Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Hồi tưởng của nhà báo Hungary nhân 40 năm cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 1979


Lai Châu bị tàn phá - Ảnh: Dunai Péter
(NCTG) “Hà Nội là chuyến tác nghiệp dài đầu tiên ở nước ngoài của tôi, và Việt Nam từ ấy vẫn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi” – ký giả cựu trào Hungary, ông Dunai Péter chia sẻ trong bài viết dành riêng cho NCTG nhân 40 năm sự kiện 17-2-1979. Ông là một trong số ít ỏi các nhân chứng quốc tế có dịp chứng kiến những hậu quả của cuộc chiến biên giới 1979.
Chưa bao giờ tôi đến được Hữu Nghị Quan, địa điểm có lẽ nổi tiếng nhất của biên giới Việt – Trung, nằm cách thị trấn Đồng Đăng chưa đầy 5km. Một thời, đây là cửa khẩu đường bộ đông đúc nhất, nhưng sau cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, như sau này tôi mới biết, Trung Quốc đã chiếm làm sở hữu cả cửa khẩu này lẫn khu vực lân cận. Theo các nguồn của Trung Quốc, năm 1999, chính thức đã có 60km2 lãnh thổ Việt Nam bị sáp nhập vào Trung Quốc. Hiện tại, từ Hữu Nghị Quan tới cửa khẩu phía bên Việt Nam, cần phải đi bộ vài trăm mét.
Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam và sự kiện này khởi đầu cho một cuộc chiến ác liệt kéo dài một tháng, sau đó còn dai dẳng chừng một thập niên và như sự khép lại của Chiến tranh Đông Dương thứ ba, Hữu Nghị Quan hoàn toàn thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Sau những trận chiến khốc liệt diễn ra trong vòng một tháng trên lãnh thổ Việt Nam, chiến tranh không kết thúc, mà chuyển sang một giai đoạn kéo dài nhiều năm mà ngày nay, chúng ta gọi bằng cụm từ chuyên môn trong tiếng Anh “low intensity conflict” (LIC, tức xung đột cường độ thấp). Phía Trung Quốc theo một số giả thiết đã tiến hành cuộc chiến mở màn ngày 17-2 như một sự trừng phạt, nhưng họ đã không đạt được mục đích, cho dù thiệt hại về vật chất cho Bắc – Việt Nam là hết sức nặng nề.
Để lật đổ thể chế độc tài Polpot được Trung Quốc chống lưng, Việt Nam đã giúp đỡ lực lượng ái quốc Cam Bốt và điều này có thể đã khiến Bắc Kinh nổi khùng. Theo một bộ phim tài liệu năm 2016 của “Vietnam News”, chế độ Polpot đã trục xuất dân nhập cư Việt Nam khỏi đất nước và tấn công Việt Nam một cách hung hãn. Ngày 2-1-1979, phía Việt Nam huy động không quân cùng các lực lượng thiết giáp và giáng một đòn nặng xuống đầu Khmer Đỏ – chỉ trong vòng 5 ngày, quân đội Việt Nam đã tiến tới thủ đô Phnom Penh. Chế độ Polpot sụp đổ trong thực tế, chừng 10 ngàn cố vấn (quân sự) Trung Quốc bị phía Việt Nam bắt giữ.
Với cuộc chiến này, Việt Nam muốn tránh việc chạm trán với hai địch thủ cùng một lúc: cuộc chiến ở biên giới Tây Nam với Khmer Đỏ, và sự đối đầu tại biên giới phía Bắc với Trung Quốc, khi đó ngày một trở nên thù địch. Ngày 17-2-1979, các đạo quân Trung Quốc đã khởi chiến với Việt Nam từ bốn hướng. Trận chiến chính diễn ra ở tỉnh Lạng Sơn, dọc đường quốc lộ số 1 (QL1A).
Một giả thiết khác cho rằng trong giới lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đã diễn ra một số thay đổi: Đặng Tiểu Bình, người được coi là một mưu sĩ dày dạn, lúc đó lên nắm quyền và muốn loại trừ những nhóm Maoist trong quân đội Trung Quốc, và cuộc chiến chống Việt Nam là công cụ cho kế hoạch này. Bắc Kinh khả năng cũng tính đến việc khi khởi động cuộc tấn công, các đạo quân Việt Nam đang tiến nhanh ở Cam Bốt sẽ phải chững lại và như thế, Khmer Đỏ được “rảnh rang” hơn trong quá trình phòng ngự. (Tính đến thời điểm đó, sự kháng cự của Khmer Đỏ tại Cam Bốt đã tan rã trong thực tế, chỉ còn lại những đơn vị nhỏ và biệt lập tiến hành “chiến tranh du kích”). Những mối quan hệ ngày một khăng khít giữa Việt Nam và Liên Xô cố nhiên cũng khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại: ở phía Bắc, Trung Nam Hải phải đối đầu với một quân đội lớn mạnh, và phía nam cũng có những lực lượng quân sự giàu kinh nghiệm, có khả năng tác chiến và bảo vệ nước CHXHCN Việt Nam mới được thống nhất).
Từ Hữu Nghị Quan, chỉ mấy trăm mét thôi là khởi đầu của QL1A, quốc lộ số 1 nổi tiếng gần như xuyên suốt toàn lãnh tổ nước Việt. Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi tới đó, những khu vực gần ranh giới của QL1A bị ngăn lại theo trí nhớ của tôi. Những cuộc giao tranh, lựu đạn và những bãi mìn do quân Trung Quốc để lại khi rút lui khiến việc đi lại không lấy gì làm an toàn. Tôi nhớ, để tới được địa điểm trao đổi tù binh – đoạn biên giới Việt – Trung -, chúng tôi đã phải đi bộ nhiều cây số theo con đường mòn hiểm trở mà cả hai bên đường là những bãi bom mìn. Bản thân việc trao trả tù binh thì được tiến hành trên con đường lát bê-tông hẹp nối liền hai nước với bề rộng chừng 5m và nham nhở bởi tạc đạn oanh tạc.
Điều gì đã xảy ra 40 năm trước? Khi đó, chúng tôi có rất ít thông tin về cuộc chiến kéo dài khoảng một tháng của Việt Nam để chống lại quân Trung Quốc. Như đã từng nói, lúc ấy chúng tôi – mặc dù là những phóng viên ngoại quốc ở Hà Nội – cũng không có được thông tin chính xác, chân thực về những tổn thất chiến tranh (hoặc nếu có thì cũng chỉ rất hạn chế). Chẳng hạn, chỉ sau đó nhiều thập niên tôi mới hay, khoảng 10 ngàn người Việt và tối thiểu 30 ngàn người Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến. Nhưng như tôi được biết, những con số này cũng xuất phát từ các nguồn thứ cấp, theo ước tính của Phương Tây. Những nguồn tin bậc một, thời ấy và cả bây giờ cũng vẫn còn khá hạn chế.
Trung Quốc không có kinh nghiệm trực tiếp về tác chiến vì trận chiến lớn cuối cùng mà binh lính nước này tham dự là vào đầu thập niên 50, khi chừng nửa triệu quân nhân được tung sang Bắc Hàn để bảo vệ chính thể ở đó, trong Lực lượng Chí nguyện quân Nhân dân Trung Hoa.
Theo khẳng định của những nguồn tin Phương Tây, ví dụ Gerald Chan (NXB Oxford University Press, năm 1989) và tờ tạp chí Mỹ “Military Law Review” (số 119-122), những cuộc trao trả tù binh diễn ra vào tháng 5-6 năm 1979. Từng tham gia không ít cuộc trao đổi tù binh tại biên giới Việt – Trung, kinh nghiệm cá nhân của tôi là tới những năm 1982-1983 cũng còn nhiều đợt trao trả tù binh được tổ chức. Dĩ nhiên, một số tù binh được gọi là biệt kích, đột nhập vào lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ xung đột cường độ thấp, tức là sau những trận chiến ác liệt tháng 2-3 năm 1979. Một vài người còn bị đưa ra tòa ở Hà Nội vì những hành động biệt kích phá hoại. Những vụ án đó có được giới truyền thông Việt Nam tường thuật, vài vụ phóng viên nước ngoài cũng được dự, chí ít là ở phần công khai của phiên xử. Có trường hợp các tù binh Trung Quốc bị kết tội biệt kích phá hoại được giới thiệu riêng cho giới ký giả và các nhân viên ngoại giao nước ngoài.
Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, những cuộc chiến ở biên giới hai nước vẫn tiếp diễn, cho dù tháng 3-1979 quân đội Trung Quốc chính thức rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tại Hà Nội, Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao kết hợp cùng Bộ Tư lệnh quân sự các vùng biên giới thường xuyên tổ chức những chuyến đi làm phóng sự cho nhóm ký giả ngoại quốc làm việc tại thủ đô và các nhà báo địa phương cũng đi cùng.
Vào thời điểm đó, chỉ có khoảng chục phóng viên nước ngoài làm việc ở Hà Nội, chủ yếu là đến từ các nước XHCN. Duy nhất một phóng viên thường trú Phương Tây được phép tác nghiệp, đó là nhân viên của hãng AFP (Pháp). Đông đảo nhất là các nhà báo Liên Xô. Nhiều phóng viên thường trú của các cơ quan truyền thông như hãng thông tấn TASS, tờ “Sự thật” (Pravda), tờ “Tin Tức” (Izvestia), của hãng thông tấn APN (Novosti)… đều có mặt khi đó.
Đã có bận tôi ngủ tại một căn cứ của Việt Nam ở vùng biên giới, và đắp lên người bằng tấm đệm nhàu nát, cũ kỹ và không lấy gì làm mềm mại, hệt như các chàng “bộ đội” (tác giả viết bằng tiếng Việt – ND). Từ đó, chúng tôi đi bằng xe quân sự, khi tới gần biên giới thì xuống đi bộ xem tình hình thế nào. Người dẫn đoàn chỉ cho chúng tôi thấy những hố sâu trên đồng ruộng hoặc vườn cây do tạc đạn gây ra bởi pháo binh Trung Quốc bắn từ bên kia biên giới.
Bản thân tôi cũng đã từng phục vụ trong binh chủng pháo binh thập niên 50 tại Hungary, do đó tôi có biết về các loại lựu đạn, các vũ khí của pháo binh và tác động của chúng. Tạc đạn công phá tạo thành những hố, có chỗ sâu tới nửa thước, thành hố ám khói xám. Có những hố còn bốc khói khi chúng tôi tới gần.
Họ thường bắn từ bên kia biên giới, người dẫn đoàn cho chúng tôi hay, bằng loại đại liên 12,7mm của Liên Xô mà cả quân đội Trung Quốc lẫn Việt Nam đều sử dụng với cái tên được ưa chuộng là DShK. Tôi được biết là trong mọi trường hợp, biên phòng Việt Nam đều có “hồi âm” thích hợp và “tương xứng” sang phía bên kia. Trong thực tế, mục đích duy nhất của việc pháo binh Trung Quốc nã súng từ bên kia biên giới sang lãnh thổ Việt Nam là để quấy nông dân Việt làm việc ở vùng biên, trên những cánh đồng trồng lúa.
Thời gian 1981-1984 tôi làm việc ở Việt Nam trên cương vị phóng viên thường trú tại Hà Nội của Hãng Thông tấn Hungary MTI và nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság). Nhiều lần tôi đã đi suốt QL1A, đa phần là đoạn từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh (tức Sài Gòn). Khi đó còn chưa có các chuyến bay thường kỳ giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, do vậy thông thường tôi hay đi xe trên con đường này (thời kỳ đầu là một chiếc Zhiguli 1200 của Liên Xô, sau đó, khi Trung tâm ở Budapest cho thêm tiền, tôi có thêm một chiếc Toyota Corona). Đi mất hai ngày, thường tôi ngủ đêm lại Đà Nẵng. Có lẽ tôi là phóng viên Hung đi lại nhiều nhất ở Việt Nam bằng xe hơi. Do đó, tôi đã đặt tên cho cuốn sách của mình là “Một trăm ngàn cây số tại Việt Nam” (“Százezer kilométer Vietnamban”, sách do NXB Kossuth ấn hành năm 1985).
Sau cuộc chiến biên giới thắng lợi, Việt Nam trải qua những năm tháng yên bình hơn, dân tộc phải chịu quá nhiều khổ đau này xứng đáng được hưởng điều đó. Thời kỳ tôi ở Việt Nam, đất nước này đang tìm đường trong kinh tế: làm sao xây dựng được một thứ CNXH nào cho phù hợp với những hoàn cảnh đã đổi thay, Đảng Cộng sản làm sao lãnh đạo trong tình cảnh mới, phải nhường bước đến đâu cho những lợi ích (lợi nhuận) cá nhân, làm sao tổ chức lại nền nông nghiệp mà khi đó có lẽ là ngạch kinh tế quan trọng nhất.
Từ dạo đó, tôi vẫn chú tâm tới sự phát triển của Việt Nam và rất vui mừng với sự phát triển ngoạn mục mà nước này đã đạt được. Hồi đầu thập niên 80, sau cuộc chiến với người Mỹ và Trung Quốc, có thể nhận thấy Việt Nam kiệt quệ ghê gớm. Đất nước nghèo khó khủng khiếp! Người dân gày gò vô cùng, ngay tại thủ đô cũng có nhiều người chết vì đói khổ thiếu thốn. Thuốc men cũng hiếm, người dân bị nhiều căn bệnh do chế độ dinh dưỡng ít ỏi và thiếu đa dạng, ví dụ bệnh tê phù Beriberi do thiếu vitamin B1 vì khẩu phần ăn vô cùng ít, chủ yếu chỉ có cơm. Thịt rất hiếm và rất đắt đỏ so với mức lương thời đó.
Tôi cảm thấy hổ thẹn trước người dân Việt chịu nhiều khổ đau vì tôi có nhà, có ăn và có xe cộ để đi lại. Hồi ấy có hai khách sạn lớn ở Hà Nội, cả hai đều dành cho người nước ngoài ở thường xuyên (chủ yếu là giới ký giả và nhân viên các đại diện thương mại). Tôi được ở tầng trên cùng (tầng ba) của khách sạn Thống Nhất nằm ở ngay trung tâm Hà Nội, trong một căn hộ hai phòng và có cả nhà bếp. Khách sạn ấy, giờ đây đã trở nên rất được ưa chuộng trong một nhóm nhỏ, ở địa chỉ 15 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm.
Ở ngã tư nơi giao lộ giữa Hai Bà Trưng và Ngô Quyền, chúng tôi mua bánh mỳ Pháp loại dài một gang tay tại hàng bánh thắp đèn dầu của một phụ nữ luôn ngồi xổm cạnh bờ tường. Dạo đó bột làm bánh cũng tệ, đầy bọ và tất nhiên khi nướng lên thành chiếc bánh thơm ngon rồi thì vẫn thấy những con bọ đó. Khách từ Châu Âu hay Budapest qua, chúng tôi thường mời họ ăn loại bánh này, nhìn chung là rất ngon và hơi có vị dầu hỏa, chúng tôi trấn an khách rằng hạt thì là Tây đấy…
Tôi có được nghe rằng giờ ở nơi từng là khách sạn Thống Nhất, đã có một khách sạn hoàn toàn mới được xây, nhưng vào thời tôi ở thì Thống Nhất còn giữ được vẻ bề ngoài ban đầu, cho dù nó đã rất tồi tàn và ở trạng thái cần tu sửa. Chúng tôi luôn lo ngại rằng những xà gỗ một lúc nào đó sẽ bốc cháy. Cũng tại đây, phóng viên AFP đã ở cùng vợ, anh ta là nhà báo Phương Tây duy nhất mà Việt nam cho phép tác nghiệp thời đầu thập niên 80. Cho dù khách sạn này đã trở thành một phần của lịch sử. Charlie Chaplin đã cùng Paulette Goddard hưởng tuần trăng mật tại đây. Somerset Maugham cho ra đời “Quý ông trong phòng trọ” (The Gentleman in the Parlour) giữa bốn bức tường của tòa nhà này. Năm 1951, Graham Greene khi viết “Một người Mỹ trầm lặng”, cũng ở khách sạn này. Và cũng ở một phòng nào đó của Thống Nhất, thời kỳ diễn ra cuộc chiến Việt – Mỹ, Jane Fonda khi đó bị phe cánh hữu bảo thủ gọi bằng cái tên châm chọc là “Hà Nội – Fonda” đã từng nghỉ chân ở đây. Chúng tôi, như đã nói, ở tầng 3 trong một căn hộ 2 phòng và có nhà bếp riêng, thời đó như thế là rất sang trọng. Dạo ấy, khách sạn Thống Nhất vẫn có điện khi tại các con phố lân cận, điện bị cắt một thời gian để tiết kiệm hoặc do thiết bị quá tải.
Văn phòng ký giả của tôi ở tầng trệt phía cánh phải của khách sạn Thống Nhất. Tôi có một chiếc máy telex cũ rích của Mỹ, nếu tôi nhớ không nhầm thì là nhãn hiệu Westinghouse, và gửi các phóng sự về Budapest qua chiếc máy đó. Bao giờ tôi cũng phải liên lạc trước với trung tâm telex để họ cho tôi “đường dây” về Budapest. “Dear, pls give me a line to Budapest”, tôi viết như vậy với người thường trực đáng mến người Việt ở đường dây bên kia, mà tôi cho là phụ nữ. Vài phút sau, khi có “đường dây”, máy bắt đầu vận hành, tôi cài bài viết đã được ghi ra băng (chính xác hơn là đã được đục lỗ) và ở bên kia, tại Budapest, các bản tin của tôi đã được đọc.
Tôi học được hai câu ngắn tiếng Việt đầu tiên. Câu đầu được các bạn Việt Nam dạy cho tôi trong những chuyến đi ven biên giới phía Bắc: “Có mìn” (tác giả viết bằng tiếng Việt – ND). Hai từ đó được viết bằng phấn lên những tấm bảng con đặt ở nhiều nơi, cảnh báo về một nguy hiểm chết người. Điều đó có nghĩa là tôi chỉ được đi trên con đường đất hẹp đã được vạch ra, vì nếu rời khỏi đó, có thể dẫm phải mìn của Trung Quốc thời 1979, hoặc thậm chí do người Mỹ ném từ máy bay thời kỳ trước đó.
Câu thứ hai mà tôi học thuộc là “Không có điện”. Thời gian đó, đây có lẽ là câu nói được nhắc tới nhiều nhất mà tôi nghe từ Kiêm, người phiên dịch xuất sắc, người bạn của tôi mà từ ấy, tôi vẫn nghĩ đến anh với tình cảm thương mến. Anh đã giúp tôi rất nhiều, về mặt con người và chuyên môn. Sau này Kiêm chuyển sang Budapest sinh sống, gia đình anh một phần ở lại Việt Nam, tình bạn của chúng tôi sau nhiều thập niên vẫn được giữ gìn. Ở Budapest, tôi có dịp tham dự lễ cưới của con gái anh tại một nhà hàng Việt, cô dâu kết hôn với một chàng trai Hung.
Ở Budapest và Hungary trong vòng 5 năm gần đây, ẩm thực Việt Nam trở nên rất được ưa chuộng. Tôi biết hàng tá quán ăn Việt, nơi có thể thưởng thức các món phở bò, phở gà, bò xào… (tác giả viết bằng tiếng Việt – ND) rất ngon. Trong những năm tháng làm việc ở Việt Nam, phở là món ăn chính của tôi, đặc biệt là khi tôi đi xe hơi khắp đất nước, làm các phóng sự dọc theo quốc lộ số 1. Tôi còn nhớ khi vừa ra khỏi miền Nam, từ Đông Hà ra phía Bắc qua con sông Bến Hải ngăn cách hai miền Nam – Bắc một thời ở vĩ tuyến số 17, trước khi tới Đồng Hới, sau khoảng 20 cây số tính từ con sông biên giới, phía bên trái đường có dãy quán nhỏ làm bằng lá dừa, tại đó phở được nấu nóng bỏng ngày đêm trong những chiếc nồi đen khổng lồ. Giới tài xế xe tải lai vãng chặng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh bình chọn phở ở đây ngon nhất Việt Nam!
Những tài xế đó làm việc nhiều không thể tả nổi. Khi tôi đi xe Zhiguli từ Bắc vào Nam và tới thị trấn Cửa Việt tại phía Nam của vĩ tuyến 17, khi ấy cây cầu bị bom oach tạc vẫn chưa được phục hồi, tôi luôn phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ cho tới khi chưa tìm thấy một tài xế xe tải nào cho chiếc Zhiguli của tôi lên khoang phía sau, tất nhiên là cần trả tiền thích đáng. Bởi lẽ xe nhỏ, không thể qua con sông sóng cuộn, đôi khi sâu tới mét rưỡi bởi những cơn lũ mùa xuân.
Tôi không phải là người duy nhất làm như thế. Khoảng thời gian ấy, những người đi ôtô chặng Hà Nội – Sài Gòn (viên chức nhà nước, nhân viên các công ty, vì dạo đó hầu như không có xe hơi cá nhân) đều chọn cách đó cả. Xe tải đậu cạnh một gò đất nhỏ và chiếc Zhiguli bò lên phần sau của nó vốn được dùng để chở hàng. Khi sang tới bên kia sông thì quá trình này lại diễn ra theo chiều ngược lại. Ngay cả những nông dân đi bộ – trong số đó nhiều người mặc áo tơi và đội nón để chống mưa – cũng bám vào và trèo lên xe tải để vượt sông.
Không bao giờ tôi quên được 4 năm ở Việt Nam, cho dù điều kiện sống ở đó là khắc nghiệt nhất. Về sau, tôi còn làm phóng viên thường trú ở nhiều nơi khác, trong số đó có Moscow, Bắc Kinh, Berlin và vài chục nước trên thế giới như ở Mỹ, Cận Đông… nhưng Việt Nam vẫn đóng vai trò đặc biệt trong đời tôi và sự nghiệp chuyên môn của tôi. Hà Nội là chuyến tác nghiệp dài đầu tiên ở nước ngoài của tôi, và Việt Nam từ ấy vẫn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi.
Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và dịch từ nguyên bản tiếng Hungary
Nguồn:Đăng lại từ Nhịp Cầu Thế giới.
(Xin phép tác giả Nguyễn Hoàng Linh và Nhịp Cầu Thế Giới. Chúng tôi có thay tựa từ “HỒI TƯỞNG CỦA NHÀ BÁO HUNGARY NHÂN 40 NĂM CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI 1979” thành “Hồi tưởng của nhà báo Hungary nhân 40 năm Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 1979”)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: