Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Chân dung nguyên Phó Thủ tướng Đức vừa nhận lời về Việt Nam làm việc: Cậu bé mồ côi gốc Việt từng lập nhiều kỷ lục trên chính trường nước Đức



Chân dung nguyên Phó Thủ tướng Đức vừa nhận lời về Việt Nam làm việc: Cậu bé mồ côi gốc Việt từng lập nhiều kỷ lục trên chính trường nước Đức
Sáng 15/3, Tập đoàn VinaCapital công bố việc mời được TS. Philipp Roesler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital đánh giá TS. Philipp Roesler là người có kinh nghiệm và tầm nhìn độc đáo. Nhờ vậy, ông Philipp Roesler có thể đóng góp thiết thực vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như cố vấn cho các công ty được VinaCapital đầu tư.
Ở chiều ngược lại, TS. Philipp cho biết các startup của Việt Nam có nguồn năng lượng và đam mê rất lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp của mình. Ông tin rằng Việt Nam có rất nhiều startup đầy tiềm năng, cộng thêm sự ủng hộ của Chính phủ thì đây là thời điểm để các startup Việt vươn ra thế giới.
TS. Philipp Roesler sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, Ba Xuyên (nay là tỉnh Sóc Trăng). Ông là trẻ mồ côi, không rõ cha mẹ, họ tên gốc và được chăm sóc bởi viện mồ côi công giáo của nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux. Khi 9 tháng tuổi, ông được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi. Cha nuôi ông là một người lính trong quân đội Đức.
"Trong thời gian làm phi công cho quân lực Đức, cha tôi đã gặp nhiều người Việt Nam. Trong những năm 1970, ông thường sang Mỹ và gặp những người Việt Nam được tập huấn ở đây. Chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến ông, cũng như đa số những người thuộc thế hệ này. Lúc đó ông chỉ có hai lựa chọn, hoặc xuống đường biểu tình phản đối, hoặc giúp đỡ một cách thiết thực nhất. Ông đã chọn cách thứ hai, nhận một đứa con nuôi Việt Nam - đó là tôi", ông Philipp Roesler nhớ lại.
Ông cũng kể rằng khi mình 4 – 5 tuổi, cha nuôi đã đặt ông trước gương rồi nói: "Hãy nhìn con, rồi nhìn cha, con với cha khác nhau. Nhưng dù cho điều gì xảy ra, hay người ta nói cái gì, thì cha vẫn luôn là cha của con".
Khi trưởng thành, ông Philipp Roesler theo học tại Đại học Y khoa Hannover và được nhận học vị Tiến sĩ Y khoa vào năm 2012. Trước khi trở thành chính trị gia, ông từng là một bác sĩ phẫu thuật tim và lồng ngực.
Sự nghiệp chính trị của Philipp Roesler được ghi dấu bởi những kỷ lục khi trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ nhất (năm 2009), Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ trẻ nhất (năm 2010), Chủ tịch đảng trẻ nhất, Phó Thủ tướng trẻ nhất (năm 2011) và là người gốc nước ngoài đầu tiên tại Đức nắm giữ cương vị này. Sau khi thôi giữ chức Phó Thủ tướng Đức vào năm 2013, Philipp Roesler trúng cử vào vị trí Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Về kinh doanh, ông Philipp tham gia quản lý High-tech Grunderfonds, đơn vị hợp tác công tư quản lý gần 3 tỷ EUR và ra mắt thành công hơn 500 công ty công nghệ cao. Ông cũng tham vấn cho Founder’s Fund, quỹ đầu tư nổi tiếng khi tham gia vào các công ty SpaceX, Uber, PayPal...
Ông Philipp Roesler cùng gia đình về Việt Nam lần đầu tiên năm 2006. Qua chuyến đi này, ông đã có cơ hội kết nối liên lạc với sơ Mary Marthe, người đã chăm sóc ông trong những ngày ở trại trẻ mồ côi Khánh Hưng.
Sau đó, ông cũng đã có nhiều dịp trở lại Việt Nam vào các năm 2012, 2014, 2017 và mới nhất là trong năm nay - 2019. Trong chuyến thăm lần thứ 3 hồi năm 2014, khi chia sẻ với báo chí, ông  nói rằng có thể tổ chức một chuyến đi xuyên Việt cho các con gái, để chúng có thể hiểu được về cội nguồn, gốc gác dòng máu Việt của mình.
Chia sẻ về Việt Nam nói chung, ông cho biết đánh giá cao nền kinh tế hơn 90 triệu dân này. Đặc biệt, ông rất lưu ý đến lực lượng trẻ. "Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, cơ sở hạ tầng hay công nghệ mà chính là giới trẻ", ông từng nhận định.
Theo ông những người trẻ Việt Nam thực sự rất tài năng, sáng tạo, đầy nhiệt huyết và làm việc hết sức chăm chỉ và có rất nhiều trong số đó nuôi khát vọng trở thành những doanh nhân. Do đó, điều cần làm là trao cho thế hệ trẻ cơ hội với một môi trường tốt, cũng như xây dựng hệ thống giáo dục hoàn thiện hơn.
Hà Thư (tổng hợp) /  Trí thức tre
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: