, điều đó có lẽ không chỉ phụ thuộc vào những người cộng sản, mà chủ yếu là tùy thuộc vào những người đối lập với họ đang cầm quyền. Phụ thuộc vào trình độ quản lý đất nước của họ, việc giải quyết những vấn đề xã hội đang khiến quần chúng bất bình, những cái tạo điều kiện để ảnh hưởng của phe Cộng sản được tăng thêm. Mặt khác, tôi nghĩ rằng không nên chỉ bó hẹp vấn đề ở phe Cộng sản. Nếu không khí bất mãn trước tình trạng hiện nay vẫn duy trì trong đông đảo các tầng lớp nhân dân, vẫn mất ổn định thì lên nắm chính quyền có thể sẽ không phải là phe cộng sản, mà là một lực lượng nào đó khác, tạm cho là “một đảng của trật tự”, với “bàn tay sắt” nó sẽ lập lại trật tự mà không cần lưu ý mấy cả đến những chuẩn mực dân chủ lẫn các quyền và tự do dân sự. Song chúng ta thử đặt câu hỏi: cái gì gây nên tình trạng bất ổn định ở nước Nga? Tôi xin chia câu trả lời ra thành hai phần: Một là những nguyên nhân ai cũng đã thấy rõ, bởi chúng đã đập ngay vào mắt tất cả chúng ta và chủ yếu mang tính chất tình huống và hai là những nguyên nhân sâu xa hơn và có tác động lâu dài hơn. Nhóm nguyên nhân thứ nhất gồm:
+ chính quyền không biết cách thu thuế và kịp thời trả lương tháng, lương hưu trí, trợ cấp quân nhân…
+ không biết cách kịp thời điều chỉnh đường lối cải cách nếu như trong điều kiệm cụ thể của nước Nga, tình hình diễn ra không giống như mong muốn, hoặc không giống như nó diễn biến ở Czech, Hungary, Slovenia là những nước no đủ hơn, có tổ chức và văn minh hơn;
+ không biết thường xuyên đối thoại với nhân dân, đồng thời giải thích nững nguyên nhân và hậu quả của bước đi (biện pháp) này hay khác;
+ không biết kịp thời phế bỏ những thành viên yếu kém rõ rệt hoặc đã mất uy tín trong êkip chính phủ;
+ đã chần chừ quá lâu trong việc nói cho dân biết về lý tưởng xã hội mới, tư tưởng dân tộc mới…
Còn những nguyên nhân thuộc nhóm thứ hai, theo tôi, gồm:
Một là, trong những năm Chính quyền Xô viết đã xây dựng được một nền kinh tế khá hùng mạnh và phát triển, nhưng than ôi, chủ yếu lại là nhằm phục vụ cho những nhu cầu chiến tranh. Còn nền kinh tế dân sự thì yếu kém, không có khả năng cạnh tranh. Trong điều kiện đóng cửa, cách ly với thế giới, nó vẫn hoạt động được một cách tàm tạm, nhưng khi mở cửa, cạnh tranh thì sản phẩm của nhiều doanh nghiệp trong nước không tìm được người tiêu dùng. Không thể cho phép tình trạng từ phát tàn phá nền kinh tế của chúng ta mà phải bằng cách nào đó chuyển hóa nó. Tạm thời thì chưa thấy có tâm và lực gì nhiều để làm việc này. Nhưng cũng không thể đóng cửa nền kinh tế, nếu không muốn đẩy đất nước ngày càng tụt hậu và cuối cùng – là thoái hóa hoàn toàn. Một thực tế hiển nhiên là ở thời điểm giao thừa thiên niên kỷ mới đã không còn chỗ cho những nền kinh tế đóng cửa.
Hai là, xã hội nghèo. Nó đã nghèo cả trong những năm chính quyền Xô viết, nhưng lúc đó nó còn có lý do biện hộ che dấu. Phần lớn dân chúng nghèo, còn cuộc sống xã hoa của tầng lớp quan chức cốt cán thì được bưng bít nên không đập vào mắt phần lớn các công dân. Giờ đây, sự tương phản giàu nghèo trong xã hội đúng là làm gai mắt người ta, còn bọn “người Nga mới” thì xử sự còn hơn cả những thương gia Nga giàu sụ ngày xưa mà sách báo đã tả. Mà xã hội thì chỉ ổn định được một khi con số người nghèo và giàu đại thể bằng nhau (tỷ lệ mỗi loại khoảng 10%), số dân còn lại thì no đủ, gọi là giai cấp trung lưu. Nhưng muốn hình thành được tỷ lệ đó phải mất nhiều chục năm, quá trình này không thể đẩy nhanh chừng nào nền kinh tế chưa tăng trưởng nhanh. Ở đây, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy rằng khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh thì thực sự chỉ mất 20 năm đã diễn ra một cuộc cách mạng sâu sắc về cơ cấu xã hội chính là theo hướng mở rộng giai cấp trung lưu.
Ba là, ở nước Nga, không giống bất kỳ nước nào khác trên thế giới, vẫn còn tình trạng ý thức dân tộc bị phân hóa. Hai phái “sính phương Tây” và “chuộng Slav” đó là hiện thực của hôm nay, chẳng khác gì thời giữa thế kỷ trước. Song, dường như có một sự thôi thúc ta phải dùng một cách gọi khác nữa – “giả sính tây” và “giả chuộng Slav”. Nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng đang tốn quá nhiều tâm sức vào cuộc đấu tranh với chính bản thân mình. Cũng chính vì nguyên nhân này, rất khó để ra được một triết lý dân tộc mới cho nước Nga hiện nay, một nước Nga mới, dân chủ, chó sức nặng hiện thực và chỗ đứng của nó trong cộng đồng thế giới. Chúng ta vẫn cứ bị cám dỗ, ám ảnh bởi “tính đặc biệt”, “tính độc đáo”, bởi tham vọng giải quyết những nhiệm vụ có tính toàn cầu, bởi sứ mạng cứu thế, và chúng ta thường vẫn tư duy bằng những phạm trù của một siêu cường đã chết, và điều đó thật nguy hiểm. Bởi chúng ta càng nhanh chóng ý thức được rằng sức mạnh của một dân tộc không phải là ở số lượng xe tăng và tên lửa, mà cũng không phải ở chỗ người ta phải sợ nó, mà là ở nền kinh tế có hiệu quả, ở các công nghệ mới, ở một nền giáo dục y tế tốt đẹp hơn, ở mức tuổi thọ cao, đời sống tinh thần cao và điều dễ hiểu là ở chỗ các công dân được hưởng cuộc sống dư dật (và, “để phòng xa”, ở chỗ nó có “cái ô hạt nhân” như là một nước) thì sự hồi sinh của chúng ta càng chóng tới bấy nhiêu.
Bốn là, sự ổn định trong xã hội rõ ràng là còn chịu ảnh hưởng của tính chất đa dân tộc của xã hội Nga, cả tính chất dang dở của quá trình tạo sự hài hòa cho các quan hệ giữa trung tâm và các khu vực. Nhiều nhà chính trị và nhà phân tích đã từng hù dọa xã hội là nước Nga có thể sẽ tan rã. Chuyện đó chỉ chấm dứt sau khi xóa bỏ được tình trạng hai chính quyền song song tồn tại vào năm 1993.
Nhưng nói chung thì bước quá độ của nước Nga từ hình thái xã hội này sang hình thức xã hội khác, cũng như từ chế độ nhà nước cũ sang một chế độ nhà nước mới, mặc dù có di sản của đế chế – Bolsevich, đang diễn ra hoàn toàn không phải theo một kịch bản tồi tệ nhất đại loại như trường hợp của Nam Tư. Song, như người ta thường nói, cuộc thí nghiệm còn chưa kết thúc, và hiện thời chỉ có thể nói tới một cách chung nhất những tính quy luật của thời kỳ quá độ từ CNXH hiện thực sang những hình thức tồn tại mới. Lịch sử vẫn còn đang viết tiếp.
Nguồn: TĐB 97 – 15 & 16
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét