Lê Phú Khải
2-3-2019
Vào một buổi chiều cuối năm 1988, tôi đang ngồi làm việc tại nhà riêng ở thành phố Mỹ Tho êm ả bên bờ sông Tiền, lúc ngẩng lên, bỗng thấy một ông già đội nón lá, tay xách cái bị đứng trước cửa! Nhìn kỹ hóa ra bác sỹ Nguyễn Khắc Viện (!). Bác Viện nói: Tôi xuống xe đò, quên mất đường đến nhà cậu, một bà lão hỏi: Có phải bác là sỹ quan mới cải tạo không? Tôi nói phải, thế là bà ấy chỉ đường cho tôi đến đây.
Từ sau ngày đất nước đổi mới (1986), bác Viện hễ vào Sài Gòn là hay xuống Mỹ Tho chơi với tôi. Bác muốn qua tôi để tìm hiểu về công việc làm ăn của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà tôi là nhà báo của trung ương duy nhất đang thường trú tại đó. Ở chơi nhà tôi, đôi lúc bác kể những chuyện “thâm cung bí sử” của triều đình cộng sản mà một trí thức như bác, thường được can dự hoặc chứng kiến…
Một trong những câu chuyện ít ai biết đó mà bác Viện kể cho tôi nghe là, chuyện Tổng Bí thư Lê Duẩn mời các trí thức đầu đàn lên bàn chuyện làm bom nguyên tử! Bác Viện kể (đại ý) người thứ nhất là kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Tổng bí thư hỏi: Có làm được bom nguyên tử không? Ông Nghĩa trả lời, không làm được! Thế là Tổng bí thư nổi giận, mắng: Trí thức mà ngu thế à!
Người thứ hai chính là Nguyễn Khắc Viện. Hỏi: Có làm được bom nguyên tử không? Trả lời: Làm được. Tổng bí thư mừng lắm, nói: Tiếp tục đi! Tiếp tục: Chỉ làm được một quả thôi! Hỏi: Tại sao? Trả lời: Làm xong một quả phải thử và sau đó thì hết vốn! Bán cả nước cũng không thể làm được quả thứ hai (!).
Người thứ ba được gọi lên là Phó Tiến sỹ Nguyễn Đình Tứ, học ở Đúp-na về, đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (trong đó có viện hạt nhân Đà Lạt). Tổng Bí thư hỏi, nhưng Nguyễn Đình Tứ cứ ngồi yên, không nói gì cả… Cứ như thế cho đến lúc… được ra về!
Trong cơn say chiến thắng sau năm 1975, các lãnh tụ cộng sản mắc bệnh vĩ cuồng. Chính tai tôi, tác giả bài viết này, đã được nghe thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo trong một hội nghị khoa học toàn quốc vào cuối năm 1978 rằng, Việt Nam phải đi tắt đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi mười lăm, hai mươi năm! Ông còn dặn các nhà khoa học cả hai miền Nam Bắc rằng, làm khoa học ở Việt Nam phải như Cù Chính Lan, chạy tắt rừng, đón đầu xe tăng địch mà đánh!!! Lũ trí thức hoạn quan có mặt trong Nhà hát lớn Hà Nội lúc đó đã vỗ tay rào rào!
Cũng may cho nhân dân ta có những bậc trí thức lớn, đủ trí, đủ dũng như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Tạ Quang Bửu… đã can ngăn các lãnh tụ sau cơn say chiến thắng, không bán cả nước đi để trở thành một siêu cường hạt nhân! Chúng ta hãy tưởng nhớ các vị đó.
Với nước ta, năng lượng hạt nhân được nghiên cứu để ứng dụng trong nông nghiệp kỹ thuật cao và y tế là đúng đắn nhất. Và, chúng ta đã làm tốt điều này. Năm 1985, “Luận chứng kinh tế- kỹ thuật trung tâm chiếu xạ TP. Hồ Chí Minh” của phó tiến sỹ Trần Tích Cảnh đã được thực thi ở cả hai miền Bắc-Nam để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm xuất khẩu nông-sinh-y. Tác giả Trần Tích Cảnh đã tặng người viết bài này một văn bản của luận chứng đó làm kỉ niệm mà tôi còn giữ!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét