Thứ hai, thực tế là ở tất cả các nước hậu XHCN của châu Âu, phe Xã hội – Dân chủ hiện nay đều là người của phe Cộng sản hôm qua. Điều này cũng đúng cả với những thủ lĩnh của họ. Còn ở Nga thì do hàng loạt nguyên nhân khách quan và chủ quan, sự tiến hóa của Đảng cộng sản lại diễn ra theo một kịch bản khác hẳn: không phải đi theo hướng Xã hội – Dân chủ, mà ngả theo hướng chủ nghĩa dân tộc – bolsevich. Ngôn từ của thủ lĩnh Đảng Cộng sản Liên bang Nga là ngôn từ không chỉ của người cộng sản, mà chủ yếu là của những người theo chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa dân tộc yêu nước. Có thể giả định rằng do tác động của thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống và chịu sức ép của các đồng minh trong Liên minh Nhân dân yêu nước Nga, Đảng Cộng sản Nga và thủ lĩnh của nó rốt cuộc sẽ cũng phải dịch về phía Xã hội – Dân chủ. Thiết nghĩ, nếu như những người Cộng sản vẫn còn có tương lai thì đó chỉ có thể có trên con đường này. Nếu không họ hoặc sẽ bị gạt ra rìa, hoặc sẽ chuyển sang lập trường dân tộc chủ nghĩa công khai. Người Nga đã không còn chấp nhận những tư tưởng của CNCS, và nếu hàng triệu người Nga bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản Nga và cho chính cá nhân Zjuganov thì điều đó tuyệt nhiên không phải vì ưu ái gì những tư tưởng của CNCS, mà là vì không ưa cái trật tự hiện nay.
Thứ ba, và có lẽ là cái chủ yếu, là trước khi bước vào giai đoạn lịch sử của con đường phát triển theo hướng Xã hội – Dân chủ, nước Nga phải trải qua giai đoạn lịch sử của con đường phát triển nhà nước – dân chủ. Vấn đề là ở chỗ, khác với các nước hậu XHCN ở châu Âu (và thậm chí là phần lớn các nước cộng hòa khác) nước Nga thực tế chưa có chế độ nhà nước của mình. Trong khuôn khổ Liên Xô, nó vừa là tất cả vừa chẳng là cái gì hết, các cơ quan quyền lực của nó đơn thuần chỉ mang tính chất trang trí. Vì vậy, nước Nga, thực tế là một quốc gia mới, đang đứng trước nhiệm vụ cấp thiết là phải xây dựng một quốc gia dân tộc giống như nhiệm vụ đặt ra cho bất kỳ quốc gia nào mới xuất hiện. Còn có một nhiệm vụ nữa cũng bức xúc không kém là quá trình tự xác định lại chất Nga: những người bolsevich, do sợ rằng dân tộc dẫn đầu ở Liên Xô sẽ ngày càng tự ý thức dân tộc cao hơn, đã cố kiềm chế mọi chất Nga, hòa tan nó trong cái chất “xô viết” vô định hình. Điều đó đã gây tổn hại hết sức to lớn cho nền văn hóa dân tộc, lịch sử dân tộc.
Thứ tư, Việc giải quyết nhiều vấn đề của thời kỳ quá độ ở nước Nga càng gai góc hơn vì cho đến nay vẫn chưa kết thúc giai đoạn đầu của cuộc cách mạng dân chủ. Xét về phương diện này, vượt chúng ta không chỉ có châu Âu, mà thậm chí cả Mông Cổ, là nước mà Đảng Cộng sản cầm quyền trước đây tự xưng là Đảng Nhân dân – Cách mạng Mông Cổ, ngay từ năm 1993 đã từ bỏ chủ nghĩa Marx – Lenin, và trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa Hè năm 1996 đã thất bại trước khối các Đảng đối lập theo khuynh hướng Xã hội – Dân chủ và tự do. Ở các nước đó từ lâu đã không còn đặt ra vấn đề các lực lượng của quá khứ có thể trở lại phục thù. Thực tế, mọi thành viên có ít nhiều ảnh hưởng tham gia quá trình chính trị đều ủng hộ nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và hội nhập vào cộng đồng thế giới. Ở đó xã hội đã không còn bị lên cơn sốt mỗi khi có các cuộc bầu cử Quốc hội hay bầu cử Tổng thống. Dù ai thắng cử thì đất nước vẫn sẽ đi theo guồng quay của tiến bộ thế giới.
Còn ở Nga thì khác. Ở đây, đã nhiều năm, lực lượng đối lập cơ bản, có khả năng thay thế cho các lực lượng chính trị cầm quyền hiện thời vẫn là Đảng Cộng sản. Cuộc bầu cử quốc gia nào, về thực chất, cũng biến thành những trận chiến đấu để chọn con đường phát triển xã hội. Tính bất định đó, nói riêng, là một trong những nguyên nhân thất thu thuế, dẫn đến chỗ không trả nổi lương đều đặn cho những đối tượng ăn lương ngân sách, không cấp đủ tiền cho nhiều ngành, giảm vốn đầu tư và tương ứng, dẫn đến chỗ những vấn đề xã hội ngày càng trở nên gay gắt hơn và khiến chon gay cả các công dân nói chung tán thành đường lối cải cách cũng ngày càng bất mãn. Tính bất định đó cũng đang cản trở dòng vốn đầu tư từ bên ngoài vào nước Nga.
Thứ năm. Hầu như các nước hậu CSCN nào cũng đều kinh qua giai đoạn “CNTB hoang dã”. Điều đó thể hiện qua hoạt lực cực kỳ mạnh mẽ của tư bản phi pháp trong nền kinh tế, qua sự phát triển nhanh của hoạt động kinh doanh tiêu cực mà trong điều kiện nước Nga, nó đạt tới 40% toàn bộ doanh thu kinh tế, qua sự xuất hiện “kim tự tháp tài chính” và những hình thức lừa đảo cỡ lớn khác, qua những vụ cạnh tranh vô lương tâm thường gặp và quảng cáo cũng vô lương tâm như thế, qua nạn trốn thuế và nói chung là cách xử sự không văn minh của nhiều nhà doanh nghiệp mới phất lên. Và bên cạnh đó là tình trạng tiêu xài ngày càng xa xỉ hơn.
Trong sự phát triển của mình hầu như nước nào cũng đều trải qua giai đoạn tương tự. Cả nước Nga cũng đã từng có một thời như vậy, nhưng bây giờ chúng ta lại trở lại giai đoạn ấy. Nhưng nếu trước đây, “CNTB hoang dã” đã xuất hiện ở những quy mô khác nhau ở trình độ phát triển thấp kém về kinh tế, ở nhiều nước đã hoàn toàn không còn dấu vết trong ý thức quần chúng nữa thì nay tình hình lại khác hẳn. Đặc biệt là nếu nói về nước Nga với trình độ phát triển kinh tế, quy mô tài nguyên quốc gia của nó, với các quá trình thay đổi chủ sở hữu đang phát triển quá nhanh của nó… Càng chớ nên quên tình trạng suy đồi nhanh chóng về đạo đức trong nước, nơi mà suốt trong 70 năm trước đây đã từng diễn ra cuộc đấu tranh chống tôn giáo với nếp sống nhân dân, tâm linh nhân dân, đã gieo rắc thói quen mật báo, chỉ điểm, phản bội, thói đạo đức lá mặt lá trái. Giáng một đòn vào những lý tưởng đạo đức của người dân còn có sự sụp đổ uy tín của ảo tưởng CSCN cùng với thang giá trị của nó.
“CNTB hoang dã” đã bôi nhọ những hình thức mới của đời sống một cách khách quan. Không thể vì sĩ diện mà nhắm mắt làm ngơ điều đó được. Cần phải giải thích nguyên nhân của hiện tượng đó và có gắng hạn chế nó trong một phạm vi nào đó, đồng thời thực hiện một cách nhất quán chính sách nhằm rút ngắn bớt giai đoạn này trong sự phát triển của đất nước. Song cũng cần nhớ rằng nếu cố tình đẩy nhanh một cách giả tạo cuộc đấu tranh với “CNTB hoang dã” cũng có nghĩa là đồng thời đánh vào sự phát triển của các lực lượng sản xuất mới. Ở đây đòi hỏi phải có một chính sách mềm dẻo, có cân nhắc và một mức độ kiên trì nhất định, dựa trên việc hiểu đúng tính chất nhất thời của hiện tượng này, hay nếu muốn, có thể gọi là của cái ác này, trên cơ sở hiểu rằng “cái gì cũng phải trả giá”, như người ta thường nói. Vì cả những sai lầm của phái bolsevich, vì cả sự phồn vinh tương lai của nền kinh tế nước nhà.
Những vấn đề để đi đến ổn định
Vấn đề đi đến ổn định – chính xác hơn – không ổn định, đang được đưa lên hàng đầu ở nhiều nước hậu XHCN. Con đường từ Chủ nghĩa cực quyền chuyển sang dân chủ đối với nhiều nước nói cho đúng là đầy chông gai chứ không phải là được rải hoa. Có lẽ bi đát nhất là đối với Nam Tư cũ, là nước không chỉ tan rã, mà còn xảy ra nội chiến. Đã tan rã, nhưng trong điều kiện “ly dị văn minh” là trường hợp Chekhoslovakia cũ. Còn đoạn khởi đầu phát triển hậu CSCN của Rumania thì lại xung đột dữ dội. Đã trải qua nội chiến là Gruzia, Azerbajzhan, Moldavia và, ở mức độ nào đó, cả Armenia. Cuộc nội chiến ở Takizkhstan vẫn còn chưa dịu đi. Cũng không thể nói là hài hòa đối với cả sự phát triển của các nước Baltic.
Cơ sở của phần lớn các cuộc chiến tranh và xung đột tại các quốc gia hậu XHCN là mâu thuẫn giữa các dân tộc và các cộng đồng, nhưng không phải chỉ có vậy (minh chứng cho điều đó là thí dụ về tất cả các nước Zakavkaz thuộc Liên Xô cũ). Di sản của chủ nghĩa bolsevich vẫn còn ảnh hưởng mạnh. Nếp nghĩ cực quyền, tâm lý cực quyền, ý muốn giải quyết những vấn đề phức tạp bằng phương pháp “đấu đầu”, phương pháp hiệp thương đã nhiều năm mất ý nghĩa, ngược lại, thái độ không khoan nhượng cả trong hệ tư tưởng lẫn trong chính trị là cái được đề cao.
(còn tiếp)
Nguồn: TĐB 97 – 15 & 16
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét