Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC


9 giờ
Mạc Van Trang
NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC
Hôm qua ngồi trò chuyện, ngắm nghía Nguyên Ngọc mãi mà không dám viết gì về ông; không đủ tri thức và ngôn từ để diễn tả! May gặp bài này của Đỗ Ngọc Thống, xin rước về... Có một điều nực cười, hôm qua một bạn trẻ nói, con bạn ở trường về kể, cô giáo bảo, bài của nhà văn Nguyên Ngọc trong sách giáo khoa, chỉ tham khảo thôi, trên bảo, bây giờ ông ấy "phản động" rồi! Nhà văn Nguyên Ngọc cười... Còn mình thấy lòng thắt lại, xót xa!
NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC
(FB Đỗ Ngọc Thống)
Từ nhỏ, tôi đã yêu mến ông qua những trang văn: “Đất nước đứng lên”, “Rừng Xà nu”, “ Đường chúng ta đi”… Sau này thi thoảng gặp ông, chủ yếu là những lần đi cùng thầy Nguyễn Đăng Mạnh, rồi ở hội thảo, hội nghị, nghe ông phát biểu, chuyện trò… càng thấy kính trọng và khâm phục ông hơn.
Nếu tôi không nhầm, thì điều mà thầy Mạnh phục Nguyên Ngọc nhất là về nhân cách, nhất là sự thống nhất giữa nhân cách và văn chương ở con người Nguyên Ngọc. Tôi không cùng thế hệ, ít có công việc phải gặp và trao đổi với ông; nhưng tôi rất yêu quý và kính trọng Nguyên Ngọc, phần vì qua những gì ông viết; nhưng phần lớn là vì rất tin vào những gì thầy Nguyễn Đăng Mạnh đã nghĩ và viết về ông.
Chiều hôm qua gặp lại nhà văn Nguyên Ngọc, cùng anh La Khắc Hòa và mấy bạn văn, ăn cơm tối, trò chuyện với ông; tôi càng thấy những điều thầy Mạnh viết thật chính xác. Đây là Nguyên Ngọc trong mắt Nguyễn Đăng Mạnh:
“Tôi rất quý Nguyên Ngọc, và Nguyên Ngọc cũng mến tôi. Nhưng không bao giờ tôi dám đặt mình ngang hàng với anh. Nhìn anh tôi phải ngước mắt lên. Là tôi nói với nghĩa tinh thần thế thôi, chứ anh người thấp bé lắm. Bởi vì anh là một đấng anh hùng, còn tôi chỉ là một thằng hèn nhát. Anh từng lăn lộn vào sống ra chết thời chống Mỹ ở Quảng Nam – Đà Nẵng là vùng chiến sự ác liệt nhất. Vì thế ở Đà Nẵng, người ta đã chọn sẵn một đường phố để đặt tên anh khi anh qua đời…
Anh theo đuổi một cái gì rất cao, nên có những nguyên tắc sống rất nghiêm. Còn tôi thì sống thế nào cũng xong. Có phần dễ dãi với mình. Và cũng dễ mềm lòng trước những lời nói khéo, nói ngọt, tuy biết rằng chưa hẳn đã là chân thật. Nghĩa là sống thiếu nguyên tắc. Cái yêu, cái ghét của anh thì khác, phân minh lắm và không dễ thay đổi, lắm lúc dường như là cố chấp. Vừa rồi Ban chấp hành Hội nhà văn cấp cho anh mấy triệu gọi là tiền bồi dưỡng sáng tác. Anh không nhận. Viết gì đã có nhuận bút, còn tiền kia là của nhân dân, anh nghĩ thế và dứt khoát từ chối. Tôi thì tôi nhận ngay và tiêu luôn…” (1)
Có lần thầy Mạnh nói với tôi:“Thời buổi này giữ được nhân cách khó lắm”. Người ta có thể ghét, nhưng đừng để họ khinh. Muốn không bị khinh thì phải giữ được nhân cách. Tôi vốn đã phục thầy Mạnh về nhân cách, thế mà thầy Mạnh lại rất nể phục Nguyên Ngọc về điều này; thế thì làm sao tôi không kính trọng Nguyên Ngọc được?
Nguyên Ngọc có thể có người ghét, thậm chí nhiều kẻ ghét, nhưng tôi nghĩ không ai dám khinh ông. Kể cả những người ghét cũng không thể khinh ông. Cả đời ông cứ sống thẳng băng như cây Xà nu giữa núi rừng Tây Nguyên vậy.
3-3-2019
(1). Dẫn từ "Nguyễn Đăng Mạnh - chân dung và phong cách"

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: