Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

NGÀY NÀY NĂM ẤY: 15-3-1969 xung đột biên giới Trung-Xô lên đỉnh điểm. Suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân. Hú vía!


Hữu Thọ
 

Chả là từ giữa thập niên 1950, sau khi Stalin chết, Malencốp rồi Khrútsốp nắm quyền, anh Cả và anh Hai của phe XHCN phát sinh hục hặc, chửi nhau như hát hay, tiến tới muốn uýnh nhau. Đến cuối thập niên 1960, khi Brêgiơnép đã cầm quyền, tình hình căng thẳng cực, đến mức dọc theo đường biên giới chỉ có 4.380 km mà anh Cả bố trí tới 658.000 binh sĩ, anh Hai thì 814.000 quân. Từ tháng 1-1967 đến tháng 2-1969, hai bên đụng độ 16 lần, chủ yếu đấm đá, chửi bới, xê dịch cột mốc.
Ngày 2-3-1969 một đơn vị của anh Cả bị quân anh Hai phục kích, chết 59, bị thương 94 binh sĩ. anh Cả trả đũa bằng trận pháo kích tơi bời vào các doanh trại quân anh Hai. Ngày 15-3-1969, xung đột lên đỉnh điểm khi anh Cả cho xe tăng tấn công lên hòn đảo tranh chấp mà ảnh gọi là Damansky, anh Hai gọi là Trân Bảo. Đảo này bé tí tì ti, chỉ có 0,74 km vuông ở giữa dòng sông biên giới, anh Cả gọi là Ussuri, anh Hai gọi là Hắc Long Giang. Sau 3 ngày đêm giao tranh, gần 300 binh sĩ của cả 2 bên thương vong.
Sau đó uýnh nhau lai rai suốt 2 tháng. Anh Cả điên tiết, lên kế hoạch ném hàng trăm quả bom hạt nhân xuống các thành phố lớn của anh Hai. Tình báo của anh Hai biết được, thế là Mao Trạch Đông lệnh cho các căn cứ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẵn sàng chiến đấu, các thành phố lớn đào hầm, tích trữ lương thực. Để thăm dò thái độ của Mỹ, ngày 20-8-1969 Đại sứ Liên Xô Đôbrưnin gặp Cố vấn an ninh quốc gia Kissinger thông báo ý định này. Tổng thống Nixon can ngăn, vì ổng cho rằng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra (anh Hai cũng có bom hạt nhân mà lỵ), 25 vạn lính Mỹ đóng tại châu Á sẽ hứng ô nhiễm phóng xạ trước tiên, sau đó trật tự thế giới thay đổi và vị trí độc tôn của Mỹ sẽ lung lay. Thế là thôi.
Tuy nhiên, để đề phòng, Nixon vẫn ký mật lệnh cho quân Mỹ sẵn sàng tấn công hạt nhân vào 134 thành phố và căn cứ quân sự của anh Cả, nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Các cuộc đụng độ lai rai kéo dài đến tháng 9 mới tạm ngưng. Bởi sau khi sang Hà Nội dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên đường về, Chủ tịch HĐBT (Thủ tướng) Côxưghin ghé qua Bắc Kinh, đàm phán với Thủ tướng Chu Ân Lai ngay tại sân bay. Đến tháng 10, hai bên thỏa thuận đảo Damansky/ Trân Bảo thuộc về anh Hai. Tuy nhiên, còn nhiều đảo nữa cần đàm phán. Mãi đến tháng 10-2004, cuộc tranh chấp cuối cùng mới kết thúc.
Đại khái thế.
Ảnh 1: Binh lính hai bên trong một cuộc đối đầu trên đảo Damansky/ Trân Bảo; Ảnh 2: Tên lửa đầu đạn hạt nhân của Liên Xô trình diễn năm 1965; Ảnh 3: Dân Trung Quốc đào hầm tránh bom

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: